RỚT LẠI BÊN HÈ
Chị Sáu hôn thằng Phú chùn chụt. Nước mắt nước mũi tèm lem. Thằng nhỏ mặt khờ căm nhìn chị. Trời! Mới bảy tuổi biết gì. Nó đâu biết chị Sáu sắp trở lên Sài Gòn đi làm kiếm tiền gửi về cho ngoại nuôi nó. Nó không biết lần về thăm nhà này của chị là lần sau chót nó được chứng kiến tận mắt khuôn mặt dễ thương và phúc hậu của chị.
-“Ở nhà với ngoại ngoan nghen con!”
Thằng nhỏ chỉ dòm lom lom, hai tròng mắt đỏ ngầu chứ không mở lời nào với chị. Chị trông nó “dạ!” hay “ừ!” một tiếng cũng được. Đàng này nó… im re. Chắc nó coi chị là người dưng hổng chừng. Thì người dưng nước lã họ có quen biết gì nhau đâu mà nhung với nhớ. Một năm chị về đúng dịp tết, được 3 mùng tết thì trở lên Sài Gòn đi làm. Bao nhiêu tiền nong chị gửi về cho má dưới quê nuôi thằng con tội nghiệp của mình.
Phú ra đời vào ngày mưa tầm gió tã. Ngày đó mình chị nằm trong bệnh viện, không dám nhắn tin về cho má dưới quê. Cái tiếng “chữa hoang” đủ khiến cho má lên cơn đau tim mà chết tại chỗ, nên chị sợ. Ngẫm tới đó, chị ngậm đắng nuốt cay để giữ lại đứa bé và sinh nó ra đời trong âm thầm. “Phá thai!”, người ta khuyên chị, nhưng chị bỏ ngoài tai mọi lời ác độc ấy. Tự nhủ: “Trời! Con người ta chớ có phải con chó con mèo gì đâu mà biểu bỏ là bỏ”. Chị biết đứa bé đang ngọ nguậy trong bụng mình là một con người, là kết quả bởi tình yêu của chị và người mà chị gọi là “người yêu”. Chị thương anh thiệt lòng, cho anh tất cả, cho cả cái tấm thân vàng ngọc của đời con gái, nhưng cuối cùng nhận lại là sự ngoảnh mặt biền biệt. Bạn bè thân thiết kêu ai là “kẻ bạc tình”, nhưng chị đâu nghĩ vậy. “Chắc ảnh có niềm riêng!” Thôi thì cứ thứ tha để rồi có ngày sẽ được cuộc đời tha thứ ấy mà. Mang chi hoài nỗi hận. Đặt tên đứa bé là Phúc, mang họ của chị là Trần Gia Phúc. Bồng đứa nhỏ đỏ hỏn, dễ thương trên tay dễ thương và kháu khỉnh, chị lấy bàn tay xoa gò má của con: “Thôi nha con! Phải là Phúc chứ không hận thù gì nghen con!”.
Nhưng… có một nỗi đau dằn xé, âm ỉ. Làm sao quên được khuôn mặt người thương. Dễ gì rứt bỏ mỗi tình quen biết gần chục năm trời. Vậy mà người ta bỏ đi cái rột. Bỏ đi như đổ bỏ thau nước lã bên đường chứ… chẳng phải như thau nước phông tên rửa mặt rồi hẳn đổ thì cũng đỡ. Nghĩ mà đau xé! Mỗi lần kêu “Phúc ơi!” là khuôn mặt anh – cha đứa bé lại hiển hiện mồn một. Chị đành gọi trại tên con là Phú. Hôm làm giấy khai sinh cho con, chị ghi TRẦN GIA PHÚC và để trống chỗ tên cha. Con mang họ mẹ. Kể cũng lạ, mỗi lúc lớn Phúc nhìn y như cha nó. Mới bảy tuổi đầu mà nét mặt đã hao hao như người đàn ông mà chị yêu thương. Hai cặp chân mày rậm phần giữa mà mỏng hai phía đầu và đuôi, hai cặp môi mỏng dính như ai kẻ hai đường chì, khuôn mặt dài để lộ hai gò xương cao, thêm khuôn mặt buồn buồn ít khi cười đùa lại giống anh nhiều hơn nữa. Nghe người ta biểu con nít lớn lên sẽ đổi khác, nhưng chị không mong vậy mà… cũng mong vậy. Đừng thay đổi để khi nhớ anh chị dòm con đỡ nhớ. Mong nó thay đổi nhanh nhanh mỗi khi nỗi khó chịu bùng lên. Thương vô cùng mà… dằn vặt khủng khiếp.
-“Má ơi! Con của con…”
Hôm mới đưa con về quê. Bà Hai ôm đứa nhỏ vào lòng. Nước mắt chảy ròng ròng. Nhìn con gái lom lom đang thẹn thùng cúi mặt. Mấy hổm rày xóm phong thanh tin về chị, bà Hai nghe hết trọi. Bán tín bán nghi, mà chắc tin nhiều hơn là nghi. Bởi mấy cuốc điện thoại gần đây chị gọi về cho bà nghe có vẻ là lạ. Nhiều lúc ngưng nửa chừng một hồi mới nói tiếp. Nghe tiếng con nít khóc thì chị nói: “Con nhà hàng xóm qua chơi”, mà giọng hoảng hốt. “Má đẻ con ra mà! Hổng lẽ con giấu má, có gì mà má hổng biết hả con?”. Thằng Phú ở với ngoại từ hôm đó. Thôi thì mang tiếng nuôi cháu mình, con của con gái, mà mỗi lần hỏi cha đứa nhỏ là bà Hai cười trừ, trả lời đắng ngắt: “Chết rồi!”
Ra đi chị xách đúng một chiếc túi nhẹ hều. Hôm trở về xách mấy túi toàn đựng quần áo và đồ chơi cho Phú. Chị mua hết mọi thứ để bà Hai ở nhà khỏi phải lo. Thằng Phú chỉ mê quần áo, đồ chơi. Thấy người lạ nó khóc nhưng thấy đồ chơi nó tỉnh rụi. Gần được hai ba ngày mến tay mến chân một chút thì… chị đi. Nắng chiều quạnh quẽ quá sức. Dọi xuống sân hè những mảng đỏ loét. Thằng Phú dòm theo bóng người phụ nữ lom lom. Nó cảm thấy có cái gì đó gần lắm mà cũng xa lắm. Gần như thể người phụ nữ có ruột rà với mình. Xa như thể cô ấy là người dưng nước lã. Người phụ nữ duy nhất mà nó biết gọi là “Ngoại!”, còn tiếng “Má” hay “Mẹ” nghe gượng gạo quá.
Mặt trời đỏ hồng rọi xuống sân dần nhạt. Gió chiều thoảng bay làm mát da thịt. Bà Hai ôm thằng Phú vào lòng. Hai cái đầu cao thấp trong nắng và gió chiều. Chị đã lên xe. Đã tới Sài Gòn. Khoảnh sân ấy vẫn còn vương lại hình ảnh người phụ nữ hiền lành và nhiều đau khổ. Chị ra đi vĩnh viễn vì Covid nơi đất Sài Thành. Phú quên chị rồi! Quên thiệt rồi! Nhưng dòm di ảnh… nó nhớ… người phụ nữ chiều hôm ấy. Hiên hè gió vẫn thổi, nắng vẫn dọi và… có người phụ nữ vẫn xoa đầu nó rồi nói: “Ở nhà với ngoại ngoan nghen con!”.
Little Stream