Trở lại cuộc sống bình thường mới

Sau những ngày tháng dài phải đóng cửa vì đại dịch, các thành phố ở Việt Nam đang dần dần mở cửa trở lại. Đâu đó, chúng ta nghe và nói nhiều về việc „trở lại bình thường mới.” Có lẽ, không ai cảm nhận được khao khát này mạnh mẽ và rõ ràng hơn những người đã phải sống trong vùng dịch bệnh. Mong muốn trở lại cuộc sống bình thường, diễn tả một sự bắt đầu mới. Ở một khía cạnh khác, đây là mời gọi tìm kiếm một lối sống mới, để không lặp lại những điều tồi tệ như đại dịch vừa trải qua.

Tìm đâu ra một con đường trở lại cuộc sống bình thường mới? Đây cũng là thao thức của  anh mù Ba-ti-mê ở Giê-ri-khô trong Tin Mừng Chúa Nhật 30 Thường Niêm Năm B[1]. Được con tim mách bảo, anh chạy đến với Đức Giê-su và cầu xin được sống bình thường như mọi người – „Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Uớc mơ của anh giản dị đến nỗi làm chúng ta ngạc nhiên. Anh không xin cho mình được hơn những người khác về tiền tài, quyền lực và danh vọng… Anh chỉ xin cho mình được bình thường, thế là đủ và hạnh phúc rồi!

Tại sao anh mù Ba-ti-mê chỉ cầu xin một điều đơn giản thế thôi? Chúng ta có thể đụng chạm được nỗi khao khát này ở một chiều sâu thực sự của nó, nếu chúng ta để con tim mình thấu cảm được nỗi đau khi phải sống trong mù lòa. Cũng vậy, chúng ta sẽ thấu hiểu được khao khát trở lại cuộc sống bình thường mới của anh chị em mình, nếu chúng ta tiếp cận vấn đề bằng con tim, hơn là bằng lý trí.

Ở đây, không có ý gạt bỏ những tiếp cận bằng lý trí. Thông thường, cách tiếp cận vấn đề bằng lý trí có vẻ hấp dẫn chúng ta nhiều hơn. Chúng ta thích đi tìm những giải thích và biện giải về nỗi đau, hơn là để cho con tim mình được cảm và nếm nó. Cho nên, dễ hiểu tại sao chúng ta thường đi tìm những lý do, những lý lẽ để giải thích, biện minh cho các nỗi đau và yếu đuối của mình… hơn là để con tim mình đụng chạm đến nỗi đau ấy. Thực ra, chỉ khi nào để con tim mình cảm nếm nỗi đau và sự yếu đuối, lúc đó ta mới có cơ hội thấu hiểu và trở nên sâu sắc hơn.

Chính vì bỏ qua lý lẽ của con tim, cho nên ngày nay, không ít người cảm thấy khó chấp nhận câu nói của Đức Giê-su: „lòng tin của anh đã cứu chữa anh!” Cũng như một người bạn đã từng nói với tôi rằng: đến thế kỷ này rồi, mà vẫn còn mê muội tin vào những điều đó sao? Có lẽ, người bạn này đã mạnh dạn nói lên những suy nghĩ của mình, thay cho hơn nửa số người đang sống trên trái đất này rồi!

Đức Giê-su khẳng định lòng tin đã cứu chữa, chứ không phải là những lý lẽ hay những lời giải thích hợp lý. Khi chấp nhận điều này, không có nghĩa là chúng ta coi thường những suy tư, hay là những sáng kiến và sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Nhưng thay vào đó, chúng ta được mời gọi đi xa hơn, vượt trên những điều mà lý trí có thể hiểu và giải thích. Đơn giản là để cho con tim mình được đụng chạm sâu hơn đến những vấn đề của cuộc sống.

Lòng tin của Ba-ti-mê đã không phản bội anh. Chính con tim đã mách bảo cho anh biết đâu là nơi anh được „trở nên bình thường.”

Anh lớn tiếng kêu xin: „Lạy Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!

Ba-ti-mê đã gọi Đức Giê-su là Con vua Đa-vít. Đây là tước hiệu ngầm nói về Đấng Cứu Thế Mê-si-a[2]. Ở thời gian trước, Đức Giê-su rất cẩn trọng khi có ai đó gọi Ngài là Đấng Mê-si-a, và Ngài thường ngăn cản họ nói điều này với những người khác. Nhưng ở đây, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su không quở trách Ba-ti-mê vì đã gọi ngài là „Con vua Đa-vít”, một tước hiệu ám chỉ cho Đấng Thiên Sai. Lúc này, Đức Giê-su đã ở gần Giê-ru-sa-lem, nơi Ngài sẽ bị tố cáo và bị treo lên cây thập giá, nên Ngài mong muốn không chỉ Ba-ti-mê, mà mọi người đều nhận ra danh tính đích thật của Ngài. Ở chương tiếp theo, Đức Giê-su còn trích dẫn câu Thánh Thư để cho thấy mình không chỉ là con vua Đa-vít, mà còn là Chúa của vua Đa-vít[3].

Phản ứng của đám đông là quát nạt Ba-ti-mê và bảo anh ta im đi, vì anh đang lớn tiếng và nói những điều khó nghe, khi gọi Đức Giê-su là „Con vua Đa-vít.” Dân chúng đang hành xử với Ba-ti-mê đúng với thân phận và địa vị của anh – một kẻ mù ngồi ăn xin bên vệ đường.

Còn Đức Giê-su đối xử với anh theo như ý nghĩa hàm ẩn trong tên gọi Ba-ti-mê của anh, là người đáng được tôn trọng[4]. Khi đến với Đức Giê-su, Ba-ti-mê đã hiện thực hóa được điều mình mong muốn và ước mơ.

Chúng ta ước mơ gì, khi khao khát trở lại cuộc sống bình thường mới? Có phải là một lối sống như trước đại dịch? Đâu là điều làm cho cuộc trở lại bình thường mới, chứ không phải là cũ? Chắc chắn, ở đây không nhắm đến việc đưa ra những giải pháp cụ thể về kinh tế, về xã hội… nhưng là một sự gợi mở và mời gọi tìm kiếm hướng đi vững chắc hơn.

Có lẽ, chẳng ai trong chúng ta muốn sống trong mù lòa, cả về thể lý lẫn tinh thần. Trong bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay, các môn đệ đang là những người mù. Họ là những người sáng mắt, nhưng lại không thấy con đường Thầy Giê-su đang muốn tỏ lộ. Các ông là những người không hiểu những điều mà Đức Giê-su nói về tương lai phía trước[5].

Để trở lại cuộc sống bình thường mới, chúng ta được mời gọi bước ra khỏi những mù lòa của chính mình. Biết mở ra để lắng nghe và để cho mong ước xây dựng lối sống mới dựa trên những giá trị bền vững mỗi ngày lớn lên hơn. Trong sự khiêm tốn và chân thành, chúng ta cùng với anh Ba-ti-mê khẩn khoản cầu xin Đức Giê-su: „Thưa Thầy, xin cho con nhìn thấy được!”

Giuse Trần Văn Ngữ, SJ

………….

[1] Người mù ở Giê-ri-khô (Mc 10,46-52).

[2] Tin Mừng Mát-thêu viết cho độc giả Do-thái và ngài sử dụng tước hiệu „Con vua Đa-vít” mười một lần. Còn thánh sử Mác-cô và Lu-ca viết sách Phúc âm cho độc giả dân ngoại, nên chỉ sử dụng danh hiệu này một đến hai lần thôi. Có thể dễ hiểu, vì tước hiệu này quen thuộc và có nhiều ý nghĩa đối với người Do-thái hơn là với những người dân ngoại.

[3] Đấng Ki-tô là Con và là Chúa của vua Đa-vít (Mc 12,35-37).

[4] Βαρτίμαιος (bartimaeus) phiên âm tiếng Việt là Ba-ti-mê = người con trai của ông Ti-mê. Tên gọi này hàm chứa ý nghĩa gì? Βαρ (bar) = son (người con trai); τίμαιος (timao) = honor, respect, restore (danh giá, tôn trọng, phục hồi). Như vậy, tên gọi Ba-ti-mê có thể hiểu là người danh giá, được tôn trọng, được phục hồi.

[5] Theo Tin Mừng Mác-cô, từ chương 8 đến chương 10, cho thấy các môn đệ hoàn toàn “mù tối” trước sứ mệnh thực sự của Đức Giê-su. Họ vẫn còn mơ tưởng danh dự và thành công theo kiểu loài người (Mc 10,37), trong khi Đức Giê-su đã ba lần báo trước cho họ thập giá của Người (Mc 8,31; 9,31; 10,34). Khi Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem, mọi người đều nghĩ rằng, Ngài sẽ lên “nắm quyền” và sẽ làm vua. Đúng. Người là “Vua”, nhưng không phải theo kiểu của các vua trần thế (Mc 10,42; Mt 27,11; Ga 18,33-36). Người làm Vua không theo cách mà đám đông mong đợi. Người sẽ đứng đầu bằng cách làm người sau chót, và là người phục vụ, chứ không phải được phục vụ.

Kiểm tra tương tự

4 vị thánh giúp bạn đối phó với nỗi lo âu

Ngoài việc các thánh là những người bạn của chúng ta trên thiên đàng, các …

Để đức tin thấm vào văn hóa

Hội nhập văn hóa (inculturation) là thuật ngữ không mới trong từ điển truyền giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *