Tràng chuỗi mân côi

  • Mẹ ơi! Cái vòng này để làm gì hả mẹ? Cu Bin bi bô hỏi.
  • Vòng gì hả con? Hoa vừa rửa chén bát vừa hỏi lại.
  • Vòng có cái hạt tròn tròn nè mẹ. Bin giơ lên và chạy về phía Hoa.
  • À! Chuỗi hạt đó con. Hoa trả lời
  • Nhưng để làm gì hả mẹ? Bin thắc mắc.
  • Để lần chuỗi, để cầu nguyện với Mẹ với Chúa đó con.
  • Nhưng sao mẹ không cầu nguyện? Cu Bin hỏi ngây ngô.

Câu hỏi của Cu Bin khiến Hoa bừng tỉnh. Đặt cái chén xuống, Hoa lấy tràng chuỗi từ tay cu Bin. Đã từ lâu Hoa quên lần chuỗi. Đã từ lâu Hoa chẳng biết cầu nguyện là gì. Mải miết với công việc buôn bán nên Hoa bỏ thói quen này từ lúc bé Na chào đời. Bận rộn với bao công việc không tên ở nhà nên thời gian đâu để Hoa cầu nguyện vào buổi tối nữa. Tất bật với việc chăm con nên Hoa không còn nghĩ tới Chúa.

Ngắm tràng chuỗi bà Tâm tặng ngày cưới, lòng Hoa nghẹn ngào.

  • Con nhặt được ở đâu vậy. Hoa hỏi cu Bin.
  • Ở dưới gầm tủ à mẹ. Cu Bin nũng nịu trả lời.

Hoa nâng niu tràng chuỗi trong tay. Tràng chuỗi đơn sơ bằng gỗ. Món quà quý giá nhất mà mẹ tặng cô. Hoa nhớ như in nét buồn bã nhưng cũng đầy hi vọng của mẹ ngày đó. Nước mắt đầm đìa, bà nhắn nhủ với Hoa: “Hằng ngày, con nhớ cầu nguyện với Mẹ xin ơn biến đổi cho chồng. Mẹ tin một ngày nào đó, Mẹ sẽ dẫn Hoàng về với Chúa.”

Lâu rồi không đụng đến nên nó bắt đầu bị ẩm mốc. Hoa không nhớ lần cuối cùng mình lần chuỗi là từ khi nào nữa. Hoa trách mình tại sao lại vô tâm đến thế. Vô tâm với lời dặn của mẹ và hờ hững với Chúa. Và đặc biệt đã lãng quên Mẹ. Dù vậy, Mẹ vẫn không trách nhưng đã nhờ bé Bi gợi cho Hoa nhớ lại những tình cảm thân thương ngày nào.

Ngồi thẫn thờ nghĩ về gia đình. Hoàng là trưởng phòng công ty xây dựng, còn cô là chủ của hàng bán quần áo. Vì thế, kinh tế gia đình cô cũng không đến nỗi nào. Con cái đều ngoan ngoãn. Thế nhưng, dường như gia đình cô thiếu thiếu một cái gì đó, vẫn còn sự ngăn cách, vẫn có sự lạc lõng.

Dù Hoàng không cấm đoán gì về việc giữ đạo của Hoa. Bé Na, cu Bin đều được rửa tội cả. Hoàng còn nhiệt tình đưa đón bé Na đi học giáo lý nếu bữa nào Hoa đi lễ tối thứ 7. Nhưng vì gia đình, họ hàng của Hoàng đều theo đạo Phật. Bố mẹ lại là phật tử mộ đạo. Nên trước khi cưới, dù bà có nói gì đi nữa, gia đình bên Hoàng cũng nhất quyết không chịu để cho Hoàng theo đạo. Với lại chính Hoàng cũng không muốn.

Lúc mới quen nhau, bà Tâm, mẹ Hoa, phản đối kịch liệt. Bà một mực can ngăn. Rồi bà nhẹ nhàng giải thích, khuyên nhủ: “Hai người hai tín ngưỡng khác nhau thì làm sao hòa hợp trong đời sống gia đình. Một nhà hai bàn thờ, kinh ai nấy đọc, đạo ai nấy giữ thì sao giáo dục đức tin cho con cái được.”

Nhưng cô chẳng chịu nghe, còn dọa mẹ: “Nếu mẹ không đồng ý thì con sẽ bỏ nhà đi.”

Thương con, không muốn xảy ra chuyện gì với con gái nên bà bấm bụng đồng ý làm phép chuẩn khi Hoàng hứa là sẽ để vợ được tự do giữ đạo. Thương vợ, thương con hết sức nhưng khi Hoa nhắc tới việc trở lại đạo là Hoàng sa sầm nét mặt. Chuyện gì Hoàng đã quyết thì khó lòng mà thay đổi được. Đặc biệt là vấn đề liên quan đến đức tin hay giáo lý. Thế nên, cái Hoa và hai cháu bà chỉ biết âm thầm giữ đạo mà không mảy may nhắc đến Chúa trước mặt Hoàng. Trong nhà Hoàng đặt hai bàn thờ. Một bên thờ Phật, một bên thờ Chúa. Hoàng đồng ý để ngang bằng nhau. Hoàng không phân bì, so đo nhưng vẫn nhất quyết đạo ai nấy giữ.

Cô nhớ như in những lời nói của mẹ ngày xưa: “Gia đình sẽ cô đơn, mọi người vẫn cô độc khi không có Chúa hiện diện. Giờ kinh là khoảnh khắc để kết nối tình thân giữa các thành viên trong Chúa. Phút hồi tâm là lúc để Chúa khỏa lấp những trống trải trong lòng. Cầu nguyện là dịp ơn thánh đổ đầy nơi gia đình. Khi không có Chúa hiện diện, dù gia đình giàu sang, đầy đủ vật chất nhưng cảm thấy mình cô đơn, trống trải.”

Vẫn đi lễ Chúa Nhật hằng tuần, nhưng Hoa chẳng nhớ Lời Chúa hôm đó nói gì. Lâu lâu vẫn xưng tội, rước lễ nhưng chẳng nhớ mình là ai, thuộc về đâu. Vẫn nghe giảng nhưng hạt giống đức tin bị bóp nghẹt bởi những lo lắng cơm áo gạo tiền. Vẫn biết mình là Công giáo những không ý thức mình là Kitô hữu. Khi mình chẳng nhớ mình là một tín hữu thì làm sao nhớ mà cầu nguyện cho người khác.

Trước khi cưới, bà Tâm đã từng phản đối kịch liệt. Nhưng sau đó, vì hai đứa ương bướng quá nên gia đình hai bên đành chấp nhận. Đất không chịu trời thì trời đành chịu đất vậy. Ngày đưa dâu, bà dặn đi dặn lại: “Con ạ! Nhất định con phải là gương sáng, là đèn soi dẫn đưa cả nhà về với Chúa nhé. Không gì bằng lời cầu nguyện con ạ. Cứ liên lỷ cầu nguyện với Chúa. Mẹ tin nhất định một ngày nào đó, Chúa sẽ biến đổi gia đình con. Dù thế nào đi nữa, con cũng phải nhớ lần chuỗi mỗi ngày để xin Mẹ bầu cử cùng Chúa cho gia đình con được hiệp nhất trong một đức tin.”

Ấy thế mà giờ cô lại ra như thế này. Đức tin của mình còn không giữ được thì làm sao thông truyền cho người khác. Ánh sáng nơi mình còn lụi tắt thì làm sao chiếu tỏa cho ai. Quả đúng như lời bà Tâm đã từng nói: “Hai vợ chồng cùng tôn giáo nhiều khi còn khó giáo dục đức tin cho con cái. Huống hồ, mỗi mình con làm sao giáo dục được. Vợ quên đọc kinh thì chồng còn nhắc. Chồng lười lần chuỗi thì vợ động viên. Lòng sốt mến khó mà giữ được lâu dài khi chỉ có một mình. Đức tin khó mà vững khi chỉ một mình chống chọi với cuộc đời.”

Giờ cô mới thực sự thấm những lời mẹ dạy. Mới đầu còn lần chuỗi đầy đủ, đọc kinh sốt sắng. Nhưng khi mệt mỏi, thôi thì đọc một chục cũng được. Bữa nào bận quá thì thôi khỏi đọc cũng được. Lâu dần, hai ngày lần một chuỗi cũng được. Rồi cuối tuần lần chuỗi luôn thể. Và cứ thế, cứ thế, cho đến một ngày, cô không còn nhớ mình có một tràng chuỗi. Cô không nhớ lời mẹ dặn là phải lần chuỗi hằng ngày. Khi rời xa tràng chuỗi, ma quỷ không cần cám dỗ nữa. Khi rời xa Chúa, tự con người tuột dốc.

Nhưng may sao, cô vẫn chưa đến nỗi nào. Cô cũng không phải là người buôn gian bán lận, cũng không phải là người chua ngoa đanh đá với đời. Bản tính lương thiện có gen di truyền tự mẹ. Với lại, lối giáo dục bình dân, giản dị của bà đã ăn sâu vào người cô. Như thói quen mang đồ cũ cho người nghèo, hay mua những món hàng từ những người có hoàn cảnh khó khăn, hay những người thu mua ve chai có vào nhà cô thì cô cũng vừa bán vừa cho họ. Nếp nghĩ, lối sống ấy quen thuộc rồi.

Đang mải miết với những suy nghĩ, bỗng cu Bin gọi Hoa.

  • Mẹ ơi! Tối nay mẹ dạy con đọc kinh nhé! Bữa về quê, bà ngoại dạy con nhưng con quên mất tiêu rồi.
  • Ừ! Tối nhất định mẹ sẽ dạy con nhé. Giờ cu Bin làm dấu cho mẹ xem nào!
  • Nhân danh Cha,… và Con, và … Và… Và gì nữa mẹ?
  • Và Thánh Thần. Hoa cầm tay cu Bin và lần lượt đưa qua trái phải.
  • Cu Bin reo lên.
  • Cu Bin của mẹ giỏi quá!

Nâng niu tràng chuỗi trên tay, lòng Hoa nghẹn ngào. Nước mắt tuôn trào. Những hạt mầm đức tin đang dần nảy nở trong tâm hồn cu Bin. Nhưng nghĩ về mình, đáng lẽ ra phải quan tâm, chăm sóc, tưới tắm cho hạt mầm ấy, nhưng cô lại để tâm hồn mình héo úa, lòng mến nhạt nhòa bao lâu nay. Cô hứa với lòng mình, nhất định sẽ làm mới lại tâm hồn, vun đắp tình mến bằng những tràng chuỗi Mân Côi hằng ngày. Như lời của mẹ từng dặn đi dặn lại trước lúc lâm chung: “Tràng chuỗi Mân Côi sẽ cột chặt con với Mẹ Maria. Nhất định con sẽ không sợ bị ngã, bị lạc”.

 

Tim Tim

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

Kiểm tra tương tự

Chuyên đề: “Nuôi dưỡng và thể hiện sự tự tin”

  Bạn thân mến! Sự tự tin là một trong những phẩm chất cần thiết …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *