Truyện ngắn: Ầu ơ!

Mẹ xốc thằng Tí nẹo một bên hông, dáng đứng hơi ẹo về bên trái để thằng Tí lấp phần khuyết bên phải, người đu đưa, nhúng lắc cho thằng Tí nín khóc. Nó quen vậy. Cứ mỗi lần ngủ trưa dậy là nó khóc bù lu bù loa, như thể có ai đét vào cái mông nó mấy chục roi không bằng. Mẹ vất vả với nó nhất là mỗi lúc mất giờ dỗ nó như vậy.

“Ầu ơ! Dí (ví) dầu cầu dán (ván) đóng đinh. Cầu tre lắc lẽo… hò ơ! Cầu tre lắc lẽo gập ghềnh khó đi.”

Giọng của mẹ ru thằng Tí ngọt sớt. Ngọt hơn mía lùi. Nghe như mật mía rót vô bụng thằng nhỏ. Chẳng khen sao nó cứ khóc để mẹ dỗ và ru. Tôi đoán chắc là không phải nó mắc khóc, mà tại nó mắc… nghe giọng ru của mẹ. Ru tầm vài câu mà nó nghe độ ưng bụng là nó nín bặt, miệng cười sặc sụa như chưa từng… khóc. Thằng Tí lúc đó chưa biết nói, nhưng nhìn điệu khóc là ngộ ra ngay nó biết hết trọi. Nó biết mẹ thương nó, biết tôi – thằng anh hay chọc nó, biết điệu khóc để mẹ chạy lại ôm nó vào lòng, nhiều lúc tôi còn thấy nó biết… giả bộ té sấp mặt để mẹ chạy lại đỡ (mà hình như nó không biết cách giả bộ nên mỗi lần té là mỗi lần trầy da, xước thịt, khổ!)

Rõ khổ thằng Tí có mồi tinh nghịch. Nó nghịch hết chỗ này tới chỗ khác. Táy máy cái bàn rồi chuyển qua cái ghế. Mó được xấp vải vụn mẹ để dành may thảm chùi chân nó vứt lung tung, bị mẹ giật lại thì nó chuyển sang đu góc cột. Ôi! Từ dạo nó biết đi chập chững mẹ cực với nó nhiều hơn nữa. Có lần, nó xấp xa xấp xởi đi vô chái bếp, cái cà ràng mẹ nấu cơm còn đỏ than củi mới nấu dở. Mẹ vừa nhấc nồi cơm lên nhà trên. Thằng Tí chọt thẳng bàn tay non tơ vào cà ràng. Nghe tiếng khóc thé lên dưới chái, mẹ để vội nồi cơm xuống bàn, chạy xuống chái bếp. Trời! bàn tay phải của nó đỏ au vì bỏng, cái mặt sấp vô phải đống tro đen thủi đen thui, mà dở khóc dở cười. Khóc vì thương nó bị phỏng, cười vì nhìn mặt nó không chịu nổi. Nước mắt, nước mũi, nước miếng tèm lem cộng thêm tro làm khuôn mặt nó lem như ai đổ mực. Mẹ lại xốc nó lên hông, một tay cầm bàn tay phỏng của nó thổi. Miệng dỗ nín mà nó khóc hoài như thể đau lắm. Chợt nhớ thằng Tí mê điệu ru, mẹ cất giọng:

“Ầu ơ!…” nghe tới đó là thằng Tí có đà nắm. Nó biết đàng nào mẹ không dỗ nó, nên làm ngạnh khóc to một chập. Rồi im từ từ mà mỉm cười bất chợt. Trời! Phỏng mà nó làm như trò đùa. Tôi thấy nó cười liền chạy lại giỡn với nó, vô tình cầm phải bàn tay đau của nó, nó ré lên như trời sập. Khủng khiếp, tôi bỏ chạy vô kẹt bồ lúa nhìn nó khóc và nhìn mẹ dỗ nó nín.

Đêm đó nó không ngủ được. Có lẽ vết bỏng đau rát. Hồi chiều mẹ chạy qua nhà bác Sáu xin miếng mỡ trăn thoa lên vết bỏng trên tay nó. Vết bỏng chuyển từ đỏ sang bầm. May thay có mỡ trăn nên nó không bị phồng hay giộp. Nhưng mẹ biết tối nay vất vả với cu cậu này. Đúng vậy, chạng vạng nó bắt đầu khóc. Mẹ đút sữa cho nó bú, miệng lại ru ầu ơ, hai mắt nó lim dim rồi chìm vào giấc ngủ. Chập chờn chừng nửa tiếng nó giật mình, lại khóc. Cả đem hôm đó, nó cứ khóc như vậy. Hình như mẹ không chợp mắt tí nào. Sáng hôm sau, mẹ bồng thằng Tí ra chợ xã, gặp thầy Tám khám chỗ phỏng. Ông thầy Tám cầm bàn tay nó lật qua lật lại, như cố tình lấy nhón tay nhấn ngay vết phỏng, nó khóc rần rần trong tiệm ông thầy. Cầm mớ thuốc về nhà vừa thoa vừa uống, mẹ vất vả hết sức.  

Đêm đó có thuốc nên nó im hơn. Mẩm trong bụng chắc ông Tám cho nó thuốc ngủ nên nó mới chịu yên. Thuốc thoa lên làm bàn tay nó dịu mát lại giữa cái nóng rát khó chịu. Mẹ nằm kế bên nó, ngủ miên man vì đêm qua mất ngủ. Thằng Tí lâu lâu cựa quậy một chút, rồi lại ngáy o o. Hình như thuốc ngủ ông Tám cho khá hiệu nghiệm, thành thử đêm đó nó không tè dầm, cũng chẳng khóc đòi sữa. Nhưng nửa đêm mẹ giật mình thức dậy, thấy môi nó khô rang nẻ ra, mắt nó nhắm nghiền, mẹ lay nó chẳng dậy, rờ trán nóng bừng bừng. “Tí! Tí! Dậy đi con!”. Mẹ kêu tôi rọi đèn pin, mẹ xốc em bên hông chạy ra ông Tám thầy thuốc đầu xã. Hồi sáng mẹ đi đò ra chợ, tối nay mẹ con chạy cời cời trên bờ kinh, chó sủa inh ỏi. Trong bóng đêm có ánh đèn pin nho nhỏ, nhìn xa thì hai bóng người, nhìn gần thì ba bóng người đang chạy trên bờ kinh. Mẹ lay thằng Tí liên hồi: “Tí! Ráng xíu nữa nghen con! Tới thầy rồi!”

Thằng Tí bị sốt nặng. Chẳng biết có phải ông thầy cho thuốc hơi nặng đô. Hay vì thể trạng nó suy nhược đúng lúc dùng thuốc. Mẹ không để ý. Chỉ biết ông Tám đang lột đồ thằng Tí ra, đặt nằm trần trụi trên giường, lấy khăn lau người cho nó, rồi nhỏ vô miệng nó đôi ba giọt màu đen đen. Ông Tám dặn mẹ lấy muống mớm mỗi lần chút nước lạnh trên hai môi nó, vừa cho nó uống vừa làm môi nó đỡ nứt. Mẹ làm từ khuya tới sáng. Thằng Tí bớt sốt, giữa trưa hôm sau bắt đò từ xã về nhà. Thằng Tí nhìn mẹ chẳng khóc, chẳng cười, cứ đơ đơ. Nhìn nó mẹ lại áp sát mặt nó vào ngực mình, giữa bao nhiêu người trên đò, mẹ cất tiếng ru dõng dạc:

“Ầu ơ! Dí (ví) dầu dí dẫu dí dâu, dí qua dí lại dí trâu vô chuồng”. Như trúng ý, thằng Tí cười sặc sụa. Mẹ xoa đầu nó, cười mừng vì nó có phản ứng. Mẹ cười mà… rớt nước mắt.

-“Anh Hai!”

-“Gì cưng?”

-“Anh Hai kể chuyện về mẹ hay quá! Anh còn nhớ câu hát nào mà hồi còn sống mẹ hay hát không?”

-“Nhớ chớ!” Tôi trả lời.

-“Hát em nghe đi!”

Tôi tằng hắng lấy giọng, cất lên câu hát mẹ hay ru nó hồi nhỏ mà tôi nghe được mỗi khi nó quấy khóc.

-“Ầu ơ! Con chim se sẻ nó đẻ cột đình… bà ngoại đẻ má… má đẻ tụi mình em nhớ không?”

Thằng Tí bưng mặt khóc, tôi cóc đầu nó:

-“Cái thằng! Ba chục tuổi đầu mà làm như còn nhỏ!”

Nó ôm chầm lấy tôi, mếu máo:

-“Anh Hai! Em nhớ mẹ!”

Little Stream

Kiểm tra tương tự

7 cách để giúp đỡ người bạn có thai ngoài ý muốn

Tôi vẫn còn nhớ cái ngày người bạn thân của tôi báo tin cô ấy …

Hai lý do Chúa Giêsu ngủ trên thuyền giữa sóng gió

Điều Chúa Giêsu muốn làm với các môn đệ thì Người cũng muốn làm với …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *