Thực hư xung quanh việc “Đức Giê-su có vợ” và lịch sử về những phát hiện khảo cổ học sai lầm liên quan đến Kinh Thánh

Bản văn cổ mới được công bố do một giáo sư Đại Học Havard vào trung tuần tháng 9 tại Roma mà người ta cho là có đề cập đến việc “Đức Giêsu có vợ” giờ đây được phát hiện là bản văn giả. Đây không phải là lần đầu tiên người ta đưa ra một bài nghiên cứu về Kinh Thánh “có tính đột phá” nhưng cuối cùng lại không chính xác.

 

Nhìn lại lịch sử ta thấy, các lập luận giả tạo trong việc nghiên cứu các bản văn Kinh Thánh cổ thường hay lặp đi lặp lại chỉ có một kiểu. Tuy nhiên, điều gây thắc mắc cho nhiều người là làm thế nào những học giả có tiếng tăm lại có thể rơi vào những lập luận giả tạo dễ dàng như thế? Câu trả lời cho thắc mắc này cũng là một cảnh báo về mối nguy cơ là những học giả tiếng tăm đi chăng nữa, vẫn có thể có những khẳng định bị bóp méo bởi thành kiến.

Một phát hiện khác về sách Tân Ước đã được công bố cho toàn thế giới vào năm 1973 khi Morton Smith, một học giả từ Đại học Columbia, xuất bản một cuốn sách về cái gọi là Tin Mừng bí mật của Mac-cô. Smith nói rằng ông đã tìm thấy một bản thảo Kinh Thánh trong khi làm việc trong thư viện của tu viện cổ Mar Saba ở Bờ Tây, Israel vào năm 1958. Bản văn được cho là một phần của một bức thư ở thế kỷ thứ ba của Thánh Clement thành Alexandria. Bây giờ thì người ta đã tìm thấy bằng chứng cho thấy rằng bản thảo chỉ là giả. Dầu vậy, điều này vẫn không ngăn cản những người khác vẫn hào hứng tìm hiểu bản văn đó.

Một biến cố quan trọng khác của việc nghiên cứu Kinh Thánh đó là khi người ta phát hiện ra một chiếc quan tài của người Do Thái cổ đại vào năm 2002. Đúng hơn ta phải nói rằng đó là hộp đựng hài cốt chứ không phải là cái quan tài chứa xác chết, có khắc một dòng chữ Aram có nội dung cho thấy Gia-cô-bê là anh ruột của Chúa Giêsu. Phải chăng xác nhận khảo cổ học này nói về một nhân vật trong gia đình Đức Giê-su? Có lẽ là không. Chiếc hộp này được cho là của Oded Golan, một kỹ sư và người sưu tầm đồ cổ người Do Thái tạo ra, người mà những năm sau đó đã bị xét xử tại Giê-ru-sa-lem về tội làm đồ giả mạo.

Tuy nhiên, giả như ngay cả khi các dòng chữ khắc trên hộp đựng hài cốt của Gia-cô-bê là thật thì điều đó cũng chỉ đơn thuần xác định rằng Chúa Giêsu có một người anh tên là Gia-cô-bê. Thật ra, điều này cũng không có gì lạ lùng vì trong nền văn hóa miền Cận Đông ngày xưa và ngay cả bây giờ ở rất nhiều nước, “anh em” vừa có nghĩa là anh em ruột, vừa có nghĩa là anh em họ hàng. Vì thế, nếu chỉ dựa vào một dòng chữ mà xác định Gia-cô-bê là anh ruột của Đức Giê-su thì quả là một kết luận quá sớm!!!

Nhìn chung những trường hợp vừa nêu trên đây đều có nét tương đồng. Thực ra, các học giả vừa nêu trên đều đã có một giả thuyết nào đó về một vấn đề trong Kinh Thánh từ trước và khi có kẻ giả mạo tạo nên bằng cớ trùng hợp với giả thuyết của họ thì họ liền bị thuyết phục để rồi sau đó thuyết phục người khác.

Cuối cùng, chính công chúng sẽ có câu trả lời cho câu hỏi Chúa Giê-su có vợ hay không. Chúng ta có thể học hỏi những gì từ điều này? Bài học đơn giản nhất là chớ cả tin vào những điều có vẻ hợp lý mà không hề hoài nghi. Trong trường hợp này thì những suy nghĩ có tính phê bình có thể giúp ta tránh bị mắc lừa. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta đều có một “điểm mù” và không thể nhận biết được vấn đề ở tại ‘điểm mù này” và vì thế khi gặp một vấn đề mới mẻ, mỗi người cần thời gian và kiểm chứng rõ ràng đồng thời cần tìm ra một tiêu chuẩn khách quan khác để đánh giá vấn đề chứ không chỉ dựa vào những bằng chứng vật chất có vẻ chắc chắn nhưng rốt cuộc lại không đúng. Những trường hợp kể trên thật là những bài học kinh nghiệm quý giá!!!

(Công Tùng sj. Theo  http://www.ucanews.com)

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 3: Mất trí và bị quỷ ám

Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp nhiều chống đối từ phe …

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 2: Một tay ăn nhậu và nguồn gốc bất thường

“Ngoài việc bị phe chống đối cáo buộc là một kẻ bịp bợm và làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *