Tác giả: Hoa Cẩm Chướng
“Cha ơi, tôi đã mua bảo hiểm cho nó rồi. Ở chật một chút nhưng mà tôi mừng một cái là con tôi nó bị khờ, nó sẽ không lấy được chồng, nhưng ít ra bây giờ nó đã có đứa con, mình khổ một chút nhưng con của mình nó có con, còn mình thì có cháu. Như vậy cũng được phải không Cha.”
Trong một ngày tôi trực văn phòng ở nhà thờ Đức Bà, và đó là một buổi sáng như bao buổi sáng khác, khi ấy tôi đang ngồi tiếp khách trong văn phòng. Rồi đột nhiên có tiếng gõ cửa rất lớn, qua lớp kính mờ tôi thấy dáng của một người đàn ông đứng trước cửa văn phòng, tiếng gõ cửa càng lúc càng mạnh hơn như muốn bật tung cửa ra.
Tôi xin lỗi vị khách và đi ra hỏi: Chào bác, bác tìm ai thế? Bác bảo: Tôi tìm Cha Toại, mà tôi không biết Cha ấy là ai. Tôi hơi bối rối vì cũng không biết bác. Tôi trả lời bác: Dạ thưa bác, là con đây. Nhưng mà con đang tiếp khách, bác có thể ngồi ở đây đợi con một chút xíu không?
Chỉ cho bác chỗ ngồi xong, tôi quay lại với vị khách đang nói chuyện dở dang. Tôi cảm nhận có lẽ có gì đó rất quan trọng đang đợi mình, nên tôi cố gắng kết thúc buổi gặp này để gặp người đàn ông lạ kia.
Sau khi tôi tiếp khách xong thì tôi mời người đàn ông bước vào văn phòng. Bác ngồi đối diện tôi, vẻ khắc khổ in hằn trên trán. Lúc này tôi mới nhìn rõ bác hơn, một người đàn ông ngoài sáu mươi tuổi, nước da rám lại vì có lẽ cháy nắng.
Bác mở lời ngay: Thưa Cha tôi là người không có đạo, tôi muốn nói trước với Cha như vậy để xem Cha có chịu giúp tôi hay không? Nhưng tôi hết cách rồi, tôi nghe người ta nói cứ đi vào đây tìm Cha Toại thì sẽ được giúp đỡ. Tôi lái xe ôm, là người ta chỉ tôi vào đây gặp Cha, nhưng mà tôi không có đạo, Cha có giúp tôi không?
Người đàn ông cứ lập đi lập lại điều bác không có đạo với tôi. Tôi trả lời bác: Bác ơi, bác cứ chia sẻ câu chuyện của bác, con sẽ lắng nghe rồi xem có giúp gì được hay không.
Bác nhìn xuống đôi bàn tay chai sạm, nắm lấy chiếc mũ đã nhàu nát, bác bắt đầu kể. Tôi có sáu người con, ngập ngừng rồi bác tiếp, vợ tôi mới chết. Tôi có 6 đứa con, đứa thì bán vé số, đứa thì làm phụ hồ, đứa thì đi bán rong ngoài đường, còn tôi thì đi lái xe ôm. Trong 6 đứa con của tôi, tôi có một đứa con gái, nó bị bệnh khờ. Nó đi bán vé số và trong một ngày nào đó, tôi cũng không biết, nó bị mấy đứa phụ hồ nào đó hãm hại. Và tôi cũng không biết, cho đến một hôm nó về nhà và tôi phát hiện ra nó có bầu.
Nước mắt bác đã lã chã rơi xuống từ lúc nào. Rồi bác tiếp tục câu chuyện. Sau khi biết nó có bầu, sau đó tôi phải dắt nó đến bệnh viện để đi phá cái thai, nhưng bác sĩ nói đã quá trễ rồi vì cái thai được sáu tháng. Bác sĩ kêu tôi về và ráng giữ cái thai đi. Rồi sau đó tôi đưa nó ra đồn công an để tố cáo. Nhưng mấy người ở đó nói với tôi là con của tôi hai mươi mấy tuổi rồi, và chuyện xảy ra nửa năm rồi, đã trễ lắm rồi. Thôi bác về đi. Rồi tôi về, và tôi không biết làm gì hết.
Bác nhìn tôi, cầu cứu: Nên tôi đến đây, tôi nhờ Cha, Cha cho tôi gởi nó ở đây ở với Cha, để cho nó có chỗ sinh con. Chứ bây giờ dịch cô vít nổ ra, tôi cũng không mang nó về quê được.
Tôi nghe xong hiểu được vấn đề. Nghĩ vài giây, tôi mới nói với bác: Bác à, tại sao bác không để em nó ở nhà, bác gửi em nó đi thì tội cho em nó quá?
Bác trả lời tôi: Cái phòng của tôi chiều ngang 4m, chiều dài 4m, 7 người ở không có chỗ ở. Và con của tôi nó bị khờ, rồi sắp sanh. Nếu mà nó sanh thì phải có đứa chị ở nhà chăm sóc nó, hai người ở nhà chăm nhau mà không có đủ cơm ăn, mà cái phòng thì quá chật làm sao mà được. Nên tôi xin Cha hãy giữ nó dùm cho tôi.
Tôi xúc động trước hoàn cảnh của bác: Con cảm ơn bác vì bác đã ráng giữ con và cháu của mình. Nhưng mà bác nghĩ xem, bây giờ em nó tới ở nhà con cũng được, nhưng bác hãy nhìn xem con của bác bị bệnh khờ, em nó sẽ cảm nghiệm như thế nào nếu bác đưa con mình đi, em nó sẽ nghĩ như thế nào hả bác?
Bác khóc. Bác cúi mặt xuống đôi tay thô ráp kia, vừa khóc vừa nói: Con tôi sẽ nghĩ tôi bỏ rơi nó.
Cả hai chúng tôi im lặng một hồi lâu. Tôi hỏi: Vậy bác có cách nào khác để con bác nó không nghĩ là bác bỏ rơi con mình hay không?
Bác gạt nước mắt trả lời: Chỉ còn một cách tôi ráng nuôi nó, ở chật một chút nhưng không bỏ rơi nó.
Trước khi bác đứng lên ra về, tôi có chia sẻ với bác một chút tiền để mua bảo hiểm cho cô ấy.
Hai ngày sau, bác lại đến gặp tôi, đôi mắt phấn khởi ánh lên niềm vui sướng, hạnh phúc vì được đồng hành cùng với con. Bác bảo: Cha ơi, tôi đã mua bảo hiểm cho nó rồi. Ở chật một chút nhưng mà tôi mừng, mừng một cái là con tôi nó bị khờ, nó sẽ không lấy được chồng, nhưng ít ra bây giờ nó đã có đứa con, mình khổ một chút nhưng con của mình nó có con, còn mình thì có cháu. Như vậy cũng được phải không Cha.
Khóc…
Bác khóc nức nở.
-o0o-
Bạn mến!
Giọt nước mắt của người đàn ông làm cha, đối diện với con mình bị hại nhưng cam chịu cái sự nhục nhã đau khổ đó, vì thương con, để con mình được sống. Đó là sự đau khổ, nhưng đau khổ của tình thương, đau khổ của việc đem lại sự sống cho con mình.
Cám ơn Cha Gioan Baotixita Phương Đình Toại đã giúp chúng con nhận ra hạnh phúc bên trong nỗi đau, và biến những đau thương thành hoa trái tốt đẹp nhờ Tình Yêu.