Thụ Tạo Mới καινὴ κτίσις (2Cr 5,17)

 

Thụ Tạo Mới καινὴ κτίσις (2Cr 5,17)

 

Ban đầu, người viết được đánh động từ một chú thích nhỏ của tác giả Penna về khái niệm “thụ tạo mới” trong thần học của thánh Phaolo. Tiếp theo, người viết được gợi ý từ cha Brodeur trong cuộc thảo luận ngắn: thật là tốt nếu chủ đề này có thể được đào sâu thêm, có thể được phát triển thành một bài luận, vì khái niệm này thực sự rất hay và ý nghĩa. Sau thời gian nghiền ngẫm, người viết nhận thấy: từ một khái niệm, có thể kết nối với cuộc phiêu lưu nhiều kết quả từ việc nghe các bài giảng, đọc các bài viết, đọc các sách, và cứ thế, chân trời cứ mở rộng thêm. Hướng đi này chạm tới Lời của Thiên Chúa qua lời của thánh Phaolo, lời của nhiều tác giả với nhiều đầu sách, từ sự hướng dẫn của cha giáo sư, từ các bạn học trên lớp đại học lẫn về nhà ở học viện, và từ nhiều điều mang tính cá nhân của người viết.

Điểm xuất phát của bài luận về chủ đề “thụ tạo mới καινὴ κτίσις” là từ ba câu trong thư của thánh Phaolo gửi giáo đoàn Corinto (2Cr 5,15-17). Hành trình được tiếp nối với sự đào sâu một đoạn suy tư của thánh Toma Aquino về habitus (Tổng Luận Thần Học, Iª-II, câu hỏi 110, mục 2). Habitus được hiểu vừa như ân sủng vừa như một bản tính mới. Điểm thứ ba sẽ là một cuộc trở về biến cố căn bản của đời sống Kitô hữu, bí tích Rửa Tội, và người viết muốn thêm một khái niệm mới để suy tư về sứ mạng mang tính mục vụ. Cách tóm tắt, lược đồ của bài viết sẽ như sau:

 

1- Thụ Tạo Mới (2Cr 5,15-17)

  • Bản văn và bối cảnh
  • Chú giải và suy tư

2- Habitus như Bản Tính Mới (ST I-II, 110, 2)

  • Một tác động của ý muốn tự do của Thiên Chúa
  • Một món quà thường hằng
  • Ân sủng – Habitus – Bản tính mới

3- Thụ Tạo Mới trong Bí Tích Rửa Tội

  • Ơn thánh hóa được lãnh nhận trong Bí Tích Rửa Tội (CCC 1999)
  • Simul iustus et peccator đồng thời là người công chính và tội nhân (DCG 1999)
  • Khái niệm mới: Bí Tích Rửa Tội “chưa được kích hoạt hoặc đã bị tắt”

 

  1. Thụ Tạo Mới (2Cr 5,15-17)

 

Trong cuốn sách L’evangelo come criterio di vita, Tin Mừng tựa tiêu chuẩn của cuộc sống, tác giả Penna đã viết bản tóm tắt rất tốt về đề tài “mầu nhiệm vượt qua” được coi là điểm tập trung, điểm quy chiếu của tư tưởng của thánh Phaolo.[1] Cách chi tiết, tác giả nhìn vào sáu khía cạnh khác nhau: Kitô học, cứu độ học, khái niệm ‘thụ tạo mới’, chủ đề Hội Thánh, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, và cánh chung học. Trong bài luận này, người viết chỉ muốn tập trung vào một khái niệm mà thôi: thụ tạo mới. Trong lời giới thiệu của cuốn sách, tác giả Penna viết rất hay: “Khái niệm ‘thụ tạo mới’ mang đặc nét của thánh Phaolo, và kết nối chặt chẽ với cái chết – sự phục sinh của Chúa Giêsu, như có thể được thấy rõ khi đọc đoạn thư 2Cr 5,14-17”.[2] Tuy nhiên, người viết chỉ muốn trích dẫn 2Cr 5,15-17, và khi ấy thiếu đi câu 14. Việc trích dẫn thế này, người viết sẽ giải thích lý do của mình sau.

 

Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.

Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. 

Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.

 

Sẽ có hai điểm nhỏ sau. Điểm đầu tiên liên quan đến bản văn và bối cảnh của nó. Phần này nhằm mục đích tiếp cận gần hơn với bản văn gốc và có một cái nhìn tổng quát về thư thứ hai gửi tín hữu Corinto để thấy được vị trí của đoạn văn được chọn. Điểm thứ hai liên quan đến chú giải và suy tư. Tuy nhiên, phần này chỉ tập trung vào một số điều cốt yếu và phần lớn nội dung sẽ nghiêng về suy tư một số điểm quan trọng có chọn lọc.

– Bản văn và bối cảnh:
+ Bản văn 2Cr 5,15-17
+ Bối cảnh

– Chú giải và suy tư:
a) Đức Kitô đã chết thay cho mọi người (c. 15)
b) Chúng tôi không còn biết Đức Kitô theo quan điểm loài người nữa (c. 16)
c) Nếu ai ở trong Đức Kitô, thì là thụ tạo mới (c. 17)

 

1.1 Bản văn và bối cảnh

 

a) Bản văn

 

Các bản văn Kinh Thánh được sử dụng ở đây để đối chiếu, là bản gốc bằng tiếng Hy Lạp, bản dịch tiếng Anh theo sát mặt chữ, bản dịch tiếng Ý của Hội đồng Giám Mục Italia (CEI 2008), bản dịch tiếng Việt của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV) và bản dịch tiếng Việt của cha Nguyễn Thế Thuấn.

 

Tiếng Hy Lạp[3]Tiếng Anh [4]
(interlinear)
Tiếng Ý[5]
(CEI 2008)
Tiếng Việt
(CGKPV)
Tiếng Việt
(Cha Thuấn)
15 καὶ ὑπὲρ πάντων ἀπέθανεν, ἵνα οἱ ζῶντες, μηκέτι ἑαυτοῖς ζῶσιν, ἀλλὰ τῷ ὑπὲρ αὐτῶν ἀποθανόντι καὶ ἐγερθέντι.And for all He died, that those living, no longer to themselves should live, but to the (One) for them having died and having been raised again.Ed egli è morto per tutti, perché quelli che vivono non vivano più per sé stessi, ma per colui che è morto e risorto per loro.Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mìnhVà Ngài đã chết vì mọi người, để ai sống thì đừng còn sống cho mình nữa, nhưng là cho Ðấng chết và sống lại vì họ!
16 Ὥστε ἡμεῖς ἀπὸ τοῦ νῦν οὐδένα οἴδαμεν κατὰ σάρκα· εἰ καὶ ἐγνώκαμεν κατὰ σάρκα Χριστόν, ἀλλὰ νῦν οὐκέτι γινώσκομεν.Therefore, we from now no one regard according to (the) flesh. Though even we have regarded according to flesh Christ, yet now no longer we regard (Him thus).Cosicché non guardiamo più nessuno alla maniera umana; se anche abbiamo conosciuto Cristo alla maniera umana, ora non lo conosciamo più così.Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa.Cho nên từ nay chúng tôi không còn biết ai theo xác thịt nữa, và cho dẫu theo xác thịt, chúng tôi đã được biết Ðức Kitô, thì trái lại nay chúng tôi không còn biết (như thế) nữa.
 17 ὥστε εἴ τις ἐν Χριστῷ, καινὴ κτίσις· τὰ ἀρχαῖα παρῆλθεν, ἰδοὺ γέγονεν καινά·Therefore, if anyone (is) in Christ, (he is) a new creation. The old things have passed away, behold has come into being (the) new.Tanto che, se uno è in Cristo, è una nuova creatura; le cose vecchie sono passate; ecco, ne sono nate di nuove.Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.Cho nên ai ở trong Ðức Kitô, kẻ ấy là tạo thành mới: cũ đã qua đi, và này mới đã thành sự!

 

Nhìn vào bảng đối chiếu ở trên, chúng ta ghi nhận hai điều đáng chú ý:

Điều thứ nhất trong câu 16: κατὰ σάρκα được bản tiếng Anh và bản tiếng Việt (cha Thuấn) dịch sát mặt chữ: according to (the) flesh / theo xác thịt; trong khi đó, được bản tiếng Ý và bản tiếng Việt (CGKPV) dịch lấy ý: alla maniera umana / theo quan điểm loài người. Tuy nhiên, điều này không nằm trong sự quan tâm của bài viết, nên chúng ta đón nhận cả cách dịch sát mặt chữ, cũng như cách dịch lấy ý, mà không dành sự phân biệt và đào sâu ở đây.

Điều thứ hai trong câu 17: καινὴ κτίσις được dịch là: a new creation / una nuova creatura / thụ tạo mới / tạo thành mới. Trong tiếng Việt, xin chọn cách dịch là: thụ tạo mới. Thuật ngữ ‘thụ tạo mới’ chỉ tìm thấy xuất hiện 2 lần trong các thư của thánh Phaolo; và trong toàn bộ Tân Ước, cũng không thấy xuất hiện thêm lần nào. Hai lần xuất hiện đó là: 2Cr 5,17 và Gl 6,15.

 

εἴ τις ἐν Χριστῷ, καινὴ κτίσις (2Cr 5,17)
se uno è in Cristo, è una nuova creatura
ai ở trong Đức Kitô, đều là thụ tạo mới

 

οὔτε γὰρ περιτομή τί ἐστιν οὔτε ἀκροβυστία, ἀλλὰ καινὴ κτίσις. (Gl 6,15)
Non è infatti la circoncisione che conta, né la non circoncisione, ma l’essere nuova creatura.
Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả,
điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới.

 

b) Bối cảnh

 

Sau đây là cấu trúc của bức thư của Thánh Phaolo[6]

Dẫn NhậpChào thăm và cám ơn (1,1-11)
Phần IThánh Phaolo tự biện hộ trước những người Corinto (1,12-7,16)A. Sự chân thành của thánh Phaolo và lý do thay đổi lịch trình thăm viếng (1,12-2,11)
B. Sứ vụ của thánh Phaolo (2,12-7,16)

a. Hành trình tại Macedonia (2,12-17).

b. Các thư giới thiệu (3,1-3).

c. Đối chiếu giữa Giao Ước cũ và Giao Ước mới (3,4-18).

d. Những đau khổ khi thực thi sứ vụ (4,1-5,21):

2Cr 5,15-17

Phần IILạc quyên cho Giáo hội tại Gierusalem (8,1-9,15)
Phần IIIThánh Phaolo trả lời cho những đối thủ (10,1-13,10)
Kết LuậnNhững lời dặn dò, thăm hỏi, cầu chúc (13,11-13)

Theo cấu trúc lá thư như thấy ở trên, chúng ta biết những câu 2Cr 5,15-17 thuộc về phần I của lá thư. Trong đó, thánh Phaolo nói về sứ mạng của chính mình, và tự biện hộ trước những người Corinto. Tóm lại, các câu 2Cr 5,15-17 không có một vị trí đặc biệt trong cấu trúc của lá thư. Ngay cả trong cấu trúc của lá thư, xét theo các tác giả khác: F. Manzi (2002): Composizione concentrica della Seconda Lettera ai Corinzi[7], hoặc R.E. Brown (1996)[8], thì các câu 2Cr 5,15-17 cũng không có vai trò đặc biệt nào. Xét về nội dung, các câu 2Cr 5,15-17 thuộc về phần “tự biện hộ về sứ vụ tông đồ” (1,12-7,16) (theo cấu trúc của tác giả F. Manzi), hoặc thuộc về phần “mối tương quan giữa thánh Phaolo và các tín hữu Corinto” (1,12-7,16) (theo cấu trúc của tác giả R.E. Brown).

Như thế, việc biết bối cảnh giúp ích cho chúng ta hiểu một cách khái quát bức tranh toàn cảnh, mà trong đó, chúng ta đang muốn tìm hiểu một số câu cụ thể. Chỉ có 3 câu 2Cr 5,15-17, nhưng đã vén mở một thực tại vĩ đại: câu 15 với nhân vật trung tâm là Đức Kitô, câu 16 với nhân vật chính là “chúng ta”, và câu 17 trở về trọng tâm là mối tương quan thiết thân giữa mỗi người chúng ta với Đức Kitô.

 

1.2 Chú giải và suy tư    

 

Trước khi đọc cách chi tiết từng câu trong ba câu (2Cr 5,15-17), có lẽ tốt hơn, chúng ta nên có một cái nhìn chung về cuộc đời của thánh Phaolo. Từ đó, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh của Chúa Kitô trong cuộc đời thánh nhân, cũng nhưng cho cuộc sống của mỗi người chúng ta.

 

Sự thay đổi
trong cuộc đời của thánh Phaolo
[9]

 

Có nhiều cách khác nhau để gọi tên biến cố trên đường Đamát. Có lúc, biến cố này được gọi là sự thay đổi, sự biến đổi, bởi vì thực tế là: cuộc đời của Saulo trước biến cố, và cuộc đời của Phaolo sau biến cố là rất khác nhau. Có lúc biến cố này được gọi là ơn gọi, lời mời gọi, bởi vì trong biến cố, thực sự có lời mời gọi của Chúa Kitô Phục Sinh, và có cuộc đối thoại giữa Saulo-Phaolo với Chúa. Ở một mức độ nào đó, biến cố được gọi tên là cuộc hoán cải, cuộc trở lại, trở về. Tuy nhiên, đây không phải là một cuộc hoán cải theo kiểu: từ đời sống tội lỗi sang đời sống nhân đức, cũng không phải là cuộc hoán cải về niềm tin tôn giáo; nhưng là sự thay đổi về trọng tâm của cuộc sống: trước đó, tâm điểm là Lề Luật, nhưng sau đó, tâm điểm là Chúa Kitô. Trong sự thay đổi này, trong lời mời gọi này, trong cuộc hoán cải này, có một sự tiếp nối và một sự ngắt đoạn khi chúng ta nhìn từ truyền thống của các ngôn sứ.

 

Sự tiếp nối

 

Nhìn về ơn gọi của các ngôn sứ trong Cựu Ước, như Môsê, Elia, Samuel… chúng ta thấy, Phaolo cũng là một vị ngôn sứ trong dòng lịch sử, lịch sử cứu độ, lịch sử mà Thiên Chúa dẫn dắt Dân của Ngài. Là một lời mời gọi, khi Thiên Chúa hướng dẫn dân qua một con người cụ thể, mà mời gọi người ấy thực thi một sứ mạng cụ thể. Tuy nhiên, người viết không muốn dừng lại và đi sâu vào khía cạnh “tiếp nối” này, mà muốn tập trung vào khía cạnh “ngắt đoạn”.

 

Sự ngắt đoạn

 

Ở đây, biến cố Đamát, đối với thánh Phaolo, không chỉ là một kinh nghiệm, mà là một cuộc gặp gỡ cá vị thiết thân. Trong kinh nghiệm con người, đặc biệt là kinh nghiệm tôn giáo, hoặc đặc biệt hơn nữa là kinh nghiệm của các ngôn sứ, chúng ta kết nối với kinh nghiệm về Thiên Chúa. Có nhiều kinh nghiệm thuần khiết trong trường hợp các ngôn sứ. Ví như với ông Môsê hoặc ông Êlia, là cuộc gặp “mặt giáp mặt”. Thế nhưng, phải nói rằng, các cuộc gặp gỡ này vẫn là các cách thế “gián tiếp”. Bởi lẽ, trong Cựu Ước, rõ ràng là: Thiên Chúa không phải là con người, và Thiên Chúa gặp gỡ con người qua các sứ giả của Ngài, qua các thiên thần của Ngài. Còn đối với Phaolo, cuộc gặp gỡ trên đường Đamát, không chỉ là một kinh nghiệm, mà là một cuộc gặp gỡ cá vị và cụ thể giữa hai con người. Một người là chính Phaolo, còn người kia là Đấng Phục Sinh. Đấng Phục Sinh không phải là một thiên thần, nhưng là một con người. Đấng Phục Sinh không chỉ là sứ giả của Thiên Chúa, mà chính là Con của Thiên Chúa, và là chính Thiên Chúa. Đấng Phục Sinh không phải là người xa lạ, cũng không phải là một thiên thần từ trời chỉ ghé thăm trong giây lát, nhưng là một con người mở ra toàn bộ lịch sử Dân Chúa và mang lấy toàn bộ lịch sử của nhân loại.

Gặp gỡ Đấng Phục Sinh, để trở nên thụ tạo mới. Thật khó để đào sâu và mô tả đầy đủ. Ở đây, chúng ta được mời gọi đọc và suy gẫm một số câu trong thư của thánh Phaolo (2Cr 5,15-17).

 

a) Đức Kitô đã chết thay cho mọi người

 

Đức Kitô đã chết thay cho mọi người,để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.

 

Chủ thể: Đức Kitô đã chết và sống lại

 

Tác giả Penna viết rằng, thánh Phaolo không quan tâm việc kể lại toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu Kitô giống như các thánh sử đã kể, thánh Phaolo cũng không quan việc xây dựng một nền thần học có tính hệ thống như các nhà thần học làm.[10] Thánh Phaolo chỉ tập trung vào một trọng tâm: Đức Kitô đã chết và sống lại vì tất cả chúng ta. Tin Mừng, tin vui này thực sự “rất khó” để hiểu theo cách tự nhiên. Đức Kitô đã chết, đúng, điều này hiểu được; nhưng tại sao lại chết vì tất cả chúng ta? Ở đây “vì tất cả chúng ta” nghĩa là gì? Đây là một cái hiểu vừa có tính cá nhân, vừa có tính nội tâm, vừa có tính liên vị, liên chủ thể, vừa có tính phổ quát, vừa sống động… Chủ thể không còn là “tôi”, “chính mình”, hay “họ”, nhưng là “Đấng đã chết và sống lại”, là Đức Kitô. Ở đây có sự vang vọng cực lớn của Kerigma, Lời Loan Báo Đầu Tiên.

 

Kerigma[11]

 

Trong sách, các tác giả viết rất hay và dài cả trăm trang về chủ đề “sứ điệp thần học của thánh Phaolo”, và chủ đề được chia thành 12 mục nhỏ. Tuy nhiên, ở đây người viết chỉ tập trung và đoạn nói về lời loan báo tin mừng đầu tiên kèrigma κήρυγμα (1Cr 15,3-5). Đây là tiểu mục số 3 với tựa đề “Kitô học của thánh Phaolo”.

 

A voi infatti ho trasmesso
quello che anch’io ho ricevuto, cioè:

Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em
điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là:

Soggetto: Cristo
Chủ thể: Đức Kitô
Verbi che lo riguardano
Các động từ
Qualificazioni preposizionali
Trạng ngữ/cụm giới từ
Riferimento alla Scrittura
Kết nối với Kinh Thánh
ὅτι
che
rằng
Χριστὸς
Cristo
Đức Kitô
ἀπέθανεν
morì
đã chết
ὑπὲρ τῶν ἁμαρτιῶν ἡμῶν
per i nostri peccati
vì tội lỗi chúng ta
κατὰ τὰς γραφάς
secondo le Scritture
theo như lời Kinh Thánh
καὶ ὅτι
e che
và rằng
 ἐτάφη
fu sepolto
đã được mai táng
  
καὶ ὅτι
e che
và rằng
 ἐγήγερτα
è risorto
đã sống lại
τῇ ἡμέρᾳ τῇ τρίτῃ
il terzo giorno
ngày thứ ba
κατὰ τὰς γραφάς
secondo le Scritture
theo như lời Kinh Thánh
καὶ ὅτι
e che
và rằng
 ὤφθη
apparve
đã hiện ra
Κηφᾷ, εἶτα τοῖς δώδεκα·
a Cefa e quindi ai Dodici.
với ông Kepha và nhóm Mười Hai
 

Đọc chậm với sự bình tĩnh cao độ, với các bản văn song hành Hy Lạp, Ý, Việt, cũng như dõi theo các giải thích của các tác giả khác, chúng ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp, sự sáng tỏ và mạnh mẽ trong lời công bố đầu tiên này.

Cấu trúc của lời công bố với 4 cụm từ, trong đó có 4 động từ, ở thể chủ động hoặc thụ động, nhưng chỉ có một chủ thể/chủ ngữ duy nhất: Đức Kitô. Chủ thể không phải là Phaolo, cũng không phải một ai khác, càng không phải là một nhóm nào đó, mà chỉ là một Đấng duy nhất: Đức Kitô. Như thế, lời công bố đầu tiên có ý nghĩa cực mạnh, cực rõ nét, tập trung vào một con người duy nhất: Đức Kitô.

Điểm quy chiếu được lặp đi đi lặp lại 2 lần, nhưng không đổi, đó là: theo như lời Kinh Thánh. Như thế, lời công bố ấy có cội rễ vững chắc sâu xa từ toàn bộ lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa đã cứu và đồng hành với Dân của Ngài.

Bốn động từ của một con người duy nhất (một biến cố duy nhất: Đức Kitô) được chia thành hai (cặp) biến cố: cuộc Khổ Nạn (đã chết, đã được mai táng) và cuộc Phục Sinh (đã sống lại, đã hiện ra). Cái chết của Người không giống như cái chết tự nhiên của chúng ta, vốn trong thân phận làm người. Cái chết của Người không phải do Người (vì Người là Đấng vô tội), nhưng có lý do để mang lấy tất cả lịch sử nhân loại cùng với tất cả con người thuộc mọi thời đại: vì tội tỗi chúng ta. Cái chết của Người là cái chết của ơn cứu độ, một cái chết để cứu độ, một cái chết để trao ban sự sống.

Tại điểm này, chúng ta thấy động từ ἐγήγερτα (è risorto, đã sống lại) hàm chứa nét đẹp và chiều sâu của sự sống. Động từ này được sử dụng ở thì hoàn thành, diễn tả sự kéo dài không ngắt quãng của sự phục sinh: từ giây phút đó cho tới hiện tại và còn mãi, từ giây phút đó và còn mãi trong thời gian và cả ngoài thời gian, siêu vượt khỏi thời gian. Đức Kitô đã sống lại và như thế mãi mãi. Đó là điều quá vĩ đại và nhiệm màu. Người viết không nhớ rõ vị thánh nào đã từng nói: từ giây phút đó cho đến mãi mãi, con người (với linh hồn và thân xác phục sinh) có một nơi trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Động từ ἐγήγερτα ở thể bị động, muốn diễn tả rằng: sự phục sinh là sự can thiệp của Thiên Chúa, giống như có chỗ khác, thánh Phaolo đã viết cách minh nhiên Ep 1,20: “Người (Chúa Cha) đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời”.

Biến cố Đức Kitô đồng thời thuộc về lịch sử và thuộc về đức tin. Thuộc về lịch sử, bởi vì không ai có thể từ chối biến cố khổ nạn: đã chết, đã được mai táng. Thuộc về lịch sử, bởi vì sự phục sinh có vô số chứng nhân, trong đó có Kepha và nhóm Mười Hai. Lời chứng của thánh Phaolo thì cực kỳ mạnh mẽ: (1Cr 15,17.19) Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em…  Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Thuộc về đức tin, bởi vì sự phục sinh không phải là một điều tự nhiên, bởi vì biến cố Đức Kitô Giêsu sống lại, là biến cố duy nhất trong lịch sử.

 

b) Chúng tôi không còn biết Đức Kitô theo quan điểm loài người nữa 

 

Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa.

 

Có một khoảng cách vô hạn giữa quan điểm loài người và quan điểm mới. Những lời (‘không còn… một ai’, ‘không còn… nữa’) không chỉ là lối nói tu từ nhằm nhấn mạnh, nhưng còn muốn diễn tả một thực tại hoàn toàn mới. Cái biết mang tính con người là không đủ. Biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, là không đủ. Cần một cuộc hoán cải. Cần một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô chết-phục sinh trong chúng ta, giữa chúng ta, vì chúng ta! Thời điểm ‘giờ đây làm nên điểm quy chiếu hoàn toàn mới và mang tính hiện tại của sự bắt đầu một thực tại mới.

Để diễn tả sự khác biệt giữa “trời và đất”, giữa cái cũ và cái mới, tác giả Matera đã viết rất hay, trong một lối vừa cô đọng, vừa hệ thống, vừa có tính chi tiết cần thiết trong cuốn sách God’s Saving Grace. [12] (Tạm dịch tựa đề: Ơn sủng cứu độ của Thiên Chúa).

Trước cuộc hoán cải:
Xa rời Thiên Chúa

Trong cuộc hoán cải: Kinh nghiệm của Phaolo trong ân sủng cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô.Sau cuộc hoán cải:
Trong Đức Kitô
– Xa lánh Thiên Chúa
– Sự nô lệ: Dưới quyền của:
+ Tội lỗi và sự chết
+ Thế gian này
+ Lề Luật
Kinh nghiệm của Phaolo về ân sủng cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, là nền tảng cho lĩnh vực cứu độ học của Phaolo. Như thế, ơn gọi của Phalo bắt nguồn từ nền Kitô học, và là nguồn gốc cho nền cứu độ học.(1) Công chính hóa và hòa giải cùng Thiên Chúa
(2) được cứu chuộc, được giải thoát và được tha thứ
(3) Được thánh hiến, được biến đổi, thụ tạo mới
(4) Đợi chờ ơn cứu độ sau cùng và sự vinh thắng.

Và như thế, theo quan điểm loài người là điều kiện là thực tại của nhân loại chưa được cứu độ, có thể tóm gọn trong các thuật ngữ: tha hóa và sự nô lệ. Đó là sự xa cách Thiên Chúa và làm nô lệ cho tội lỗi, sự chết và các quyền lực của vũ trụ và thời gian này. Đó là thời của tôn giáo “dưới ách Lề Luật”.[13]

Tác giả Fitzmyer đã liệt kê 10 ơn phúc đặc biệt từ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô: ơn công chính hóa, ơn cứu độ, ơn hòa giải, ơn chuộc tội, ơn cứu chuộc, ơn tự do, ơn thánh hóa, ơn biến đổi, thụ tạo mới, sự vinh quang. Còn tác giả Matera sử dụng các khái niệm riêng của mình, và chia thành 4 nhóm phạm trù: (1) công chính hóa và hòa giải cùng Thiên Chúa; (2) đượ cứu chuộc, được giải thoát và được tha thứ; (3) được thánh hiến, được biến đổi, thụ tạo mới; (4) đợi chờ ơn cứu độ sau cùng và sự vinh thắng.[14]

Hai nhóm phạm trù đầu, diễn tả thực tại khách quan của hành động của Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Qua cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, nhân loại (bản tính nhân loại, nhân tính) được công chính hóa và được hòa giải với Thiên Chúa, được cứu chuộc, được giải thoát và được tha thứ, được tách khỏi tất cả những gì mà nó đã làm trong quá khứ. Nhóm phạm trù thứ ba muốn nói đến sự hiện hữu mới mà các tín hữu thực sự đón nhận được trong Đức Kitô. Đó là được thánh hóa, là được biến đổi và trở nên thụ tạo mới. Nhóm phạm trù thứ tư là muốn nhìn tới tương lai. Đó là sự mong ngóng niềm hy vọng của ơn cứu độ hoàn hảo trong vinh quang của việc phục sinh kẻ chết.[15]

Bốn nhóm phạm trù này trình bày công cuộc cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô, theo các thuật ngữ chỉ thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai. Đó là những gì Thiên Chúa đã làm nơi Đức Kitô, những gì Thiên Chúa đang làm nơi Đức Kitô, và những gì Thiên Chúa sẽ làm nơi Đức Kitô. Tuy nhiên, ở đây, trong bài luận này, chúng ta chỉ tập trung vào một điều “thụ tạo mới”.[16]

 

c) Nếu ai ở trong Đức Kitô, thì là thụ tạo mới

 

Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới. Cái đã qua, và cái mới đã có đây rồi.

 

Đây là một câu với đầy tính tu từ, nhưng cũng là một câu hỏi, một lời mời gọi. Tiêu chuẩn cho thụ tạo mới là “ở trong Đức Kitô”. Có hai hướng đi được diễn tả rất rõ nét qua các động từ. Trước hết, trong Đức Kitô thì: là, sinh ra, trở nên. Thứ hai, ngoài Đức Kitô, hoặc theo kiểu loài người thì: qua đi.

 

καινὴ κτίσις

“he is a new creation (creature)” (RSV 1971);
“he is a new creature (there is a new world)” (NEB 1970);
“è una nuova creatura” (CEI 2008).
“là thụ tạo mới” (CGKPV)

 

Giờ đây, chúng ta nói về sự tinh tế và chiều sâu của thuật ngữ và khái niệm καινὴ κτίσις. Vì ngôn ngữ gốc là Hy Lạp (Tân Ước), nên các sách chú giải ở đây đều là các ngoại ngữ Anh/Ý. Do đó, việc viết và giải thích bằng tiếng Việt sẽ cố gắng hết sức để có thể hình dung và hiểu được điều cần nói. Nhưng để làm được điều ấy, có những điều vẫn phải giữ lại trong ngôn ngữ gốc là Hy Lạp, hoặc các ngôn ngữ dùng để chú giải là Anh/Ý.

There is a new creation. Tạm dịch là: Có một thụ tạo mới. Bản văn Hy Lạp chỉ viết καινὴ κτίσις (một thụ tạo mới), do đó trong cụm từ này cần thêm vào một chủ từ/chủ ngữ và động từ; hoặc dịch là “he is” (anh ấy là) (như hầu hết các phiên bản tiếng Anh biên dịch) hoặc “there is” (có một…) (như cách dịch của hai phiên bản NEB, JB). Trong tiếng Ý, việc lựa chọn cho phiên dịch ở đây không rõ nét lắm, có bản chọn là “lui è” (anh ấy là) hoặc “c’è” (có một…) hoặc chỉ viết trống với chỉ động từ “è” (là).

