Trình Thuật Thương Khó Theo Thánh Mác-cô

 Chuyện tại nhà vị thượng tế

« Họ điệu Chúa đến vị Thương Tế ». Mc sẽ lần lượt kể chuyện xảy ra trong nhà, rồi chuyện xảy ra ngòai sân

Trong nhà, « các thượng tế, kỳ mục và kinh sư đã tề tựu đông đủ ». Hôm trước « họ bàn mưu tính kế bắt Đức Giê-su để giết ». Họ có tính đến thời gian : « đừng làm trong ngày lễ ». Bây giờ đã ăn lễ Vượt Qua xong rồi. Họ tề tựu chờ thuộc hạ điệu Chúa Giê-su tới. Bắt được rồi đây, nhưng làm sao để giết cho « danh chánh ngôn thuận ». « Họ tìm lời chứng buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình nhưng họ tìm không ra ». Thế ra các cụ trong thượng hội đồng này cũng không thông minh lắm, tính kế bắt để giết mà mới chỉ tính được kế để bắt. Bắt được rồi thì lúng túng tìm cớ để giết mà tìm không ra. Còn Chúa Giê-su thì trong sáng đến nỗi các cụ tìm chứng gian để buộc tội mà cũng không tìm được. Trong khi các cụ tranh nhau hiến kế thì Chúa Giê-su im lặng, đúng như Người Tôi Tớ : «Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca, như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng » (Is 53,7).

Cuối cùng vị thượng tế cũng chứng tỏ mình thông minh hơn cả. Ông đặt câu hỏi quyết liệt : « Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng đáng chúc tụng không ? » Thế ra ông lại xác minh giùm chúng ta xem Chúa Giê-su có đồng ý với cái tựa sách của Mac-cô hay không ! Chúa Giê-su mở miệng nhận ngay : « Chính tôi đây ! » Chẳng những vậy, Chúa còn trưng lời sách Đa-ni-ên để giải nghĩa thêm : « Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và đến cùng với mây trời » (Đn 7,14). Ông thượng tế đắc thắng chộp ngay cơ hội : « Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói : « Chúng ta cần gì nhân chứng nữa ? Quý vị vừa nghe hắn nói phạm thượng, quý vị thấy thế nào ? » Tất cả đều kết án Người đáng chết ». Các cụ háo thắng quá nên quên một điều cơ bản : xác minh xem lời đương sự nói có đúng không ? Đầu óc đương sự có bình thường không ? Hành xử hấp tấp như thế các cụ lại làm cho ứng nghiệm lời sách Is 53,8 : « Người đã bị ức hiếp, buộc tội rồi bị thủ tiêu ». Họ giết Chúa Giê-su chỉ vì Người nhận mình là Con Thiên Chúa và sẽ ngự đến trong vinh quang.

Ngay sau đó thì Mc cho thấy cảnh bát nháo, thượng tế, kinh sư, kỳ mục và đám thuộc hạ cùng một giuộc: « Thế là một số bắt đầu khạc nhổ vào người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói : « Hãy tuyên sấm đi ! » Và đám thuộc hạ tát người túi bụi ».

Chuyện ngoài sân

«Ông Phê-rô theo Người xa xa, vào tận bên trong sân dinh thượng tế, và ngồi sưởi bên đống lửa với đám thuộc hạ ». Những ông khác bỏ chạy thoát thân, ông Phê-rô tỏ ra « lì » hơn ai hết, theo xa xa rồi vào tận trong sân, ngồi lẫn với đám thuộc hạ bên đống lửa cho ấm. Thật tương phản với cảnh Chúa Giê-su phải chịu ở bên trong. Mc để tới lúc Chúa đã bị kết án tử hìn h rồi mới kể tiếp « chuyện phải đến đã đến » như thế nào: « Một người tớ gái của thượng tế đi tới, thấy ông ngồi sưởi, cô nhìn chằm chằm vào ông và nói : Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông người Na-da-ret, ông Giê-su đó ! » Ông liền chối rằng : « Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô nói gì ! » Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. »  Thế là ông bắt đầu rút lui bằng cách đổi chỗ. Và có con gà lên tiếng đếm.

Người tớ gái lăng xăng lại thấy mặt ông, cô « giới thiệu » ông với mọi người đứng đó : « Bác này cũng thuộc nhóm họ đấy ! » Ông lại chối. Nhưng vẫn đứng yên. Những người đứng đó xem ra phản ứng chậm, lát sau họ mới chợt nhận ra và chỉ vào mặt ông : « Đúng rồi, bác cũng là người Ga-li-lê mà ! » Lần này bị bắt chẹt về cái giọng Ga-li-lê, ông Phê-rô thề độc mà chối : « Tôi không biết người các ông nói đó ! » Lại có con gà hắng giọng nhắc cho ông rằng ông nhanh hơn nó rồi đấy. Ông sực nhớ lời Chúa đã nói : « Gà chưa gáy hai lần thì anh đã chối Thầy đến ba lần !» Bây giờ thì trái tim ông cũng nổ tung như chai dầu thơm của « người phụ nữ với bình bạch ngọc » : « Ông òa lên khóc. » Tất cả đã lặng yên trong bóng đêm, để cho tiếng khóc của ông vang lên thay tiếng gà gọi sáng.

Chuyện trong dinh Phi-la-tô

« Vừa tảng sáng, các thượng tế lại họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng ». Họ còn phải vượt một hàng rào nữa mới giết được Chúa Giê-su, vì đế quốc Rô-ma đã giành quyền kết án tử hình cho tổng trấn. « Toàn thể Thượng Hội Đồng trói Đức Giê-su lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô ». Đúng như lời Chúa Giê-su đã báo trước : « Con người sẽ bị nộp cho các  thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người » (Mc 10,33-34).

« Ông Phi-la-tô hỏi Người : « Ông có phải là vua dân Do Thái không ? » Mc không cho chúng ta biết tại sao Phi-la-tô lại hỏi như thế. Câu trả lời của Chúa cũng bí ẩn « Chính Ngài nói đó ! » Phi-la-tô và Thượng Hội Đồng có những quan tâm khác nhau. « Đồng sàng dị mộng ». Và mỗi bên sẽ giữ « mộng » của mình. Chúa Giê-su trả lời thẳng cho thượng tế vì ông nói một điều quá rõ ràng. Còn câu hỏi của Phi-la-tô thì hàm hồ dị nghĩa, nên Chúa cũng trả lời cách bí ẩn. Mc cho biết « Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội », nhưng chẳng có gì rõ ràng, nghĩa là cũng ấp úng như khi « họ tìm lời chứng để buộc tội Người mà tìm không ra ». Họ ngồi với nhau mà không tìm ra thì lấy gì mà tố cáo với nhà cầm quyền Rô-ma ! Chúa Giê-su yên lặng cho Phi-la-tô nghe các lời tố cáo. Phi-la-tô phải kinh ngạc vì sự im lặng của Chúa.

Khi âm mưu bắt giết Chúa, các thương tế muốn tránh đám đông, bây giờ đám đông lại kéo đến xin Phi-la-tô thi hành việc ân xá trong dịp lễ. Mc giải thích phong tục này và cho biết có một người tên là Ba-ra-ba đang bị giam với những những tên phiến loạn đã giết người trong một vụ nổi loạn. Phi-la-tô muốn thóat khỏi chuyện rắc rối, đề nghị tha « Vua dân Do Thái ». Mc cho chúng ta biết tại sao : « Ông thừa biết vì ganh tị mà các thượng tế nộp Người ». Chúng ta tự hỏi : họ « ganh tị vì cái gì ? » Họ nộp Người vì Người nhận mình là Con Thiên Chúa và sẽ đến trong vinh quang. Vậy thì họ ganh tị vì lý do đó. Thế thì Mc đang gợi cho chúng ta cái tội của A-đam : muốn nên bằng Thiên  Chúa.

Các thượng tế đang lúng túng liền kéo đám đông vào phe mình : « Các thượng tế sách động đám đông đòi thả Ba-ra-ba cho họ thì hơn ». Thế là nồi nào vung nấy ! Họ chọn kẻ sát nhân làm vua của họ. Còn số phận Chúa Giê-su thì Phi-la-tô lại « bán cái » bằng cuộc trưng cầu dân ý tức thời ! « Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ngươi gọi là vua dân Do Thái ». Đến đây ta mới biết  tại sao Phi-la-tô hỏi Chúa Giê-su câu đầu tiên. « Họ la lên : « Đóng đinh nó vào thập giá ! » Phi-la-tô giật mình hỏi lại : « Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác ? » Nhưng họ càng la to : «Đóng đinh nó vào thập giá». Đến đây thì chúng ta biết rõ tâm địa của Phi-la-tô, kẻ mị dân : « Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô tha Ba-ra-ba cho họ, truyền đánh đòn Đức Giê-su rồi trao nộp Người để người chịu đóng đinh vào thập giá. » Tuy nhiên câu hỏi của Phi-la-tô và kiểu trả lời bằng cách « to mồm » của các thượng tế và đám đông lại cho thấy rõ hơn : « Người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ » (Is 53,12).

Chúa Giê-su và bọn lính

Phi-la-tô ra lệnh đánh đòn Chúa Giê-su rồi đóng đinh, đó là cách thức hành quyết người Rô-ma áp dụng cho nô lệ và dân bị trị. Mc không kể chuyện đánh đòn mà kể chuyện lính đội mão gai và mặc áo đỏ cho Chúa rồi chế giễu « vua dân Do Thái !» Hôm Chúa vào Giê-ru-sa-lem dân chúng đã tung hô Chúa là « triều đại Đavit ». Hôm nay thì Phi-la-tô giới thiệu Chúa Giê-su là vua dân Do Thái, các thượng tế sách động đám đông xin tha Ba-ra-ba và cho đóng đinh « vua dân Do Thái ». Bọn lính chế giễu « vua dân Do Thái ».

« Chế giễu chán, chúng lột áo đỏ tía ra, và cho Người mặc áo lại như trước ». Mặc áo lại như trước thì Người là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa như Người đã khẳng định trước mặt thượng tế và toàn thể thượng hội đồng.

(xin mời đọc trang tiếp theo)

Kiểm tra tương tự

Khi chồng tôi bạo hành, một linh mục bảo tôi hãy chờ đợi và cầu nguyện. Điều đó không bao giờ là đủ

“Con hãy làm những gì Chúa truyền dạy. Con phải kiên nhẫn và cầu nguyện.” …

Đời tu qua đôi mắt người tu sĩ

Thật thú vị khi trong lòng Giáo hội có hàng trăm dòng tu khác nhau, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *