Truyền Hình Giáo Dục Đắc Lộ Trước 1975

TRUYỀN  HÌNH  GIẢI  PHÓNG

Đến bước ngoặt lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, liệu Truyền hình Đắc Lộ là một  tổ chức của linh mục và tu sĩ công giáo có thể tồn tại không? Vì mục tiêu giáo dục phục vụ giới bình dân, Truyền hình Đắc Lộ hy vọng rằng chế độ mới chú trọng đặc biết đến tầng lớp lao động, nên những gì Đắc lộ đã và có thể thực hiện không phải là “dã tràng xe cát”. Những cuộc trao đổi bắt tay với ban quản trị Truyền hình giải phóng được thực hiện trong bầu khí hữu nghị. Đài truyền hình giải phóng phái một cán bộ đến Đắc lộ để tìm hiểu cơ cấu , đặc biệt là nội dung các loạt chương trình đã thực hiện.

Sau khi xem xét , cán bộ tỏ ra vui vẻ và hết sức ngạc nhiên là kho băng của Đắc Lộ không hề đề cập mảy may đến Tôn giáo, mặc dầu ban lãnh đạo Truyền hình Đắc Lộ hầu hết là tu sĩ công giáo. Toàn thể nội dung đều nhắm truyền đạt kiến thức cơ bản để nâng cao cuộc sống và phẩm giá người nghèo, giới lao động vô sản là chính.

Sau những cuộc trao đổi chân tình, Truyền hình Đắc Lộ được tiếp quản với danh hịệu Truyền hình giải phóng cơ sở II . Cuộc bắt tay này là một nỗ lực “tiếp tay ” phục vụ dân tộc, hoà mình trong một làn sóng phục vụ mới, rộng hơn, mạnh mẽ hơn, đạt đến toàn dân hơn.

Mở cửa lại vào sáng 3.10.1975. Cơ sở 2 Truyền hình giải phóng, mừng rỡ đón tiếp những ai trong đội ngũ nhân viên Đắc Lộ tình nguyện tiếp tục phục vụ Truyền hình giáo dục. Một ban quản lý mới được đề cử : Giám đốc là anh Hồ Vĩnh Thuận, Trưởng phòng Chuyên mục là anh Khái Hùng, Phó phòng là nữ tu Mai Thành đặc trách Giáo dục Thiếu nhi.

Điều thật đáng tiếc là các linh mục tu sĩ ngoại quốc trên khắp cùng đất nuớc nam cũng như nữ đều phải vĩnh biệt Việt Nam. Linh mục Quercetti[4] mặc dầu rất muốn tiếp tục ở lại phục vụ Truyền hình Việt Nam đã phải bay sang Đài Loan, học tiếng Hoa để góp phần cộng tác với Truyền hình Đài Loan, rồi sau đó vài năm được mời phục vụ ở Đài phát thanh tiếngViệt tại Rôma.

(…)

Kết:

Trước khi khép lại màn ảnh quá khứ của truyền hình Đắc Lộ cùng một ít suy tư, tôi xin trích mấy câu thơ “giải trí” cảm hứng từ kinh nghiệm làm việc với ống kính truyền hình, được ghi lại trong Hồi ký Truyền hình Đắc lộ, Xuân 1973 :

NHÌN ĐỜI QUA ỐNG KÍNH TRÁI TIM

Có phải đời là phim trường lớn rộng

Mà tim tôi là ống kính đặc thù:

Ảnh thế trần sáng chói hoặc âm u,

Cũng bởi tôi chỉnh hình chưa đúng độ.

Mặt tha nhân vuông tròn hay méo mó,

Tại kính tôi di động lệch sai chiều.

Miệng bạn cười duyên dáng hoặc đáng yêu,

Phải chăng tôi chọn được hình góc tốt .

Nếu tính bạn sáng chiều không như một,

Tôi sẽ đo khoảng cách bạn xa gần,

Khi giận hờn trán bạn nổi đường gân,

Tôi *pan left *(1) để tránh hình trực diện,

Tôi đợi chờ tâm tình dần biến chuyển,

Bạn mỉm cười, tôi xáp diện* zoom in *(2)

Khi bạn vui, hóm hỉnh hay dịu hiền ,

Tăng khẩu độ, tôi lấy hình *close up*(3).

Có phải đời là môi trường diễn xuất,

Nơi chúng ta cùng  đóng một vở tuồng,

Bạn và tôi, tiền cảnh hoặc hậu trường,

Đều chiếm giữ một vai trò độc đáo.

Cảnh show đời lạnh lùng hay huyên náo,

Tùy chúng ta diễn đạt tốt hay sai.

Luật xướng ngôn là cả một thiên tài,

Im phải chỗ và ngỏ lời đúng lúc.

Toàn vở  kịch hiện lên, đầy thanh- sắc,

Lúc bạn vui, diễn đạt đúng vai mình,

Không rộn ràng chói lọi tựa minh tinh,

Mà hòa  với “kép đào” đồng giai điệu.

Phải chăng đời là phim trường huyền diệu,

Kẻ đa sầu chỉ phát tiếng lâm ly.

Để chương trình bớt nặng nét sầu bi,

Tôi với bạn sẽ cười trong vở kịch,

Xóa trong tim những giận hờn thù nghịch,

Mở *boom*(4) ra, phát khúc nhạc yêu đời.

Nhiều tiếng cười yếu ớt nở trên môi

Nếu gom lại sẽ trở thành tràng pháo Tết.


Phút hân hoan vội vàng thu vào *tép* (5)

Để vang âm chuyển động mãi thật xa,

Trên băng tần xuân rộng toả bao la,

Xuân Huynh đệ là trường xuân bất diệt.

Mai Thành, kỷ niệm Xuân 1973

1/ Pan left : quay ống kính sang trái

2/ Zoom in: tăng khẩu độ ống kính để hình lớn lên

3 /Boom : micro

4/ Close up : lấy cận ảnh, để hình thêm rõ nét

5/ Tape : băng thu hình

Nguyễn Huy Hoàng biên tập


[1] Bài Viết này là một tổng hợp từ hai nguồn: bài viết “GIÁO DỤC QUA LÀN SÓNG ĐIỆN TỬ – KÝ ỨC VÀ SUY TƯ” của Soeur Mai Thành (Dòng Đức Bà) (viết theo đề nghị của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam) và những chia sẻ của Soeur vào ngày 14 tháng 9 năm 2010 với người biên tập bài viết.

[2] Trong những chia sẻ ngày 14 tháng 9 năm 2010, Soeur Mai Thành xưng hô là “Soeur”, trong bài viết này, người biên tập xin mạn phép đổi thành “tôi” cho thống nhất trong toàn bản văn.

[3] Khi cần giảng dạy chỗ này chỗ kia (về truyền hình) mà cha Quercetti bận thì ngài thường nhờ tôi đi. Ví dụ Đức cha Nha Trang muốn cha Quercetti truyền đạt cho các linh mục trong giáo phận thông điệp Inter Mirifca (giữa những điều kì diệu) về truyền thông đại chúng, tôi phải đi thay cha vì cha quá bận (vừa là giám độc trung tâm truyền hình vừa là bề trên cộng đoàn Đắc Lộ).

*Con người cha Quercetti: Cha trẻ hơn tôi nhiều ( trẻ hơn khoảng 7 hay 8 tuổi gì đấy). Ngài rất thông thạo tiếng Việt. Cha phản ứng giống người Việt lắm, và cha nghịch lắm. Có một kỉ niệm: khi chuẩn bị ăn tết, nhóm tổ chức chơi bốc quà, cha bốc được  một cái áo phụ nữ. Cha mở ra cho anh chị em coi, và cha nói để đem cái này về cho bà xã. Ông cha mà nói là đem về cho bà xã, mọi người cười quá trời. Và một điều hay hơn mà có thể kể được là: một lần tôi đi ngang phòng làm việc của cha thì thấy trên bàn có mấy viên aspirin, tôi hỏi: “cha Lục ơi, cha mệt hả?” Cha nói:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”

Đó là hai câu Kiều nói khi bị lưu đày, để diễn ta cha trót mang cái nghiệp giám đốc của trung tâm, rồi lại làm bề trên, vì thế mệt thì chẳng thể trách ai, chỉ có uống thuốc thôi.

Sau ngày giải phóng thì có mấy ông cán bộ bên trung tâm truyền hình sang để xem trung tâm Đắc Lộ đã phát sóng những chương trình gì, trung tâm tổ chức một tiệc nhỏ có ít bánh kẹo và nước uống. Tôi chọc cha: “cha ơi, trước nay làm việc mấy năm mà chưa bao giờ con được uống nước và ăn kẹo”. Cha trả lời: “con hơn cha là nhà có phúc”. (…). Cha thật thông minh, thấu triệt tiếng Việt, thuộc Kiều, Cung oán ngâm khúc.

[4] Khi quân giải phóng tiếp quản, tôi được giao cho việc đối thoại với những người có trách nhiệm bên đài truyền hình chính phủ. Một chi tiết hết sức cảm động là cha Quercetti, lúc ấy rất tha thiết ở lại Việt Nam để tiếp tục việc phục vụ giáo dục qua truyền hình nên đã nói cùng tôi: “Chị Thành ơi, ráng xin cho tôi ở lại nhé!” Tuy nhiên điều này đã không thể xảy ra được. Khi Vatican muốn có một chương trình phát thanh bằng Việt ngữ, cha về Vatican để làm việc trong chương trình này (observatore romano).

 

Kiểm tra tương tự

Phỏng vấn linh mục Đỗ Quang Chính về cuốn sách Lịch sử chữ Quốc ngữ

Tính đến nay, chữ Quốc ngữ đã có một lịch sử hình thành và phát …

Hồi sinh

  Cụ Tổ của chúng tôi đã tắt thở cách đây trên 300 năm rồi, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *