Tông đồ Xã hội và Linh đạo Tông đồ Xã hội

“Cam kết dấn thân vào tông đồ xã hội chẳng phải là một sáng kiến gần đây của Dòng Tên

Tác giả: Jean-Yves Calvez, S.J.
Centre Sèvres and Ceras, Paris

Lm. Jean-Yves Calvez, S.J. (03.02.1927 - 11.01.2010)

Đâu là sự đổi mới sau Công đồng?

Cam kết dấn thân vào tông đồ xã hội chẳng phải là một sáng kiến gần đây của Dòng Tên. Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, ngay sau thế chiến, trong tư cách là một tu sỹ trẻ, tôi đã biết rất nhiều anh em Giê-su hữu, già có trẻ có, dấn thân cho người nghèo, làm việc trong các nhà tù, làm việc với di dân, với những người du cư, với những công nhân bị bóc lột, với những nữ công nhân kiêm nội trợ. Cách chung, họ chính là những con người của một nền linh đạo sâu xa và là những tu sỹ hiến mình không mệt mỏi. Năm 1947, tôi có cơ hội gặp cha Alberto Hurtado của Tỉnh Dòng Chile, một trong những người được Đức Giáo Hoàng phong thánh gần đây nhất: ngay lập tức, tôi hiểu được ý nghĩa đời sống của người bạn đường này; ngài hết sức nhiệt tâm đáp lại những mong ước Đức Ki-tô dành cho ngài với một sự tự nguyện đến kinh ngạc. Có lẽ điều mới mẻ – tất nhiên không phải mới hoàn toàn – trong thời gian gần đây sau Thượng Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La Tinh ở Medellin (1968), Thượng Hội đồng Giám mục Justitia năm 1971, và Sắc lệnh 4 của Tổng hội Dòng Tên 32 (1975), đó là sự kiên định về những đòi hỏi của công bình – một từ không thể đơn giản gộp chung với từ đức ái – đó cũng là sự kiên định về mặt phải thay đổi và biến đổi những “cơ cấu” để tính nhất quán trong hành động có thể tạo được sự ảnh hưởng lên các tổ chức. Tổng hội 32 nói rằng “các cơ cấu của Dòng Tên mang một trong những tầm ảnh hưởng có tính tạo lập quan trọng trong thế giới, định hình tư tưởng và cảm xúc của con người, định hình những ước mơ và khát vọng thầm kín nhất của họ; tóm lại là định hình chính bản thân con người. Sự biến đổi của những cơ cấu này trong mối quan tâm đến việc giải phóng về vật chất và tinh thần của những anh chị em đồng loại có sự nối kết mật thiết tới công cuộc loan báo Tin Mừng.” (Sắc lệnh 4, số 40). Cần phải lưu ý rằng cha John-Baptist Janssens, Bề Trên Cả ngay sau thời gian thế chiến, trong Chỉ thị về tông đồ xã hội (1947) đã mạnh mẽ khẳng định tầm quan trọng của hành động trên các cơ cấu trong lãnh vực tông đồ xã hội. Đối với ngài, mối quan tâm này có tầm quan trọng hàng đầu trong việc xác định lãnh vực tông đồ này.

Đáp trả của anh em Giê-su hữu

Ngay cả khi có những ý kiến đối nghịch, thì tôi cũng phải thêm rằng các anh em Giê-su hữu mới chỉ dấn thân ở mức khá khiêm tốn trong những biên cương này – những biên cương vốn được xem là lời mời gọi cách đặc biệt dành cho họ. Sắc lệnh 4 của Tổng hội 32 đưa thêm một số quan tâm, và điều đó đã phần nào dẫn đến sự thu hút theo một hướng khác: đó là quan tâm đến sự hợp nhất tông đồ xã hội vào trong tất cả mọi sứ mạng tông đồ của Dòng nói chung. Đây là điều mà cả hai cha Bề Trên Cả Arrupe lẫn Kolvenbach nỗ lực đạt đến, và là điều mà cả hai Tổng hội 33 và 34 ủng hộ. Tổng hội 32 khẳng quyết rằng “trong việc nhìn lại các sứ vụ của anh em chúng ta và việc phân bổ các nguồn lực và nguồn nhân sự sẵn có, phải chú ý đặc biệt đến vai trò phục vụ đức tin và thăng tiến công bình, những điều có thể thực thi qua các tổ chức giáo dục, các tạp chí, các giáo xứ, các nhà tĩnh tâm và các công việc tông đồ khác mà anh em chúng ta chịu trách nhiệm. Không chỉ là việc những hoạt động mang tính cơ cấu đó phải trải qua tiến trình nhìn lại, mà ngay cả tông đồ cá nhân của mỗi người cũng cần được xem lại.” (Sắc lệnh 4, số 76). Tổng hội 32 xác định rằng “tất cả công việc của chúng ta (số 29), tất cả đời sống của chúng ta đều phải bao gồm tiến trình này. Đời sống và cách sống của chúng ta rõ ràng đã được đề cập đến và qua phương diện thiêng liêng trong dấn thân của mình. Người ta hy vọng rằng Tổng hội 32 sẽ mang lại một sự hoán cải trong cách sống của chúng ta. “Đang có những kêu gọi thay đổi trong kiểu sống và cách sống để làm sao sự khó nghèo mà chúng ta đã tuyên khấn có thể đồng hóa chúng ta với Đức Ki-tô nghèo khó, Đấng đã đồng hóa chính bản thân mình với những con người bần cùng.” (số 48).

Từ tất cả những gì tôi biết, tôi có thể nói rằng đã có rất nhiều điều đạt được trong ba mươi năm qua. Con số Giê-su hữu làm việc theo lời gọi của Tổng hội 32 đã tăng rất mạnh. Thậm chí cả khi tính đến sự sút giảm con số trong một số lãnh vực nhất định, thì số Giê-su hữu dấn thân trong các lãnh vực này cũng vẫn lớn hơn so với những thời trước đây. Ngày nay, sự hiện diện của anh em Giê-su hữu nơi những môi trường nghèo khổ, nơi các khu phố tồi tàn, khu ngoại ô, và các khu phố ổ chuột hoàn toàn nhiều hơn so với trước đây. Trong các cuộc họp thuộc mọi loại hình của tất cả các tỉnh dòng của Dòng Tên, không gian và thời gian chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng được dành cho những anh em dấn thân vào xã hội. Nhiều Giê-su hữu có bạn bè là những người nghèo – như Thánh I-Nhã đã từng mong ước ngay từ buổi đầu của Dòng.

Đâu là động lực thúc đẩy người Giê-su hữu?

Nói một cách chính xác, động lực nền tảng để dấn thân đối với phần lớn anh em chúng ta, và cũng là điều thúc đẩy Tổng hội 32, chính là những gì được biểu thị bởi những tài liệu của Giáo hội trong thời hậu công đồng. “Tin Mừng đòi hỏi một đời sống trong đó công bình của Tin Mừng phải chiếu sáng không chỉ nơi ước muốn thừa nhận và tôn trọng quyền của tất cả mọi người, đặc biệt là của những người nghèo khó và thấp cổ bé miệng, nhưng còn nơi ước muốn hoạt động tích cực trong việc bảo đảm cho những quyền nói trên. Nó đòi hỏi sự cởi mở và quảng đại đối với tất cả những ai đang cần, thậm chí cả với một người lạ hay kẻ thù. Nó đòi hỏi một sự tha thứ đối với những ai làm tổn thương chúng ta; một tinh thần hòa giải đối với những người đang có bất hòa với ta.” (Sắc lệnh 4, số 18). Và “Sẽ không có cuộc trở về đích thực với tình yêu Thiên Chúa nếu ta không có sự hoán cải trong tình yêu đối với tha nhân, cũng có nghĩa là sự hoán cải đối với đòi hỏi của công bình” (số 28). Liệu đã có sự thay đổi nào liên quan đến điều này không? Tôi nghĩ chúng ta phải lưu ý rằng có thể có cám dỗ làm giảm nhẹ hoặc sửa chữa lời mời gọi này khi giới thiệu đến Giáo hội chủ đề về tình yêu ưu tiên cho người nghèo, đi cùng với chọn lựa ưu tiên cho người nghèo. Nhưng ngay từ đầu nhiệm kỳ Bề Trên Cả Dòng Tên của mình, Cha Kolvenbach đã phản ứng cách đặc biệt chống lại bất cứ sự lạm dụng nào mà người ta có thể làm bằng cách lấy Bản Định Thức Đầu Tiên làm lý do giảm nhẹ hoặc ưu tiên. Cha Kolvenbach khẳng định rằng công bình luôn là bước đầu tiên hướng đến tình yêu, và không thể giảm bớt đòi buộc này; dù một số người đưa ra những chỉ trích, nhưng ngài vẫn giữ vững lập trường này.

Trong tương quan với “Linh Thao”

Câu hỏi đặt ra cho tôi là về tương quan giữa sự dấn thân vào tông đồ xã hội và những nét chính của linh đạo chúng ta – chúng ta hãy nói về linh đạo thời xa xưa của Dòng Tên mà ta nhận được ngang qua Linh Thao. Chúng ta hiểu rằng điều này được trình bày rất nhiều trong các tài liệu của Tổng hội 32, trong đó, các yếu tố căn bản được nối kết với nhau trong tinh thần đích thực của Linh Thao: “thăng tiến công bình, tuyên xưng đức tin, và dẫn đưa tha nhân gặp gỡ Đức Ki-tô cách cá vị là ba yếu tố không tách rời nhau tạo nên toàn thể sứ mạng tông đồ của chúng ta.” (số 51).

Trong các thư và các hội thảo về linh đạo Dòng Tên, nhất là trong bức thư có tựa đề: “Vì một sự hội nhất đích thực của đời sống thiêng liêng và đời sống tông đồ” (1976), cha Arrupe đã minh nhiên xác định đường hướng sâu xa này, và chống lại một số khuynh hướng tục hóa của thời đó. Ngài cũng bày tỏ điều đó trong lời cầu nguyện với Đức Giê-su Ki-tô, mẫu mực của chúng ta: “Tôi đã khám phá ra rằng lý tưởng đối với cách hành xử của chúng ta chính là cách hành xử anh em đã thể hiện, vv” (1979), và trong các hội thảo “Nguồn hứng Ba Ngôi của Đặc sủng I-nhã” và “Cắm rễ và đặt nền trong tình yêu” năm 1980 và 1981. Điều không thể nghi ngờ là điểm quy chiếu thường xuyên nhất mà các Giê-su hữu dấn thân vào tông đồ xã hội trong thời gian gần đây nói về Linh thao chính là bài Chiêm ngắm Mầu nhiệm Nhập Thể. Họ thường ít đề cập đến bài Vương Quốc hay bài Hai Cờ Hiệu (Chương Trình của Đức Chúa). Rõ ràng là người ta có thể đề cập đến phương diện nhân loại trước mầu nhiệm Nhập thể, theo cách thức thẳng thắn chú trọng đến mối quan tâm phổ quát của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người nam và nữ. Anh em Giê-su hữu thường đi xa hơn nhiều khi nhấn mạnh đến tất cả những nỗi đau khổ, bạo lực trong thế giới chúng ta mà thánh I-nhã đã đã mô tả bằng các từ ngữ: những người sống trong “chiến tranh”, những người “đang than khóc”, “bệnh nhân”, những người “đang hấp hối”, họ ở bên cạnh những người khác, những người trong hòa bình, có sức khỏe tốt, có tương lai tươi đẹp (đây là sự đối nghịch trong cùng một bức tranh). Những người “mù lòa”, và những người “bắt nạt” tha nhân, những kẻ “giết người” và phải “sa hỏa ngục”. Trên hết, tất cả họ chính là những người chúng ta được kêu mời để đến với – như Ngôi Lời đã được gửi đến cho họ – và đây chính là tông đồ xã hội, theo nghĩa rộng hơn của từ ngữ này; lời kêu mời đến với tông đồ xã hội thật sự là một phần của tất cả những hoàn cảnh nhân loại này.

Mặt khác, theo như Thánh I-nhã viết trong bài Chiêm niệm để được tình yêu, lời đáp trả chính là tình yêu: một tình yêu có hiệu quả, tình yêu “làm việc”, tình yêu “thông truyền cho nhau”, tình yêu đó chính xác là cội rễ của tất cả tông đồ xã hội. Tôi thiết nghĩ những đặc tính này thực sự đã và đang hiện diện nơi tông đồ xã hội của Dòng Tên từ năm 1975.

Các giai đoạn

Chúng ta có biết được những giai đoạn nối tiếp khác nhau từ cuộc thức tỉnh của Tổng hội 32? Đối với tôi, dường như tại một thời điểm cụ thể nào đó, chúng ta đã đưa ra tầm quan trọng quá lớn của sự phân biệt và tách biệt giữa tông đồ thiêng liêng và tông đồ xã hội, như thể chúng là những “bộ phận” của tông đồ – và thế là một Giê-su hữu cụ thể hoặc thuộc về bộ phận tông đồ này, hoặc thuộc bộ phận tông đồ kia, hoặc anh chỉ thuộc bộ phận này mà không đồng thời thuộc bộ phận kia, hoặc là ngược lại. Rõ ràng có một yếu tố đóng vai trò đòi hỏi phải có một sự chuyên môn hóa nhất định nào đó (điều này cũng đúng trước Tổng hội 32), nhưng trước đây chúng ta phân biệt giữa một sự chuyên môn hóa trong lãnh vực giáo dục với một sự chuyên môn hóa trong tông đồ xã hội, và ít khi phân biệt về tông đồ thiêng liêng, trừ trường hợp của những người được chỉ định cách đặc biệt cho công việc giúp tĩnh tâm trong các nhà tĩnh tâm, hoặc trường hợp những người linh hướng cho các chủng viện.

Tất nhiên vẫn luôn có những mối căng thẳng giữa phương diện thiêng liêng và phương diện xã hội trong sứ mạng tông đồ – dù thực tế chính nguồn hứng của tông đồ xã hội là mang tính truyền giáo. Trong một bản tóm tắt tiểu sử cách đây năm năm, tôi đã chú thích điều này trong hành trình của mình: “Tôi thường tự hỏi bản thân những câu hỏi về ý nghĩa của tông đồ xã hội, và cách đặc biệt là về việc nghiên cứu các vấn đề xã hội trong khoảng thời gian 1965-66. Công đồng Vaticano II, lúc đó đang đi đến giai đoạn kết thúc, đã khơi gợi và làm nảy sinh nhiều câu hỏi; người ta cũng có thể nói đến một trật tự vừa được thiết lập. Đối với tôi, dường như yếu tố thiết yếu của tông đồ xã hội trong muôn hình vạn trạng của nó hệ ở việc giúp đỡ tha nhân từ cái nhìn về tương quan của anh, ngay cả đó là những tương quan được cơ chế hóa; giúp đỡ tha nhân để họ cùng nhau sống như những người anh em, những anh em của Đức Ki-tô Giê-su […] Một số hình thức tông đồ xã hội không đặt ta tiếp cận trực tiếp với anh chị em mình, tức ta chỉ giúp họ cách gián tiếp mà thôi (tỉ dụ như việc nghiên cứu một số mô hình xã hội); và những hình thức đó đôi lúc cũng cần đặt lại vấn đề. Truyền thông liên vị, thông qua “nói chuyện”, một hạn từ dường như rất căn bản đối với Thánh I-nhã, thực sự nằm tại trung tâm, phần còn lại là “gián tiếp”. Tôi có thể nhấn mạnh: “Tuy nhiên, khía cạnh gián tiếp này là cần thiết; tôi chưa bao giờ có thể thoát được cái kết luận này mỗi khi tôi đặt những câu hỏi đó cho chính mình”. “Mặt khác, tôi có thể thêm rằng, có một số những ảo tưởng cho rằng ý tưởng về sự truyền thông mang tính trực tiếp không đứng vững.”[1] Tôi đã thường xuyên phản tỉnh về những câu hỏi này, và quả thật là không có giải pháp nào đơn giản.

Theo sát tham luận này, có sự đối nghịch mà ta có thể tạo nên, và cũng thường được tạo nên, giữa các việc “thiêng liêng” – sự đói khát thiêng liêng của thế giới – với các việc “vật chất” hay việc xã hội, vốn được xem là quan trọng nhưng không phải là chính yếu, là những việc mà một số người có thể từ chối trong một số trường hợp ngoại thường. Nhất định chúng ta đã trở nên nhạy cảm hơn đối với sự đối nghịch này sau một khoảng thời gian dài so với trước đây. Chắc chắn có những trường hợp đặc biệt mà ta không dễ dàng tháo gỡ được. Nhưng trong nhiều hoàn cảnh, những quyết định chưa bao giờ dễ dàng. Và Dòng Tên luôn cần phải sống mối căng thẳng này.

Những loại hình khác nhau và những vấn đề khác nhau

Nếu ta dùng từ ngữ tông đồ xã hội trong nghĩa rộng hơn của nó để bao hàm những hoạt động như dấn thân trực tiếp, vận động (bảo vệ cho những người đang đau khổ), tổ chức các nhóm gây áp lực để đấu tranh cho công bình, những công việc nghiên cứu cụ thể, huấn luyện giới lãnh đạo, ta chỉ có thể giúp lưu ý những khác biệt lớn trong những khó khăn mà những ai dấn thân trong lãnh vực này phải đối diện. Loại hình hoạt động thứ nhất dẫn đến sự chính trị hóa (ta đang dùng từ này trong nghĩa tiêu cực nhất của nó), nghĩa là quan tâm đến phương tiện hơn là mục đích. Loại hình này cũng có thể dẫn đến những ý thức hệ, những thứ thường biểu thị hành động chính trị. Vào cuối thập niên bảy mươi, trong nhiều khu vực của thế giới, đã có nhiều người “kiệt sức” cả về thể lý lẫn tâm lý, và kết quả là một tình trạng trống rỗng về mặt tâm linh và không còn biết gì đến sự tịnh dưỡng hay tĩnh tâm. Khi ta đốt cháy ngọn nến từ hai đầu, thì ta nhanh chóng bị cạn kiệt mọi nguồn lực. Điều này không chỉ đúng đối với mảng tông đồ xã hội, mà rõ ràng còn đúng trong lãnh vực xã hội nói chung như người ta đã quan sát thấy.

Trong lãnh vực trí thức của tông đồ xã hội, ta cũng gặp phải cùng những vấn đề đó như trong bất cứ công việc trí thức nào khác, chủ yếu ở phần nghiên cứu; và đó là điều mà cha Arrupe đã lưu ý chúng ta. Việc tách xa khỏi những kinh nghiệm cụ thể và lấy làm bằng lòng với khả năng nắm vững sự việc chỉ trở nên tự phụ mà thôi!

Chúng ta phải lưu ý là trong lãnh vực tông đồ xã hội, việc nghiên cứu đã thay đổi tự trong bản chất. Ngay sau chiến tranh, đã có lúc sự phát triển được đưa lên hàng đầu như vấn đề chính yếu, hay như vấn đề cách mạng – khi người ta cảm thấy mình có khả năng đưa ra những giải pháp cho sự biến đổi “xã hội”. Việc ý thức về sự phức tạp của các thực thể xã hội mời gọi chúng ta ngày nay phải có những đáp trả khiêm tốn hơn. Nhưng rõ ràng chúng ta lại thấy ít được thúc đẩy hơn. Và có lẽ những đóng góp sáng tạo của Giê-su hữu cho nền tư tưởng xã hội của Ki-tô giáo đang bị giảm sút. Tông đồ xã hội đã tập trung chủ yếu vào sự tham gia từ những kinh nghiệm đã được sống qua, và vào việc đồng hành với những con người trong hoàn cảnh sống của họ mà không nhất thiết kèm theo hy vọng biến đổi những hoàn cảnh đó. Chúng ta đã ý thức rằng mình ít có những ảo tưởng hơn, nhưng ta lại ít hiện diện trong những dự phóng và những đề xuất được liên kết với các cơ cấu trong xã hội.

Các trung tâm như Trung tâm Nghiên cứu và Hành động Xã hội (Centre de Recherche et d’Action Sociale), hay CIAS ở Tây Ban Nha, cũng có những lúc chịu đau đớn, cùng với việc bị bỏ rơi ngay trong những tỉnh Dòng mà nó thuộc về, khi đáng lý ra chúng phải đóng vai trò dẫn đầu trong việc thúc đẩy. Cha Kolvenbach gần đây đã thừa nhận loại khó khăn này và đã nhất quyết yêu cầu chúng ta không được bỏ cuộc.

Vấn đề quan trọng nhất

Sau một thời gian dài quan sát (khoảng 50 năm), chúng ta có thể kết luận rằng tông đồ xã hội trong Dòng Tên đã trải qua một lịch sử đầy thăng trầm. Đối với Dòng, đó là một sứ mạng đầy cam go nhưng cũng mang tính thiết yếu. Trong thời gian gần đây, chúng ta đã để ý đến những thất bại và những cuộc trở về nguồn. Những tài liệu được xuất bản gần đây của Promotio justitiae (Thăng tiến công bình) đã minh chứng cho thực tế rằng có rất nhiều những can thiệp của cha Bề Trên Cả Peter-Hans Kolvenbach trong các cuộc họp khác nhau của các Giám Tỉnh, của các Thụ Ủy, hay của các điều phối viên tông đồ xã hội. Chúng ta đang chịu ảnh hưởng từ việc ơn gọi giảm sút trong nhiều vùng; ảnh hưởng của điều này đối với tông đồ xã hội rất đáng chú ý. Chúng ta cũng cảm thấy những tác động của những khuynh hướng mục vụ nổi trội trong Giáo hội hôm nay, chúng khiến cho tông đồ xã hội ít được chú trọng, và ta cần ý thức về điều đó.

Nhưng dường như vấn đề quan trọng nhất chính là vấn đề của sự hội nhất, trong nhĩa mạnh nhất của từ ngữ này. Chúng ta cần tránh cái khái niệm chỉ diễn tả một khía cạnh đạo đức xã hội của Ki-tô giáo, tức điều gì đó chỉ mang tính cục bộ, bị “giảm thiểu” khỏi những gì là căn yếu, thậm chí khỏi những tầm quan trọng lớn lao: hướng đi này không thuyết phục, và người ta thường kết thúc cách mệt mỏi và kiệt lực. Ngược lại, ta phải nêu lên khía cạnh thần học của tông đồ xã hội, thực ra là một phần hội nhất của thần học, tức khía cạnh của chính đức tin xét như một sự dấn thân cho Thiên Chúa, và dấn thân đó kéo theo một đòi buộc không thể tách rời là dấn thân cho tha nhân. Theo Thánh vịnh, người anh em này “chẳng thua kém thần linh là mấy”! Vì thế, chúng ta có thể phân biệt giữa tông đồ thiêng liêng với tông đồ xã hội (một cách tương đối) như thể là những phần chuyên biệt khác nhau, nhưng điều quan trọng là cần phải nhớ rằng chúng ta đang dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa ngang qua việc dâng hiến mình cho tha nhân – và chẳng có một sự dâng hiến đích thực nào cho Thiên Chúa (“Đấng ta không trông thấy”) mà lại không có sự dâng hiến cho tha nhân (“những người mà ta trông thấy”). Đạo đức luôn mang tính hợp thời, nhưng nó không luôn luôn được xem như một khía cạnh của bản thân đức tin; trong trường hợp đó, chúng ta không bao giờ được bằng lòng với quan điểm của đạo đức.

Điều rõ ràng là đòi hỏi của sự hội nhất mà ta đang nhấn mạnh ở đây có những ảnh hưởng của nó lên tông đồ “thiêng liêng”, là phần luôn luôn phải bao hàm, tự bản chất phải được nối kết, và phải luôn có sự hiện diện của khía cạnh “xã hội” – trong cách mà ngày nay người ta thường hiểu thì tông đồ thiêng liêng không luôn luôn bao hàm khía cạnh này. Dù gì đi nữa, chúng ta đang được mời gọi hướng đến một sự chia sẻ trọn vẹn hơn và sâu xa hơn trong Dòng và giữa các anh em bạn đường với nhau.

Chuyển dịch:  Anthony Trần Khắc Bá, S.J.


[1] Jean-Yves Calvez, Compagnon de Jésus: Un itinéraire, Desclée de Brouwer, 2000,

p.29-30

Kiểm tra tương tự

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Suy tư TM Chúa nhật Lễ Lá: Tôn thờ một Thiên Chúa chịu đau khổ

Nhiều bạn ngoài Công giáo cảm thấy sốc khi bước vào một nhà thờ, cũng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *