Tiếng reo vui giữa vùng ngoại biên 

 

Trở lại  vùng đất xưa, đã một năm qua,

Một năm rồi mà vẫn cứ như bước khởi đầu, ngổn ngang trăm bề.

Thêm vào đó, đời sống người dân vùng này vất vả hơn trước kia rất nhiều: những người trai trẻ thì đi làm ăn xa, trong làng chỉ toàn người già và trẻ em.

Đối với chúng tôi là những người thợ trên cánh đồng thì không đáng ngại, vì đã quen dãi dầu mưa nắng. Ngặt nỗi bà con không có nhiều thời gian để cùng nhau học hỏi lời Chúa và cầu nguyện.

Làm gì thì làm, cũng phải tập cho bà con biết lắng nghe và vâng giữ lời Thiên Chúa, để cho lời Thiên Chúa dẫn bước tiến thẳng vào trong quyền năng của Thiên Chúa tình yêu.

 

Rất cần những phút giây quì lặng bên Chúa, lặng lẽ ngắm nhìn và lắng nghe…

Ngắm nhìn Thiên Chúa đang ôm ấp tất cả trong tình thương yêu trìu mến, tận mắt thấy muôn loài trở thành mới mẻ, tươi vui, và tràn ngập sức sống.

Thật vậy, khung trời của cái đẹp cuộc sống vẫn là bước đi trên những nẻo đường hằng ngày trong sự hiện diện của Thiên Chúa, từ đó có thể hòa mình vào mọi lãnh vực.

Tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên 22 anh chị em được dẫn về Nhà Chung giáo phận, để cùng nhau học hỏi lời Chúa và cầu nguyện 4 ngày, vừa để làm quen với tiếng Stieng là ngôn ngữ của bà con vùng này. Những con người đơn sơ, chất phác, chỉ mới được qui tụ ngay tại nhà thờ giáo xứ để học hỏi giáo lý và làm quen với lời Chúa được mấy tháng thôi. Có người còn không biết chữ nữa. Vậy mà, thật bất ngờ, mỗi ngày có 4 lần với 45 phút ngồi lặng bên Chúa, mọi người đều thư thái và bình an, cảm nếm từng phút giây trong vòng tay Thiên Chúa quyền năng và đầy tràn ân nghĩa.

Đúng như lời Đức Phanxicô quả quyết :“Trong tất cả mọi khía cạnh của đời sống, ai cũng có thể tiếp tục phát triển và dâng lên Thiên Chúa một điều gì lớn hơn, ngay cả trong những khía cạnh mà mình cảm thấy khó khăn nhất”. (175)

Thế là trong vùng trời của ân sủng, chẳng còn gì phải e ngại.

Thực ra, khi bà con về tới Nhà Chung, một điểm đến khác hẳn với vùng đất quen thuộc hằng ngày: Mỗi người được sắp xếp cho ở một phòng riêng ở lầu 2, lớp học thì ở lầu 1, trong khi nhà nguyện lại mãi tận lầu 3, phòng ăn thì ở tầng trệt, nguyên việc đi lên đi xuống và nhớ được từng nơi đã khó rồi, cộng thêm các hiệu chuông của những khu vực khác nhau làm bà con cứ lầm tưởng chuông hiệu của mình cũng gây xáo trộn không ít, rồi phải lo giữ gìn mọi nơi mọi xó cho sạch sẽ cũng đâu dễ dàng gì, cứ phải có người đi theo nhắc nhở từng chút.

Thực ra, mặc cho ai nhắc nhở, còn bà con có nghe kịp hay không thì tùy. Chả thế mà trước khi rời nhà nguyện, ông bố yêu cầu bà con trở về ngay phòng của mình, tiếp tục sống những phút giây bên Chúa, từ nhà nguyện tới phòng ngủ, tập quen để mai ngày từ nhà thờ về nhà mình : sống với Chúa và biết Chúa có mặt ngay trong cảnh đời của mình, biết rằng bàn tay Chúa luôn nâng đỡ, dẫn dắt và chở che. Tuy nhiên có những người thì lại cứ lo làm những chuyện lặt vặt khác như quét dọn nhà cửa…làm việc thì tốt nhưng đáng tiếc không phải lúc.

Một nữ tu đồng hành với bà con trong những ngày này cứ thắc mắc là chỉ nhắc nhờ nhiêu đó mà cũng không làm được. Lý giải về điều này, chúng tôi nhớ lại câu nói của một cha phó sau sáu tháng sống giữa bà con, đã trả lời như sau : “Thời gian đầu đến đây, tôi cứ thắc mắc tại sao mỗi lần nhắc nhở mấy câu thôi mà bà con như không hiểu và không làm theo, nhưng nay thì tôi phải đấm ngực thưa rằng: vì tôi không hiểu bà con.”

Vùng ngoại vi là như thế sao ?

Đức Phanxicô nói với chúng ta : “Thiên Chúa của sự mới mẻ vĩnh hằng không ngừng thúc đẩy chúng ta lại ra đi và đổi chỗ để thoát ra ngoài những gì là quen thuộc, đến những vùng ngoại vi và biên giới. Ngài dẫn chúng ta đến nơi mà nhân loại bị tổn thương nhất, nơi mà con người dưới vẻ bề ngoài của một sự đồng nhất hời hợt, tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời. Thiên Chúa không sợ! Ngài không sợ! Ngài luôn ở trên các kế hoạch của chúng ta và không sợ vùng ngoại vi. Chính Ngài đã trở thành một ngoại vi” (x. Pl 2:6-8; Ga 1:14).

Đặt chân lên vùng ngọai vi, cụ thể là vùng đất của người Stieng, chúng tôi là những người được sai đến đây đã bắt gặp bóng dáng Thiên Chúa của sự mới mẻ vĩnh hằng ngang qua mọi cảnh đời, để rồi có thể bày tỏ Thiên Chúa là Đấng có mặt ngay trong cảnh đời của mỗi con người. Vì thế, khi dẫn dắt để bà con làm quen với từng trang Kinh Thánh, những trang sách được chính Thiên Chúa viết ra, chính Thiên Chúa đã muốn ghi lại những cuôc gặp gỡ, tìm kiếm, và lôi kéo con người đến với mình…Nhờ đó, khi  cùng với bà con lần dở từng trang Kinh  Thánh, đọc từng câu từng chữ, tất cả đã nghe được, thấy tận mắt… và tay đã chạm đến LỜI sự sống (x.1Ga 1,1).

Thế này nhé, khi lời Chúa trong Tin Mừng kể về Đức Giêsu Kitô, ConThiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta, là đấng vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình, thì đương nhiên, mọi người bắt gặp ngay một Đức Giêsu đang sống. Chính  Đấng vẫn sống và đang sống hôm nay sẽ viết tiếp câu chuyện Giê-su trong cảnh đời từng người. Từ đây trên mọi nẻo đường, bà con có thể đặt trọn tin tưởng nơi Giêsu.

Thật vậy, khi mới lên xe tìm về bên Chúa, có chị cũng nghĩ đến con gà con heo, ở nhà không biết mọi người có nhớ cho ăn không, có anh thuê người cạo mủ thay, nhưng vẫn lo không biết khi trở về lấy gì để trả. Nhưng đến khi vào cầu nguyện, mọi lo toan tan biến đâu cả rồi, chả thế mà khi nhận được cuộc gọi của chồng nói rằng 3 con heo con bị chó cắn chết hết rồi, chị trả lời không chút ngập ngừng, thì làm thịt chia cho lối xóm cùng ăn. Nói sao mà dễ thế, không chút hờn trách. Thì ra sau những phút giây kề cận bên Chúa, chị đã học được cách nhìn mọi chuyện xảy ra bằng con tim với tình yêu dịu dàng. Còn chàng thanh niên, chính lúc quên đi món nợ thì có người vẫn nhớ và nhờ người trao lại cho anh chút tiền hoàn công.

Buổi sáng cuối cùng của những ngày rủ nhau “đến mà xem”, tất cả được dẫn vào  chung chia bữa tiệc của bạn nghèo.

Vị chủ tiệc hôm nay vui lắm, đích thân Người đến bên từng người cùng với lời chúc phúc :

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”. (Lc 6,20)

Tuyệt vời chưa kìa, chính đức Giê-su đang mở rộng cửa Nước Thiên Chúa cho những  người nghèo khổ như anh em đây bước vào. Ngỡ ngàng khi thấy mình được Thiên Chúa dẫn vào vương quốc của Người, được “Thiên Chúa ôm vào lòng và ru trên gối”,  mọi mệt nhọc  tan biến, để chỉ còn hoan lạc và bình an.

Một điểm đến quá ngọt ngào, vậy mà nhiều người cứ phải tìm kiếm mãi tận đâu xa.

Người nghèo, người mang tấm thân nghèo, được đặt trong cung lòng Thiên Chúa

Người có tinh thần nghèo khó, một con tim đơn nghèo, người con của Nước Trời,

Thế là khi đôi tay anh em chúng tôi nối  liền vòng tay của những tấm thân nghèo, thì vùng trời Thiên Chúa mở ra, bàn tiệc lúc này có Thiên Chúa hiện diện : những con tim đơn nghèo cùng những tấm thân nghèo dệt lên bản tình ca Thiên Chúa, trời đất rộn rã tiếng reo vui.

Chúa sẽ làm gì trước cơn đói nhân loại? “Chúa sẽ cho họ được no lòng” (Lc 6,21)

Và trong cơn buồn khổ của những tấm thân nghèo? Chúa sẽ lau nước mắt cho họ, nhận chìm tất cả trong suối nguồn an ủi,

“Vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Đa-minh Trần Văn Tân, SJ.

Kiểm tra tương tự

Giáo xứ Ngọc Mạch: Hạ giải và khởi công xây dựng nhà thờ

“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv …

Linh mục tốt cần học suốt đời

Ca dao tục ngữ Việt Nam có vô số câu nói đề cao tinh thần …