Ngày thứ 2 của Đại hội Châu lục Á châu về hiệp hành được bắt đầu bằng lời cầu nguyện của Thượng Hội đồng “Adsumus Sancte Spiritus”, khẩn cầu ơn Chúa Thánh Thần để hướng dẫn và soi sáng tất cả các tham dự viên trong tiến trình hiệp hành này để thực sự phản ánh được tiếng nói của Á châu. Lời nguyện Thượng Hội đồng có một bối cảnh lịch sử phong phú. Từ đầu tiên trong tiếng Latinh có nghĩa là “Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con đến trước nhan Chúa,” đã được sử dụng tại nhiều Công đồng, Thượng Hội đồng và các cuộc họp khác của Giáo hội trong hàng trăm năm.
Sơ Nathalie Becquart XMCJ, Phó Tổng thư ký của Thượng Hội đồng, đã đưa ra định hướng cho ngày thảo luận khi Sơ nêu lên rằng hiệp hành là hoa trái của Thượng Hội đồng về Giới trẻ. Sơ giải thích “Nếu chúng ta tin rằng hiệp hành là cách Giáo hội ngày nay trở thành theo ý muốn của Thiên Chúa, trong sự năng động của phân định và cùng nhau lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần’, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố, chúng ta có thể tin tưởng rằng chúng ta sẽ nhận được ân sủng để đáp lại lời kêu gọi này của Thiên Chúa để trở thành một Giáo hội hiệp hành”. Sơ Nathalie nhấn mạnh rằng hiệp hành là món quà và phân định là cốt lõi của hiệp hành. Sơ gợi lên hình ảnh của Đường Emmau trong Kinh Thánh làm khuôn mẫu cho tiến trình hiệp hành; mời gọi tất cả chúng ta bắt chước theo phong cách hiệp hành của Chúa Giêsu.
Trong hai ngày qua, các tham dự viên đã được mời gọi tham gia xuyên suốt tiến trình hiệp hành bằng cách sử dụng phương pháp 3 bước được gọi là ‘Trò chuyện thiêng liêng’. Bước đầu tiên “Làm quen” là thời điểm mỗi người tham gia phát biểu trong hai phút về kinh nghiệm của họ về tiến trình hiệp hành; không có cuộc thảo luận hay sự can thiệp nào, sau đó là hai phút thinh lặng để chia sẻ. Bước thứ hai “Cảm nhận của người khác” là khoảng thời gian mà mỗi thành viên trong nhóm nói trong hai phút về điều được đánh động nhất từ chia sẻ của người khác; không có thảo luận hoặc can thiệp; sau đó là hai phút thinh lặng để nội tâm hóa những điều được chia sẻ. Bước thứ ba “Cùng nhau xây dựng” là thời gian tương tác để xác định kết quả của cuộc trò chuyện, nhận ra những điểm cốt lõi, những câu hỏi chung, những bất đồng và tiếng nói dự báo. Phương pháp này tạo không gian cho giây phút của ân sủng nhằm giúp nhóm đặt ra một câu hỏi cơ bản: Chúa Thánh Thần đang dẫn chúng ta đi đâu?
Các nhóm đã suy ngẫm và cầu nguyện về những câu hỏi sau: Có mối quan tâm nào hoặc vấn đề nào chưa được thảo luận đầy đủ về phần “Hố ngăn cách” trong bản dự thảo không? Có bất kỳ thực tế, kinh nghiệm hoặc mối quan tâm nào của Châu Á có thể được đưa vào hoặc cải thiện trong “Hố ngăn cách” không?
Trong phiên họp thứ hai của buổi sáng, các nhóm đã suy ngẫm và cân nhắc về năm ưu tiên cần kíp nhất đối với lục địa Á châu, và những ưu tiên này cần khẩn trương trình lên Thượng Hội đồng vào tháng Mười.
Những người điều phối và hỗ trợ trong ngày là Đức Tổng Giám mục Anil Joseph Thomas Couto, Tổng Giám mục Delhi, Ấn Độ, Bà Christina Kheng, Ủy ban Phương pháp của Thượng Hội đồng và Bà Momoko Nishimura, thành viên Uỷ ban Thượng Hội đồng của Liên Hội Đồng Giám mục Á châu (FABC). Những người điều phối nhắc các tham dự viên về trách nhiệm nói lên tiếng nói của Á châu chứ không phải năng lực cá nhân của họ.
Cả hai phiên họp buổi sáng đều kết thúc với giờ chầu Mình Thánh Chúa; vì cầu nguyện là động lực của tiến trình hiệp hành này.
Phiên họp thứ ba trong ngày mời gọi các nhóm xem xét toàn diện bản phác thảo của Tài liệu Làm việc. Ngày họp kết thúc ngày bằng việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, với chủ đề một Thánh Lễ cho Á châu, do Đức Hồng Y Joseph Coutts, Tổng Giám Mục Danh Dự của Karachi, Pakistan, Thành Viên của Hội Đồng Thượng Hội Đồng, chủ sự. Tiến trình Thượng Hội đồng đang diễn ra và giống như người môn đệ trên đường Emmau, các tham dự viên làm vang vọng lại lời Kinh Thánh “Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta dọc đường?”- Lc 24:32
Nguồn: https://bangkok.synod2023.org/2023/02/25/news-release-no-3-a-spiritual-conversation/
Chuyển ngữ: Phê-rô Đại Yên
Hiệu đính: Trung Thu, DHM