Từ bi Phật Giáo và Đức Ái Ki-tô Giáo

Đại thừa chủ trương Từ Bi vô lượng, không giới hạn số sinh linh như đối tượng, cũng không giới hạn hy sinh về phía mình : người lành thánh hay bồ tát không thể không làm hết cách để cứu mọi chúng sinh khỏi luân hồi nghiệp quả. Lại không chỉ cứu vớt thiêng liêng thôi, mà cứu vớt thể xác nữa, và đây là cho kẻ đói ăn, nâng đỡ và cứu vớt kẻ bất hạnh. Cứu vớt dù cho vì thế phải hi sinh, và đây thuộc địa hạt của Thí xả, tức Cho đi và Xả thân cứu giúp.

Quả thật, Phật giáo quen nói đến Tứ vô lượng tâm : Từ-Bi-Hỉ-Xả. Bắt đầu, Hỉ (Priti) chỉ nhắm sự an định và an lạc sâu xa, do tu tập mà thành. Còn Xả (Upeksâ) cũng chỉ là Bỏ đi, không quyến luyến, vuơng vấn (3). Thế nhưng rồi trong Đại thừa, để đi đôi với Từ và Bi, Hỉ-Xả còn đeo thêm một ý nghĩa khác nữa : Hỉ là vui vì hạnh phúc người khác được, Xả là Hi sinh mình đi như Đức Phật rời bỏ Niết bàn an lạc để xuống trần độ thế (4). Vâng, theo Đại thừa, Đức Phật không chỉ có một thân (thân thể), không chỉ có mặt ở dương gian một lần, mà vô số lần, do lòng từ bi vô lượng của Ngài.

Từ chủ trương Từ-Bi đến học thuyết về Bồ tát

Vì đề cao Từ-Bi, nên Đại thừa cũng biến Đức Phật thành một Thế tôn, nghĩa là Chúa (isvara), và Chúa ấy từ cao đang cúi nhìn xuống (ava-lokita) cõi hồng trần khốn khổ. Có lẽ đây là do ảnh hưởng của trào lưu Bhakti (sùng mến) đang thống trị Ấn Độ trong thời gian này. Vâng, theo một số học giả, thì Đại thừa phát sinh vào khoảng thế kỷ –I đến thế kỷ +II, và đây cũng là lúc xuất hiện cuốn kinh gối đầu giường của Bhakti trong Visnu-giáo, cuốn Ca tụng Đức Chúa (Bhagavad-gitâ). Bởi nhấn vào lòng thương xót của Thượng thần, tôn giáo ngành thờ Visnu đã chế tác những hình thức giáng trần (ava-târa) của Ngài, thành những “Thiên Chúa ở với chúng ta”. Thậm chí đấng ấy còn cứu trợ kẻ Ngài thương bằng “ân sủng” prasâda) nữa. Trong Phật giáo Đại thừa, “Chúa ở giữa chúng tôi” chính là các bồ tát.

Bồ tát là gì?

Bodhi là trí huệ đưa tới giác ngộ. Sattva là dương quang, cũng là sinh linh. Bodhi-sattva hay Bồ tát chính là người tuy đã giác ngộ, nhưng không muốn hưởng Niết-bàn an lạc ngay, mà ở lại trong xác phàm để cứu nhân độ thế. Sau này, người ta cũng dùng danh hiệu Bồ tát để xưng tụng một cao tăng đáng kính, thậm chí một cư sỹ (Phật tử) đạo hạnh luôn. Người ta cũng nghĩ ra lối tu bồ tát, cho cả tỳ kheo lẫn tín đồ. Tu bồ tát cho tỳ kheo thì có 58 giới, cho tín đồ có 6 giới trọng và 28 giới khinh. Tu bồ tát thì không chỉ tìm huệ trí để giác ngộ cho riêng mình, mà còn phải phát nguyện độ trì cho mọi chúng sinh nữa. Và đây là điều đáng quý ở Phật giáo Đại thừa, không chỉ Tự giác, mà còn Giác tha, phải thề mang lấy cho mình số phận hẩm hiu của hết thảy, như nói đến trong kinh Vajradvaja-sutta như sau:

-“Tôi phải mang lấy gánh nặng của mọi chúng sinh!”

Theo Đại thừa, có hằng hà những vị đắc đạo bồ tát như thế. Nổi tiếng nhất, đó là Maitreya-sattva và Avalokitesvara hay Đức Thế tôn Quán thế âm, vị từ cao nghiêng mình nhìn xuống (ava-lokita), nghe âm thanh từ dương thế khốn khổ vang vọng lên.

Vị Quan âm bồ tát này, bên Ấn Độ (và Tây Tạng nữa) đang là nam nhân, sẽ thành nữ khi sang đến Trung quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn minh Trung quốc. Theo giải thích của một học giả Tây phương, thì sở dĩ Bồ tát biến giới tính như thế, là vì bắt gặp bên nước chủ nhà một nữ thần được quảng đại quần chúng thờ bái : Phật tăng chỉ việc thuyết pháp rằng vị nữ thần nói trên chính là một trong những giáng trần thành người của Đức Quán thế âm, và thế là nữ thần biến thành Phật bà Quan âm luôn. Theo tôi, cũng rất có thể chẳng có nữ thần nào cả, nhưng vì Bồ tát quán thế âm hiền từ quá, nên ngày càng hiển thị thành mẹ trước mắt người Trung quốc vốn không quá trọng nam như người Ấn.

Một khi Quan âm đã thành Phật bà Quan âm như thế, Ngài dễ được quảng đại quần chúng mến thương thờ phụng. Y như thần mẫu Durgâ bên Ấn và Đức Maria trong Công giáo chúng ta. Riêng bên Việt Nam, Phật bà còn “nhập thể” thành Quan Âm Thị Kính đã chịu tiếng oan để làm mẹ một đứa trẻ bị bỏ rơi.

Quan âm bồ tát được nói đến trong rất nhiều kinh Đại thừa, trong đó có kinh Thủ lăng nghiêm, kinh Diệu pháp liên hoa, kinh Địa tạng… Trong những kinh này, Ngài hiển thị với rất nhiều thân (xác), để dù người hay ma quỷ, ai cầu Ngài thế nào cũng được Ngài cứu độ hay giúp tai qua nạn khỏi.

Bồ tát, như một thứ “Chúa ở cùng chúng ta” như thế xem ra rất gần gũi với mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể của KTG, và Từ bi Đại thừa cũng gần gũi với Đức Ai của chúng ta.

Đức Ái KTG

Nếu Phật giáo Đại thừa nhấn vào Từ-Bi như dharma hay căn bản của họ, thì KTG cũng nhấn vào Đức Ái như nền tảng của Đạo khi mà Thiên Chúa đã được thánh Gioan phát hiện là Tình yêu :”Theos agapê estin” (1Gio.4.8).

Thật ra, người thường ai nấy đều nghĩ: quan trọng nhất đối với chúng ta là đức Tin, và đức Tin này có đối tượng là những chân lý, -cụ thể hơn-, những tín điều (dogma). Có điều đức tin không thể cứu nếu không đi đôi với việc làm (Giac. 2.18-26), và đây là “đức tin nó thành hành động bởi đức Ai” (Gal.5.6), bởi lý do Tin mà không Ai chỉ là vô ích (1Cor.13.2), cũng như nói tiếng thiên thần mà không yêu thương cũng chỉ vang như tiếng thanh la trống rỗng (1Cor.13.1). Ngoài ra, trên Trời thì Tín hay Vọng chẳng đóng vai trò gì, mà duy nhất chỉ còn Mến yêu thôi (1Cor.13.13,8).

Hơn nữa, Tin theo đúng nghĩa Thánh kinh, dù CƯ hay TƯ, đều là nương tựa vào bản thân Thiên Chúa, cũng như Vọng là nương tựa vào lời hứa của Ngài, và đó là tín nhiệm. Để rồi mức cao của sự tín nhiệm ấy sẽ là phó thác, buông mình trong vòng tay yêu thương của Ngài. Vâng, cái đích mà tín vọng phải tiến tới chính là yêu mến vậy.

Tình yêu đối với Thiên Chúa luôn có hệ luận (corollaire) của nó là tinh yêu đối với đồng loại, khiến cho ngay từ trong Cựu Ước, mọi khoản luật đã quy hết về mến Chúa yêu người rồi (Mt.22.40) (5) . Trong Tân Ước, mến Chúa và yêu người không còn phải hai luật nữa, nhưng hai mặt của một lệnh duy nhất Chúa để lại cho chúng ta (Gio.13.34), đến nỗi ai không yêu anh em thì cũng không yêu Thiên Chúa, không có sự sống Thiên Chúa trong mình (1Gio.4.7-8, 12,16, 20-21).

Quả thật đức Ai vô cùng quan trọng, nhất là khi nó đã tỏ hiện nơi Thiên Chúa thành người, một Thiên Chúa yêu đến chịu chết vì ta, lại yêu ta trước nữa, yêu ngay khi ta còn là kẻ ác, kẻ thù của Ngài, chẳng có gì đáng yêu, mà chỉ đáng ghét thôi: một tình yêu không lý giải nổi! Kinh nghiệm cả một đời về tình yêu ấy, được sáng soi từ bên trên, “môn đồ mà Thầy yêu” đã làm một phát hiện lớn :”Thiên Chúa là Tình yêu”. Vâng, không phải Ngài chỉ yêu và yêu đến vô tận, một cách dị thường, mà Ngài là chính sự Yêu thương, bản chất là Yêu thương, thế thôi. Để rồi mai ngày trên Thiên quốc, hạnh phúc của tôi cũng không là gì khác ngoài yêu thương, được nên một với Đấng là Yêu thương. Để rồi ngày nay, dù mới chỉ thấy Thiên Chúa qua tấm gương (1Cor.13.12), các huyền nghiệm nhân như Tiên sa Avila đã ngất ngây vì say yêu, đến nỗi khát Chúa như không chịu nổi, đến nỗi chỉ cần nghĩ đến Ngài là xuất thần ngay, đến nỗi chỉ cần một ý tưởng chưa thể chết ngay để về với Ngài là như bị xuyên suốt bởi một mũi tên lửa, đau không chịu nổi (Lâu đài bên trong, cung 6, ch.XI).

Kiểm tra tương tự

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” sẽ mang đến cho bạn niềm hân hoan Phục Sinh trong tích tắc

Bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, tương truyền kể lại rằng lời kinh “Lạy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *