Trạm xá là nhà

11165243-Ngo doc 1Ngôi nhà đón tiếp bệnh nhân còn đó, nhưng lúc này vắng tanh, cửa đóng then cài, ngôi nhà thân thương ngày nào của bà con sắc tộc giờ đã trở thành mờ nhạt trong tâm trí mọi người.

Nhớ những ngày đầu đặt chân lên cánh đồng truyền giáo này, một vùng đất hoang vu cô quạnh, người dân tộc yếu đau không biết nương nhờ vào đâu, ra tới trung tâm y tế hay tới nhà các ông các bà y tá cũng phải có tiền, vào cái thời chưa có cây điều thì phải bán heo gà, thậm chí cả trâu bò nữa.

Anh chị em trong nhóm phục vụ bà con sắc tộc đã đồng lòng mở một điểm tiếp nhận bệnh, dù chẳng mấy ai rành về thuốc men, và đúng là cầu được ước thấy, một bác sĩ của trung tâm y tế sẵn sàng đứng ra bảo lãnh và dạy cho các anh chị trong nhóm cách chữa những bệnh thông thường. Vào giai đoạn đó, sốt rét là chính, vì thế cũng phải tập chích vitamin C và truyền dịch.

Chúng tôi mua một nếp nhà nhỏ dựng sát đầu nhà của một gia đình, và anh chị chủ nhà trở thành điều dưỡng không chuyên, nhưng chăm chỉ và ân cần, cũng chích cũng truyền, cách ngày có bác sĩ ghé thăm bệnh và hướng dẫn thêm.

Người dân tộc đi chữa bệnh thường kéo cả nhà, mà nếu bệnh nặng thì cả họ, có khi dắt theo cả con bò, vì để nhà không có người trông, làm gia chủ vừa chữa bệnh, vừa quay nước cho bà con tắm và quay nước cho bò uống nữa.

Mấy tháng sau có các Nữ Tu về muốn mở một trung tâm sắc tộc, chúng tôi dự tính mở trạm xá ngay trên khu đất nhà các chị, nhưng Đức Giám Mục không đồng ý, chúng tôi vội mua ngay một ngôi nhà có sẵn đúng lúc chủ nhà đang cần bán.

Có nhà, nhưng Giám Mục không cho các nữ tu đứng tên, sợ lỡ có chuyện gì phiền lắm, và một cô y sĩ đang làm việc tại bệnh viện đã tình nguyện đứng ra làm đơn xin mở phòng khám: trạm xá ra đời từ đó, một người đứng tên, người khác lo khám và điều trị, các anh chị em trong nhóm phụ giúp, khi đưa bệnh từ làng về, lúc chuyển viện hoặc đôi lần đưa xác từ bệnh viện về làng và phụ mai táng.

Bất kể sớm hôm, mưa gió, gần xa, đâu bệnh nhân cần anh em có, đâu khó có anh em.

Một buổi tối được tin bệnh viện báo có người bệnh đang hấp hối xin đưa về nhà, vào thời chưa có điện thoại di động, nhưng chỉ cần 15 phút gọi nhau và tất cả mỗi người một việc sẵn sàng đón và đưa. 10 giờ đêm, xe ghé ngang trạm xá, người bệnh cố nhỏm dậy vẫy tay chào ông bố lần cuối, 8 anh em trên xe bệnh viện và 2 xe gắn máy trực chỉ buôn làng, sau 30 km đường trường xe dừng lại, 3 km đường rừng lầy lội, anh em thay nhau vừa cõng vừa khiêng, người bệnh thanh thản nhắm mắt giã từ cuộc đời và giã từ mọi người ngay trên đôi vai và trong lời kinh hiến tế của anh em.

Đi trong đêm, về lại nhà trong đêm và trở lại ngay sáng hôm sau đem theo ván, búa, đinh cùng với nhang đèn, đám tang được cử hành trong tiếng ca và lời kinh nguyện cầu, bà con ngỡ ngàng trước một “thây ma” lần đầu tiên được tiễn đưa và được chôn cất chờ ngày sống lại, chứ không mất đi và càng không trở thành hồn ma làm mọi người lo sợ. Ngược lại, người chết còn đưa cả làng trở về với Chúa, và đây là ngôi làng đầu tiên nằm sát biên giới cất lên tiếng gọi Cha ơi.

Một bà mẹ nằm thở dốc vì cái bụng trướng, nhà bà nằm sâu dưới thung lũng trong rẫy xa, kiểu này chỉ có nước chờ chết, chị nữ tu lắc đầu tội nghiệp dúi vào tay bà 10 ngàn rồi về, người anh em đi với chị cũng về nhưng bàn kế khiêng bà lên đưa đi bệnh viện, ông bố dành phần cháu bé 3 tháng tuổi ôm về cho các cô nuôi, sẵn bên kia có chim trời thì bên này thêm vịt trời. Đưa người bệnh ra được tới xe đò là cả kỳ công, chúng tôi giúp người bệnh ngồi lên xe, và đặt người bệnh vào lòng Chúa xót thương, xe chuyển bánh trong lời kinh nguyện cầu chứ không trong tiếng còi hụ của xe cứu thương, cứ thế, các điều dưỡng tay ngang đã đưa người bệnh về tới bệnh viện thành phố, và một tháng sau, con người trước đó nằm chờ chết nay đã bình phục. Về tới nhà, mẹ nhớ con mà không dám xin lại, con vịt trời bé nhỏ gần ai là quen hơi người ấy, và người nuôi cũng đã bén tay. Cuối cùng, con cũng đã được trả về cho mẹ, hết cảnh mẹ gà con vịt.

Nhà bệnh, nhà của bà con, không hạnh phúc đâu bằng đi chữa bệnh mà vẫn cứ như ở nhà mình: người bệnh nằm một chỗ, người khỏe nấu nướng dọn dẹp nhà cửa, vườn tược. Từ bàn tay rộng rãi mọi người, gạo nước có sẵn, thuốc men không tính theo thùng mà cả nửa xe Datsun, ngày xuất viện, nếu cần thì phụ đỡ tiền xe. Người trao, trao ân nghĩa của những tấm lòng xót thương người túng khổ, bằng cặp mắt trìu mến và đôi tay dịu dàng giãi bày lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa; người nhận, nhận phúc trời nơi tình thương nhân thế. Đất trời là đây, vì một khuôn mặt, một đôi tay của Con Thiên Chúa làm người đang cúi xuống xoa dịu và chữa lành những người yếu đau bệnh tật.

Trong nhóm có một anh muốn mở thêm nhà cho người già, và một căn nhà được dựng lên tiếp đón các bà già neo đơn, ở đó người khỏe săn sóc người yếu. Khi có ai đau nặng phải đi bệnh viện, thì các bà thay nhau đi nuôi. Mỗi ngày gia đình anh đem rau củ tới cho các bà nấu nướng, khi có món ngon, cũng đem lại. Bữa cho các bà ăn lòng heo làm anh nhớ đời vì phải lo cấp cứu cả đêm.

Nhà của các bà cũng có lắm chuyện vui, và cũng có những chuyện cười ra nước mắt. Bà Du được chuyển tới bệnh viện Hùng Vương giải phẫu, mọi chuyện tốt đẹp, chỉ chờ ngày xuất viện, đột nhiên bà bị hôn mê sâu không rõ nguyện nhân, phải đưa qua Chợ Rẫy cấp cứu, nằm cả tháng bất động, huyết áp hạ dần. Sau khi đã hỏi ý kiến bác sĩ, chúng tôi quyết định xin đưa bà về. Mất cả ngày trời từ bệnh viện Hùng Vương sang Chợ Rẫy, vì bệnh nằm Chợ Rẫy nhưng Hùng Vương chuyển qua, 11g đêm mới nhận được giấy xuất viện, nửa giờ sau tôi đưa xe tới chờ sẵn, nhưng đúng lúc cô y tá rút các sợi dây của máy móc hỗ trợ thì bà mở mắt, bà nhìn tôi như người vừa trở về từ phía bên kia, vui quá, tôi trả giấy và xin bệnh viện giữ bà lại. Sau này hỏi ra mới biết bà đã uống mấy viên thuốc còn sót lại trong túi mua ở dưới quê trước khi đi viện.

Bà Thế bị đau ruột dư, bệnh viện Huyện không dám mổ chuyển Chợ Rẫy, lần này một đi không trở lại, người ta chuyển bà xuống nhà xác. Bà Du đi theo nuôi, chẳng biết đi đâu cũng theo xuống nhà xác luôn, đêm đó, một đêm kinh hoàng, từng tiếng động nhỏ cũng nghe như tiếng hồn ma về quấy phá. Hôm sau xe bệnh viện đưa xác bà Thế về, không biết bà Du hay bà Thế dẫn đường mà xe đi lạc mãi tận Bình Long, 9g tối mới tới được nhà bệnh, chúng tôi cho quàn xác bà ngay trong nhà hưu, nhưng cũng vì thế mà các bà bỏ về hết, kể cả bà bệnh nặng nhất không lết ra sân nổi cũng ráng lết về nhà.

Nhà hưu dưỡng sau đó trở thành nhà dành cho những người mắc bệnh lao, vì người bệnh bước đầu cần 2 tháng nằm lại để tiêm chích và bồi dưỡng.

Nhà bệnh, với tôi cũng là điểm dừng chân sau một hành trình dài rong ruổi đó đây. Người mẹ nào chả vậy, muốn ở bên cạnh những đứa con yếu đau bệnh tật, để trong khi đau nỗi đau của con thì làm sáng lên trên những khuôn mặt hốc hác tình thương của mẹ. Đêm nằm trong căn phòng nhỏ chỉ có bức ngăn sơ sài, nghe con ho từng cơn mà như xé lòng mẹ. Có những đêm nằm chỉ trông mau sáng để dậy tìm thầy chạy thuốc chữa cho con.

Thế nhưng đời lữ hành nắm tất cả mà không giữ gì hết, gây dựng để nối vòng tay mọi người. Nhà bệnh còn đó, vẫn là nhà của bà con, người điều hành có thể thay đổi, nữ tu này đi chị khác tới, mỗi người theo sáng kiến và cách thức riêng.

Có những ngày tôi ghé ngang nhà bệnh, nhìn bà con nheo nhóc, hỏi ra mới biết chưa có gì ăn vì chị lo phát gạo chỉ qua một lần. Có thời gian còn thêm qui định chỉ lo ăn cho người bệnh, tôi phải van xin vì một mệnh lệnh bất di dịch: cho kẻ đói ăn – chính anh em hãy cho họ ăn (Mt 14,16).

Thế còn những người trực tiếp săn sóc bệnh nhân thì sao?

Người tha thiết, mạnh dạn, người lại e ngại sợ bị lây nhiễm. Mỗi lần ra chích cho bệnh lao, có chị đến bên giường bệnh thăm hỏi, chị khác lại bắt người bệnh phải ra đứng giữa sân, cởi sẵn tay áo, miệng bịt khẩu trang, quay mặt về hướng đông, còn chị, nai nịt cẩn thận, ống chích nạp sẵn thuốc trên tay, từ hướng tây đi tới, chích vội rồi rút êm. Mấy ai đứng nhìn cảnh này mà không cười ra nước mắt.

Theo dòng thời gian….

Nhà bệnh hôm nay, nhà của bà con hay của ai mà gần như nhà không vườn trống!

Đức Giêsu khi rảo gót khắp các thành thị và làng mạc, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh họan của ta” (Mt 8,17).

Và người môn đệ ôm ấp trong tim nỗi lòng của Thầy, bước đi trên con đường Giêsu, được trao quyền trừ quỉ và chữa lành, nhưng mấy ai không sợ lây nhiễm.

Một Thầy,

Nhiều môn đệ, ai cũng như ai, ít ai giống Thầy.

Thầy ơi, xin dạy chúng con biết sống quảng đại,

Biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn là được biết con đang thi hành thánh ý Chúa.

Kiểm tra tương tự

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Đời tu qua đôi mắt người tu sĩ

Thật thú vị khi trong lòng Giáo hội có hàng trăm dòng tu khác nhau, …

Một bình luận

  1. con la y si con muon duoc den tram xa phuc vu, qui Cha, qui Thay co the giup con duoc ko? neu duoc xin xho xon thong tin ve [email protected]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *