Tóm lược tin Giáo Hội tuần qua (8.6 – 14.6.2014)

70 nămĐTC HIỆP Ý KỶ NIỆM 70 NĂM QUÂN ĐỒNG MINH ĐỔ BỘ NORMANDIE

VATICAN. Hôm 6.6 vừa qua, ĐTC đã hiệp ý với nhiều người tham dự lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ của quân đồng minh lên bãi biển Normandie của Pháp. Đức Hồng Y Pietro Parolin đã chuyển lời ĐTC rằng ĐTC ca ngợi nhiều binh sĩ đã rời bỏ quê hương để đổ bộ lên đây, với mục đích chống lại sự man rợ của Đức Quốc xã và giải phóng nước Pháp khỏi sự chiếm đóng. ĐTC cũng không quên các binh sĩ Đức trong thảm trạng ấy và tất cả các nạn chân chiến tranh. Tham dự lễ tưởng niệm này có khoảng 18 vị lãnh tụ các nước. Phía Công Giáo có ĐHY André Vingt-Trois, TGM giáo phận thủ đô Paris.

Ngày 5 và 6.6 năm 1944, hơn 150 ngàn quân đồng minh từ Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada đã đổ bộ lên các bãi biển miền Normandie để giải phóng nước Pháp và góp phần làm sụp đổ chế độ Đức Quốc xã. Báo Quan sát viên, số ra ngày 6.6 vừa qua đã đăng lại câu hỏi mà ĐHY Ratzinger đặt ra 10 năm trước khi tham dự lễ kỷ niệm 60 năm trong tư cách là Tổng Trưởng Bộ Giáo lý đức tin: “Và các bạn, các bạn làm gì cho hòa bình ngày nay?”

ĐỨC THÁNH CHA GẶP 50 NGÀN HIẾN BINH ITALIA

VATICAN. Hôm 6.6 vừa qua, Đức Thánh Cha đã dành một buổi tiếp kiến cho 50 ngàn hiến binh Italia và gia đình họ tại quảng trường Thánh Phêrô nhân dịp kỷ niệm 200 năm thành lập đoàn quân này. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có một số bộ trưởng và các vị chỉ huy của quân đoàn. Đức Thánh Cha chia sẻ với họ rằng: “Sứ mạng của anh chị em được biểu lộ trong việc phục vụ tha thân và đòi anh chị em dấn thân mỗi ngày để đáp ứng sự tín nhiệm và lòng quý mến mà dân chúng đặt nơi anh chị em. Điều này đòi phải có sự sẵn sàng liên tục, kiên nhẫn, lòng hy sinh và tinh thần nghĩa vụ…”

Đoàn hiến binh Italia được vua Vittoria Emmanuel I thành lập năm 1814 tại Torino, với chức năng như cảnh sát đồng thời là đạo quân có nhiệm vụ bảo vệ quốc gia. Giữa thế kỷ 19, Hiến binh trở thành quân đoàn đầu tiên trong quân đội Italia thống nhất, trước khi chính thức trở thành một lực lượng quân đội vào năm 2000.

CHIẾN DỊCH LIÊN TÔN CHỐNG KHAI THÁC TÌNH DỤC VÀ BUÔN NGƯỜI

chống buôn người ở BrazilSAO PAOLO. Nhân dịp giải bóng đá thế giới khai diễn tại nước này, một chiến dịch liên tôn đã được phát động tại Brazil nhằm gây ý thức trong dư luận về tệ nạn khai thác tình dục và buôn người. Chiến dịch này được gọi là “đấu bóng bênh vực sự sống – phúc trình về nạn buôn người” do Hội đồng tu sĩ Brazil đề xướng nhằm ngăn ngừa ảnh hưởng của nạn khai thác tình dục trước, trong khi và sau giải bóng đá thế giới. Tham gia chiến dịch này có hơn 30 ngàn nữ tu, gần 8 ngàn linh mục và 2700 tu huynh.

Chiến dịch đã được khởi sự từ tháng 3 năm nay. Các thành viên của chiến dịch viếng thăm các trường học và giáo xứ để giải thích về cách nhận diện những người bị khai thác tình dục, cũng như cách thức phòng ngừa tệ nạn này. Trong những ngày trước khi khai mạc giải bóng đá này, các tình nguyện viên phát các truyền đơn tại các trạm xe bus và phi trường cho các du khách đến 12 thành phố ở Brazil, nơi diễn ra các trận bóng đá. Chiến dịch cũng được phổ biến qua truyền hình, đài phát thanh, với các mục quảng cáo cảnh giác khán thính giả về những vụ khai thác tình dục trẻ vị thành niên trong thời gian giải bóng đá thế giới bắt đầu từ ngày 11.6 tới đây.

GIÁM QUẢN TÔNG TÒA GIÁO PHẬN DƯ GIANG BỊ BẮT GIỮ

HONG KONG. Linh Mục Gioan Bành Vệ Chiếu, Giám Quản tông tòa giáo phận Dư Giang, tỉnh Giang Tây đã bị bắt giữ từ gần 2 tuần lễ trước đó và người ta không biết cha đang bị giam giữ ở đâu. Cha thuộc cộng đoàn Công Giáo thầm lặng và được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám quản giáo phận Dư Giang từ năm 2012, sau khi Đức Cha Tôma Tăng Kính Mục về hưu. Đức Cha không được nhà nước Trung Quốc nhìn nhận.

Hôm 8.6 vừa qua, tờ Nam Hoa điện báo buổi sáng cho biết Bắc Kinh và Tòa Thánh sắp mở lại các cuộc nói chuyện và nay, Tòa Thánh đang chờ phía Trung Quốc trả lời về nơi chốn và thời điểm cuộc nói chuyện. Tuy nhiên, việc phá hủy một loạt các nhà thờ ở Ôn Chân và việc bầu một Giám Mục theo nhà nước tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, có thể cản trở những cố gắng hòa giải này. Cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Tòa Thánh bị ngưng lại từ tháng 10.2010 sau khi Giáo Hội công khai ở nước này truyền chức Giám Mục bất hợp pháp cho một Giám Mục mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng.

NHÀ TIỆC LY BỊ MỘT NHÓM DO THÁI THỦ CỰU CHIẾM ĐÓNG

nhà tiệc lyJERUSALEM. Chiều 8.6 vừa qua, khoảng 30 người thủ cựu Do Thái, trong đó có ông Moshe Feiglin, đại biểu quốc hội Israel thuộc đảng Likud của thủ tướng  Benjamin Netanyahu, đã chiếm Nhà Tiệc Ly ở Jerusalem và trục xuất các tín hữu Kitô đang tụ họp tại đây để mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trong chuyến viếng thăm vừa qua tại Đất Thánh, Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ tại đây.

Nhà Tiệc Ly là một phòng ở lầu trên của 1 căn nhà gần vùng núi Sion, được coi là nơi Đức Giêsu đã cử hành bữa tiệc ly với các môn đệ. Từ thế kỷ 12, người ta tin là mộ của vua Đavít nằm ở tầng trệt của căn nhà, dù nhiều sử gia và nhà khảo cổ đã nghi ngờ về điều này. Căn nhà này trước kia thuộc các cha dòng Phanxicô và về sau bị Nhà Nước Israel chiếm đóng và không để cho Giáo Hội Kitô cử hành các nghi lễ phụng vụ tại đây, ngoại trừ trường hợp của Đức Gioan Phaolô 2 và Đức đương kim Giáo Hoàng.

ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO 2 LINH MỤC ITALIA BỊ ĐỨC QUỐC XÃ SÁT HẠI

CUNEO. Cha Giuseppe Bernardi 26 tuổi và cha phó Mario Ghibaudo 23 tuổi đang được cứu xét để phong chân phước. Hai cha đã bị mật vụ Đức Quốc Xã sát hại ngày 19.3.1942 tại Boves, thuộc giáo phận Cuneo, miền Tây Bắc Italia, để trả thù cho hai binh sĩ mật vụ Đức bị quân kháng chiến bắt cóc. Dù hai binh sĩ này đã được trả tự do nhờ trung gian của cha Bernardi, nhưng viên chỉ huy mật vụ Đức vẫn cho nổi lửa thiêu hủy làng Boves và hành quyết 45 dân làng, trong đó có 2 linh mục này. Đây là cuộc thảm sát đầu tiên Đức Quốc Xã thực hiện sau khi chiếm Italia.

Án phong chân phước cho hai vị linh mục này đã được khởi sự hồi tháng 5.2013 và ngày 5.6 vừa qua, giai đoạn điều tra ở cấp giáo phận Cuneo đã được hoàn tất. Toàn bộ hồ sơ về đời sống, chứng tá, nhân đức và cái chết của hai vị đã được thu thập, cùng với chứng từ của 50 nhân chứng, được gửi về Bộ Phong Thánh ở Roma để cứu xét.

CÁC TÍN HỮU KITÔ ĐÃ BỎ ĐI SAU KHI THÀNH MOSSOUL BỊ CHIẾM

mossoulMOSSOUL. Nhiều tín hữu Kitô đã bỏ đi khỏi thành Mossoul ở miền bắc Irak sau khi thành này bị dân quân thánh chiến Hồi Giáo chiếm đóng hôm 10.6 vừa qua. Mossoul là thành phố lớn thứ hai của Irak, có gần 3 triệu dân cư, cách thủ đô Baghdad 300 cây số về hướng Bắc, và có đông đảo tín hữu Kitô sinh sống. Cùng với thành này, toàn bộ tỉnh Ninive cũng bị lọt vào tay dân quân gọi là Quốc gia Hồi giáo Irak và Đông phương. Cả thành phố Kirkuk và Salaheddine ở phía bắc Baghdad cũng bị chiếm.

