Tiếp Kiến Chung Đức Thánh Cha: Mùa Chay Là Mùa Hoán Cải

99-223026-000001VATICAN. Hôm thứ tư, 5.3 vừa qua, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến chung dành cho tất cả các khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô. Buổi tiếp kiến diễn ra vào đúng ngày thứ Tư lễ tro, nên ngài đã chia sẻ về ý nghĩa của mùa Chay để giúp mọi người có một tâm tình xứng hợp có thể đón nhận hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.

Ngài khởi đầu bài chia sẻ như sau: “… Ngày hôm nay, với thứ Tư lễ Tro, chúng ta bước vào hành trình mùa chay 40 ngày, một cuộc hành trình sẽ dẫn chúng ta đến chiến thắng Phục Sinh, tưởng nhớ cuộc Thương Khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, tâm điểm mầu nhiệm cứu độ của chúng ta.”

Sau đó, ngài nhấn mạnh tới hai ý nghĩa cốt yếu của mùa Chay, đó là  “Trong mùa Chay, Giáo Hội dành cho chúng ta hai lời mời gọi quan trọng: hãy ý thức một cách sống động công trình cứu độ của Đức Kitô và hãy sống với một sự dấn thân hơn nữa Bí Tích Rửa Tội.”

Về điều thứ nhất, ngài chia sẻ: “Ý thức về những công trình tuyệt diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện vì ơn cứu độ của ta mang đến cho tâm trí và con tim của chúng ta một thái độ biết ơn đối với Thiên Chúa vì những gì Người đã ban cho chúng ta, vì tất cả những gì Người đã làm vì lợi ích của Dân Người và của toàn thể nhân loại.”

Liên quan đến yếu tố thứ hai, ngài mời gọi mọi người đừng trở nên quen thuộc đến độ không còn để ý gì đến những hoàn cảnh tồi tệ và đau buồn mà chúng ta gặp thấy trên các ngả đường trong thành phố và đất nước của chúng ta. Ngài chia sẻ:

“Có một mối nguy của việc mang lấy những lối hành xử nào đấy một cách thụ động, chứ không để mình ngạc nhiên trước thực tại đau buồn xung quanh chúng ta. Chúng ta trở nên quen thuộc với bạo lực, như thể nó là một tin tức hàng ngày diễn ra một cách tất yếu; chúng ta trở nên quen thuộc với những anh chị em ngủ ngoài đường, không có một mái nhà để nghỉ ngơi. Chúng ta trở nên quen thuộc với những người tị nạn đang tìm kiếm tự do và nhân phẩm, những người không được đón tiếp như họ đáng được hưởng. Chúng ta quen thuộc với việc sống trong một xã hội nơi mà mọi người cho rằng họ có thể làm được mọi việc mà không cần Thiên Chúa, nơi mà bố mẹ không còn dạy các con mình cầu nguyện hay làm dấu thánh giá.”

Rồi ngài đặt ra vài câu hỏi dành cho các khách hành hương:

“Tôi xin phép hỏi các bạn: con cái của các bạn có biết làm dấu thánh giá không? Các bạn hãy nghĩ về điều này. Cháu chắt các bạn có biết làm dấu thánh giá không? Các bạn có dạy chúng làm điều đó không? Hãy suy nghĩ và trả lời trong con tim của các bạn. Chúng có biết đọc kinh Lạy Cha không? Có biết đọc kinh Kính Mừng không?”

Ngài tóm tắt lại ý nghĩa chung cuộc của mùa Chay như là “một khoảng thời gian thuận tiện để thay đổi thói quen xưa cũ, để phục hồi lại khả năng phản ứng lại trước thực tại sự dữ vẫn luôn thử thách chúng ta. Mùa Chay được sống như là thời gian để hoán cải, để làm mới lại cá nhân cũng như cộng đoàn qua việc tiến lại gần Thiên Chúa và gắn bó với Tin Mừng với một niềm xác tín. Nhờ đó, chúng ta có thể nhìn đến anh chị em và những người thiếu thốn với một đôi mắt mới.”

Thế nên, mùa chay là mùa mời gọi ta biến đổi cuộc đời mình. Cuộc biến đổi ấy được đánh dấu nơi cung cách hành xử ta dành cho người thân cận. Ngài nói

“Chính vì vậy, mùa Chay là thời gian thích hợp để biến đổi mình mà yêu tha nhân hơn; một tình yêu biết phải có thái độ thích đáng trước lòng quảng đại và thương xót của Thiên Chúa, một tình yêu “đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta được trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Ngài” (x. 2Cr 8,9). Suy niệm về các mầu nhiệm trọng tâm của đức tin, cuộc thương khó, thập giá và sự phục sinh của Đức Kitô, chúng ta sẽ nhận ra rằng hồng ân vô giá của Ơn Cứu Chuộc đã được ban cho chúng ta bởi sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa.”

Ngài kết thúc bài chia sẻ của mình bằng việc mời gọi mọi người hãy hướng về Mẹ Maria để xin Mẹ đồng hành và trợ giúp:

“Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì mầu nhiệm tình yêu thập giá của Người; đức tin tinh tuyền, hoán cải và mở  con tim ra với anh chị em: đây là những yếu tố thiết yếu để sống thời gian mùa Chay. Trong cuộc hành trình này, chúng ta hãy khẩn cầu với lòng tin tưởng đặc biệt sự bảo trợ và giúp đỡ của Đức Trinh Nữ Maria: xin Mẹ, người tín hữu đầu tiên nơi Đức Kitô, đồng hành với chúng ta trong những ngày cầu nguyện  liên lỉ và thống hối, để chúng ta có thể cử hành mầu nhiệm Phục Sinh cao cả của Con Mẹ với một tinh thần được thanh lọc và đổi mới.”

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *