Khi đạt đến một độ tuổi nhất định, con người bắt đầu có cảm giác yêu. Đó là một sự cuốn hút, lôi kéo toàn bộ tâm trí và con người của ta hướng về một đối tượng khác. Có nhiều loại tình yêu tồn tại trên đời này, nhưng tình yêu nam nữ là mạnh mẽ nhất, đến độ “người ta phải lìa bỏ tất cả để gắn bó với người mình yêu.” Tình yêu làm cho người ta trở nên trọn vẹn, bổ khuyết cho những nỗi “trống vắng hiện sinh” trong mình. Có được tình yêu này, cũng giống như tìm thấy “một nửa” của cuộc đời. Tình yêu này vốn dĩ rất tuyệt đẹp. Nó đã đi vào trong các áng văn thơ, âm nhạc, cũng như tất cả các loại hình nghệ thuật. Khi tình yêu xuất hiện, các hình thức nghệ thuật trở nên thu hút hơn, lôi cuốn hơn và đẹp hơn.
Yêu và được yêu là một nhu cầu căn bản của con người. Không ai có thể cấm người khác yêu. Bản thân mình cũng không thể làm chủ cảm xúc của mình, muốn mình yêu người này hay yêu người kia, ghét người này hay thương người nọ. Và khi được người yêu mình trao gửi trở lại một tình yêu, ta như trở thành người hạnh phúc nhất trên hành tinh này. Thế nhưng, con người – đặc biệt là giới trẻ ngày nay – đôi khi có chút hiểu lầm liên quan đến nó. Khi hiểu sai về tình yêu, người ta trở thành kẻ mù quáng, có những hành vi sai trái và dần dần đánh mất đi chính mình. Hoặc có khi, do có cách hiểu sai về tình yêu, người ta không biết cách làm cho nó triển nở để làm thăng hoa cuộc sống của cả mình và người khác.
Người ta thường lẫn lộn tình yêu với cảm xúc. Cảm xúc là một phần của tình yêu, nhưng nó không phải là tình yêu. Khi yêu, người ta có những cảm giác nhớ, thương, giận, mong, tủi, ghen… Nhưng tất cả những điều này chỉ là cảm xúc phát ra từ con người mình chứ chưa hẳn là tình yêu. Các bạn trẻ thường hay thần tượng một ai đó, có thể là ca sĩ, diễn viên, một người có những tài năng hay đức hạnh mà mình cảm thấy ngưỡng mộ. Ở độ tuổi mới lớn, bạn trẻ cũng có thể thấy “thích thích” một người khác phái ở lớp học hay ở chung khu phố, xóm làng… Những cảm xúc khi thần tượng hay thích thích này cũng có nét gần gần như khi yêu. Tuy nhiên, phải hết sức cẩn thận, đừng lầm lẫn tình yêu với cảm xúc. Thật không dễ để phân biệt hai phạm trù này. Có thế nói: cảm xúc là cái toả ra bên ngoài với những nét đẹp và quyến rũ cuốn hút ta, còn tình yêu là cái cốt lõi bên trong. Tình yêu không chỉ là nhớ là thương, nó còn bao gồm cả trách nhiệm và một thái độ muốn trao ban tất cả để cùng người kia đắp xây một tổ ấm. Nó sẽ được lộ rõ hoặc được tôi luyện khi trải qua những khó khăn, phong ba, thử thách của cuộc sống và thời gian. Vượt qua trăm ngàn bể dâu, khi không còn cảm thấy lâng lâng của cảm xúc vây cuốn, mà người ta vẫn thấy không thể sống mà thiếu nhau, đó gọi là tình yêu!
Giới trẻ ngày nay du nhập một thái độ gọi là yêu chơi. Xét về bản chất, nếu đã yêu thật lòng thì chẳng thể nào gọi là chơi. Còn nếu chỉ là chơi, thì đó không phải là yêu, theo đúng nghĩa của nó. Do hiểu lầm tình yêu chỉ là cảm xúc, và mình có thể gán ghép tình yêu vào mình và vào người khác, nên các bạn trẻ cứ nghiễm nhiên “tìm người ghép cặp” với nhau và gọi đó là tình yêu. Ở độ tuổi mới lớn, ai cũng muốn mình có người yêu. Khi có người yêu, người ta cảm thấy có chút hãnh diện về bản thân mình. Có người yêu để ngày lễ tết đi chơi, nhắn tin hẹn hò, đi ăn uống như người khác. Có bạn còn tự hào về bản thân khi “thay người yêu như thay áo”. Càng có nhiều người yêu, họ nghĩ rằng mình càng có giá. Rồi do bị ảnh hưởng bởi những thước phim lãnh mạn, họ cũng có giây phút chia tay, nhớ nhung, đau khổ… Dĩ nhiên, cũng có những tình yêu thật sự nảy sinh ở giai đoạn này, và nếu hai bạn trẻ biết cách trân quý và gìn giữ nó thì rất tuyệt. Nhưng phần lớn các bạn khác chỉ hùa theo trào lưu của xã hội. “Bắt cặp” yêu đương hết người này đến người khác chỉ vì không muốn mất mặt với bạn bè, hay chỉ để tập sống như người lớn. Tệ hơn nữa, họ không nghĩ đến trách nhiệm với bản thân mình và với gia đình, xã hội, nên đã buông mình theo những cám dỗ của tính dục.
Đến đây, ta lại thấy có một sai lầm khác đang rất thịnh hành trong giới trẻ, chính là: lầm lẫn tình dục với tình yêu. Cả tình dục lẫn tình yêu đều là những tặng phẩm quý báu Tạo Hoá ban cho con người. Cũng giống như trong tương quan với cảm xúc, tình yêu cũng có yếu tố tính dục, nhưng chúng không phải là một. Khi yêu, người ta có xu hướng trao ban chính mình cho người khác mà hình thức cao nhất liên quan đến thể lý chính là việc quan hệ tình dục. Nhưng cả điều này cũng phải được đặt trong khuôn khổ của nó, chứ không phải muốn làm gì thì làm. Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng phải quan hệ tình dục với nhau để chứng tỏ tình yêu và niềm tin dành cho nhau. Đây là một lối nghĩ hết sức sai lầm. Các bạn nữ thường cả tin, dễ nghe theo những lời ngon ngọt, rốt cuộc phải gánh lấy hậu quả không tốt cho bản thân, cũng chỉ vì sự lầm lẫn tai hại này. Khi xã hội chuẩn nhận tình yêu giữa hai người, họ cũng chuẩn nhận luôn tình dục giữa họ vì nó là yếu tố tất yếu đi kèm theo tình yêu. Vì thế, điều cần lưu ý là đừng bao giờ đồng hoá tình dục với tình yêu, và đừng bao giờ dùng tình dục như một yếu tố để kiểm chứng tình yêu.
Khi yêu, người ta thường có xu hướng muốn chiếm giữ người mình yêu cho riêng mình. Tình yêu luôn có sự ích kỷ trong đó. Nó không thích bị san sẻ, chia đôi. Cảm giác ghen mà ta có khi yêu chính là một biểu hiện của “sự ích kỷ” này của tình yêu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mình chiếm giữ tình yêu, vây hãm người yêu và cố gắng nắm giữ tình yêu trong bàn tay mình bằng mọi giá. Tình yêu là một không gian mở. Nó giúp hai người cùng thăng tiến, chứ không biến ai thành nô lệ của ai. Tình yêu có được bằng sự chân thành, chứ không bằng thủ đoạn. Tình yêu muốn có sự tự nguyện chứ không thích bị gượng ép. Chính vì thế, đừng bao giờ quyết tâm giành lấy tình yêu bằng những tính toán. Còn khi đã có được nó rồi thì đừng bóp nghẹt nó bằng sự ích kỷ của mình. Người yêu là người thuộc về mình, nhưng người đó còn sống trong xã hội nữa. Đừng bắt người đó phải cắt đứt mọi tương quan, đừng kiểm soát người đó như thể tù nhân của mình. Càng cố chiếm giữ tình yêu, tình yêu sẽ càng trở nên ngột ngạt và chết đi.
Cuối cùng, cũng nên biết rằng tình yêu không phải là cái đã có thì còn mãi. Bản chất của tình yêu là bất diệt, nhưng nó cần được vun trồng, xây đắp, nâng niu. Một chút lôi cuốn ban đầu có thể là mầm mống của tình yêu, nhưng để tình yêu đó thật sự đâm rễ, lớn lên thành cây và sinh hoa trái, cả hai cần phải chăm bón cho nó. Đó có thể là sự quan tâm, hỏi han, hâm nóng kỷ niệm, hy sinh cho nhau, tạo niềm vui cho nhau… Có ai đó đã ví von rằng con đường lâu ngày không đi sẽ có cỏ dại mọc lên, hai người lâu ngày không trò chuyện sẽ trở nên xa lạ lúc nào không biết. Sự tiếp xúc, gặp gỡ, đụng chạm… tuy đơn sơ, giản dị nhưng là yếu tố không thể thiếu để vun đắp tình yêu. Đừng bao giờ ỷ lại vào khả năng chinh phục của mình, cho rằng người kia sẽ không thể sống thiếu mình, để rồi tỏ ra lạnh lùng, kiêu căng. Mọi sự sẽ qua đi, theo thời gian, tất cả đều có thể thay đổi. Tình yêu là cái tuy hiện tại có đó, nhưng chưa chắc còn vào ngày mai.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