Theo nhà chú giải, cách dịch there is được yêu thích vì hợp với bối cảnh. Bởi vì hậu cảnh của cách diễn tả καινὴ κτίσις trong văn chương khải huyền của Do Thái giáo, muốn nhấn mạnh tới điều gì đó hơn là việc bao hàm sự hiện hữu mới của các cá nhân tín hữu. Và nếu như thế, việc đi theo kiểu phiên dịch Latinh của bản Vulgata (nova creatura) và sau đó là các bản tiếng Anh “creatura” (KJV, ASV), là sai lầm. Thánh Phaolo cũng sử dùng cùng thuật ngữ a new creation, trong thư Gl 6,15. Khi làm như thế, Thánh Phaolo có vẻ muốn giới thiệu thuật ngữ này vào vốn từ vựng của Kitô giáo. Với khái niệm này, thánh Phaolo mắc nợ nền văn chương khải huyền của Do Thái giáo (1 Enoch 72,1; 2 Apoc Bar 32,6…). Cội rễ của ý tưởng khải huyền được tìm thấy trong Is 65,17-25 (Is 42,9; 43,18-19; 48,6; 66,22).[17]

Trong câu 17, thánh Phaolo nhấn mạnh về sự mới mẻ mang tính căn cội về sự hiện hữu có tính cánh chung của các tín hữu. Ai ở trong Đức Kitô, thì người ấy trở nên một phần của một thực tại/cuộc sáng tạo hoàn toàn mới. Với khái niệm này, cũng tương tự như cách sử dụng trong Gl 6,15, muốn mô tả sự mới mẻ hoàn toàn của sự sống trong Đức Kitô. Như tác giả Stuhlmacher (1967) đã cho thấy: cuộc tạo thành mới này, thực tại mới này siêu vượt sự hiện hữu mới của các cá nhân tín hữu. Cái mới ở đây, giả thiết cái hiện tại/cái cũ là xấu. Đây không phải là sự “tái tạo” (làm cho cái đang bị hư hỏng được sửa lại, hoặc làm ra cái mới dựa trên và tương tự cái cũ), nhưng ở đây là hoàn toàn mới.[18]

 

Of all the places where Paul uses the phrase in Christ, this verse: “if anyone is in Christ, there is a new creation” (2Cor 5,17) is one of the most significant. Here is clear that he conceives of the life in Christ as involving a radical transformation of one’s whole situation.[19]

Trong tất cả những chỗ mà Thánh Phaolô sử dụng cụm từ trong Chúa Kitô, câu này: “nếu ai ở trong Chúa Kitô, thì có một cuộc sáng tạo mới” (2Cr 5:17) là một trong những câu có ý nghĩa nhất. Điều rõ ràng là, thánh Phaolo quan niệm cuộc sống trong Đức Kitô bao gồm một sự biến đổi triệt để toàn bộ thực tại/hoàn cảnh/đời sống của một người.

 

Nhờ thập giá Người,
thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. (Gl 6,14-15)

 

Không phải chuyện tình cờ mà các câu trong thư (Gl 6,14-15) được trích dẫn ở đây. Vì đối với các tín hữu, như lời của thánh Phaolo, nếu muốn tự hào, thì chỉ có điều duy nhất đáng tự hào, là: nhờ thập giá Đức Kitô. Trong Đức Kitô, các tín hữu được tham dự vào cuộc sáng tạo mới, được cứu độ nhờ tình yêu của Đấng bị treo trên thập giá, và nhờ đó, được giải thoát khỏi quyền lực thế gian này.[20]

Cũng có thể nói rằng, các câu (Gl 6,14-15) là sự giải thích tuyệt vời cho câu (2Cr 5,17). Trong Đức Kitô, tức là trong Tình Yêu của Đức Kitô, trong thập giá cảu Chúa chúng ta Đức Kitô Giêsu, không chỉ cá nhân tôi được biến đổi, không chỉ từng cá nhân trong chúng ta được biến đổi, không chỉ tất cả các cá nhân được biến đổi, mà ngay cả toàn thể thế giới, toàn thể vũ trụ và mối tương quan giữa tôi và vũ trụ cũng được biến đổi, trong Tình Yêu – Thập Giá của Người. Có một thế giới mới, một thực tại mới, và tôi là một con người mới trong thực tại mới này. Việc cắt bì đã là biểu tượng cho giao ước cũ, bây giờ không còn là tiêu chuẩn quan trọng nữa. Bây giờ, chỉ có một điều quan trọng: trong Đức Kitô. Trong Đức Kitô, tôi là một thụ tạo mới, thế giới của tôi và thế giới của chúng ta là mới.

Tóm lại, trải qua hành trình dài với nhiều ý nghĩa được tìm thấy, với những điều chú giải và suy tư, chúng ta có thể hiểu câu (2Cr 5,17): ὥστε εἴ τις ἐν Χριστῷ, καινὴ κτίσις· trong 4 cách sau đây, với nhiều sự khác biệt rất có giá trị.

 

a) se uno (singolare) è in Cristo, (lui) è una nuova creatura
Nếu một (số ít) ở trong Đức Kitô, thì (người ấy) là thụ tạo mới.

b) se uno (singolare) è in Cristo, (lui) è una nuova creazione
Nếu một (số ít) ở trong Đức Kitô, thì là cuộc sáng tạo mới.

c) se ognuno (tutto) è in Cristo, (ci) è una nuova creatura
Nếu từng/mỗi (tất cả) ở trong Đức Kitô, thì có thụ tạo mới.

d) se ognuno (tutto) è in Cristo, (ci) è una nuova creazione
Nếu từng/mỗi (tất cả) ở trong Đức Kitô, thì có cuộc sáng tạo mới.

 

Trong tiếng Hy Lạp, τις có nghĩa là “uno” (one, anyone, một) o “ognuno” (anyone, everyone, mỗi, từng, mọi). Như thế, chúng ta có thể áp dụng cho một người cụ thể, hoặc cho ai đó, cho từng người trong chúng ta, hoặc cho tất cả chúng ta. Trong phần hai của cụm từ, chúng ta đã bàn ở trên, với hai cách dịch khác nhau: “lui è” (he is, người ấy là) o “c’è” (there is, có một…). Giờ đây, chúng ta sẽ giải thích một chút chi tiết về từng cách dịch trong 4 khả thể được nêu lên ở trên.

 

a) se uno (singolare) è in Cristo, lui è una nuova creatura. Nếu một (số ít) ở trong Đức Kitô, thì (người ấy) là thụ tạo mới. Nếu mỗi người cụ thể (đã là tín hữu, hoặc chưa) ở trong Đức Kitô, thì người ấy là thụ tạo mới. Điều khẳng định này không phải là phép thuật, ảo thuật, mà thực sự là như thế. Trong đức tin, trong ân sủng, một người được biến đổi. Trường hợp của thánh Phaolo (Saulo) là một ví dụ tốt. Và thánh Phaolo cũng muốn người khác có thể đón nhận ân sủng của Đức Kitô như chính mình đã được nhận lãnh: “tôi đã làm tất cả cho mọi người, trở nên mọi sự cho mọi người, để cứu được một số người” (1Cr 9,22).

 

 b) se uno (singolare) è in Cristo, lui è una nuova creazione. Nếu một (số ít) ở trong Đức Kitô, thì là cuộc sáng tạo mới. Nếu một (số ít), người ấy, trở nên một con người mới trong Đức Kitô, thì không chỉ người ấy, mà thực sự người ấy là một cuộc sáng tạo mới: tức là, toàn bộ thế giới của người ấy, tất cả những gì người ấy là, người ấy có, với tất cả các cấp độ và chiều kích khác nhau. Người ấy là cuộc sáng tạo mới, không chỉ cho chính bản thân mình, mà còn cho tha nhân, cho gia đình mình, cho bạn bè của mình, cho các đồng nghiệp, cho nhà cửa, cho cộng đoàn, cho công việc…

 

c) se ognuno (tutto) è in Cristo, c’è una nuova creatura. Nếu từng/mỗi (tất cả) ở trong Đức Kitô, thì có thụ tạo mới. Nếu từng người giữa chúng ta, trong chúng ta, tức là tất cả chúng ta ở trong Đức Kitô, thì có thụ tạo mới. Có vẻ như điều này không phù hợp lắm về mặt toán học, và cũng có vẻ khó hiểu về mặt triết học khi nhìn về tương quan giữa cái nhiều (chúng ta, số nhiều) với cái một (một thụ tạo mới, số ít). Nhưng ý tưởng này, chúng ta có thể tìm thấy trong thư của thánh Phaolo: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.” (Gl 3,28). Thật tuyệt vời: tất cả chỉ là một.

 

d) se ognuno (tutto) è in Cristo, c’è una nuova creazione. Nếu từng/mỗi (tất cả) ở trong Đức Kitô, thì có cuộc sáng tạo mới. Nếu từng người chúng ta, tức là tất cả chúng ta, ở trong Đức Kitô, thì có cuộc sáng tạo mới. Cuộc sáng tạo mới này đã được công bố bởi ngôn sứ Isaia và sau đó bởi nhiều ngôn sứ khác. Chúng ta có thể nghĩ tới thành thánh Gierusalem trên trời, nghĩ tới cộng đoàn các Thánh, nghĩ tới Hội Thánh, nghĩ tới vũ trụ thời cánh chung: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta.” (Pl 3,20).

 

Lời khẳng định của thánh Phaolo như một điệp khúc vô cùng mạnh mẽ: Cái đã qua, và cái mới đã có đây rồi.

 

Thực sự còn rất nhiều điều để bàn luận, để học hỏi, nhưng thời gian thì có hạn và đây chỉ là bài luận nhỏ, cho nên người viết xin tạm dừng lại đây. Bởi lẽ, khi nói về “thụ tạo mới, hoặc cuộc sáng tạo mới”, có thể viết về nhiều góc độ khác nhau. Nếu tiếp cận dưới góc độ cá nhân, có thể đào sâu lá thư gửi tín hữu Roma, chương 5 với sự tương phản giữa Adam cũ và Adam mới (Đức Kitô là Con Người Mới, là trưởng tử, là Người Con duy nhất…). Nếu tiếp cận dưới góc độ bí tích, cụ thể là bí tích Rửa Tội, thì con người được tha thứ, được tái sinh để trở nên con Thiên Chúa trong Người Con Duy Nhất. Nếu tiếp cận dưới góc độ giáo hội học, thì thụ tạo mới là Giáo Hội, là thân thể nhiệm màu của Chúa Kitô, là Israel mới. Nếu nhìn từ toàn bộ thực tại, dưới góc độ cánh chung, thì có thực tại mới sau cùng của cái “đã mà chưa” hoặc “đã và hơn nữa”. [21] Trở về hành trình chính mà chúng ta đang đi, câu chuyện “thụ tạo mới” sẽ tiếp tục với hai phần nữa.

 

Tứ Quyết SJ

 

Đây là bài luận văn ra trường, cử nhân thần học (Đại Học Giáo Hoàng Gregoriana, Roma 2021). Bài viết gốc được viết bằng tiếng Ý, giờ đây được chính tác giả cố gắng phiên dịch, chuyển ngữ, diễn tả trong tiếng Việt, với mong ước có thể giúp ích trong việc yêu mến và học hỏi Lời Chúa, suy tư thần học, và có thể phần nào thúc đẩy sáng kiến trong mục vụ.

 

SIGLE E ABBREVIAZIONI
Ký hiệu và Các chữ viết tắt

AB
The Anchor Bible 1964

CCC
Catechismo della Chiesa Cattolica.
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

CEI 2008
La versione della Bibbia della Conferenza Episcopale Italiana, 2008
Kinh Thánh, phiên bản 2008 của Hội Đồng Giám Mục Italia

DCG 1999
Dichiarazione Congiunta sulla Giustificazione 1999
Tuyên ngôn chung về sự Công chính hóa

EG
Evangelii Gaudium di Papa Francesco
Niềm vui Tin Mừng của ĐTC Phanxico

ES
Esercizi Spirituali di San Ignazio di Loyola
Linh Thao của Thánh Inhaxio Loyola

Is
Isaia

Fil
Lettera ai Filippesi
Thư gửi tín hữu Philipphe

Gal
Lettera ai Galati
Thư gửi tín hữu Galat

GCB
Grande Commentario Biblico

JBC
The Jerome Biblical Commentary

LB.NT
I Libri Biblici. Nuovo Testamento

n.
numero/i
số/các số (cách viết tắt, ví dụ: s.)

NTG
Nestle, E. – Aland, K., Novum Testamentum Graece, XXVII ed., Stuttgart 1993
Bản văn Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp

Rm
Lettera ai Romani
Thư gửi tín hữu Roma

SEP
The Stanford Encyclopedia of Philosophy
Bách khoa toàn thư online của Đại học Stanford về Triết học

ST
Somma Teologica
Tổng Luận Thần Học

ST I-II, 110, 2
Somma Teologica, la prima parte della Seconda Parte, questione 110, articolo 2
Tổng Luận Thần Học, phần thứ nhất của Phần Hai, câu hỏi 110, mục 2

ST I-II, 110, 3
Somma Teologica, la prima parte della Seconda Parte, questione 110, articolo 3
Tổng Luận Thần Học, phần thứ nhất của Phần Hai, câu hỏi 110, mục 3

vv.
versetto/i
câu/các câu

1-2Cor
Prima e Seconda lettera ai Corinzi
Thư thứ nhất và thứ hai gửi tín hữu Corinto

 

BIBLIOGRAFIA
Thư mục tài liệu tham khảo

Aristotele, Le Categorie, a cura di D. Pesce, Padova 1966.

Aristotele, La Metafisica, a cura di G. Reale, Milano 2000.

Brown, R.E., An Introduction to the New Testament, New York 1997.

Fabris, R., – Romanello, S., Introduzione alla lettura di Paolo, Roma 2006, 20092.

Furnish, V.P., Il Corinthians, AB, New York 1984.

Ladaria, L.F., Antropologia teologica, Roma 20023.

Manzi, F., Seconda lettera ai Corinzi. Nuova versione, introduzione e commento, LB.NT 9, Milano 2002.

Martyn, J.L., Galatians, AB, New York 1998.

Matera, F.J., God’s Saving Grace, A Pauline Theology, Grand Rapids – Cambridge 2012.

O’rourke, J.J., “La seconda lettera ai Corinti”, in GCB (titolo originale JBC, a cura di R. E. Brown – J. A. Fitzmyer – R. E. Murphy), ed. italiana a cura di A. Bobora – R. Cavedo – F. Maistrello, Brescia 1973.

Papa Francesco, Evangelii Gaudium, Roma 2013,

http://www.vatican.va/content/francesco/it/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20131124_evangelii-gaudium.html

Penna, R., L’Apostolo Paolo. Studi di esegesi e teologia, (San Paolo Edizioni) 1991.

Penna, R., “Un perno: il mistero pasquale”, in L’evangelo come criterio di vita, Indicazioni paoline, Collana Biblica, Bologna 2009.

Rahner, K., Sulla teologia della morte. Con una digressione sul martirio, Brescia 1965.

Ratzinger, J., Introduzione al Cristianesimo. Lezioni sul Simbolo apostolico, (Titolo originale: Joseph Ratzinger, Einführung in das Christentum. Vorlesungen über das Apostolische Glaubensbekenntnis), Brescia 201823.

Ratzinger, J. – Gianni, “Intervista con il Cardinale Ratzinger di Gianni Cardinale”,

http://www.30giorni.it/articoli_id_17141_l1.htm 

Renczes, P.G., Agire di Dio e libertà dell’uomo. Ricerche sull’antropologia teologica di san Massimo il Confessore, Roma 2014.

San Agostino d’Ippona, Le Confessioni, introduzione, traduzione e note di Aldo L., Milano 2002.

San Ignazio di Loyola, Esercizi Spirituali, Milano 2005.

San Tommaso d’Aquino., La Somma Teologica, la prima parte della Seconda Parte, Questione 110, traduzione e commento, a cura dei Domenicani italiani, Bologna 1987,  http://www.carimo.it/somma-teologica/somma.htm

Scholz – Barbara, C. – Francis, J.P. – Geoffrey, K.P., “Philosophy of Linguistics”, SEP (Summer 2020 Edition), Edward N. Zalta (ed.),

https://plato.stanford.edu/archives/sum2020/entries/linguistics/

Williams – Thomas, D. – Jan, O.B., “Personalism”, SEP (Spring 2020 Edition), Edward N. Zalta (ed.),
https://plato.stanford.edu/archives/spr2020/entries/personalism/

“Dichiarazione congiunta sulla dottrina della giustificazione”, 1997-1999, (Pontificio Consiglio per la Promozione dell’Unità dei Cristiano),

1997-1999 Dichiarazione congiunta sulla dottrina della giustificazione (christianunity.va)

Survey:One in three Catholics in Germany thinking of leaving Church”, (CNA Staff, Mar 12, 2021 / 03:00 am America/Denver),

https://www.catholicnewsagency.com/news/246835/survey-one-in-three-catholics-in-germany-thinking-of-leaving-church

Bible Hub: https://biblehub.com/interlinear/2_corinthians/5.htm

……………………………………………..

[1] R. Penna, “Un perno: il mistero pasquale”, 49-58.

[2] R. Penna, “Un perno: il mistero pasquale”, 57.

[3] NTG.

[4] Bible Hub: https://biblehub.com/interlinear/2_corinthians/5.htm

[5] In questo elaborato, quando i versetti della Sacra Bibbia sono stati citati, se non c’è una nota particolare, tutti sono stati presi dalla versione CEI 2008. Trong bài luận này, các câu Lời Chúa được trích dẫn, nếu không nói thêm điều gì, thì sẽ được lấy từ phiên bản tiếng Ý năm 2008 của Hội Đồng Giám Mục Italia, và từ phiên bản tiếng Việt của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

[6] J.J. O’rourke, “La seconda lettera ai Corinti”, GCB, 1184-1185.

[7] F. Manzi, Seconda lettera ai Corinzi, 28.

[8] R.E. Brown, An Introduction to the New Testament, 542.

[9] F.J. Matera, God’s Saving Grace, 27-35.

[10] R. Penna, “Un perno: il mistero pasquale”, 49.51.

[11] R. Fabris – S. Romanello, Introduzione alla lettura di Paolo, 177-274.

[12] F.J. Matera, God’s Saving Grace, 84-125.

[13] F.J. Matera, God’s Saving Grace, 101-104.

[14] F.J. Matera, God’s Saving Grace, 104-105.

[15] F.J. Matera, God’s Saving Grace, 105.

[16] F.J. Matera, God’s Saving Grace, 105.122.

[17] V.P. Furnish, Il Corinthians, 314-315.

[18] V.P. Furnish, Il Corinthians, 332.

[19] V.P. Furnish, Il Corinthians, 332.

[20] V.P. Furnish, Il Corinthians, 332-333.

[21] J.L. Martyn, Galatians, 564-577.

Kiểm tra tương tự

Giáo xứ Ngọc Mạch: Hạ giải và khởi công xây dựng nhà thờ

“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv …

Linh mục tốt cần học suốt đời

Ca dao tục ngữ Việt Nam có vô số câu nói đề cao tinh thần …