Tình người sau cơn mê

Tôi thường lặng lẽ ngồi ngẫm nghĩ rằng: phải chăng những khái niệm “tiêu cực” vốn tự bản chất không tồn tại mà do con người hoặc tạo ra, hoặc để cho chính mình rơi vào trạng thái thiếu thốn sự “tích cực”. Cũng giống như bóng tối là gì nếu không phải là sự thiếu vắng ánh sáng; mê muội có phải là sự thiếu vắng suy xét lý trí; và có lẽ một xã hội loài người suy nhược hẳn là một xã hội thiếu vắng “tình người”.

Khi đọc bức thư của Thầy Domenico Squillace, Hiệu Trưởng trường trung học Volta ở Milan – Ý gởi cho học sinh của mình trước sự bùng nổ dịch COVID-19 khiến cho nhà trường buộc phải ngưng việc giảng dạy, tôi đã ngẫm nghĩ rất nhiều vì những dòng sau đây:

“Bản năng tàn nhẫn của con người là khi cảm thấy bị đe dọa bởi một kẻ thù vô hình, ta sẽ nhìn thấy chúng ở khắp nơi, và điều này sẽ khiến chúng ta xem nhau như những kẻ xâm lăng.”

Chúng ta xem nhau như những kẻ xâm lăng ư? Đúng vậy, xã hội của con người có lẽ là một cuộc chiến bởi vì nó biểu lộ những sự thiếu vắng niềm tin, hi vọng và tình yêu. Âm mưu chính trị, đóng cửa biên giới, đầu cơ tích trữ…là những cụm từ mà người ta dùng trong các cuộc đối thoại, người ta dùng chúng để miêu tả về cảm nhận và thực tại đang xảy ra xung quanh thế giới. Con người đã tạo ra xung đột bởi vì sự phân chia quả đất, phân chia theo ngôn ngữ, theo văn hóa, theo địa lý một cách thiển cận mà vốn chúng có thuộc về họ đâu mà phân chia. Sẽ mất bao lâu nữa để con người học cách sống “người” hơn với niềm tin tưởng và hợp tác cùng nhau? Phải chăng vì đã “tiến hóa” qua nhiều thế kỷ của thương đau, sầu khổ, sợ hãi, xung đột và chiến tranh nên con người không thể sống cùng nhau trong một xã hội vắng bóng những “điều kiện sống quen thuộc” ấy?

Đứng trong khoảng không gian giữa điều chúng ta thấy trên thế giới và những điều chúng ta mong muốn, ta thấy được điều gì? Nhìn thẳng vào sự từ chối, những đổ vỡ, chiến tranh, dịch bệnh, đói kém và giờ đây nhìn vào sự thoi thóp của từng hơi thở kề bên, ta đã và sẽ thấy gì? Đó hẳn là một khoảng không gian khó khăn để đứng bên trong và hướng tầm mắt vào những thứ có vẻ “kì quặc” như thế xét trong sự hiện hữu của con người.

Thế nhưng có vẻ cuộc sống không được đo lường bằng hơi thở của chúng ta mà bằng những khoảnh khắc làm cho chúng ta nín thở vì ngạc nhiên. Nhiếp ảnh gia Joel Meyerowitz, người đã chụp những tấm ảnh phong cảnh đẹp nhất được mọi người bình chọn đã thốt lên rằng: “Tôi chưa bao giờ thấy vẻ đẹp thực sự của tòa nhà thương mại thế giới cho đến khi tôi chứng kiến nó sụp đổ”. Điều làm cho Joel Meyerowitz thấy được vẻ đẹp của trung tâm thương mại khi nó sụp đổ không phải là sự vỡ vụn, hoảng loạn, chết chóc, cũng chẳng phải vì một sự thương tiếc về vẻ đẹp bề ngoài nào đó nơi tòa nhà mà ở chính cái sự cảm thông, một sự tiếc nuối về chính cái sự hiện hữu của tòa nhà, của niềm tin và vẻ đẹp ẩn tàng nơi sự hiện diện của nó xét như là một biểu tượng của nước Mỹ. Tòa nhà hiện hữu và nó liên kết với ông qua sự tồn tại của nó. Liệu con người có thấy được tầm quan trọng của sự hiện hữu và sự liên kết mà họ đã-đang-sẽ có nếu họ tiếp tục sống với nhau? Thế giới ngày nay có một nền y học hiện đại, công nghệ phát triển bậc nhất, nhưng liệu những tiến bộ khoa học đó có thể bảo tồn thứ tài sản quý giá của con người mà có vẻ đang vuột mất khỏi tầm với của họ – tình người.

Tại sao con người ta cứ phải buồn bã khi nhìn về cơn đại dịch Covid-19, cứ nhìn về sự mất mát, nhìn về những đau thương, nhìn về những chỉ số kinh tế đang tụt giảm và rồi bị nhấn chìm vào những hoài vọng xa xăm về một cái quá khứ huy hoàng nào đó. Và tại sao ta không nhìn tất cả như một sự mở ra cho những chân trời mới. Nhìn ngắm tất cả chúng như một biểu tượng của sự thiếu vắng tình người và một hồi chuông báo tử cho những ganh ghét, đố kị, nghi ngờ trong xã hội “tiến bộ” của loài người.

Riêng với tôi, khoảng thời gian vừa qua thật quý giá biết bao, vì chẳng phải ai trong những năm tháng ngắn ngủi của đời người cũng được chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ một cách phổ quát của toàn thể nhân loại, đâu phải ai cũng biết được cảm giác khi thực hiện những cái “bình thường mới” nhỏ nhỏ ví dụ như việc đeo khẩu trang hay sự lên ngôi của nước rửa tay trong cuộc sống mà ta dần xem chúng như “một phần tất yếu” của mình. Và chắc cũng hiếm khi người ta đối diện với những buồn tẻ, những bất tiện của lệnh “lockdown” và với những nỗi cô đơn trong một khoảng thời gian dài để tự một mình ngồi ở nhà phóng tầm mắt ngắm nhìn thế giới bên ngoài trong sự nuối tiếc sâu thẳm. Đúng vậy, thật quý giá!

Sau tất cả những điều ấy, khi ngày hôm nay ta bắt đầu xuống phố, khi ta nhìn ngắm những con đường, những dãy nhà, và vẻ lộng lẫy của bình minh đang phai tàn nhanh. Rồi ta bắt đầu bổn phận hàng ngày, bị trói chặt trong thói quen của công việc, những tranh giành giữa con người và con người, những mâu thuẫn của những học thuyết, những chuẩn bị cho “một cuộc chiến tranh mới”, sự đau khổ bên trong của riêng ta và sự đau khổ vĩnh viễn của kiếp người. Ta có thấy đâu đó phảng phất một niềm tin vào sự hiện hữu của tình người giữa thế giới để sống cái tính người vốn làm cho chúng ta nên người hơn?

 

J.Bosco Nhật Tài S.J.

Kiểm tra tương tự

Đong tấm lòng (Mc 12, 41 – 44) | Suy tư Tin Mừng CN 32 Thường Niên B

Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 32 Thường Niên B ĐONG TẤM LÒNG (Mc 12, …

‘Dilexit Nos’: Thánh Tâm Chúa chỉ ra con đường tiến lên trong kỷ nguyên AI

  Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Thông điệp mới Dilexit Nos (“Người đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *