Triết học bao gồm sự suy tư liên quan đến ngôn ngữ và các ý tưởng. Các ý tưởng được diễn đạt qua các thuật ngữ trừu tượng, qua những hình ảnh hay những ẩn dụ căn bản, mà qua đó giúp chúng ta suy tư. Tương tự, triết học Trung Quốc là cách thức suy tư qua việc sử dụng ngôn ngữ cũng như những hình ảnh được phát triển qua văn hóa.
Động từ “to be” trong triết học Hy Lạp
Trong ngôn ngữ Hy lạp và các ngôn ngữ Ấn – Âu, động từ “to be” có một vai trò rất riêng biệt. Động từ “to be” ám chỉ sự hiện hữu (‘con ngựa là…’ ) cũng như ám chỉ mối tương quan logic giữa các danh từ và tính từ (‘con ngựa thì màu trắng’). Hơn nữa, trong các ngôn ngữ này, các danh từ bị biến cách và các động từ được kết hợp để ám chỉ tính logic về mối tương quan của chúng trong môt câu. Một danh từ có thể ở là chủ ngữ của một câu, hay cũng có thể là bổ ngữ. Một động từ có thể ở thì hiện tại hoặc quá khứ. Những thay đổi của các danh từ và động từ trở thành qui luật và những qui luật này ám chỉ mối tương quan logic giữa các từ ngữ trong câu văn.
Giờ đây, khi động từ “to be” đáp ứng để cung cấp trật tự liên kết logic thì đồng thời cũng ám chỉ đến sự hiện hữu. Cụ thể, theo một cách tự nhiên, người nói tiếng Hy-Lạp cảm thấy rằng, mối tương quan hợp logic giữa các từ trong một câu văn cũng tồn tại trong thế giới thực; hay nói cách khác, ngữ pháp trong câu văn được chuyển sang thế giới thực tại. Như vậy, triết học Hy Lạp liên quan đến việc tìm kiếm ý nghĩa chính xác của các thuật ngữ và việc thành lập mối tương quan hợp logic giữa các thuật ngữ. Socrates đã yêu cầu các môn đồ của mình định nghĩa các thuật ngữ như: sự thiện, công bằng hay sự thật. Aristotle đã thiết lập những phạm trù của tư tưởng dựa vào các từ ngữ mang tính chất như ngôn ngữ Hy Lạp: Cái gì? Như thế nào? Khi nào?
Triết học Tây phương đã xây dựng trên cơ cấu này bằng việc thêm vào những lớp mới. Triết học thời trung cổ đã áp dụng những phạm trù của tư tưởng và động từ “to be” hướng đến Thiên Chúa. Với Descartes và Kant -triết Hậu Phục Hưng mở rộng bao gồm cái tôi. Đối với Hegel, ông còn tính đến cả thời gian và việc nhìn vào lịch sử chính nó như là việc tỏ bày trật tự logic. Tất cả điều này được xây dựng trên tính chất riêng biệt của động từ “to be” để ám chỉ cả sự hiện hữu lẫn mối tương quan mang tính logic.
Trong khi đó, ngôn ngữ Trung Quốc không có tính tương quan đối với động từ “to be”. Động từ diễn tả sự hiện hữu trong tiếng Trung Quốc cổ điển “hữu” thì không sử dụng để ám chỉ tương quan logic giữa các danh từ và tính từ. Thực vậy, không thuật ngữ nào là cần thiết, đơn giản chỉ là sự đặt cạnh nhau để ám chỉ sự hoàn thành của một câu văn, và đó là tất cả những gì cần đến. Thực vậy trong tiếng Trung Quốc, ta nói you ma (có một con ngựa) và ma bai ye (con ngựa [thì] màu trắng). Tựu trung lại, khi chúng ta suy tư trong tiếng Trung Quốc, chúng ta không suy nghĩ về sử dụng các phạm trù ngữ pháp để bàn về thực tại. Hơn nữa, các danh từ và cả động từ đều không biến cách cùng gốc, do đó không có hệ thống ngữ pháp của tính logic. Tóm lại, tư tưởng Trung Quốc không thường xuyên nỗ lực để tạo ra những hệ thống như trong bối cảnh Tây Phương.
Điều này không có nghĩa là những người nói tiếng Trung Quốc không suy nghĩ hay không logic trong những tư tưởng của mình, nhưng có nghĩa là cách suy tư logic của họ không được xác định qua ngữ pháp của ngôn ngữ. Trong triết học Tây Phương, tầm quan trọng nằm ở trong những định nghĩa, tính logic trong ngữ pháp, và những hệ thống của các tư tưởng. Nếu theo cách thế của Tây phương thì dường như Trung Quốc không có triết học, nhưng nếu triết học chúng ta nói đến chỉ đơn thuần phản chiếu tư tưởng, thì rõ ràng Trung Quốc có một nền triết học của riêng mình.
Khi bàn về triết học Tây phương, chúng ta hiểu rằng, có một phương pháp duy nhất để suy tư chung cho tất cả mọi trường phái của tư tưởng trong ngôn ngữ Ấn – Âu. Sự khác biệt giữa những người nói những ngôn ngữ khác nhau không nên đưa chúng ta đến chỗ quên đi những cái căn bản mà tất cả chúng đều được giữ trong bối cảnh chung. Giống như trong tư tưởng Trung Quốc, trước tiên chúng ta cần nhận ra kiểu mẫu cơ bản của các tư cũng như một khuynh hướng để khởi đầu.
“Đạo” trong triết học Trung Quốc
Vùng đồng bằng phía bắc Trung Quốc, nơi cái cốt lõi của văn hóa Trung Quốc phát triển, là một vùng đất khô cằn và phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống sông ngòi để tồn tại. Ở đây, một năm có hai mùa: mùa phát triển bắt đầu từ mùa Xuân và mùa tàn lụi bắt đầu từ mùa Thu. Từ hình ảnh hai mùa này, văn hóa nông nghiệp Trung Quốc hình thành một logic rất căn bản về cuộc sống. Họ không chỉ sống trên những lớp đất trên mặt đất này nhưng còn sống dưới sự bao phủ của các vì sao. Mặt trời xác định ngày và năm, còn mặt trăng biểu tượng cho một sự liên tục và thay đổi vốn hình thành nên tháng. Xuyên qua bầu trời là con sông Ngân rộng lớn đến từ Thái Nhất (Tai Yi) trao ban sự sống cho toàn thể vũ trụ, cũng như sông mang sự sống đến cho vùng đất nông nghiệp.
Nếu cắm một cây sào trên mặt đất rồi theo dõi sự chuyển động của cái bóng cây sào trong ngày, ta có thể vẽ thành một vòng tròn tượng trưng cho trời. Vào mùa Đông, vòng tròn này sẽ lớn hơn vì mặt trời ở đường chân trời sẽ thấp hơn; vào mùa Hè, vòng tròn sẽ nhỏ hơn vì mặt trời ở cao hơn; còn vào hai mùa Xuân và Thu, vòng tròn sẽ ở giữa hai đường kia. Vì thế, bệ thờ dành cho trời sẽ được hình thành từ ba vòng tròn đồng tâm Đông – Xuân/Thu – Hè. Người ta thường xây nhà có mặt tiền hướng về phía nam để có thể đón được ánh sáng từ mọi thời khắc trong ngày, và xây bốn bức tường xoay về bốn hướng, với trần nhà trên cao và nền nhà dưới thấp (tất cả có sáu hướng). Vì thế, bệ thờ dành cho đất có hình vuông. Sự kết hợp giữa đất vuông và trời tròn được tìm thấy trong rất nhiều viên ngọc cổ xưa cũng như trong những đồng tiền xu được sử dụng vào đầu thế kỷ hai mươi. Nó cũng khiến cho các nhà tư tưởng Trung Quốc phải suy nghĩ, vì nếu vòng tròn được đặt trong hình vuông thì các góc của hình vuông sẽ lộ ra, còn nếu đặt hình vuông vào trong vòng tròn sẽ phải đè lên hình vuông. Dù có đặt cái nào vào trong cái nào đi nữa, nhân loại vẫn sống trong trái đất vuông và bầu trời tròn.
Ta có thể dùng hình ảnh con rùa để minh họa rõ hơn mẫu thức này. Vào thời nhà Thương -Shang, rùa được sử dụng cho những điều thánh thiêng. Người ta thường viết trên phần ngực của nó vì chỗ đó phẳng, khác với cái mu của nó. Sau khi đã khắc chữ rồi, người ta bỏ nó vào lửa và những đường nứt trên người con rùa sẽ cho biết cần phải làm gì trong tương lai. Cái mai rùa cong vòm tượng trưng cho trời tròn, cong vòm; ngực của nó biểu tượng cho đất vuông, có chín hình vuông nhỏ, trông giống như chữ ya (á-Asia) hau jing (giếng –well). Rùa sống trong nước, bị bỏ vào lò lửa. Vì thế, loài vật này rất linh thiêng và có thể dự báo tương lai. Các vua Nhà Thương – Shangs đã nhập khẩu rùa từ miền Nam để phục vụ cho những việc linh thiêng. Khi triều đại này suy tàn, người ta có xu hướng dùng xương vai của gia súc nhiều hơn (nó cũng có một mặt phẳng khi cắt). Điều này muốn nói rằng những mối liên hệ thương mại đang dần đổ vỡ.
Triết học Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh thiên văn của các tầng trời và đất. Tính logic của nó đến từ những mẫu thức được xác lập bởi mặt trời và mặt trăng cũng như do chính tiến trình của cuộc sống: tăng trưởng vào mùa Xuân, suy tàn vào mùa Thu. Ta không thể nào suy tư về triết học Trung Quốc mà không đưa bối cảnh này vào suy xét. Sau này chúng ta sẽ thấy cách thức một số trường phái nhấn mạnh đến tính hợp nhất của trời – con người – đất, người khác thì nhấn mạnh đến dòng chảy trao ban sự sống của Đạo, một biểu hiện mang tính triết học của ẩn dụ về con sông Ngân, hay mẫu thức ba yếu tố trời, người và đất kết hợp với hai yếu tố bóng tối và ánh sáng của ngày và đêm, tạo nên tám sự kết hợp; còn nếu tăng gấp đôi các yếu tố thì hình thành sáu mươi tư dạng (64 quẻ kép của Kinh Dịch). Hơn nữa, các nhà tư tưởng Trung Quốc sẵn sàng chuyển từ một lĩnh vực sang lĩnh vực khác, rất hiếm khi bị giới hạn trong một cách thức giải thích thực tại. Họ có thể bất đồng ý kiến, thậm chí rất sâu nặng, nhưng những bất đồng này đi ngược lại với sự thống nhất những ẩn dụ nền tảng mà chúng ta phải đánh giá cao trước nhất.
Edmund Ryden, S.J.