Tiếp kiến chung Đức Thánh Cha: Giáo Hội là dân được chúc phúc

2026274-papaVATICAN. Hôm thứ 4, 18.6 vừa qua, trời Rôma khá âm u, nhưng hàng chục khách hành hương đã quy tụ về Quãng Trường Thánh Phêrô để tiếp kiến chung Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã rất cảm kích trước sự quảng đại này của họ nên ngay sau khi gửi lời chào, ngài đã khen họ: “Xin chào anh chị em. Xin chúc mừng anh chị em, vì anh chị em rất dũng cảm! Thời tiết như thế này, chẳng ai biết là có mưa hay không… Hy vọng là buổi tiếp kiến chung này kết thúc mà không có mưa, xin Chúa thương chúng ta.”

Bắt đầu từ tuần này, loạt bài giáo lý của ngài sẽ nói về Giáo Hội, với việc khai sinh Giáo Hội. ĐTC lấy hình ảnh Abraham được Thiên Chúa ngỏ lời, mời gọi ra đi. Ngài gọi Giáo Hội là những ai nghe, thực thi Lời Chúa, thực hiện chuyến hành trình theo lời mời gọi của Chúa.

Sau đây là toàn văn bài chia sẻ của ngài:

“Hôm nay, tôi sẽ bắt đầu loạt bài giáo lý về Giáo Hội, giống như một người con nói về mẹ của mình, trong gia đình mình vậy. Nói về Giáo Hội là nói về mẹ của chúng ta, trong gia đình của chúng ta. Thực ra, xét cho cùng thì Giáo Hội tự nó không phải là một thể chế hay một hiệp hội riêng, hay một tổ chức phi chính phủ, cũng không nên giới hạn cái nhìn của mình chỉ vào các giáo sĩ hay Vatican… Các linh mục là một phần của Giáo Hội, còn Giáo Hội là tất cả chúng ta. Đừng giới hạn Giáo Hội chỉ là các linh mục, giám mục ở Vatican. Họ là một phần của Giáo Hội, còn Giáo Hội là tất cả chúng ta, tất cả gia đình. Giáo Hội là một thực tại rộng hơn rất nhiều, mở ra với toàn thể nhân loại và không được sinh ra trong một phòng thí nghiệm. Giáo Hội không được sinh ra trong phòng thí nghiệm và cũng không được sinh ra cách tạm bợ. Giáo Hội được Đức Giêsu thiết lập nhưng đó là một dân với một lịch sử lâu dài và một sự chuẩn bị được khởi đầu trước Đức Giêsu rất nhiều.

 Lịch sử hay “tiền sử” này của Giáo Hội được tìm thấy nơi các trang sách của Cựu Ước. Chúng ta đã nghe nói đến sách Sáng Thế, Thiên Chúa chọn Abraham, tổ phụ đức tin của chúng ta và mời gọi ông hãy ra đi, bỏ lại quê cha đất tổ và đến một vùng đất khác mà Người sẽ chỉ cho ông (X. St 12,1-9). Thiên Chúa đã không kêu gọi Apraham một mình, xét như là cá nhân, nhưng ngay từ ban đầu, lời mời gọi này liên quan đến cả gia đình ông, họ hàng ông và tất cả những ai phục vụ trong nhà ông. Một lần nọ, khi đang trên hành trình – hệt như Giáo Hội bắt đầu hành trình – Người chúc phúc cho Abraham, hứa sẽ ban cho ông một dòng dõi đông đúc như sao trên bầu trời và như cát ở bãi biển. Điều quan trọng đầu tiên là đây: bắt đầu từ Apraham, Thiên Chúa đã làm nên một dân để mang ơn lành của Người xuống trên mọi gia đình trên mặt đất. Và nơi dân tộc này, Đức Giêsu đã sinh ra. Chính Thiên Chúa đã làm nên dân này, lịch sử này, Giáo Hội trên cuộc hành trình, và Đức Giêsu được sinh ra từ đây, nơi dân tộc này.

 Yếu tố thứ hai: không phải Apraham đã làm nên một dân quanh mình, nhưng chính Thiên Chúa đã ban sự sống cho dân này. Thường thường, chính con người quy hướng về thần minh, cố gắng đến gần và cầu xin sự nâng đỡ và bảo vệ. Con người cầu nguyện với các thần linh… Nhưng trong trường hợp này, người ta lại nhìn thấy một điều không tưởng. Chính Thiên Chúa đã gõ cửa Apraham và nói với ông: hãy đi, đi khỏi mảnh đất này, bắt đầu hành trình và ta sẽ ban cho người một dân đông đảo. Đây là khởi đầu của Giáo Hội và nơi dân này, Đức Giêsu đã sinh ra. Thiên Chúa luôn đi bước trước và nói với con người, thiết lập sự gắn kết và một tương quan mới với con người. “Nhưng, thưa cha, thế này là thế nào? Thiên Chúa nói với chúng ta sao?” “Vâng.” “Và chúng ta có thể nói chuyện với Thiên Chúa sao?” “Vâng”. Cái này được gọi là cầu nguyện nhưng Thiên Chúa luôn đi bước trước. Như thế, Thiên Chúa làm nên một dân bao gồm tất cả những ai lắng nghe lời Chúa và thực hiện cuộc hành trình, tín thác vào Người.

 Đây là điều kiện duy nhất, tín thác vào Thiên Chúa. Nếu các bạn tín thác vào Thiên Chúa, lắng nghe Người và bước đi, điều này làm nên Giáo Hội. Tình yêu của Thiên Chúa vượt trên tất cả. Thiên Chúa luôn luôn đi đầu, đi trước chúng ta, Người dẫn đầu chúng ta. Ngôn sứ Isaia hay Gieremia gì đó, tôi không nhớ rõ, một trong hai người đã nói rằng Thiên Chúa giống như cây hoa hạnh nhân vì là cây đầu tiên nở hoa khi mùa xuân đến. Người vẫn đợi chúng ta, mời gọi chúng ta, giúp chúng ta tiến bước. Người luôn luôn dẫn đầu chúng ta. Cái này được gọi là tình yêu vì Thiên Chúa luôn đợi chờ chúng ta. “Nhưng, thưa cha, con không tin vào điều này vì cha biết đấy, đời sống của con tồi tệ lắm, làm sao con có thể nghĩ là Thiên Chúa đợi chờ con?” “Thiên Chúa vẫn đợi chờ con, cho dù tội con có lớn thế nào đi nữa, Người vẫn chờ con và chờ con với một tình yêu lớn lao, vì Người luôn đi bước trước”. Đây là nét đẹp của Giáo Hội, mang chúng ta đến với Thiên Chúa, Đấng luôn chờ đợi ta! Người đi trước Abraham, trước cả Ađam.

 Abraham và người thân của ông đã nghe lời mời gọi của Thiên Chúa và thực hiện cuộc hành trình, dù họ không biết rõ vị Thiên Chúa này là ai và muốn dẫn họ đi đâu. Đúng là vậy, vì Abraham đã lên đường với vị Thiên Chúa mà ông đã trò chuyện với nhưng không hề có một cuốn sách thần học nghiên cứu về Vị Thiên Chúa này lúc ấy. Ông tin, tin vào tình yêu. Thiên Chúa đã giúp ông cảm nghiệm thấy tình yêu và ông tin tưởng vào Người. Nhưng điều này không có nghĩa là những người này luôn luôn tin và tín thác… Ngay từ đầu, cũng đã có những chần chừ, co cụm trong chính mình và trên những lợi ích của mình, cám dỗ mặc cả với Thiên Chúa và giải quyết mọi chuyện theo cách của mình. Đây là những sự phản bội và tội lỗi trên hành trình của dân trong suốt dòng lịch sử cứu độ, cũng là lịch sử sự trung tín của Thiên Chúa với sự bất tín của con người. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi. Thiên Chúa rất kiên nhẫn. Ngài vẫn tiếp tục giáo dục và uốn nắn dân Ngài theo dòng thời gian, như người cha đối với con cái mình. Thiên Chúa đồng hành với chúng ta. Như ngôn sứ Hôsê nói: “Ta sẽ bước đi với con, và tập cho con đi như người cha dạy cho con mình”. Thiên Chúa thật tuyệt vời. Người luôn ở với chúng ta và tập cho chúng ta đi.

 Giáo Hội vẫn có một thái độ này. Chúng ta cũng vậy, dù chúng ta vẫn có ý muốn đi theo Chúa Giêsu, nhưng ta cũng có kinh nghiệm hằng ngày về sự ích kỷ, chai lỳ của con tim. Nhưng khi nào chúng ta nhận ra mình tội lỗi, Thiên Chúa lại đổ đầy chúng ta bằng lòng thương xót và tình yêu của Người. Người lúc nào cũng tha thứ cho chúng ta. Chính điều này giúp chúng ta lớn lên như là dân của Chúa, như là Giáo Hội: không phải là tài năng của chúng ta, không phải chúng ta đáng được như vậy, nhưng chính nhờ kinh nghiệm hằng ngày chúng ta cảm thấy Chúa yêu chúng ta và chăm sóc cho chúng ta. Điều ấy giúp chúng ta cảm thấy mình thuộc về Ngài, trong bàn tay của Ngài, và làm chúng ta lớn lên trong sự hiệp thông với Người và với nhau. Là Giáo Hội nghĩa là thấy mình ở trong bàn tay Thiên Chúa, Đấng là cha, yêu thương ta, chăm sóc cho ta, đợi chờ ta và làm cho chúng ta cảm thấy sự dịu hiền của Ngài. Điều này thật tuyệt vời, phải không?

 Các bạn thân mến, đây là kế hoạch của Thiên Chúa. Khi Người kêu gọi Abraham, Người đã nghĩ đến điều này: làm nên một dân được chúc lành bởi tình yêu của Người để dân ấy mang ơn lành đến tất cả mọi dân khác trên trái đất. Kế hoạch này không thay đổi và luôn luôn được thực thi. Trong Đức Kitô, kế hoạch này đi đến sự vẹn toàn và ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục hoàn thiện nó trong Giáo Hội. Chúng ta hãy xin ơn Chúa để có thể luôn trung tín bước theo Chúa Giêsu và lắng nghe lời Ngài, sẵn sàng ra đi mỗi ngày, như Abraham, đến miền đất của Chúa, quê thật của chúng ta và như thế, ta trở nên phúc lành, dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả con cái Người. Tôi thích nghĩ đến một từ đồng nghĩa, một cái tên khác mà những người Kitô hữu chúng ta có thể có là: những thiện nam tín nữ, những con người có phúc. Người Kitô hữu, với đời sống của mình, phải luôn luôn chúc lành, chúc tụng Thiên Chúa và chúc phúc cho nhau. Những người Kitô hữu chúng ta là người có phúc, biết chúc phúc. Quả thật, đây là một ơn gọi tuyệt đẹp!”

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

(chuyển dịch từ bản Ý ngữ)

 

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *