Tính Tuyệt Đối Trong Triết Học Đạo Đức (phần 1/2)

Michelangelo-Sistine-Chapel-Adam-

  • Dẫn nhập
  • Từ thực trạng tương đối hoá đạo đức
  • Sự thiện (good) là giá trị đạo đức mà mọi người đồng chung chia
  • Mệnh lệnh nhất quyết (categorical imperative) như là bổn phận phải làm[1]
  • Luật tự nhiên như là mục đích nhắm đến
  • Hướng đến cái nhìn chung cuộc
  • Kết luận

 

Tính tuyệt đối trong đạo đức luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong lịch sử triết học cho đến ngày nay. Bởi lẽ, cách đây đã hơn 2400 năm tại Athens, vấn đề này dường như trở thành đề tài tranh luận sôi nổi giữa các nhà Nguỵ biện (Sophists) và Socrates (470-399 TCN) khi họ đề cập đến vấn đề tri thức của con người: Có thể nào lại có một khái niệm phổ quát về sự thiện (tốt), nếu như người ta không thể biết được một chân lý phổ quát?[2] Câu hỏi được nêu ra không phải là ngẫu nhiên khi mà tồn tại những dị biệt văn hoá giữa các chủng tộc và dân tộc khác nhau. Đó cũng chính là khởi điểm cho cuộc hành trình đi tìm lời giải về tính tuyệt đối trong triết học đạo đức.

Từ thực trạng tương đối hoá đạo đức

Câu chuyện cách đây hơn 2400 năm đã cho thấy một thực trạng tương đối hoá đạo đức, và thực trạng ấy ngày càng trở nên phức tạp hơn với sự ra đời của nhiều chủ thuyết với mong muốn đi tìm lời giải cho bao vấn nạn đạo đức. Không dễ gì người ta lại có được một cái nhìn chung cuộc cho mọi vấn đề liên quan đến phạm vi đạo đức. Chỉ riêng nạn phá thai thôi, cũng đã có biết bao chứng kiến khác nhau ủng hộ hay phản đối, tuỳ bạn đứng trên lập trường nào để biện hộ. Nếu bạn đứng trên quan điểm chủ nghĩa tương đối đạo đức (ethical relativism) với chủ thuyết tương đối văn hoá (cultural relativism) thì vấn đề đó giải quyết sao cũng được[3], tuỳ theo bộ luật đạo đức xã hội mà bạn đang sống có cho phép hay không[4] nạn phá thai; nếu bạn là người theo trường phái chủ nghĩa chủ quan đạo đức (ethical subjectivism) với chủ thuyết duy cảm (emotivism) thì vấn đề đó có thể đúng hoặc sai, tuỳ theo cảm nhận[5] của bạn, vì thế bạn có thể làm những điều bạn cảm thấy là đúng đối với mình[6]; bạn cũng có thể ủng hộ hay phản đối quan điểm phá thai nếu điều đó thực sự đem lại ích lợi cá nhân[7] cho bạn hay không, vì lợi ích của chính bạn phải là ưu tiên hàng đầu[8] trong mọi suy xét, theo như chủ thuyết vị kỷ đạo đức (ethical egoism); với học thuyết khế ước xã hội (social contract theory), bạn sẽ được phép phá thai nếu như hết thẩy mọi người trong xã hội mà bạn đang sống đồng ý với nhau một giao kèo mang tính ràng buộc[9] vì nhận thấy rằng tất cả đều được chung chia cùng một lợi ích từ việc phá thai; và nếu bạn là một nhà theo thuyết duy lợi (utilitarianism) thì bạn có thể phán đoán hành vi phá thai là đúng hay sai chỉ dựa trên hệ quả[10] của hành vi ấy, nghĩa là mọi hành vi đều là tốt nếu chúng dẫn đến hệ quả tốt[11] theo như bạn nghĩ. Như vậy, từ quan điểm chủ nghĩa tương đối đạo đức cho đến chủ thuyết duy lợi, dường như nền đạo đức trong thế giới mà ta đang sống chỉ là tương đối. Nếu vậy, con người sẽ ra sao nếu sống trong một thế giới mà đạo đức chỉ còn là quan niệm của tôi và anh, là cái nhìn của xã hội này với xã hội kia, hay thậm chí là vấn đề của tôn giáo này với tôn giáo khác? Trực quan lý trí nói với ta rằng hẳn phải có một nền đạo đức mang tính phổ quát được mọi người đồng chung chia mà ta gọi là tuyệt đối.

Sự thiện (good) là giá trị đạo đức mà mọi người đồng chung chia

Giá trị đạo đức được hiểu như những giá trị khiến một người trở nên tốt lành (thiện) đúng theo như bản chất làm người.[12] Từ kinh nghiệm thực tiễn, người ta nhận thấy có những giá trị đạo đức ngoại tại, là những giá trị được coi là chủ quan, tuỳ hứng và được người ta quy gán; nhưng đồng thời cũng có những giá trị đạo đức tự nội mang tính khách quan.[13] Theo đó, các chủ thuyết được trưng dẫn trên, dẫu có nhắm đến hạnh phúc như sự thiện (tốt) cùng đích, nhưng chỉ mang giá trị đạo đức chủ quan, vì giá trị đặt nền trên sự quy gán theo cá nhân, tập thể hay xã hội.

Khi suy xét đến các giá trị đạo đức, người ta đang hình thành cho mình một thang giá trị mà trong đó, sự thiện (tốt) cao nhất luôn là điều mà họ nhắm đến. Điều này có nghĩa là con người tự bản chất luôn hướng đến lý tưởng đạo đức, có thiên hướng (inclination) hành thiện hay đồng cảm (connatuality) với cái thiện.[14] Với họ, sự thiện như là giá trị đạo đức. Điều này muốn nhấn mạnh đến sự thiện nội tại, hoàn hảo, và tốt lành ngay trong chính nó mà không kể đến bất kỳ điều tốt lành (thiện) nào mà nó có thể có đối với bất kỳ điều khác.[15] Tuy nhiên, đâu là cơ sở cho một giá trị đạo đức khách quan nơi sự thiện mà con người đồng chung chia? Lời đáp được hé mở nơi mệnh lệnh nhất quyết của Immanuel Kant (1724-1804).

Mệnh lệnh nhất quyết (categorical imperative) như là bổn phận phải làm[16]

Đối với Kant, “hai điều làm cho tâm trí tôi cảm thấy cảm phục và kinh ngạc luôn mới; đó là bầu trời đầy sao trên đầu và quy luật đạo đức bên trong.” Bầu trời đầy sao như một lời nhắc rằng vũ trụ là một hệ thống các vật thể chuyển động, trong đó mọi sự kiện có một nguyên nhân chuyên biệt và tất định. Nhưng đồng thời, mọi người cũng kinh nghiệm được sự ý thức về bổn phận đạo đức – một kinh nghiệm hàm ý rằng, không giống như các yếu tố thiên nhiên khác, con người có tự do trong hành vi cư xử của mình.[17]

Vì vậy, giá trị đạo đức chỉ khả thi nếu bên trong con người có sự tồn hữu của thiện ý được đặt nền trên lý trí (rational good will)[18]– một sự tự do chọn lựa mà không bị khuất phục bởi bất cứ điều gì ngoài chính thiện ý đó. Ý muốn tự trị (autonomous will) chỉ tuân theo mệnh lệnh của chính nó. Không ai có thể cưỡng bách một người phải (ý) muốn cái điều mà người ấy không chọn lựa.[19] Dẫu người ta có thể ép buộc người mẹ phải thực hiện hành vi phá thai mà bà không (ý) muốn, nhưng họ không thể nào khiến bà (ý) muốn thực hiện hành vi ấy, trừ phi chính bà chọn lựa như thế.

Thế nên, để chứng nghiệm một hành vi có giá trị đạo đức hay không, Kant đã đề ra mệnh lệnh nhất quyết như là một tiêu chuẩn đạo đức: “Hãy hành động như thể là quy luật hành động của chính bạn mà, qua ý muốn, trở thành quy luật tự nhiên phổ quát cho mọi người”.[20] Vì thế, khi một người mẹ dự tính phá thai vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng và sự nghiệp sau này, bà phải tự vấn rằng: “Liệu tôi có (ý) muốn hết thảy mọi người cũng phá thai như tôi hay không? Câu trả lời dĩ nhiên là không đối với những ai có lý trí; vì nếu hết thảy mọi người cũng phá thai như tôi thì đến một lúc nào đó thì xã hội sẽ không còn có một trẻ sơ sinh nào nữa! Và khi câu trả lời là phủ định, thì hành viphá thai là trái đạo đức. Kant đã đi đến tận cùng lời giải cho câu hỏi tại sao chúng ta không được phép làm vậy khi cho rằng có một cái gì đó trong bản chất con người mà khiến họ chống lại việc họ bị đối xử như đồ vật thay vì như một con người. Cái làm cho chúng ta là người chính là lý trí; và do đó, là một người hay một hiện hữu có lý trí, chính là mục đích tự tại. Chúng ta trở thành đồ vật khi có ai sử dụng chúng ta như phương tiện để đạt mục đích khác. Thế nên, ông kết luận: “Hãy hành động sao cho bạn đối xử với con người, dù là nơi chính bạn hay người khác, trong mọi trường hợp như là mục đích tự tại, chứ không bao giờ chỉ như phương tiện.”[21] Điều mà Kant muốn nói ở đây là, thực tế cho thấy mọi cá nhân đều có thể được sử dụng vào một lợi ích nào đó nên họ vẫn mang nơi mình một giá trị tiện ích; tuy nhiên, vì họ đồng thời cũng là những hữu thể mang nơi mình phẩm giá (dignity) – giá trị nội tại vô hạn (infinite intrinsic value) – nên dẫu đến lúc họ không còn giá trị tiện ích nữa, thì họ vẫn phải được tôn trọng và giúp đỡ vì chính phẩm giá ấy.[22]Ví dụ trên cho thấy, nếu người mẹ với ý muốn phá thai thì bà đã coi đứa con trong dạ như phương tiện để giúp bà tránh bị ảnh hưởng đến danh tiếng và sự nghiệp của mình. Có thể nói, mệnh lệnh nhất quyết là một yêu cầu đạo đức vô điều kiện; nó luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp, mọi nơi và mọi lúc. Điều gì đúng hay sai trái đối với một người tất sẽ đúng hay sai trái đối với tất cả mọi người. Qua đó, chúng ta có thể nhận thấy nơi mệnh lệnh nhất quyết một quan niệm triết lý về Quy luật Vàng (Golden Rule): “Hãy làm cho người khác những gì bạn (ý) muốn họ làm cho bạn”.[23] Nếu đặt mình trong hoàn cảnh của chính thai nhi, người mẹ đó có (ý) muốn người khác đối xử với bà như vậy không?

Tóm lại, đạo đức hoàn toàn tồn hữu bên trong mỗi cá nhân, bởi các giá trị đạo đức đều nảy sinh từ ý muốn bên trong và từ mục đích nhắm đến của mỗi cá nhân, hơn là đến từ những hành động biểu hiện ra bên ngoài vốn bị lệ thuộc vào hệ quả nơi những hành động đó. Thế nên, mọi hành động đều trung tính về mặt đạo đức. Chỉ có ý muốn, với tư cách là bản ngã đạo đức của con người, mới thực hiện quyền chọn lựa của nó trước những đòi buộc của các quy luật đạo đức. Nếu là lẽ phải [điều thiện], thì tự bản chất của nó là đúng, và người ta buộc phải (ý) muốn theo nó mà không màn chi đến hệ quả – “Hãy để công lý được thực thi dẫu cho các tầng trời có sụp đổ”. Khi các quy luật đạo đức truyền khiến chúng ta phải làm điều gì, thì chúng ta buộc phải (ý) muốn thực thi đúng như thế mà không màn chi đến những hệ quả khủng khiếp có thể xảy đến cho chính mình cũng như cho người khác.[24]Khi quyết định không phá thai, người mẹ đã chấp nhận những ảnh hưởng có thể có đến danh tiếng và sự nghiệp của bà.

Đó là mệnh lệnh nhất quyết của Kant, là cơ sở cho một giá trị đạo đức khách quan nơi sự thiện mà con người không những đồng chung chia mà còn đồng bổn phận phải thực thi. Tuy nhiên, nếu vấn đề phá thai không chỉ đơn thuần liên quan đến sự sống của thai nhi, mà còn liên quan đến sự sống của người mẹ (khi bà được chuẩn đoán là ung thư tử cung đến nỗi nếu không cắt bỏ nó thì bà có thể sẽ chết trước khi thai nhi được sinh ra), thì Kant sẽ giải quyết ra sao? Để cứu sự sống người mẹ, người ta phải hy sinh sự sống thai nhi; và điều này không thể “trở thành quy luật phổ quát cho mọi người” vì không phải bất kỳ bà mẹ nào có lý trí cũng chấp nhận điều ấy (tình mẫu tử không cho bà làm điều ấy). Ngược lại, để cứu sự sống thai nhi, người ta phải hy sinh sự sống người mẹ; và điều này cũng không thể “trở thành quy luật phổ quát cho mọi người” vì cũng không phải bất kỳ bà mẹ nào có lý trí cũng chấp nhận điều ấy (sự sống nơi những đứa con còn thơ dại khác cần đến bà để nuôi dưỡng). Vấn đề trên đã cho thấy khi đứng trước mâu thuẫn giữa những sự thiện nền tảng (cụ thể là sự sống của thai nhi cũng như của người mẹ) thì mệnh lệnh nhất quyết không thể nào được áp dụng một cách phổ quát cho hết thảy mọi người, mọi nơi và mọi lúc. Giới hạn này sẽ được bổ khuyết qua học thuyết luật tự nhiên.

 (còn tiếp)

Joseph Nguyễn Quốc Tuấn, S.J.

Học Viên Triết I 

Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

[1]Các trích đoạn trong ngoặc kép ở phần này, ngoài trích đoạn đầu tiên ra, thì được rút từ Immanuel Kant, The Metaphysics of Morality, trans. John Watson, 1901.

[2]Cf. Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề (Philosophy: History and Problems), trans. Đ. V. Thuấn & L. V. Hy, NXB Lao Động, Hà Nội, 2004, p.31.

[3]Cf. Montague Brown, The Quest for Moral Foundations: An Introduction to Ethics, Georgetown University Press, Washington D.C., 1996, p.1.

[4]Cf. James Rachels, The Element of Moral Philosophy, 6th Edition by Stuart Rachels, McGraw-Hill, New York, 2010, p.16.

[5]Ibid., p.33.

[6]Cf. Montague Brown, op. cit., p.23.

[7]Cf. James Rachels, op. cit., p.63.

[8]Cf. Montague Brown, op. cit., p.35.

[9]Cf. James Rachels, op. cit., p.87.

[10]Ibid., p.109.

[11]Cf. Montague Brown, op. cit., p.50.

[12]Cf. Austin Fagothey SJ, Right and Reason: Ethics in Theory and Practice, 4th Edition, The C. V. Mosby Company, St. Louis, 1967, pp.49-51.

[13]Ibid., pp.46-47.

[14]Ibid., pp.51-53.

[15] Ibid., p.77.

[16]Các trích đoạn trong ngoặc kép ở phần này, ngoài trích đoạn đầu tiên ra, thì được rút từ Immanuel Kant, The Metaphysics of Morality, trans. John Watson, 1901.

[17]Cf. Samuel Enoch Stumpf, op. cit., p.243.

[18]Cf. William S. Sahakian & Mabel L. Sahakian, Ideas of the Great Philosophers, B. & N. Inc., New York, 1873, p.45. Kant đã xây dựng hệ thống đạo đức trên nền tảng thiện ý – ý muốn tôn trọng các quy luật đạo đức. Vì thế, học thuyết ấy còn được gọi là bổn phận luận – “bổn phận là nghĩa vụ hành động xuất phát từ việc tôn trọng các quy luật đạo đức”. Kant nhận định: “Không có gì nơi toàn thể thế giới hay ngay cả bên ngoài thế giới này có thể được xem là tốt đẹp hoàn toàn, ngoại trừ thiện ý”. Ở đâu không có ý muốn, không có sự tự do chọn lựa, thì khả dĩ nơi đó không tồn hữu một môi trường đạo đức.

[19]Ibid., pp.46-47.

[20]Ibid., p.45.

[21]Cf. Samuel Enoch Stumpf, op. cit., p.258.

[22]Cf. William S. Sahakian & Mabel L. Sahakian, op. cit., p.47.

[23]Ibid., p.46.

[24]Ibid., p.45.

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *