Tôi cầu nguyện bằng Lời kinh Chúa dạy

Chúa Giêsu từngkinh-lay-cha đích thân dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Qua Kinh Thánh (Mt 6, 7-15), Chúa cũng dạy tôi cách cầu nguyện. Xin được phép chia sẻ với quý độc giả, bằng lời lẽ đơn sơ nhất, những gì tôi cảm thấy được giúp ích từ đoạn Phúc Âm thuật lại Lời Kinh Chúa Dạy. Tuyệt nhiên ở đây tôi không có tham vọng đưa ra một hướng dẫn cầu nguyện hay một bài chú giải Tin Mừng. Dưới đây tôi dùng bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. Ðừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.”

Vâng, Chúa không muốn tôi “lải nhải” khi cầu nguyện. Ở đây tôi không bàn đến cách thức những người chưa tin vào Chúa vẫn cầu xin khấn vái ơn Trời, vì tôi nghĩ mình chưa hiểu họ cho đủ. Nhưng dường như Chúa Giêsu đã lường trước cám dỗ “lải nhải như dân ngoại” diễn ra nơi chính các môn đệ của Ngài – những Kitô hữu mọi thời. Kinh Lạy Cha – vì là Lời Kinh Chúa Dạy – đã trở nên quá quen thuộc và phổ biến. Cám dỗ là ở chỗ “quen quá hóa nhàm”. Không ít lần chính tôi đã đọc kinh này một cách máy móc: khởi sự giờ kinh chung bằng cách quơ tay làm Dấu Thánh Giá chớp nhoáng (“Cha, Con, Thánh Thần”) rồi bắt đầu râm ran đọc Kinh Lạy Cha với cộng đoàn hay nhóm của mình. Vì ai cũng thuộc làu làu, chúng tôi thường đọc thật to, thật rõ, thật đều, và thật… nhanh nữa! Nhiều khi giật mình tự hỏi, chẳng biết ngày xưa Chúa Giêsu có dạy các môn đệ đọc Kinh Lạy Cha kiểu này hay chăng?

Ông bà ta khi xưa đã nghĩ ra các cung đọc (nhị cung, tam cung…) phù hợp với dấu giọng tiếng Việt hầu giúp cộng đoàn đọc kinh chung cho sốt sắng, âm vang. Đó quả là một đóng góp tuyệt vời của các bậc tiền bối, nhất là trong giờ kinh chung và phụng vụ, vì nhạc tính tiềm ẩn trong lời kinh tiếng Việt được đánh nổi, nhờ đó dễ đọc chung, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người. Nhưng đọc Kinh Lạy Cha theo cung giọng như thế, nếu không khéo, có khi lại trở thành con dao hai lưỡi. Ai có thể cầm lòng cầm trí nghĩ đến lời kinh thì quá tốt, còn ai không chú tâm cho đủ mà chỉ đọc theo thói quen, theo hình thức (đều, to, rõ, nhanh), hay theo người khác thì thật đáng tiếc. Một món ăn ngon mà được nuốt quá vội thì đâu để lại hương vị gì. Ở đây lại là Lời Kinh Chúa Dạy…

Thế nên tôi nghĩ cung đọc và cách đọc Kinh Lạy Cha như trên đã làm tròn vai trò của nó trong giờ kinh cộng đoàn hay phụng vụ rồi. Còn khi cầu nguyện riêng bằng Lời Kinh Chúa dạy, tôi vẫn thích “đọc” với giọng nói bình thường, như đang tâm sự với Người Bố Yêu của mình, thật tình bao nhiêu có thể. Thử hỏi, có đứa trẻ nào tâm sự với bố mà cứ đọc ro ro kiểu đang xướng kinh chăng? Có người cha nào thích nghe con mình chúc Tết một hơi làu làu một lời chúc được viết sẵn mà đến nó cũng chẳng kịp ý thức? Tôi vẫn thích đọc Kinh Lạy Cha thật chậm, để từng lời kinh – cũng là Lời Chúa – thấm dần vào mình. Lần sau đọc thấm hơn lần trước một chút. Khi cần thì dừng lại ngẫm nghĩ, tâm sự, đâu ai cấm. Cũng đâu ai bắt tôi phải đọc thật nhiều kinh, đâu phải “cứ nói nhiều là được nhận lời”! Thiên Chúa của người Kitô hữu đâu phải cái máy ATM để người ta thi nhau đút lời cầu nguyện vào thì ơn lành lập tức nhả ra theo tỉ lệ thuận! Quả thật, Thiên Chúa biết rõ chúng ta cần gì, trước khi chúng ta cầu xin.

Trở lại với nội dung Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện như thế này:

“Lạy Cha chúng con là Ðấng ngự trên trời…”

Trước hết, Chúa Giêsu muốn chúng ta đến với Chúa Cha như con thơ đến với bố mình. Lỡ như ai có ấn tượng không tốt về người cha thì cứ xem như đang đến với người mẹ hiền yêu dấu, thậm chí như đến với một người bạn tín trung, chẳng sao cả! Dù biết rằng bản thân còn nhiều tội lỗi, giới hạn và bất toàn, tôi vẫn cứ đến; Cha đâu có đòi tôi hoàn mỹ rồi mới yêu thương! Hơn nữa, có Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa Làm Người – đảm bảo cho tôi – một con người – cái quyền được gọi Thiên Chúa: “Abba! Cha ơi!” Gọi Thiên Chúa là Cha, đó không phải một hô ngữ vô hồn, vô nghĩa, nhưng là một lời gọi cháy bỏng yêu thương. Gọi Thiên Chúa là Cha, tôi cũng phải nhìn nhận người xung quanh là anh chị em của tôi, vì chúng tôi là con cái của một Cha Chung Trên Trời. Anh chị em tôi là những người cùng gọi “Abba!” như tôi, và cả những người chưa được diễm phúc nhận biết Thiên Chúa là Cha. Gọi Thiên Chúa là Cha, tôi phải tôn trọng mọi người trong yêu thương và hợp nhất, theo đúng phẩm giá của họ. Bằng không, tôi đang tự làm khổ mình bởi lối sống đạo đức giả mà thôi.

Kế đến, Chúa Giêsu dạy các môn đệ biết phải xin gì với Chúa Cha, và chắc chắn đây là những ý nguyện đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Nhiều sách chú giải, sách giáo lý… chia thành 3 ý nguyện đầu và 4 ý nguyện sau. Theo đó, 3 lời cầu xin đầu tiên trong kinh Lạy Cha hướng ta đến vinh quang của Chúa Cha; 4 ý nguyện sau nói lên niềm tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa. Ở đây tôi xin gợi ý thêm một cách phân chia và đọc ngẫm Kinh Lạy Cha mà tôi được Cha Giáo tập chia sẻ khi tôi còn là tập sinh Dòng Tên. Xin tạm chia 7 lời cầu xin thành “đội hình” 3-1-3 như sau:

1A. xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

2A. triều đại Cha mau đến,

3A. ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

  1. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;

1B. xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con;

2B. xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,

3B. nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

Trước hết, tôi đặt mình vào lời cầu xin ở vị trí trung tâm (X). Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” Trong tâm tình phó thác, tôi xin Thiên Chúa cho mình và cho mọi người có được cuộc sống phần xác đủ dùng và êm ấm. Tôi cũng không quên xin Thiên Chúa nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình bằng “lương thực thần linh” là Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, nghĩa là xin Ơn Cứu Độ và Sự Sống Đời Đời. Chính Chúa Giêsu là nguồn ơn thiêng và sức mạnh để tôi cầu nguyện và dám sống cho những điều mình tiếp tục cầu xin sau đây.

Kế đến, tôi cầu nguyện với ý 1A, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, rồi nghĩ ngay đến ý 1B, xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con. Tại sao thế? Thưa vì Danh thánh Cha thì lúc nào cũng vinh hiển, đâu cần đến lượt tôi phải xin! Nhưng vì Danh Cha là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, tôi xin cho mình sống sao cho xứng danh con cái Cha Trên Trời. Tha thứ là biểu hiện tuyệt vời của lòng xót thương. Xin cho tôi cảm nghiệm được tình yêu tha thứ của Cha dành cho mình, để tôi cũng trở nên cánh tay nối dài của Lòng Cha Thương Xót. Tôi nợ Cha điều đáng gọi là tội, trong khi người anh em chỉ mắc nợ tôi điều đáng gọi là lỗi mà thôi. Dù ít dù nhiều, khi tôi tha thứ cho người khác, danh thánh Cha quả được vinh hiển trên đời. Tình yêu tha thứ của Cha quả là tình yêu có sức cứu độ.

Tiếp đó, tôi cầu nguyện với ý 2A, triều đại Cha mau đến, rồi nghĩ ngay đến ý 2B, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Tại sao thế? Thưa vì Nước Trời đã đến rồi, nhưng chưa hoàn tất. Ơn Cứu Độ đã được Chúa Giêsu thực thi trên thế gian, nhưng lắm khi tôi còn chưa mở cửa lòng mình để đón nhận Ơn ấy. Tôi xin cho mình biết cộng tác với ơn Chúa, bằng việc tin nhận và chọn sống theo Chúa cách tự do thay vì khước từ Ngài, như thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người”. Nói thế nhưng không phải “khỏi sa chước cám dỗ” là kết quả của nỗ lực do chỉ mình tôi đâu, nếu không có ơn Chúa giúp thì tôi thất bại là cái chắc! Nước Chúa lan tràn đến đâu, vương quốc của quỷ dữ tức khắc bị dẹp tan đến đó. Không có mảnh đất nào trong tâm hồn tôi vừa thuộc Nước Chúa vừa là thuộc địa của qủy cả. Tôi cầu xin Thiên Chúa cho tôi đủ sức mạnh chống trả cám dỗ hầu xa tránh tội, để Nước Chúa vinh thắng, chiếm ngự toàn cõi lòng và tấm thân tôi.

Cuối cùng, tôi cầu nguyện với ý 3A, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, rồi nghĩ ngay đến ý 3B, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Vâng, tôi xin cho mình sớm được giải phóng khỏi ách thống trị của quyền lực sự dữ, để không phải được nên công chính trước mặt người đời, nhưng là để mỗi ngày được sống tự do và trọn vẹn hơn cho ý định và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa là Cha.

Lời Chúa là suối nguồn phong phú không hề cạn đang chờ từng người đến kín múc. Tôi tin nếu quý vị và các bạn thành tâm thiện ý đến “học” cùng Thầy Giêsu trong giờ cầu nguyện, Thiên Chúa sẽ tiếp tục hướng dẫn mỗi người trong Thánh Thần Tình Yêu của Ngài. Cầu nguyện để biết cầu nguyện. Những chia sẻ trên đây của tôi rồi sẽ đến lúc âm thầm rút lui như một người bạn đi ngang qua trong đời. Cầu chúc mọi người thật nhiều ơn lành nhân dịp Năm Mới Bính Thân và Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót.

Bart. Nguyễn Anh Huy, SJ

Một chú thích nho nhỏ: Tôi đã từng hỏi Cha Giáo tập tại sao lại nối kết ý nguyện 1A với 1B, 2A với 2B, 3A với 3B mà không làm khác đi. Ngài trả lời rằng đó chỉ là một gợi ý. Hơn nữa, ngài bảo tôi đem đối chiếu đoạn Phúc Âm này với bản Kinh Lạy Cha ngắn mà thánh Luca ghi lại, thì quả thật, bản đó thiếu đi cặp ý nguyện 3A-3B.

Kiểm tra tương tự

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Hãy mạo hiểm! Tôi đã làm thế, và cưới được vợ

Các thánh nhân là những người dám khuấy động cả hoàn vũ, nên Đức Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *