Thoáng nhìn về 210 năm Dòng Tên hiện diện và phục vụ tại Việt Nam (1957-1975)

GIAI ĐOẠN 1957-1975:

TRỞ LẠI VIỆT NAM
HUẤN LUYỆN TRÍ THỨC VÀ ĐÀO TẠO GIÁO SĨ

Ngày 24.05.1957, Dòng Tên chính thức trở lại Việt Nam sau 184 năm vắng bóng (1773-1957). Sự trở lại này mở ra một trang sử mới, một khởi đầu mới cho một sứ vụ mới trong một hoàn cảnh mới tại một đất nước mà trước đây đã từng có hơn 155 Giêsu hữu người nước ngoài, thuộc 20 quốc tịch khác nhau đến truyền giảng Tin Mừng và đặt nền cho việc khai sinh Giáo Hội tại Việt Nam, cùng với 33 Giêsu hữu người Việt, trong 158 năm (1615-1773)

ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ[40]

Từ sau sau Hiệp Định Genève, tuyên bố cuối cùng ngày 21.07.1954, đất nước Việt Nam lại bị chia đôi. Miền Bắc theo chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, Miền Nam trở thành Việt Nam Cộng Hoà. Tại Trung Hoa, năm 1949, chính quyền cách mạng trục xuất hơn 700 Giêsu hữu thừa sai thuộc 9 tỉnh Dòng ngoại quốc khỏi Hoa Lục. Các Giêsu hữu phải tản mác đi phục vụ  nhiều nơi, nhất là tại Hồng Kông, Macao, Đài Loan, Philippin và Thái Lan. Nhưng vẫn còn nhiều Giêsu hữu ‘chưa có việc làm’!

Năm 1953, theo gợi ý của một số cựu sinh viên đại học Aurora (Thượng Hải), sinh sống tại Chợ Lớn, cha Paul O’Brien, cha Kinh Lược, đảm trách các Giêsu hữu đã bị trục xuất khỏi Hoa Lục, tới Sàigòn để nghiên cứu tình hình gởi người đến phục vụ đồng bào người Hoa tại Việt Nam.

Năm 1955, Đức Cha Ngô Đình Thục đến Roma gặp cha Tổng Quyền Dòng Tên là Gioan Baotixita Janssens để mời các Giêsu hữu đến lập một đại học Công Giáo tại Việt Nam.
Năm 1956, Cha André Gomane, trên đường về Bangkok, được cha Kinh Lược mới là Oñate sai ghé vào Việt Nam để thăm dò khả năng gởi Giêsu hữu qua phục vụ Giáo Hội Việt Nam. Các vị hữu trách trong Giáo Hội và cả phía chính quyền gợi ý mở cư xá sinh viên như ở Hồng Kông và giảng dạy ở đại học. Đức Khâm Sứ Tòa Thánh thì đề nghị Dòng Tên nhận trách nhiệm mở một chủng viện thuộc quyền Giáo Hoàng tại Đà Lạt để giúp đào tạo hàng giáo sĩ. Trở về Roma, báo cáo của cha Gomane được trình lên cha Tổng Quyền. Tháng 12 năm 1956, Cha Kinh Lược Oñate gặp cha Tổng Quyền. Ngài yêu cầu nhóm thừa sai bị trục xuất khỏi Trung Hoa đảm nhận việc đến lập cơ sở mới phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam.

Tháng 4 năm 1957, cha Oñate và cha Georges Germain tới Sài Gòn để thực hiện chương trình. Cha Germain được giao nhiệm vụ cấp tốc tìm nhà cho 4 Giêsu hữu sẽ tới giảng dạy đại học có nơi trú ngụ. Một ngôi nhà trước đó là câu lạc bộ của sĩ quan Pháp, được chính quyền thời đó bán với giá tượng trưng, toạ lạc tại 175B Đường Champagne lúc bấy giờ. Sau đó địa chỉ đổi thành 161 Yên Đổ, Quận 3, Sàigòn, nay là 171 Lý Chính Thắng, Quận 3, TP. HCM. Ngôi nhà này trở thành cơ sở đầu tiên của Dòng Tên khi trở lại Việt Nam. Đó là Nhà Tổ của Dòng Tên Việt Nam.

Ngày 24.05.1957, hai Giêsu hữu đầu tiên đến ở tại ngôi nhà đó là cha Ferdinand Lacretelle và tu huynh J.B. Hanrio. Cả hai đều là người Pháp. Cuối tháng 12.1957, có thêm 4 Giêsu hữu khác đến. Đó là cha Marcel Lichtenberger, giáo sư bác sĩ người Bỉ; cha André Gaultier, giáo sư triết người Pháp; cha André Gélinas, giáo sư sử học người Canada; cha Claude Larre, giáo sư Hán học, người Pháp. Các Giêsu hữu này tham gia vào việc giảng dạy tại đại học Y Khoa và Văn Khoa. Cộng đoàn đầu tiên được thành lập mang tên Nhà Thánh I-nhã (Maison Saint Ignace). Nhưng sau này thường được gọi là Nhà Đắc Lộ hoặc Trung Tâm Đắc Lộ. Ở đây, ngoài một nhà nguyện nhỏ dành cho cộng đoàn, còn có một nhà nguyện lớn hơn dành cho giáo dân. Năm 1972, vì muốn dùng nhà nguyện lớn này làm phòng thu (studio) cho các chương trình truyền hình, nên Dòng khởi công xây một nhà nguyện mới lớn hơn vào cuối năm 1974.

Về phía Dòng, vào ngày lễ Giáng sinh 25.12.1957, cha Bề Trên Cả J.B. Janssens ký sắc lệnh thành lập Tỉnh Dòng Viễn Đông gồm các nhà tại Trung Hoa, Đài Loan và Philippin, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam lúc này mới chỉ có Nhà thánh I-nhã.

Theo như gợi ý ban đầu của Đức Khâm Sứ muốn các cha Dòng Tên đảm nhận việc huấn luyện chủng sinh, năm 1958, cha Ferdinand Lacretelle lên Đà Lạt lập Giáo Hoàng Chủng Viện. Một năm sau, Chủng viện này được đổi tên là Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X. Giáo Hoàng Học Viện bắt đầu được xây dựng quy mô vào năm 1961, hoàn tất năm 1964. Ban Giáo sư của GHHV gồm các giáo sư thuộc 8-10 quốc tịch khác nhau, hầu hết là tu sĩ Dòng Tên.

Năm 1959 trong khuôn viên của cộng đoàn thánh I-nhã, các cha đã mở Trung Tâm Đắc Lộ. Tính đến năm 1975, trung tâm này đã phát triển thành một quần thể bao gồm một cư xá cho 60 sinh viên, một thư viện lớn với nhiều phòng đọc sánh yên tĩnh cho hơn 1.000 sinh viên tới học hỏi và nghiên cứu. Một trung tâm truyền hình – Truyền hình Đắc Lộ – được thành lập. Thêm vào đó còn có tạp chí Phương Đông và phong trào Hưng Giáo Văn Đông, Gia Đình Nhập Thể, với chủ trương về nguồn dân tộc và sống đạo sâu xa với tâm tình người Việt, đưa Chúa nhập thể vào những tinh hoa của văn hóa đông phương theo tinh thần hội nhập văn hóa của cha Đắc Lộ.

Năm 1960 cha F. Lacretelle lập Nhà Tập Dòng Tên tại Thủ Đức. Ngài là vị Giáo Tập đầu tiên của Nhà Tập Dòng Tên Việt Nam. Nhà Tập này được dâng kính cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Năm 1962, cha Jacques de Leffe, lúc ấy là Bề Trên cộng đoàn Thánh I-nhã, lập Trung tâm sinh viên Xaviê tại Huế với mục đích tương tự như Trung Tâm Đắc Lộ và mở trường trung học Tín Đức kể từ niên khóa 1964-1965.

Năm 1965, Nhà Ứng Sinh đại học được thiết lập trong khuôn viên Trung Tâm Đắc Lộ.

Ngày 8 tháng 9 năm 1966, các nhà tại Thái Lan và Việt Nam được gom thành Miền Thái -Việt, thuộc Tỉnh Dòng Viễn Đông. Cha Jacques de Leffe làm Trưởng Miền tiên khởi.
Cùng năm ấy, Học Viện dành cho các học viên tỉnh Viễn Đông từ Baguio, Philippin được chuyển về Đà Lạt. Học Viện Thánh Giuse (Học Viện Dòng Tên) được thành lập với ngôi nhà đầu tiên tọa lạc tại số 02 Đường Huyền Trân Công Chúa. Tuy nhiên, trong một lần bị pháo kích năm 1968, một phần nhà đã bị hư hỏng. Cùng với nhu cầu có một cơ sở lớn hơn, năm 1969, Học Viện Dòng Tên chuyển sang cơ sở mới tại số 09 Đường Cô Giang. Học Viện này bị Nhà Nước trưng dụng từ năm 1986.

Đến năm 1970, Trung Ương Dòng tổ chức lại Tỉnh Dòng Viễn Đông và đổi tên là Tỉnh Dòng Trung Hoa. Các nhà của Tỉnh Viễn Đông cũ tại Philippin được giao lại cho Tỉnh Dòng Philippin. Dịp này, Thái Lan và Việt Nam, trước đây là một đơn vị, được tách làm hai Miền trực thuộc tỉnh dòng Trung Hoa. Năm 1972, cha Sesto Quercetti được chọn làm Trưởng Miền Việt Nam cho đến tháng 04.1975.

Với sự thay đổi trên về cơ cấu, cùng năm 1970, cộng đoàn Anrê Phú Yên, 105 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Sài Gòn, nay là đường Trần Quốc Toản, được thành lập. Đây là trụ sở của Miền Việt Nam cho đến khi bị Nhà Nước tiếp quản. Nhà Ứng Sinh dành cho các ứng sinh đại học được chuyển từ Nhà Đắc Lộ về đây.

Vào đầu thập niên 70, Dòng thiết lập cơ sở Truyền hình Đắc Lộ (cạnh Cư xá sinh viên Đắc Lộ). Truyền hình Đắc Lộ nhắm đến việc giáo dục đại chúng với nhiều chương trình giáo dục thiếu nhi, giáo dục lối sống gia đình …. Bên cạnh đó, một số cha bắt tay vào chương trình Đặc nhiệm phát triển nông thôn (DETA), nghiên cứu và thực nghiệm các kỹ thuật canh nông mới, xuất bản những tài liệu phổ biến kỹ thuật canh tác chăn nuôi, nông ngư nghiệp, vừa giúp nông dân về cách tăng gia lợi tức, vừa nhắm đến việc phát triển cộng đồng.

Năm 1972, thành lập Nhà Ứng Sinh thứ hai dành cho các ứng sinh trung học tại Thủ Đức, trong khuôn viên đất Nhà Tập. Cũng trong năm ấy, Cha Pedro Arrupe, Bề Trên Tổng Quyền viếng thăm Miền Việt Nam.

Đầu năm 1975, khi tình hình Miền Nam Việt Nam trên đà tiến tới việc thay đổi chế độ chính trị với nhiều biến động, cha Tổng Quyền biết rằng dưới chế độ mới, sẽ không có chỗ cho anh em Giêsu hữu ngoại quốc tại Việt Nam, nên đã sai cha phụ tá Herbert Dargan đặc trách vùng Đông Á và Châu Đại Dương qua Việt Nam gặp gỡ anh em Giêsu hữu để tìm một người Việt Nam thay thế cha Quercetti trong trách nhiệm Trưởng Miền. Cha Nguyễn Công Đoan, lúc ấy mới từ Roma về, được chỉ định vào nhiệm vụ này từ ngày 29 tháng 04 năm 1975.

Ngày 28 tháng 08 năm 1975, tất cả các Giêsu hữu, cũng như các linh mục và tu sĩ ngoại quốc của các Dòng khác có mặt tại Đà Lạt, được chính quyền yêu cầu phải rời khỏi Việt Nam  trong vòng 48 giờ.

Tính cho đến lúc cha Joseph Audic, Giêsu hữu ngoại quốc cuối cùng rời Việt Nam năm 1977, tất cả có 92 Giêsu hữu ngoại quốc đến phục vụ tại Việt Nam. Trong số các tiền nhân ấy, có các cha giáo sư tại Giáo Hoàng Học Viện, các cha làm công tác huấn luyện và tông đồ, các anh em học viên và các tu huynh đã âm thầm xây dựng Dòng. Bốn anh em ngoại quốc đã chọn Việt Nam làm nơi an nghỉ cuối cùng, đó là : thầy Michel Martin (tại Huế), cha Ramón Cavanna (tại Sài Gòn) và  hai cha giáo sư Giáo Hoàng Học Viện, Jean Motte và Antonius Drexel (tại Đà Lạt).

Để hiểu hơn về hoạt động huấn luyện trí thức và đào tạo giáo sĩ, vốn là việc tông đồ và mục vụ chủ yếu của Dòng Tên trong giai đoạn này, thiết tưởng cũng nên lược qua đôi nét về vai trò của Trung Tâm Đắc Lộ và Giáo Hoàng Học Viện.

TRUNG TÂM ĐẮC LỘ

1719122634_d14d352152_o

Đây là nơi hoạt động tông đồ và mục vụ chính của Dòng Tên Việt Nam tại Sàigòn từ 1957-1975.

Cư xá sinh viên Đắc Lộ. Từ năm 1960, trong khuôn viên Nhà Thánh Inhã, một cư xá sinh viên được thành hình với những căn nhà lụp xụp. Năm 1962, cư xá nội trú mới được xây xong với 30 phòng đôi dành cho 60 sinh viên nam. Cư xá này mang tên Đắc Lộ, nên thường được gọi là Cư xá sinh viên Đắc Lộ. Khẩu hiệu của sinh viên sư xá này là Esto Vir (bạn hãy nên người, hãy thành nhân).

Thư viện Đắc Lộ. Đây có lẽ là thư viện tư nhân lớn nhất vào thời đó. Thư viện này có khoảng 100.000 đầu sách, trong đó có những bộ sách quí như Bộ Văn Học Cổ Điển Trung Quốc, được chuyển về từ đại học Aurore của Dòng Tên ở Thượng Hải, 2.500 đầu sách về tôn giáo, triết học, nghệ thuật Ấn Độ. Thư viện cũng lưu trữ các bộ tạp chí cổ như Đông Dương Tạp Chí, Nam Phong Tạp Chí, Bulletin des Amis du vieux Hue, ….

Các lớp sinh ngữ Anh, Pháp, Đức và trường Việt Ngữ, dành cho các thừa sai nước ngoài đến học tiếng Việt, được mở. Các Giêsu hữu ngoại quốc biết tiếng việt khá giỏi, một phần cũng là nhờ trường sinh ngữ này.

Dac-LoTrung tâm hướng nghiệp, do cha Julián Elizalde phụ trách, giúp các bạn trẻ biết định hướng cuộc đời, biết chọn nghề nghiệp và nhận định ơn gọi của mình.

Họ đạo Đắc Lộ. Trước năm 1975, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã muốn Dòng Tên phụ trách một họ đạo dành cho giới sinh viên và trí thức. Nhưng vì thiếu nhân sự, nên Dòng không dám nhận. Như đã đề cập đến trên đây, cuối năm 1974, Dòng cho xây một nhà nguyện lớn hơn cho giáo dân. Đến năm 1975 mới xây xong. Cũng năm này, do nhu cầu mục vụ đòi hỏi, Đức Tổng đã cho Dòng Tên lập Giáo xứ Đắc Lộ. Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (do các cha Dòng Chúa Cứu Thế đảm trách) đã ưu ái dành cho Giáo xứ Đắc Lộ một phần thuộc địa giới của mình. Giáo xứ Đắc Lộ lúc bấy giờ được xác định bởi bốn con đường Trương Minh Giảng, Kỳ Đồng, Bà Huyện Thanh Quan và Hiền Vương.

Truyền hình Đắc Lộ là một hoạt động tông đồ đặc thù của Dòng Tên. Trong khi nhiều người mong muốn Dòng Tên dấn thân vào lãnh vực trí thức, đặc biệt là môi trường đại học, thì Dòng lại hướng đến việc phục vụ quần chúng nghèo và bình dân nhằm nâng cao dân trí cho họ. Các chương trình truyền hình giáo dục cộng đồng được phát trên đài truyền hình quốc gia, hoặc được đem chiếu tại các vùng thôn quê. Mỗi chương trình phát hình với độ dài khoảng 15-30 phút, có nội dung về giáo dục gia đình, bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ môi trường, tìm hiểu về quê hương, đất nước, v.v.

Vào năm 1977, Dòng Tên đã cho Đài Truyền Hình mượn phần thư viện Đắc Lộ và cơ sở tu viện, các Giêsu hữu chuyển qua ở khu cư xá sinh viên. Ngày 12.12.1980, một biến cố lớn đã xảy ra khiến cho phần cơ sở còn lại của Dòng được giao cho UBND TP. HCM quản lý. Phần cơ sở này sau đó được dùng làm toà soạn báo Tuổi Trẻ và xí nghiệp in Lê Quang Lộc.

Ngày 10.05.2006, phần cơ sở do Đài Truyền Hình mượn trước đây được trao trả lại cho Dòng. Hiện nay, những cơ sở vật chất còn lại gồm khu nhà thờ, khu cư xá sinh viên … vẫn còn thuộc xí nghiệp nói trên. Hy vọng sớm có ngày Trung Tâm Đắc Lộ được trở về lại nguyên vẹn như xưa, để các Giêsu hữu có thể sống và làm việc trong Nhà Tổ của mình

GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN THÁNH PIÔ ĐÀ LẠT[41]

Nhằm giúp cho hàng giáo sĩ tương lai của Việt nam được đào tạo nghiêm túc về trí thức và tu đức – “une sérieuse formation intellectuelle et spirituelle” – các Giám Mục miền Nam Việt Nam đã thỉnh cầu Tòa Thánh thiết lập một Giáo Hoàng Chủng viện với cấp bậc đại học của một Phân khoa Thần học. Sau khi được Thánh Bộ Truyền giáo chấp thuận, trong buổi họp ngày 25.01.1957 các ngài đã xin Dòng Tên đảm trách Chủng viện này.

Dalat_GHHV1

Ngày 13.9.1958, Chủng viện được thành lập tại Đà Lạt. Ban huấn luyện lúc đó gồm 5 cha Dòng Tên, Ferdinand Lacretelle, Delierres, Bobbio Palacios, Josephus A. Ruiz và tu huynh Herhold trợ giúp. Khoá học đầu tiên có 24 chủng sinh đến từ các Giáo phận miền Nam, trong đó có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn hiện nay, sinh hoạt trong một khu nhà do Viện Đại học Công giáo Đà Lạt cấp, gần hồ Vạn Kiếp và trường trung học Trần Hưng Đạo. Đầu tiên, Chủng viện lấy tên là Giáo Hoàng Chủng Viện Mẫu tâm Vô Nhiễm (Seminarium Pontificale Immaculati Cordis B.M.V.), nhưng năm sau (1959), Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Giuseppe Caprio đổi thành Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X (Collegium Pontificium Sancti Pii X).

Sinh hoạt tạm thời của Học Viện tại đây kéo dài cho đến hết niên khóa 1962-1963. Từ niên khóa 1963-1964, Học Viện di chuyển tới cơ sở mới, số 13 Đinh Tiên Hoàng, trong một khuôn viên rộng gần 8 mẫu tây, kế cận trường trung học Bùi Thị Xuân và Đồi cù, gần Viện Đại học Công giáo Đà Lạt, không xa trung tâm thành phố lắm, và trước mặt là hồ Xuân Hương thơ mộng. Cơ sở mới rất bề thế, khang trang, do kiến trúc sư Tô Công Văn vẽ kiểu, đã được Đức Khâm Sứ Mario Brini đặt viên đá đầu tiên ngày 01.08.1961 và được Đức Ông Francesco De Nittis, Đại diện Tòa Khâm Sứ, khánh thành ngày 23.04.1964.

Cả cơ sở lẫn địa điểm và bầu khí đều thuận lợi cho việc tu luyện, học tập và đào tạo[42].

Ngay trước mặt tiền Giáo Hoàng Học Viện, phía bên trái, được gắn một bia đá với hàng chữ khắc trên đó:

A.D. MCMLXI

KALENDIS. AUGUSTI.

MARIUS. BRINI. DELEG. APOST.

EPISC. VIETNAMIENSIBUS. ADSTANTIBUS

COL. PONTIF. SANCTI. PII. X.

FUNDAMENTA.

JECIT.

Có nghĩa là: Vào năm 1961, ngày đầu tiên của tháng 8, vị Đại diện của Toà Thánh,[Đức Khâm Sứ] Mariô Brini, trước sự hiện diện của các Giám Mục Việt Nam, đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X[43].

Ngày 31.07.1965, Phân khoa Thần học được thành lập do Sắc lệnh của Thánh Bộ về Chủng Viện và Đại Học. Ngày 07.03.1966, khai giảng Phân khoa Thần học. Tháng 8.1966, Giáo Hoàng Học Viện nhận các tu sĩ ngoại trú thuộc các Dòng đến học. Các khoá học lấy bằng cử nhân thần học được tiếp tục cho đến năm 1975. Tháng 8.1972, khoá học đầu tiên lấy bằng tiến sĩ thần học được tổ chức.

GhhvMotLopPhongChucNgoài những hoạt động khoa bảng, Giáo Hoàng Học Viện còn đảm trách vai trò như là phân khoa thần học duy nhất ở Việt Nam, nên đã bắt đầu một số công trình nghiên cứu hầu có thể đóng góp cho đất nước một nền thần học sâu rộng hơn cho điều mà ngày nay gọi là “hội nhập văn hoá”. Dưới sự hướng dẫn của cha F. Gomez, việc chuyển ngữ các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II đã hoàn tất và xuất bản với phần chú giải. Bên cạnh đó, tạp chí Tuyển Tập Thần Học cũng ra đời. Tuyển tập này, phỏng theo tạp chí Theology Digest ở Mỹ, gồm những bài viết được chuyển ngữ. Một cuốn sách quan trọng cũng đã được chuyển ngữ là cuốn Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh của Xavier Léon-Dufour.

Niên khoá 1974-1975 khai giảng như thường lệ vào ngày lễ Các Thánh Tử Đạo 01.09.1974 gồm 252 học viên. Nhưng không trọn vẹn, bởi có những biến chuyển lớn dẫn đến sự thay đổi chế độ vào ngày 30.04.1975.

Sau đó, các giáo sư trở lại Đà Lạt và mời gọi các chủng sinh cùng trở về học lại. Ngày 02.06.1975, các lớp triết học và thần học được tái tục.

Ngày 28.08.1975, các Giêsu hữu người nước ngoài nhận lệnh của chính quyền phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 48 giờ.

Ngày 30.08.1975, 11 giáo sư và 02 tu huynh Dòng Tên ngoại quốc buộc phải rời khỏi Đà Lạt, nơi nhiều Giêsu hữu đã đảm nhận công việc đào tạo giáo sĩ trong 17 năm. Quyền quản trị Giáo Hoàng Học Viện được trao lại cho Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Giám Mục Giáo Phận Đà Lạt.

Ngày 09.08.1977, Giáo Hoàng Học Viện giải tán.

Năm 1980, Nhà Nước mượn cơ sở này.

PioX-01

Dưới đây là một vài con số[44]:

Thành phần giảng huấn: Trong những năm 1958-1975, có hơn 60 cha Dòng Tên dạy tại Giáo Hoàng Học Viện. Học Viện trải qua 5 đời Viện trưởng: cha Fernandus Lacretelle (1958-1960), cha Franciscus Burkhardt (1960-1962), [6] cha Paulus W.O’Brien (1962-1965), cha Josephus Raviolo (1965-1972), cha Josephus Ramon de Diego (1972-1975). Các cha cơ hữu hoặc thường xuyên có mặt gồm: Paulus Deslierres, Aloisius Bobbio, Albertus Palacios, Josephus A. Ruiz, Josephus Ch’en, Matthias Ch’en, Josephus Krahl, Henricus San Pedro, Antonius Drexel, Joannes Motte, Hervaeus Coathalem, Franciscus Xavier Urrutia, Aloisius Leahy, Gildo Dominici, Philippus Gomez, Nilus Guillemette, Paulus Lachance ….

Sau tháng 8.1975, khi các cha ngoại quốc phải rời khỏi Học Viện và Việt Nam, Đức Cha  Bartôlômêô Nguyễn Sơn  Lâm đã  mời  một số cha triều và dòng (cha Stanislaô Hoàng Đắc Ánh OP, cha Anrê Đỗ Xuân Quế OP, cha Phi Khanh Vương Đình Khởi OFM, cha Giuse Nguyễn Quang Thạnh, cha Toma Trần Văn Dụ, …) điều khiển Học Viện và dạy chủng sinh, cho dến khi Học Viện giải tán năm 1977.

Thành phần chủng sinh: với 18 khóa, trước sau có tất cả 561 học viên, gồm 456 chủng sinh nội trú và 105 tu sĩ ngoại trú của các dòng đã thụ huấn tại Học Viện.

Số Linh mục: 316, gồm 227 Lm Giáo Phận và 89 Lm Dòng, tính đến hiện năm 2008.

Số Giám mục: 14 vị được tấn phong theo thứ tự: Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (Đà Lạt, 1991), Giuse Nguyễn Tích Đức (Buôn Ma Thuột, 1997), Phêrô Nguyễn Văn Nho (Nha Trang, 1997; qua đời 2003), Phêrô Nguyễn Soạn (Quy Nhơn, 1999), Tôma Nguyễn Văn Tân (Vĩnh Long, 2000), Stêphanô Tri Bửu Thiên (Cần Thơ, 2003), Micae Hoàng Đức Oanh (Kontum, 2003), Antôn Vũ Huy Chương (Hưng Hóa, 2003), Giuse Nguyễn Chí Linh (Thanh Hóa, 2004), Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng (Huế, 2005), Giuse Nguyễn Văn Đệ, SDB (Bùi Chu, 2006), Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J. (Bắc Ninh, 2008), Giuse Nguyễn Năng (Phát Diệm, 2009) và Tôma Vũ Đình Hiệu (Xuân Lộc, 2009).

CacGiamMucPioX

Kiểm tra tương tự

Cùng Loan Báo Tin Mừng với Cộng Đoàn Hội Thánh Căn Bản

  Dẫn Nhập Nhiều người Kitô hữu chắc hẳn đã từng nghe nói về các …

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *