Tôi đóng góp gì cho sứ mạng truyền giáo hiện nay trên đất Việt?

cn-v-tnc

Giuse BCD

Thời gian gần đây, người viết thường được nghe rất nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, và thậm chí cả những giáo dân nói về truyền giáo. Có thể nói dường như mọi thành phần dân Chúa đang dần ý thức về sứ mạng truyền giáo. Đó là tin mừng. Tuy nhiên, thực tế và thực trạng của việc truyền giáo trên đất Việt vẫn chưa khởi sắc. Đâu là nguyên do chính dẫn tới kết quả không mấy khả quan này? Phải chăng từ lời nói và ý thức dẫn tới hành động cụ thể còn nhiều khoảng cách? Phải chăng những người thiện chí, ước ao lên đường truyền giáo vẫn chưa sở đắc phương thức truyền giáo cho bản thân mình? Bên cạnh đó, khi nói về truyền giáo, thì cần nắm rõ đối tượng truyền giáo là ai, như thế nào?

Đối tượng cần được truyền giáo là ai? Trong bối cảnh hiện nay, đối tượng cần được truyền giáo khá đa dạng, đó là những người đã được Rửa Tội nhưng không sống trong Giáo hội, những người bị rối đạo, những người phạm sai lầm (mại dâm, nghiện ngậm, tù tội…), những người chưa biết Chúa (chưa nghe biết Tin Mừng), v.v.. Như thế, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng sứ mạng truyền giáo khá phong phú. Và cũng vì lẽ đó, Giáo hội đã dùng nhiều thuật ngữ để diễn tả việc truyền giáo cho từng đối tượng như truyền giáo, tái truyền giáo, Tân Phúc Âm hóa. Tân Phúc Âm hóa thường được dùng cho mọi đối tượng cần được truyền giáo nhưng với một phương thức mới mẻ, gần gũi và hợp thời. Tái truyền giáo thường nhắm tới những đối tượng đã biết Chúa, đã tin Chúa, nhưng nay không còn giữ và sống Đạo, lạc mất đức tin, v.v.. Truyền giáo thường mang nghĩa chung chung cho mọi đối tượng và cho sứ vụ đặc thù của mọi thành phần dân Chúa. Tuy nhiên, khi nói truyền giáo theo nghĩa hẹp là có ý ám chỉ việc loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa, chưa được nghe Tin Mừng của Chúa.

Đâu là phương thế truyền giáo mà mỗi người Kitô hữu cần sở đắc? Có rất nhiều phương thế để truyền giáo, tùy theo khả năng và điều kiện của mỗi người (x. 1 Cr 12:4-11). Chẳng hạn như đi thăm viếng đều đặn những người lạc mất đức tin, tham gia giảng dạy Thần học hoặc các khóa thăng tiến hôn nhân gia đình và chăm sóc sức khỏe (nhất là sức khỏe sinh sản và phụ khoa), các khóa bồi dưỡng giáo lý đức tin, các khóa huấn luyện tác viên Tin Mừng, tích cực tham gia sinh hoạt bác ái xã hội như thăm viếng và chăm sóc người nghèo khổ cũng như giúp đỡ các bệnh nhân nghèo được chữa trị và “cho kẻ đói ăn”, và thú vị nhất là dấn thân đi tới những biên cương mới nơi mà chứa đựng nhiều thách đố, đòi hỏi sự sáng tạo và lòng nhiệt thành mới mẻ, mơi mà có những con người chưa từng cầm được quyển Kinh Thánh, chưa từng biết Thiên Chúa là ai, v.v.. Đây là sứ mạng cốt lõi của anh em Dòng Tên đang thực thi trên đất Việt, nhưng thiết nghĩ cũng là sứ mạng chung của từng người Kitô hữu.

Tôi đã sẵn sàng chưa? Đây là câu hỏi và cũng là lời mời gọi cho tất cả những người thiện chí và đầy lòng ước ao muốn được trở thành nhà truyền giáo đích thực. Dẫu biết thế, việc dẫn thân lên đường truyền giáo không phải nói là làm được. Ngoài việc sẵn sàng lên đường, người truyền giáo còn cần thủ đắc những kỹ năng truyền giáo, những hành trang cần thiết như tinh thần cầu nguyện, tích cực cộng tác với Chúa Thánh Thần, mau mắn hội nhập với môi trường mới và văn hóa mới, chìm đắm trong mầu nhiệm Nhập Thể của đời truyền giáo và giúp người khác sống mầu nhiệm Phục Sinh – mầu nhiệm của những người luôn biết nép mình vào cung lòng đầy thương xót của Chúa Cha, để học cách tín thác và vâng phục của Chúa Con, để không buông rời hơi ấm của Thánh Thần, để hòa cùng một nhịp đập thổn thức trong con tim nhân lành của Chúa Cha với tình yêu thương vô tận.

Thực thế, “Sứ mạng của Chúa Kitô Cứu Thế được trao phó cho Giáo hội vẫn đang còn nhiều dang dở” (RM 1). Nói cách khác, cánh đồng của Chúa thì bao la nhưng vẫn còn thiếu nhiều thợ gặt lành nghề (Lc 10:2). Tại sao vậy? Phải chăng sứ mạng truyền giáo chưa cuốn hút hoặc khó thực thi? Phải chăng Giáo hội thiếu nhân sự, thiếu chiến lược, thiếu sự cộng tác giữa các tín hữu và mục tử, thiếu sự đào tạo bài bản, thiếu nhiệt huyết truyền giáo…?

Vâng, dù là lý do gì chăng nữa, truyền giáo (hay loan báo Tin Mừng) luôn là việc làm cần kíp và cấp bách vì Chúa căn dặn: “Đừng chào hỏi ai dọc đường!” (Lc 10:4), là lời mời gọi khẩn thiết của Chúa Giêsu Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15), là việc của Chúa nhưng cũng là sứ vụ được Ngài trao cho những người tin: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3:6; x. 2Cr 4:7, RM 24), là hoa trái của Thánh Thần: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã sức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4:18), là sự sống còn của Giáo hội và là bản chất của người Kitô hữu (AG 2; 1Cr 9:16), là một hành trình dài dẵng và đòi hỏi sự bền bỉ cũng như chiến lược rõ ràng, là niềm vui và hân hoan của người được Chúa sai đi (EG 1), v.v..

Pleiku, ngày 23/7/2016

Lưu ý: Các chữ viết tắt:

RM: Thông điệp “Redemptionis Missio” của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 1990.

AG: Sắc lệnh về Truyền Giáo – “Ad Gentes“.

EG: Tông huấn “Evangelii Gaudium” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, 2013.

Kiểm tra tương tự

8 vị thánh bảo trợ vĩ đại cho 8 sở thích phổ biến

Có một sở thích là cách tuyệt vời để thoát khỏi những căng thẳng trong …

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *