Trung Thu ở Cô nhi viện

(Truyện ngắn)

Ảnh minh hoạ

Thằng Tôm chạy vòng quanh gốc cây đa, mấy đứa bạn đang ngồi khui hộp bánh trung thu mới toanh, hát rình rang: ‘’Tết trung thu em rước đèn đi chơi! Em rước đèn đi khắp phố phường!”. Thằng Cá rượt thằng Tôm vòng vòng mà vẫn chưa lấy lại được chiếc lồng đèn. Mấy đứa kia ngồi bên sơ vừa nhìn thằng Tôm với thằng Cá mà cười ngặt nghẽo.

Gió thốc mấy cơn thiệt mạnh làm tóc tụi nhỏ bay phấp phới. Cả lũ nhâm nhi bánh ngon lành. Mớ bánh mới được nhóm từ thiện ở Sài Gòn xuống cho và mớ bánh sơ mới nướng xong để cả nhà ăn tết trung thu.

Tôm, Cá, Chạch, Chình, Tép là năm đứa bạn thân thiệt thân. Chẳng biết cha mẹ tụi nó là ai. Chỉ biết mới nhú lớn chút xíu là biết mình thuộc diện mồ côi có thâm niên, nghĩa là mồ côi “chánh cống” từ lúc sơ sinh. Con Chạch không biết bao nhiêu tuổi, nhưng vóc dáng và tính tình lớn hơn mấy đứa còn lại. Thành thử mấy đứa gọi Chạch là chế Hai. Chình thứ Ba. Tép thứ Tư. Cá là thứ Năm, còn Tôm là Út!

Nói tiếp cái chuyện mồ côi có thâm niên, vì ở cô nhi viện này có hai dạng mồ côi. Một dạng là mồ côi y như năm anh chị em tụi nó. Một dạng là mồ côi nửa chừng vì đương có cha mẹ thì cha mẹ bỏ ngang xương, thành thử đâm thành mồ côi. Có đứa thì cha mẹ đang khỏe ru tự nhiên có người lăn đùng ra chết, người kia chán nản rồi bỏ đi luôn; nhưng trước khi đi không quên tìm cho đứa con một chỗ dung thân. Có đứa thì cha mẹ chết hết, nhất là trong đợt dịch Covid hai năm vừa rồi.

Chia làm hai phe để mỗi khi buồn chúng nó có cái để chọc nhau :

Ê! Đồ cái thứ mồ côi thâm niên lâu bền khó đào tạo! ”

Thằng Chình với thằng Tép “đại diệnmấy đứa thâm niên gỡ gạc:

Ê! Đồ mấy cái đứa mồ côi nửa chừng!”

Tự hỏi kiểu nào vui hơn. Trời! Mồ côi mà vui nỗi gì! Người ta hiểu cảnh mồ côi là mất đi cái gì quý giá nhất là chính tình cha mẹ, còn đàng này tụi nó giỡn như thiệt! Mà ngẫm xem cái nỗi mồ côi là trò đùa cũng là cách giải tỏa tâm lý. Con Chạch nghe tụi nhỏ tầm 7-8 tuổi chọc nhau, nó la làng như điên:

-“Tụi mày câm hết! Tao mét sơ nghen! Để sơ phạt cho tụi mày biết sợ ! Đồ cái thứ mồ côi không biết mắc cỡ mà còn chọc nhau!”

Đó! Tâm lý như con Chạch là một trong cái tâm lý của mấy đứa lớn và dần hiểu chuyện. Xem ra mấy đứa mồ côi “thâm niên” thì phúc hơn mấy đứa mồ côi “nửa chừng”. Vì chẳng thà đừng thấy mặt cha mẹ mình thì vui hơn, chớ nhắm mắt lại mà khuôn mặt những kẻ tàn nhẫn ấy hiện lên mồn một thì hãi quá. Tội nhất là mấy đứa đã lớn tồng ngồng mà bị mồ côi ngang xương! Nhiều đêm đương ngủ giật mình thức dậy ngồi khóc một mình, khỏi hỏi ai cũng biết vì sao tụi nó khóc. Nhìn mấy đứa hổng biết cha mẹ vui tươi hồn nhiên thích quá trời! Đã vậy, lâu lâu còn được mấy người gọi là “cha”, “mẹ” tới thăm. Ôm mấy đứa đó hun chùn chụt. Còn mấy đứa được tới thăm thì ghét muốn chết, chớ thiết tha gì nụ hôn sặc mùi tiền và mớ quà sang trọng như muốn ém đừng để nó có ý kiến gì. Có hôm mấy đứa bực quá đuổi luôn mấy người tới thăm : “Ông bà đi hết giùm tui ! Bỏ thì bỏ luôn đi ! Đừng có mà tới nữa !” Đúng là trớ trêu, chẳng biết nên trách hay nên bênh tụi nó. Có Sơ chạy ra níu đứa nhỏ chạy vô nhà, bụm miệng không kịp.

Ngỡ thì ngỡ vậy, nhưng… mấy đứa mồ côi “thâm niên” nó cũng… thèm. Nhìn mấy đứa “nửa chừng” theo kiểu cha mẹ chết vì Covid, tụi nó được gửi vô kèm theo hai tấm hình cặp bên nách kèm theo mớ quần áo. Thấy vậy mà mấy đứa “thâm niên” thèm một ngày nào đó thành họa sĩ để vẽ nên khuôn mặt cha mẹ ngoài đời thiệt của nó. Để tụi nó khỏi phải ngồi chỗ nào cũng mắc tưởng tượng cha mẹ có hai con mắt, hai lỗ mũi, hai lỗ tai, cái miệng cười xinh xinh, lúm đồng tiền, da trắng đẹp. Có đứa ước làm nhạc sĩ để sáng tác mấy bài hát về cha mẹ trong tưởng tượng của nó. Nhưng… ngoài miệng tụi nó chối leo lẻo chớ có dám thừa nhận mình thèm…

Đã vậy mà đoàn tới thăm cho quà Trung Thu cũng nghiệt ngã. Con người ta mồ côi tội nghiệp còn chưa hết, còn đi lấy đề tài “vầng trăng tình mẹ”. Xong có người quay livestream trực tiếp cho… mẹ của họ bên kia màn hình, còn khoe “Mẹ ơi ! Tụi con đi từ thiện nè ! Đây ! Đây là mấy em cô nhi, mấy em hổng có cha mẹ đó mẹ !”. Nghiệt ngã hơn nữa khi cô MC đẹp thiệt đẹp dẫn chương trình dẫn vô mấy câu là lạ: “Vầng trăng nào ấm áp cho bằng tình mẹ!” Rồi cô nói buông một hơi về tình mẹ mà chẳng cần giấy tờ chi ráo trọi.  Ý cô ấy là nhấn mạnh tình thương các sơ và các ân thân nhân xa gần như tình mẹ, nhưng cổ hổng nói thẳng mà vòng mấy ngã tư chưa ra chuyện. Làm mấy đứa mồ côi thâm niên quay sang hỏi mấy đứa mồ côi nửa chừng: “ Ê! Tình mẹ là cái gì vậy?” Có đứa bạo hơn còn hỏi: “Ê! Tình mẹ tròn méo ra sao? Có giống cái bánh in, bánh pía hông? Có ăn được hông?” Trời! Hết chuyện miêu tả cho tụi nhỏ hổng biết cha mẹ với ghét cha mẹ cái chuyện tình mẹ ấm áp. Vì phần nào trong tâm trí những đứa trẻ nhỏ xíu còn khù khờ thì tụi nó… lạ lắm… ghét lắm!

Chỉ thương mấy sơ, thương tụi nó như con của mấy bà rứt ruột đẻ ra. Các sơ là ước mơ của tụi “thâm niên” lẫn “nửa chừng”: “Phải chi tao có bà mẹ tốt và hiền như mấy sơ chắc giờ đâu có mồ côi!”. Nhưng có lúc nó ghét thì nó biểu: “Chắc hồi đó ba mẹ tao cũng dữ y mấy bà sơ này! Thành thử mới bỏ tao!”. Con Chạch cốc đầu đứa em nhỏ xíu rồi biểu: “Nhưng ba mẹ bỏ mày, còn mấy sơ có bỏ mày đâu! Nuôi mày tần ngần tới giờ đó !” Mấy đứa nhỏ im khe chớ dám hó hé tiếng nào trước lời chỉnh của Chạch. Điều mà các sơ ít khi nhắc tới là từ “cha-mẹ!”, chắc mấy sơ biết tụi nó lạ và ghét dữ lắm! Vì lạ và ghét nên có muốn nhắc tới làm gì!

Các sơ chỉ âm thầm đối đãi với tụi nó như những đứa con vậy thôi. Nó bệnh thì thức mấy hôm liền chăm sóc. Đứa nào mắc bệnh truyền nhiễm, có nguy cơ lây cho mấy đứa khác, thì các sơ cử một sơ ở riêng với em đó 24/24 để chăm sóc, có đứa đậu mùa cả tháng trời mà sơ thức luôn với nó nguyên tháng. Có sơ  thì đi họp phụ huynh đột xuất cho “mấy đứa con” vì tụi nhỏ đánh nhau ở trường, trước mặt giáo viên chủ nhiệm người phụ huynh kia sỉ thẳng vô mặt sơ biểu: “Bà lo về dạy lại con của bà đi! Nó đánh con tôi nát bét thế này thấy chưa! Bà đẻ ra nó mà không có sức dạy nó hả ? Đúng là đồ quân mất dạy!” Sơ thinh lặng chờ vị phụ huynh ngừng tiếng để nói lời xin lỗi. Cô giáo chủ nhiệm vội giải thích với vị phụ huynh kia: “Anh! Anh làm ơn bớt nóng tính. Đây là nữ tu bên đạo Công Giáo chứ không phải mẹ ruột của bé X. đâu! Bé X. là trẻ mồ côi.” Vị phụ huynh kia đứng hình, khe khẽ xin lỗi sơ rồi chào tạm biệt ra về, sơ vẫn chưa kịp xin lỗi. Rồi thi thoảng sơ tổ chức chương trình này kia cho mấy đứa con chơi vào những dịp lễ tết, nhất là chăm sóc theo từng độ tuổi khác nhau.

Thành thử, từng đứa dần theo độ tuổi quan niệm mấy sơ khác nhau. Đứa nhỏ xíu thì kêu “Mẹ!” ngọt sớt với tấm lòng đơn sơ của đứa trẻ trước tình thương sơ dành cho nó. Đứa lớn xíu thì kêu bằng “Sơ!” với sự sợ hãi vì các sơ dữ quá! Tụi nó làm gì cũng bị rầy, bị phạt. Tiếng “Sơ” ở độ tuổi ấy chỉ đầu môi chót lưỡi, nó chỉ ngoan trước mặt chứ sau lưng quậy tưng bừng. Đứa trưởng thành như con Chạch thì kêu bằng “Sơ!” nhưng với tấm lòng chân thành vì nó hiểu các bà là mẹ của nó! Những người mẹ thương và chăm cho nó từ sợi tóc tới ngón chân chớ không bỏ nó cù bất cù bơ. Chăm từng chút một chứ không phải chăm cho có lệ.

-“Mấy đứa! Đoàn tới thăm cho quà Trung Thu kìa!”

Ban đầu mấy đứa lớn nhảy nhót tưng bừng, mấy đứa nhỏ cũng nhảy theo. Nhạc hú rần rần. Đèn chiếu sáng trưng nhấp nháy liên tục. Mấy đứa nhỏ nhảy theo. Lát sau mấy đứa lớn đứng khoanh tay nhìn chăm chăm cái cô MC với cái mặt lẫy, vì cái tội cô dẫn chương trình mang tên “Vầng Trăng Tình Mẹ”.

Mấy đứa nhỏ líu ríu tiễn đoàn về, tay cầm quà được cho mà vui quá chừng. Mấy đứa lớn cười gượng hết sức rồi âm thầm dọn dẹp bàn ghế và sân khấu, hổng đứa nào nói tiếng nào với nhau. Dọn xong ra ngồi gốc cây thở, mớ bánh đoàn cho còn để trên bàn nhưng tụi nó không rớ tới. Tụi nhỏ tiễn khách xong chạy vô ngồi kế mấy anh chị:

-“Sao buồn vậy?”

-“Kệ tao! Tránh ra! Đang cọc nha!”

Sơ từ dưới bếp đẩy lên một xe những bánh mới ra lò, một sơ kêu:

-“Tụi con! Mấy đứa lớn lấy bánh phát cho mấy em đi con!”

Trời trung thu tròn vành vạch! Cái đoàn kia chắc về tới thành phố rồi. Chỉ còn mấy sơ con ngồi với nhau ngoài sân. Giờ thì mấy đứa lớn mới cười nói vui vẻ, chọc nhau với mấy đứa nhỏ chí chóe. Chia quà rồi đùa giỡn. Trung thu vậy thôi là được rồi! Thằng Cá la toáng lên:

-“Sơ ơi! Thằng Tôm lấy lồng đèn của con!”

Sơ nhoẻn miệng cười! kêu mấy đứa con lại ăn bánh trung thu, một sơ cầm ghi-ta đàn cho các con hát. Vậy thôi! Không cần mẹ-con hay ấm áp gì cả, chỉ cần ngồi lại bên nhau quây quần thế là đủ. Chính lúc này, mấy đứa mồ côi mới hiểu cảm giác sự ấm áp của vầng trăng, hình như cái gọi là ấm áp của tình mẹ chỉ len lỏi vào tâm hồn nó trong ánh sáng vàng vọt của ánh trăng thay vì ánh đèn sân khấu chớp nháy, lúc tĩnh lặng ngồi bên nhau thay vì sinh hoạt om sòm hay nhảy múa ì xèo,… Chẳng biết tụi nhỏ khù khờ còn ghét cái gọi là “tình mẹ” không! Nhưng ít ra nó biết sơ thương tụi nó, thương thiệt, thương quá trời quá đất, thương đứa “thâm niên” lẫn đứa “nửa chừng”! Nói vậy thôi, chớ có lẽ cái “tình mẹ” chui tọt vô bụng, vô dạ, vô tâm thức tụi nó hồi nào rồi! Tại tụi nó hổng biết đó thôi!

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Tâm tình gởi Chúa trên đường Thương Khó

  Chúa Giêsu ơi, Khi đọc Tin Mừng của thánh Mác-cô về Cuộc Thương Khó …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *