Tin Giáo hội trong tuần qua (từ 14-20/09)

 

  1. Vatican – Trong thư gửi các Chủ tịch các Hội đồng Giám mục, Đức Hồng y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích, khẳng định rằng tham dự Thánh lễ trực tuyến không bao giờ có thể thay thế sự hiện diện trực tiếp của các tín hữu trong một Thánh lễ. Thư có tựa đề “Chúng ta hãy vui mừng trở lại với Thánh Thể!” được công bố với sự đồng thuận của Đức Thánh Cha. Đức Hồng y nhấn mạnh rằng việc chỉ tham dự Thánh lễ trực tuyến trong thời đại dịch “có nguy cơ làm chúng ta xa rời cuộc gặp gỡ cá nhân và thân mật với Thiên Chúa nhập thể”, Đấng không hiện diện “ảo” giữa dân Người nhưng thật sự. Do đó khi các biện pháp được áp dụng để giảm nguy cơ lan truyền virus, mọi người cần trở lại cộng đoàn và mời gọi và khuyến khích các anh chị em đang sợ hãi, mất can đảm, vắng mặt hay từ lâu không tham dự vào cộng đoàn. Ngài nhấn mạnh: “cần khẩn cấp trở lại sự bình thường của đời sống Ki-tô giáo với nhà thờ là nhà và cử hành phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ, như ‘đỉnh điểm mà các hoạt động của Giáo hội hướng đến; và đồng thời cũng là nguồn sức mạnh của Giáo hội’ (Sacrosanctum Concilium, 10).” “Chúng ta phải trở lại với Thánh Thể… với lòng khát khao được gia tăng gặp gỡ Chúa, ở với Chúa, lãnh nhận Chúa và mang Chúa đến cho anh chị em bằng chứng tá của cuộc sống tràn đầy lòng tin, cậy và mến.”
  2. Mania – Hội đồng giám mục Philippines đưa tin, sau khi Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona, các cư dân mạng đã đăng tải trên mạng xã hội rất nhiều lời cầu chúc ngài sớm bình phục. Trong vòng vài phút sau khi Vatican thông báo về tình trạng sức khỏe của Đức Hồng y Tagle, rất nhiều lời cầu nguyện từ khắp các nơi trên thế giới dồn dập đăng tải trên các trang mạng xã hội cầu cho ngài được chữa lành và có sức khỏe tốt. Đức Hồng y Tagle dự định về Philippines để nghỉ hè một thời gian ngắn và thăm cha mẹ của ngài. Ngài đã xét nghiệm tại Roma ngày 7 tháng 9 và có kết quả âm tính với virus corona. Nhưng  ngày 11 tháng 9 khi về đến Manila ngài lại có kết quả dương tính. Do đó hiện tại ngài không thể thăm cha mẹ vì phải cách ly 14 ngày.
  3. Roma- ĐHY Parolin bày tỏ việc Vatican muốn gia hạn hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc. Bên lề hội nghị nhân dịp kỷ niệm 45 năm hiệp định Helsinki được tổ chức tại Đại Sứ quán Ý cạnh Tòa Thánh, với sự tham dự của Thủ tướng Giuseppe Conte của Ý, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nói rằng ngài nghĩ và hy vọng rằng phía Trung Quốc cũng muốn gia hạn hiệp định, ngay cả khi những kết quả đầu tiên này “không đặc biệt nổi bật”. Trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan đến hiệp định tạm thời giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, sẽ hết hạn vào tháng 10, Đức Hồng y Parolin nói: “Ý muốn của chúng tôi là nó sẽ được gia hạn và chúng tôi tiếp tục áp dụng nó.” Đức Hồng y giải thích lý do và mong đợi của Tòa Thánh trong việc ký hiệp định: “Với Trung Quốc, mối quan tâm hiện tại của chúng tôi là bình thường hóa đời sống của Giáo hội càng nhiều càng tốt, để đảm bảo rằng Giáo hội có thể sống một cuộc sống bình thường mà đối với Giáo hội Công giáo cũng là có quan hệ với Tòa Thánh và với Đức Giáo hoàng và tất nhiên, tất cả những điều này cũng dựa trên sự chung sống hòa bình, tìm kiếm hòa bình và vượt qua căng thẳng, nhưng quan điểm của chúng tôi là về vấn đề giáo hội.”
  4. Como – Cha Roberto Malgesini, 51 tuổi, nổi tiếng với sự dấn thân chăm sóc cho người nghèo và người di dân ở miền bắc nước Ý, được tìm thấy đã chết vì bị đâm, vào khoảng 7 giờ sáng ngày 15 tháng 9. Cha Roberto là điều phối viên của một nhóm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngài chết trên một con đường gần giáo xứ thánh Rocco của ngài sau khi bị thương nặng vì các vết dao đâm, bao gồm một vết đâm ở cổ. Một người di dân gốc Tunisia 53 tuổi thú nhận đã đâm cha và sau đó tự nộp mình cho cảnh sát. Người này được cho là bị một số bệnh tâm thần. Cha Roberto biết người này và cho ông ngủ trong một phòng dành cho người vô gia cư do giáo xứ điều hành. Sáng thứ Bảy 19/9, trong Thánh lễ an táng cha Roberto Malgesini tại nhà thờ chính tòa Como, Đức Hồng y Konrad Krajewski đã đại diện Đức Thánh Cha gửi lời chào thăm và hiệp nhất trong nỗi đau và kinh nguyện với gia đình cha Roberto Malgesini, với cộng đoàn giáo xứ nơi cha phục vụ và với những người khốn khổ mà cha phục vụ cho đến giây phút cuối.
  5. Vatican – Trong bài viết đăng trên trang bìa báo L’Osservatore Romano ­– Quan sát viên Roma – ông Andrea Tornielli, tổng biên tập Bộ Truyền thông của Vatican, đã đề cập đến cuộc tranh luận: có phải tựa đề của thông điệp Fratelli tutti, tiếng Ý có nghĩa là “Tất cả anh em”, sẽ được ban hành ngày 4/10, loại trừ những người nữ không. Theo ông, Fratelli tutti là tựa đề Đức Thánh Cha chọn cho thông điệp mới của ngài. Tựa đề bằng tiếng Ý sẽ được giữ nguyên trong tất cả các bản dịch của các ngôn ngữ. Những từ của tựa đề được lấy từ tác phẩm của thánh Phanxicô Assisi. Ông Tornielli giải thích: “Vì đó là một trích dẫn trực tiếp từ thánh Phanxicô (từ tác phẩm Admonitions, 6, 1: FF 155), rõ ràng là Đức Giáo hoàng đã không thay đổi nó. Nhưng việc chọn tựa đề không hề có ý định loại trừ phụ nữ, tức là hơn một nửa nhân loại.” Ông nói thêm: “Ngược lại, Đức Phanxicô đã chọn những lời của vị thánh thành Assisi để bắt đầu suy tư về một điều mà ngài rất quan tâm: đó là tình huynh đệ và tình bạn xã hội. Vì vậy, ngài nói với tất cả các anh chị em của mình, tất cả người nam và người nữ sinh sống trên trái đất: tất cả mọi người, bao gồm, và không hề loại trừ.”
  6. RomaĐức cha Giampaolo Crepaldi ca ngợi đời sống nhân đức mẫu mực của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Đức cha Crepaldi là người sáng lập và chủ tịch “Tổ chức quan sát về Học thuyết xã hội của Giáo hội mang tên Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận” và là cộng tác viên thân cận của ngài trong sứ vụ là thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, khi Đức Hồng y là Chủ tịch Hội đồng từ 24/6/1998 đến16/9/2002. Đức cha cũng đã có dịp gần gũi với Đức Hồng y trong giai đoạn cuối đời. Ngài nói: “Đặt Thiên Chúa trên hết và phó thác trong tay Người để tin tưởng và hy vọng nhìn về tương lai, ngay cả trong những giây phút đen tối và buồn nhất: đây là trọng tâm linh đạo và cuộc đời của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đã qua đời vào ngày 16/9, 18 năm trước. Ngài là một nhân chứng của sự khiêm tốn và niềm vui Tin Mừng, một câu chuyện Kitô hữu tuyệt vời”. Theo Đức TGM Genoa, nếu muốn hiểu Đức Hồng y phải quay trở lại kinh nghiệm của ngài, đó là trong mọi sự chỉ chọn Chúa trên hết. Đức Hồng y đã sống mọi giây phút cuộc đời, ngay cả trong  tù, như một ân sủng của Chúa.
  7. Vatican – Trong buổi tiếp kiến dành cho phái đoàn của Tuần báo Công giáo Tertio ở Bỉ, vào sáng 18/9, Đức Thánh Cha nói rằng truyền thông Công giáo phải mang niềm hy vọng và tin tưởng vào tương lai. Bởi vì chỉ khi tương lai được đón nhận là một thực tế tích cực và có thể xảy ra, thì hiện tại cũng trở nên đáng sống. Ngài khẳng định rằng, đối với Giáo hội, truyền thông là một sứ vụ quan trọng. Các Kitô hữu dấn thân vào lĩnh vực này được kêu gọi thực hiện một cách cụ thể lời mời gọi của Chúa đi vào thế giới và loan báo Tin Mừng (Mt 16,15). Vì lương tâm nghề nghiệp, các nhà báo Kitô được khuyến khích đưa trao ban một chứng tá mới trong thế giới truyền thông, không che giấu sự thật, không bóp méo thông tin. Ngài còn nói thêm, trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch, điều quan trọng là các phương tiện truyền thông xã hội đóng góp giúp mọi người không bị rơi vào trình trạng cô đơn và có thể nhận được một lời an ủi”.

Trần Ngọc Huynh, S.J. tổng hợp từ nguồn Vatican News Tiếng Việt

Kiểm tra tương tự

Khoá học: “Giáo huấn giáo hội về mục vụ hôn nhân và gia đình”

Bạn thân mến! Từ công đồng Vatican II, Giáo Hội mở ra cuộc canh tân …

Ước ao được sống đời đời | Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 28 Thường Niên – Năm B

Hạnh phúc là niềm khao khát tự nhiên và chính đáng của mỗi con người. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *