PHONG TỤC NGÀY TẾT
Michel Nguyễn Hạnh, Nhóm Lasan 100
TỪ “TẾT” CÓ TỰ BAO GIỜ?
– Tra trong dã sử (sách ghi chép của dân gian), tại Lĩnh Nam Chích Quái (Trần Thế Pháp, đời nhà Trần), sách ghi chuyện xưa ở xứ Lĩnh Nam có dùng từ “Tết”. Ở Truyện bánh chưng 蒸餅傳có nói đến bầu không khí cuối năm với từ歲時節候tuế thì tiết hậu (năm hết) và từ 節料Tiết Liệu (Tết Liêu): 至期,王命諸子具陳所獻,歷而觀之,無物不有。惟郎僚獨獻蒸餅、薄持餅。王驚異,問之,郎僚具以夢對。王親嘗之,適口不厭,勝於諸子所陳之物,嘆美良久。乃以郎僚為第一,歲時節候,常以是餅奉事父母,天下效之至今。以名郎僚,故呼謂節料。
Phiên âm: chí kỳ, vương mệnh chư tử cụ trần sở hiến, lịch nhi quan chi, vô vật bất hữu。duy lang liêu độc hiến chưng bính, bạc trì bính 。vương kinh dị, vấn chi, lang liêu cụ dĩ mộng đối。vương thân thường chi, thích khẩu bất yếm, thắng ư chư tử sở trần chi vật, thán mỹ lương cửu。nãi dĩ lang liêu vi đệ nhất,tuế thì tiết hậu, thường dĩ thị bính phụng sự phụ mẫu, thiên hạ hiệu chi chí kim。 dĩ danh lang liêu, cố hô vị tiết liệu。
Dịch nghĩa: Đúng kỳ, Vương lệnh các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có chàng Liêu đem dâng bánh chưng, bánh dầy. Chàng Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vương thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được. Vương khen ngợi giây lát, rồi cho chàng Liêu được giải nhất. Năm hết, vua dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của chàng Liêu để gọi là Tết Liệu[1].
– Tra trong chính sử: Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư[2] (Lê Văn Hưu, 1272 và Ngô Sĩ Liên, 1697), chương Kỉ Sĩ Vương [19a*1-2*1]:中元節罷執卓以遇靈仁太后盂蘭盆日故也.占城來貢.‖ Phiên âm: Trung Nguyên tiết[3] bãi chấp trác, dĩ ngộ Linh Nhân thái hậu Vu Lan bồn nhật cố dã. Chiêm Thành lai cống. ‖ Dịch nghĩa: Tết Trung Nguyên vì gặp ngay Lễ Vu lan bồn [cầu siêu cho] Linh Nhân hoàng thái hậu. Chiêm Thành sang cống.
– Tra cứu nơi từ điển:
+ Dictionarium annamiticum seu tunquinense lusitanum et latinum, Tự vị Việt-Bồ-La, tr. 731, Lm. Alexandre de Rhodes (1591-1660) ‖ tết: festa do anno nouvo recentis anni festum (lễ hội mừng năm mới).
+ Dictionarium Anamitico-Latinum – Giám mục P.J. Pigneaux (1772) bản viết tay và Tự vị An Nam Latinh (tr. 446), tác giả Nguyễn Khắc Xuyên dịch sang tiếng Việt, Nxb Trẻ (1999) ‖ 節tết: lễ hội mừng năm mới, phẩm vật thường dâng cúng vào đầu năm mới hoặc ngày mồng năm tháng năm.
+ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của ấn bản 1895-1896, Tome II, tr. 354. ‖ 節tết: lễ năm mới, tiết đầu năm; đem của lễ mà dâng hoặc cho nhau trong ba ngày xuân.
Qua tra cứu, từ tiết để chỉ thời khắc đã được dùng trong Lĩnh Nam Chích Quái và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thời Hồng Bàng, người Lạc Việt đã có chữ viết[4] và tiếng nói riêng (không phải chữ Hán, không phải âm tiếng Việt có dấu thanh như hiện nay), vậy từ 節料tiết liệu (Tết Liệu) do Trần Thế Pháp sử dụng để kể lại, chứ không thể có từ thời ấy. Như thế chí ít, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, từ tiết được dùng từ thế kỷ XIII.
Đến khi có chữ phiên âm Latinh (tạm gọi là chữ quốc ngữ), từ tết được dùng trong Tự vị Việt-Bồ-La củaLm. Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên, từ tết trong tự vị đó có phải do từ tiết Nôm hóa hay không thì chưa rõ vì thiếu từ Hán đi kèm.
Trong Tự vị An Nam Latinh củaGm. P.J. Pigneaux, từ節tết được xác định rõ là từ Nôm hóa của từ tiết (節) Hán. Tham khảo qua các từ điển Hán Việt, từ tiết (節) có đến mười lăm nghĩa khác nhau, nhưng nghĩa ở mục 6 là phù hợp nhất:
1. (danh từ) Đốt, lóng (thực vật). Vd: tùng tiết 松節 đốt thông, trúc tiết 竹節 đốt tre.
2. (danh từ) Khớp xương, đốt xương (động vật). Vd: cốt tiết 骨節 đốt xương, chỉ tiết 指節 đốt ngón tay, kích tiết 擊節 vỗ tay.
3. (danh từ) Phần, khúc, đoạn, mạch. Vd: chương tiết 章節 phần đoạn bài văn, chương sách.
4. (danh từ) Phân khu (thời gian, khí hậu). Vd: quý tiết 季節 mùa trong năm, nhị thập tứ tiết khí 二十四節氣 hai mươi bốn tiết trong năm: lập xuân 立春, vũ thủy雨水, kinh trập 驚蟄, xuân phân 春分, v.v.
5. (danh từ) Sự, việc. Vd: chi tiết 枝節, tình tiết 情節.
6. (danh từ) Ngày lễ, ngày hội (mang ý nghĩa đặc thù: sinh nhật, kỉ niệm, khánh hạ, v.v.). Vd: thanh minh tiết 清明節 tiết thanh minh, trung thu tiết 中秋節 ngày lễ trung thu (rằm tháng tám), thanh niên tiết 青年節 ngày tuổi trẻ.
7. (danh từ) Chí khí, tư cách hợp đạo, đúng lễ. Vd: tiết tháo 節操 hành vi giữ đúng lễ nghĩa, danh tiết 名節 trung nghĩa.
8. (danh từ) Lễ nghi. Vd: lễ tiết 禮節 lễ nghi. ◇Luận Ngữ 論語: Trưởng ấu chi tiết, bất khả phế dã 四體不勤, 五穀不分 (Vi Tử 衛子) Lễ nghi thứ tự giữa người lớn và trẻ nhỏ, không thể bỏ được.
9. (danh từ) Vật làm tin của sứ giả thời xưa. § Thông tiết 卩. Vd: phù tiết 符節 ấn tín của sứ giả, sứ tiết 使節 sứ giả.
10. (danh từ) Cái phách (nhạc khí). Vd: tiết tấu 節奏 nhịp điệu.
11. (danh từ) Lượng từ: (1) Số giờ giảng học. Vd: kim thiên thượng liễu tam tiết khóa 今天上了三節課 hôm nay lên lớp ba tiết (giờ học). (2) Toa xe. Vd: giá liệt hỏa xa hữu thập nhị tiết xa sương 這列火車有十二節車廂 xe lửa này có mười hai toa. (3) Đoạn, khúc (bài văn, bản nhạc). Vd: đệ nhị chương đệ nhất tiết 第二章第一節 chương hai tiết một.
12. (danh từ) Họ Tiết.
13. (động từ) Hạn chế, ước thúc. Vd: tiết dục 節育 hạn chế sinh đẻ, tiết chế 節制ngăn chận.
14. (động từ) Kiệm tỉnh, tằn tiện. ◇Luận Ngữ 論語: Tiết dụng nhi ái nhân, sử dân dĩ thì 節用而愛人,使民以時 (Học nhi 學而) Không lãng phí mà thương người, sai dân làm việc, phải hợp thời vụ.
15. (tính từ) Cao ngất. ◇Thi Kinh 詩經: Tiết bỉ Nam San, Duy thạch nham nham節彼南山, 維石巖巖 (Tiểu nhã 小雅, Tiết nam san 節南山) Cao vòi vọi, núi Nam Sơn kia, (Trông lên) chỉ thấy đá lởm chởm.
TỪ “NGUYÊN ĐÁN” CÓ TỰ BAO GIỜ?
Đán (旦) có nghĩa là ngày. Trước khi có từ nguyên đán, người xưa đã dùng từ chính đán.
– Tra trong chính sử: Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Lê Văn Hưu, 1272 và Ngô Sĩ Liên, 1697), chương Kỉ Nhà Lý, Nhân Tông hoàng đế [9a*8*15]: 重日南人初入洛正旦大會晋明帝曰日南北視日耶重對曰今郡中有雲者不必有其實至於風氣暄暖日影仰於生民之上則有之矣上則有之矣.‖ Phiên âm: Trọng Nhật Nam nhân sơ nhập Lạc, chính đán đại hội, Tấn Minh Đế viết: “Nhật Nam bắc thị nhật da?”. Trọng đối viết: “Kim quận trung hữu Vân giả bất tất hữu kỳ thực. Chí ư phong khí huyên noãn, nhật ảnh ngưỡng ư sinh dân chi, thượng tắc hữu chi hĩ”. ‖ Dịch nghĩa: Trọng[5] người quận Nhật Nam, khi trước đến Lạc Dương, gặp hội lớn tết Nguyên Đán, Tấn Minh Đế hỏi: “Ở quận Nhật Nam hướng về phía bắc để trông Mặt Trời phải không?” Trọng đáp rằng: “Nay trong các quận, có quận gọi là Vân Trung (trong mây), là Ki thì vẫn có thể”.
– Tra cứu nơi từ điển:
+ Dictionarium Anamitico-Latinum – Giám mục P.J. Pigneaux (1772) bản viết tay và Tự vị An Nam Latinh (tr. 446), tác giả Nguyễn Khắc Xuyên dịch sang tiếng Việt, Nxb Trẻ (1999) ‖ 旦đán – tiết chính đán: ngày mồng 5 tháng 5 mọi người đều mừng lễ. ‖ lễ chính đán: phẩm vật dâng cúng trong ngày đó.
+ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của ấn bản 1895-1896, Tome I, tr. 264. ‖ 旦đán: ngày, sớm. ‖ chánh đán: ngày mồng một tết. ‖ 端午正旦Đoan ngũ[6] chánh đán: Tiết mồng năm tháng năm và ngày tết.
+ Hán Việt Tân Từ điển của Hoàng Thúc Trâm (1951), tr. 527 ‖ nguyên đán tiết 元旦節: tết ngày đầu năm, mồng một tháng giêng âm lịch.
+ Từ điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập (Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1951 – tr. 434) ‖ nguyên đán: ngày mồng một tháng giêng năm âm lịch, ngày đầu năm: Tết nguyên đán.
+ Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (phát hành lần đầu năm 1931, bản in tháng 1-1954), tr. 398, 元nguyên: mới, khởi đầu. ‖元旦nguyên đán: ngày mồng một đầu năm.
Qua tra cứu, ban đầu, từ chính (chánh) đán 正旦được dùng để chỉ ngày tết. Cho đến thập niên năm mươi từ nguyên đán mới thay thế từ chính (chánh) đán trong từ điển và trong đời sống. Như vậy cụm từ tết nguyên đán được sử dụng vào khoảng đầu thế kỷ XX, trước đó là chính đán tiết.
[1] Gọi chính xác là Tết Liêu. Bởi vì tiết 節có nghĩa là ngày lễ, (Trung thu tiết, Nguyên tiêu tiết) và Liêu 僚 (bộ nhân ) là tên chàng Liêu. Thế nhưng tiết được hóa Nôm thành tết, chàng Liêu lên ngôi vua nên theo phép kỵ húy (vào lúc Trần Thế Pháp, đời nhà Trần kể lại) nên được đổi thành Liệu 料 (bộ đẩu 斗), vì liệu còn có âm đọc là liêu.
[2] Đại Việt Sử Ký do Lê Văn Hưu biên soạn (1272), dâng lên vua Trần Thánh Tông và Ngô Sĩ Liên chủ biên để soạn lại thành Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1697).
[3] Tết Trung Nguyên vào rằm tháng 7 âm lịch.
[4] Đã có nhà nghiên cứu chứng thực rằng người Việt cổ dùng chữ Khoa đẩu và tiếng nói không có dấu thanh.
[5] Trọng: Trương Trọng, thái thú Kim Thành.
[6] Tết Đoan ngọ được mừng vào ngày 5 tháng 5 nên người xưa còn gọi là tết Đoan ngũ.