Hãng tin Fides cho biết có khoảng nửa triệu dân đã rời khỏi Mossoul và những người nào không chạy khỏi Mossoul được thì bị kẹt tại gia cư mình trong tình trạng thiết quân và liên tục bị cúp điện nước. Đức TGM sở tại cho biết tình trạng thành phố bây giờ rất hỗn loạn. Ngài kêu gọi mở cửa các thánh đường và đền thờ Hồi Giáo để các tín hữu có thể cầu nguyện cho hòa bình. Ngài cũng kêu gọi các tiệm buôn tiếp tục bán bánh và lương thực cơ bản cho dân chúng.

HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ NGÂN QUỸ HỌP TẠI VATICAN

VATICAN. Từ ngày 10 đến 14.6, khóa họp thường niên của Hội Đồng Quản Trị ngân quỹ “Populorum progressio” (Phát Triển Các Dân Tộc) nhóm họp tại Vatican, dưới quyền chủ tọa của ĐHY Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, cơ quan bác ái của ĐTC. Ngân quỹ này được thành lập năm 1992 và được ĐTC Gioan Phaolo 2 ủy thác cho Hội đồng Cor Unum. Tham dự Hội đồng quản trị cũng có các vị hồng y, giám mục khác.

Trong những ngày họp, HĐQT đã cứu xét và quyết định về việc tài trợ các dự án phát triển tại Mỹ châu Latinh cho dân nghèo. Cho đến nay, có khoảng 4 ngàn dự án được tài trợ với hơn 35 triệu USD trong các lãnh vực chăn nuôi, thủ công, học đường, y tế, canh nông, tiểu xí nghiệp…

TÌNH HÌNH Ở IRAK ĐANG NGÀY CÀNG TỒI TỆ HƠN

tình hình irakVATICAN. Hôm 12.6 vừa qua, tại thủ đô Baghdad, đại diện tổ chức quan sát nhân quyền bày tỏ lo âu về những vụ vi phạm nhân quyền mà các dân quân Hồi giáo có thể gây ra tại các thành phố họ chiếm được ở miền bắc Irak. Tổ chức này cảnh giác chính phủ Irak đừng sử dụng các chiến thuật tàn bạo gây thiệt hại cho các thường dân. Hiện tại, làn sóng di dân đang tăng cao khi các thành phần hồi giáo cực đoan đã chiếm giữ 1 số thành phố.

ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và các chức sắc của Bộ cũng bày tỏ sự gần gũi đặc biệt với Đức Thượng Phụ Luis Sako, Giáo Chủ Công Giáo Canđê. Đức TGM Nona cho biết rằng các thánh đường, trường học và cơ sở của Công Giáo được mở cửa cho người tị nạn, trong tinh thần cộng tác giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau.

CÔNG BỐ 8 SẮC LỆNH PHONG CHÂN PHƯỚC

VATICAN. Hôm 13.6 vừa qua, ĐTC đã cho phép Bộ phong thánh công bố 8 sắc lệnh liên quan đến các án phong chân phước. Một sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của vị tôi tớ Chúa là Louis Eduard Cestac, sáng lập dòng Nữ Tử Đức Maria, sinh tại Bayonne, Pháp, sinh năm 1801, mất năm 1868.

Sắc lệnh thứ hai nhìn nhận phép lạ của vị Nữ tôi tớ Chúa là irena Stafani, dòng Nữ tu thừa sai Đức Mẹ An Ủi, sinh tại Anfo, bên Italia năm 1891, và qua đời tại Kenya, năm 1930. Sau sắc lệnh còn lại nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 6 vị tôi tớ Chúa gồm 1 vị người Anh và 5 vị người Italia.

HỘI ĐOÀN TỪ BI BÁC ÁI GẶP ĐỨC THÁNH CHA

hiến binhVATICAN. Ngày thứ bảy 14.6, hơn 30 ngàn thành viên các hội đoàn từ bi bác ái và hội hiến máy ở Italia đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến tại Quảng Trường thánh Phêrô, vào lúc 12 giờ trưa. Hiện diện trong cuộc gặp gỡ cũng có Đức Cha Franco Agostinelli, đồng chủ tịch các hội từ bi bác ái.

Phong trào các hội từ bi bác ái được khai sinh ở thành Firenze, Trung Italia năm 1244 và hiện có 689 chi hội với hơn 700 trụ sở trên toàn quốc và khoảng 670 ngàn hội viên, trong đó 1/5 hoạt động thiện nguyện, đảm trách 2500 xe cứu thương và hơn 1 ngàn phương tiện chuyên chở đặc biệt khác. Tham dự buổi tiếp kiến này cũng có 600 nhóm hiến máu với 133 ngàn thành viên. Năm ngoái, họ đã hiến tổng cộng hơn 143 ngàn đơn vị máu.

Tổng hợp và biên tập: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *