Tiếp kiến chung ĐTC: Giáo Hội là thân thể Đức Kitô

Udienza generale di Papa FrancescoVATICAN. Như thường lệ, hôm thứ tư 22.10, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến chung với các khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican. Sau khi chào thăm mọi người, Đức Thánh Cha bắt đầu bài chia sẻ giáo lý của mình. Lần này, ngài vẫn tiếp tục loạt bài về Giáo Hội, với đề tài: Giáo Hội là thân thể của Đức Kitô.

Sau đây là toàn văn bài chia sẻ của ngài:

“Xin chào tất cả anh chị em,

Khi nào người ta muốn làm rõ các yếu tố làm nên một thực tại gắn kết với nhau chặt chẽ như thế nào và cùng nhau làm nên một cái gì đó duy nhất, người ta thường dùng hình ảnh “thân thể”. Khởi sự từ thánh Phaolo tông đồ, diễn tả này cũng được áp dụng cho Giáo Hội và được biết đến như là điểm đặc nét rất sâu và đẹp của ngài. Hôm nay, chúng ta hãy tự vấn mình: theo nghĩa nào Giáo Hội làm nên một thân thể? Tại sao lại có khái niệm “thân thể Đức Kitô”?

Sách tiên tri Ezekiel có mô tả một thị kiến rất đặc biệt, rất ấn tượng và có thể mang đến cho con tim chúng ta niềm tin và niềm hy vọng. Thiên Chúa cho vị ngôn sứ thấy một cánh đồng toàn là xương, tách rời nhau và đã trở nên khô ráp. Một cảnh tượng rất thương tâm… Anh chị em hãy tưởng tượng đi: cả một dải đất bằng đầy ắp xương. Sau đó, Thiên Chúa bảo ông hãy xin Thánh Thần xuống trên các mảnh xương ấy. Thế rồi, xương bắt đầu chuyển động, nhích lại gần nhau hơn và dính với nhau, sau đó trồi lên các dây thần kinh, rồi cơ thịt và hình thành một thân thể, hoàn hảo và tràn đầy sự sống (x. Ez 37,1-14). Đây chính là Giáo Hội. Tôi đề nghị anh chị em khi về nhà hãy lấy cuốn Kinh Thánh, mở chương 37 của sách Tiên Tri Ezekiel, đừng quên điều này nhé, và hãy đọc lại trình thuật này, rất tuyệt vời. Đây chính là Giáo Hội, là một kiệt tác, một kiệt tác của Thánh Thần, một kiệt tác giúp mang đến cho mỗi người chúng ta một sự sống Phục Sinh mới và mang người này đến gần người kia, người này phục vụ và nâng đỡ người kia, làm cho chúng ta trở thành một thân thể duy nhất, xây dựng mối hiệp thông và tình yêu.

 Nhưng Giáo Hội không chỉ là một thân thể được xây dựng trong Thánh Thần: Giáo Hội là thân thể của Đức Kitô! Hơi lạ một tí, nhưng thật là vậy, đó không chỉ đơn thuần là một cách nói, nhưng sự thật là thế! Đó là một món quà to lớn mà chúng ta nhận được vào ngày chúng ta chịu phép Thanh Tẩy! Thực ra, trong bí tích Rửa Tội, Đức Kitô làm cho chúng ta thuộc về Người, đón nhận chúng ta vào tâm điểm mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm tối cao của tình yêu Người dành cho chúng ta, để làm cho chúng ta được phục sinh với Người, như những thụ tạo mới. Giáo Hội đã sinh ra từ đó, và theo nghĩa đó, Giáo Hội được nhận biết như là thân thể Đức Kitô! Bí tích Thanh Tẩy thiết lập nên một sự tái sinh mới, tái sinh chúng ta trong Đức Kitô, làm cho chúng ta trở thành một phần của Người và liên kết chúng ta với nhau một cách mật thiết, như những chi thể trong cùng một thân thể, mà Người là đầu (x. Rm 12,5; 1 Cor 12,12-13)

 Điều nảy sinh từ đây chính là một sự hiệp thông tình yêu sâu thẳm. Theo nghĩa này, như thánh Phaolo được linh hứng mà nói rằng “người chồng phải yêu thương vợ như yêu thân thể mình”, thánh thân cũng nói thêm: “cũng như Ðức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh vì chúng ta là chi thể trong thân thể của Người” ( Ep 5,28-30). Thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể năng nhớ đến điều này hơn, nhớ đến những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta: chúng ta là thân thể của Người, một thân thể mà không ai và không gì có thể tách ra khỏi Người và là một thân thể mà Người đã bao bọc bằng tất cả lòng thương xót và tình yêu của mình, hệt như người chồng đối xử với vợ mình. Nhưng tư tưởng này phải khơi dậy trong chúng ta khao khát muốn đáp lại lời Người và khao khát muốn chia sẻ tình yêu của Người giữa chúng ta, như các chi thể của cùng một thân thể. Vào thời của thánh Phaolo, cộng đoàn Côrintô gặp rất nhiều khó khăn trong chuyện này, cũng giống như chúng ta thi thoảng, họ sống trong sự chia rẽ, hiềm khích, hiểu nhầm và loại trừ nhau. Tất cả những điều này chẳng tốt tí nào, vì thay vì xây dựng và làm cho Giáo Hội lớn lên như thân thể của Đức Kitô, họ phân cắt Giáo Hội ra thành nhiều phần, họ gây chia rẽ trong Giáo Hội.

Điều này cũng xảy ra với chúng ta ngày nay. Tôi nghĩ đến những cộng đoàn Kitô hữu, trong một vài giáo xứ, những góc phố của chúng ta, với biết bao những chia rẽ, đố kỵ, nói xấu, hiểu nhầm và loại trừ nhau. Những điều này khiến chúng ta bị chia rẽ. Nó bắt đầu cuộc chiến tranh. Chiến tranh không bắt đầu diễn ra nơi chiến trường nhưng nơi con tim của chúng ta, với những hiểu lầm, chia rẽ, đố kỵ, những cuôc cãi cọ với người khác. Thánh Phaolo đã chia sẻ với các tín hữu ở Côrintô một vài lời khuyên cụ thể mà cũng có thể áp dụng cho chúng ta: đừng ganh tị, nhưng hãy trân trọng những ơn riêng và tài năng của anh chị em trong cộng đoàn mình. “Anh ta vừa mua một chiếc xe mới”, ” Anh ta vừa trúng số”… Tôi thấy có mùi vị ganh tị ở đây. Chúng ta không nên ganh tị, đừng để ganh tị lớn lên rồi phủ lấp con tim ta. Một con tim ganh tị là một con tim chua chát, thay vì chứa máu thì chỉ chứa toàn axit. Đó là một con tim không hạnh phúc, một con tim gây chia rẽ cộng đoàn.

Tôi phải làm gì đây? Hãy trân trọng những ơn riêng và tài năng của người khác, của anh chị em trong cộng đoàn. Tất cả chúng ta đều là những tội nhân. Khi nào một sự ganh tị kéo đến, ta hãy thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban điều này cho người kia”. Trân trọng tài năng và chống lại sự chia rẽ; trở nên gần gũi và thông phần vào nỗi đau khổ của những người thấp bé, những người thiếu thốn; bày tỏ lòng biết ơn dành cho mọi người. Con tim biết nói lời cảm ơn là một con tim tốt, một con tim thanh cao, biết hài lòng vì biết nói cảm ơn. Đây là những lời khuyên mà thánh Phaolo Tông Đồ nói với tín hữu Côrintô và cũng là lời chúng ta nói với nhau.

Đừng xem ai trọng hơn ai – bao nhiêu người nghĩ mình trọng hơn người khác. Đã không ít lần chúng ta vẫn thường nói như người Pharisêu trong dụ ngôn: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì con không như người kia, con hơn người kia”. Điều này chẳng tốt tí nào, đừng bao giờ làm như thế! Khi nào tư tưởng này kéo đến, hãy nhớ đến những tội lỗi của mình, những tội mà chẳng ai biết, hãy cảm thấy xấu hổ trước mặt Chúa và nói: “Lạy Chúa, Chúa biết ai là người cao trọng, con câm miệng đây”. Làm thế này thì tốt hơn. Trong tình bác ái, người ta xem mình là chi thể gắn kết với nhau, sống và dấn thân vì lợi ích của nhau. (x. 1 Cor 12-14)

Anh chị em thân mến, như Ngôn sứ Ezekial và như thánh Phaolo Tông Đồ, chúng ta cũng hãy cầu xin Thánh thần, để ơn sủng và sự tràn trề ân thiêng của Ngài giúp chúng ta sống như là thân thể thực sự của Đức Kitô, hiệp nhất như một gia đình, vốn là thân thể của Đức Kitô, và như là dấu chỉ hữu hình và tuyệt vời cho tình yêu của Đức Kitô.

Xin cảm ơn!”

 

Chuyển dịch từ bản Ý ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Thánh lễ trao Tác vụ Đọc Sách, Giúp Lễ và nhắc lại Lời Khấn

Ngày 31.12.2023, ngay sau khi kết thúc kỳ tĩnh tâm Triduum, tại nhà nguyện Học …

Có những người bạn trong Chúa thắm tình như thế! 

  Cùng hòa chung niềm hân hoan với mọi tâm hồn chuẩn bị đón chào …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *