WGPSG — Theo truyền thuyết, Thánh Luca là tác giả của Thánh tượng (icon) “Đức Mẹ hằng cứu giúp” mà từ thế kỷ thứ XIV, từ Hy Lạp đã được đưa vào Ý, và từ giữa thế kỷ thứ XIX đến nay được trưng bày tại nhà thờ Thánh An Phong, ở Rôma. Không thể xác minh tính xác thực của truyền thuyết này. Nhưng một điều ai cũng tin chắc: Thánh Luca là người đầu tiên, đưa ra niềm tin về sự Thông công của Đức Mẹ Maria trong công cuộc Cứu chuộc của Thiên Chúa, và niềm tin đó đã trở thành chỗ dựa cho các qui phạm thần học trong việc thể hiện hình ảnh Đức Mẹ Maria cùng Chúa Hài đồng trong hội họa, ngay từ khởi thủy của nghệ thuật Công giáo kéo dài cho đến hết thời Trung cổ.
Niềm tin này đã được thể hiện trong hội họa: hình ảnh Thánh Luca trong hội họa, từ xưa đến nay, phần lớn, đều được thể hiện như là họa sĩ đầu tiên thể hiện hình ảnh Đức mẹ Maria cùng Chúa Hài đồng.
Bức icon dưới đây, có nguồn gốc Hy Lạp được tìm thấy vào khoảng thế kỷ XII, được xem là icon đầu tiên thể hiện Thánh Luca ở tư cách như vậy.
Icon Hy Lạp, được tìm thấy từ khoảng TK XII
Trong icon này, chúng ta có thể nhận thấy, Thánh Luca đã vẽ Đức Mẹ Maria và Chúa Hài đồng trong một thị kiến siêu việt (Đức Mẹ Maria và Chúa Hài đồng như đã hiện hình trước mắt ông), với sự nghiền ngẫm về công cuộc Cứu chuộc của Thiên Chúa (Ông khoác chiếc áo màu đỏ biểu tượng cho sự Khổ nạn của Chúa, và tấm vải màu đỏ biểu tượng đó cũng là “khoảng trời’ nơi ông đặt giá vẽ…), dưới sự hướng dẫn của thiên sứ…
Hình ảnh bức tranh tranh trong tranh gợi nhớ đến icon “Đức Mẹ hằng cứu giúp”. Không biết có phải vì vậy mà người ta cho rằng ông là tác giả icon “Đức Mẹ hằng cứu giúp” hay không?!
Bước vào kỷ nguyên hiện đại, bức tranh đầu tiên vẽ về chủ đề này được biết đến nhiều nhất, chính là bức “Thánh Luca vẽ Đức Trinh nữ” của họa sĩ người Hà Lan Rogier van der Weyden (1400-1464), vẽ năm 1440, mà bản gốc hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Boston, Hoa Kỳ.
“Thánh Luca vẽ Đức Trinh nữ”, của Rogier van der Weyden.
Tranh vẽ bằng sơn dầu và tempera trên nền gỗ, khổ 107 x 113 cm.
Hầu như mọi cuốn sách Lịch sử Nghệ thuật phương Tây, giai đoạn từ giữa thế kỷ XIX cho đến nay, đều phải giới thiệu tác phẩm này, như là thành tựu tiêu biểu nhất của nghệ thuật Hà Lan thời Phục Hưng. Nó được xem là chịu ảnh hưởng từ bức tranh “Đức Trinh nữ của Chancellor Rolin” của Jan van Eyck (1395-1441) – một họa sĩ Hà Lan khác – vẽ trước đó, vào khoảng năm 1435. Dưới đây là ảnh tác phẩm:
“Đức Trinh nữ của Chancellor Rolin” của Jan van Eyck.
Sơn dầu trên vải, khổ 66 x 62 cm.
Ngày nay, giới sử gia và giới sư phạm nghệ thuật vẫn hay đưa hai bức tranh này ra so sánh với nhau để làm rõ sự khác biệt (hết sức mong manh) giữa nghệ thuật Phục Hưng với Tiền Phục hưng. Hình ảnh Đức Mẹ Maria và Chúa Hài đồng, trong khi bức tranh của Jan van Eyck vẫn còn mang dấu ấn kiểu thức hóa của nghệ thuật Gothic (dáng dấp đường bệ và có thiên thần mang triều thiên tôn vinh đến từ trên cao), thì ở tranh của Rogier van der Weyden, đã gần với đời thường hơn trong dáng vẻ tự nhiên, khiêm tốn. Tranh của Rogier van der Weyden cũng ít tính trang trí hơn, gần với hiện thực hơn…
Theo nhiều nhà phê bình, cái không gian lấp ló phía sau lưng Thánh Luca trong tranh của Rogier van der Weyden, với hình ảnh một con bò và một cuốn sách đang mở ra, là nhắc nhớ đến hai tư cách khác của vị thánh: tác giả của Tin Mừng (cuốn sách đang mở ra), và là một người đàn ông hết sức nhân hậu, trung thực và trung thành (ý nghĩa biểu tượng con bò: Tin Mừng thứ ba, dựa vào thị kiến của ngôn sứ Êdêkien (1,10)). Còn hình ảnh hai em bé xa xa ở giữa tranh, thì dường như để làm rõ hơn cái không khí bình yên và cả tính hiện thực của bối cảnh.
Có giai thoại cho rằng Rogier van der Weyden đã dùng chính mình làm nguyên mẫu cho hình ảnh Thánh Luca trong tranh, và ông đã từng cho mình là hiện thân của Thánh Luca!
Bức tranh vẽ Thánh Luca được cho là của Raphael (1483-1520) – có ảnh dưới đây – cũng là một tác phẩm nổi tiếng. Bức tranh này, chỉ mới được tìm thấy vào năm 1993, trong một kho tranh cũ ở Viện Hàn lâm Nghệ thuật mang tên Thánh Luca ở Rome, và nhiều nhà nghiên cứu vẫn nghi ngờ về tác giả thật của nó. Trong tranh, tác giả diễn tả Thánh Luca đang vẽ chân dung Đức Trinh nữ cùng Chúa Hài đồng, và người thanh niên đứng đàng sau ông, như đang học việc, chính là Raphael. Một số nhà phê bình cho đây là tác phẩm “tự bạch” của Raphael về lựa chọn con đường nghệ thuật của mình. Tuy đây là một bức tranh đẹp, nhưng bởi sự mù mờ về nguồn gốc, cho nên đến nay các nhà nghiên cứu vẫn cho cần phải xem xét lại!
“Thánh Luca vẽ Đức Trinh Nữ”, được cho là của Raphael – chưa rõ thời điểm sáng tác.
Dưới đây, là tác phẩm nổi tiếng nhất hiện nay – hiểu theo nghĩa là được nhiều người biết đến nhất, với số lượng phiên bản được in ra và phổ biến nhiều nhất.
“Thánh Luca vẽ Đức Trinh nữ” của Guercino, vẽ năm 1653
Bức tranh này của Guercino (tên thật là Giovanni Francesco Barbieri 1591-1666), một họa sĩ Baroque Ý nổi tiếng, vẽ năm 1653, hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Nelson-Atkins, ở thành phố Kansas thuộc tiểu bang Missouri (Hoa Kỳ).
Màu sắc mạnh mẽ, tươi tắn với cách tả thực sống động đã được xem là điểm hấp dẫn nhất của tác phẩm.
Nguyên Hưng
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20111017/12970