Từ bi Phật Giáo và Đức Ái Ki-tô Giáo

Với kinh nghiệm về Thiên Chúa và về Đức Ai như thế, Tiên sa Avila hiểu ngay rằng luyện ngục chẳng cần thứ lửa nào cả, ngoài lửa Đức Ai nó thiêu đốt mãnh liệt trong sự khát Chúa, khát yêu không gì thỏa mãn được (sđd., cung 6, ch.XI). Chính tình yêu và khát yêu thiêng liêng ấy sẽ thanh lọc đến tận cùng, cho hết những ham muốn vị kỷ, sự tự ái và tìm mình của chúng ta.

Vì thiên đường chẳng qua là Thiên Chúa và sự kết hiệp trong yêu thương say đắm với Ngài, nên Thiên đường đã manh nha ngay hôm nay, trong đáy tâm hồn của chúng ta khi chúng ta sống trong ân sủng Chúa. Quả vậy, ân sủng không phải là món quà bên cạnh Chúa : ân sủng là chính Thiên Chúa mà ta đang kết hiệp với trong cõi vô thức của hồn ta. Bởi lẽ ân sủng chính là sự thông ban chính mình của Chúa cho ta, thành của ta, do đó đây là ân sủng vô tạo (increata gratia), còn mặt thụ tạo (creata gratia) của ân sủng là chính hồn ta được thiên chúa hóa, có khả năng tiếp nhận Thiên Chúa trong yêu thương, và đây là những đức thiên phú quen gọi Tín-Vọng-Ai (6).

Quả thật, ở bề tối sâu vô thức, tôi đang gặp gỡ TC, đang nương tựa vào Ngài trong Tín-Vọng-Ai. Có điều đây mới chỉ là sự bắt đầu trong mầm mống. Tôi phải học hỏi và sống Tin mừng bên ngoài, thì rồi Tín-Vọng-Ai kia mới tỏ hiện dần trong cuộc sống và hành động của tôi, khiến do đó ân sủng cũng lớn lên. Khi các đức thiên phú hiện thể ra ngoài như thế, thì đây là Sống nghiệm huyền ẩn đức tin (mystique expérientielle de foi): tôi đang được thánh hóa dần trong đức Ai, bởi đức Ai.

Nên thánh với tác động từ trong bởi đức Ai, với cố gắng của tôi trong sự trợ giúp của Thánh Thần, thì sự đức hạnh ấy mới chỉ là thủ đắc (vertu acquise) với rất nhiều khiếm khuyết của nó. Để hoàn thiện sự thanh lọc và đức hạnh ấy, Thánh Thần và đức Ai thiên phú phải vào cuộc trực tiếp. Khi Thánh Thần vào cuộc trực tiếp như vậy, thì vì chưa quen, nên sáng thành tối : tức Đêm tối theo từ vựng Gioan Thánh giá. Và sốt sắng khi ấy cũng biến thành khô khan một cách rất kỳ dị. Để rồi khi đã quen với ánh sáng và sức nóng mới, hồn sẽ hưởng một hạnh phúc như chưa bao giờ biết đến, khiến vì say yêu Chúa quá bội, khát Chúa muôn vàn, người ta vừa sướng vừa cực kỳ đau khổ trong cái mà Tiên sa Avila gọi là Mũi tên lửa (7) . Đây mới chỉ là Nếm trước hạnh phúc vô song của Thiên quốc, ở đó chỉ còn Đức Ai thống trị : người ta ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và sự đáng kính mến của Thiên Chúa, khiến tất cả chỉ còn là say yêu và chúc tụng trong yêu thương.

Sự thánh thiện thiên phú và niềm an lạc sâu xa ấy đang diễn ra tràn lan trong các tâm hồn kể từ khi Chúa Thánh Thần giáng hiện. Vâng, cả muôn ngàn người đã và đang thành thánh để nói lên giữa trời đất rằng có một Thiên Chúa đã thành người, đã chịu chết vì ta để biến ta thành thần, thành con Thiên Chúa. Thánh KTG, đó là những con người được tinh luyện trong Đức Ai và cháy lửa Đức Ai, khiến họ chỉ còn biết theo chân Chúa Giêsu liều thân đi cứu giúp mọi người. Và đây là Maximilianô Kolbê dâng mình chết thay cho một người trong trại tập trung Đức quốc xã. Đây là Gioan Thiên Chúa hiến cả cuộc đời chăm lo cho kẻ bệnh tật, là Phêrô Claver bênh đỡ kẻ nô lệ như người thân, là Đamiêng thành cùi để sống với anh em phong cùi, là Mẹ Tiên sa Calcutta đón về nhà những kẻ sắp chết gặp ở lề đường để họ tìm được tình thương và một mái ấm trong những giờ phút sau hết, là Phan sinh Xaviê bất chấp bệnh tật và nguy cơ chết rũ tù, đến nằm chờ ở cửa ngõ Trung Quốc, hầu có thể đem Tin mừng và Tình yêu Thiên Chúa đến cho phần lớn dân chúng Á châu.

Vâng, thánh đúng KTG là những “bồ tát” đúng nghĩa, không thánh cho riêng mình, mà thánh vì mọi người theo gương Đấng đã đến giữa loài người chúng ta để chia sẻ cho họ quyền làm con Thiên Chúa với Ngài. KTG đúng là đạo Tình yêu khi mà chính Thiên Chúa đã là Tình yêu do bản chất. Quả Thiên Chúa là Yêu thương do bản chất khi mà để yêu thương thì Thiên Chúa phải là hai, ba cái Tôi được xướng lên để có yêu thương thiêng liêng, và sự hiến dâng toàn vẹn đến nỗi ba cái Tôi thành Một hoàn toàn ở tận gốc: thành một thể ngay ở gốc, tức một bản thể.

Nếu KTG là đạo Tình yêu, thì yêu đúng KTG phải là thế nào đây? Và nhờ đâu để có được thứ tình đó?

Để có thứ tình yêu vị tha hoàn toàn đó, tôi phải được cải biến từ gốc đến ngọn. Ân sủng đến với tôi khi mà Thánh Thần được sai đến trong tôi để la lên : Abba, Cha (Rom.8.15). Nơi Đức Giêsu tôi trở thành con Cha cũng là nơi tôi tiếp nhận Tình yêu (đức Ai) Đức Kytô để yêu Cha và yêu anh em mình trong Cha : không có yêu Chúa nếu không yêu anh em; yêu Chúa và yêu anh em chỉ là hai mặt của tình yêu thiêng liêng thôi! Yêu thiêng liêng, nghĩa là yêu theo Thần khí và yêu bời Thần khí Chúa. Và cũng là yêu vì Chúa và trong (nơi) Chúa luôn. Chẳng có gì giống với một đam mê thường phàm cả!

Dẫu thế, đây vẫn là tình yêu của một con người có thần có thịt, và do đó có trái tim. Và một tình yêu sâu xa sẽ “mạnh như sự chết”, khiến người ta có thể rời bỏ tất cả để dấn thân dù vào nơi nguy hiểm nhất vì anh em, như các thánh tử đạo Bắc Mỹ đã làm.

Thật ra, yêu theo cách KTG thì không cần từ bỏ tình cảm tự nhiên, như tình mẹ đối với con thơ hay tình trai gái đối với nhau, mà chỉ cần thanh lọc trong tinh thần Phúc âm, trong hướng đi Vì Chúa, thế thôi. Và đây là một Monica vượt biển tìm con ở Milanô để đưa con trở về với Sự thật, một Marie de l’Incarnation dù yêu con trai thắm thiết (như thư từ sau này nói lên) vẫn rời bỏ con thơ để theo ơn gọi Ursulines, để rồi khi con đã lớn lại rời xa hơn nữa để mang Tin mừng đến người da đỏ mãi tận chân trời xa, bên Tân thế giới. Tình cảm thì vẫn tự nhiên với dòng lệ nhớ thương bất tận, mà vẫn siêu nhiên khi người ta dám vượt lên trên tự nhiên để đi theo tiếng Chúa gọi hoặc để tìm một lợi ích thiêng liêng hơn cho người mình yêu mến.

Thế thì phải chăng Đức Ai KTG khác hẳn Từ-Bi Phật giáo vốn đặt nền trên Bình đẳng, nghĩa là không phân biệt thân sơ, mà gồm chung tất cả trong yêu thương?

Thật ra trong Kytô-giáo, vẫn có một nguyên tắc Bình đẳng nào đó làm nền cho hiếu nhân, và đây là Thiên Chúa vốn làm mưa trên cả kẻ ác lẫn người lành (Mt.5.45), đây là lệnh phải chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình, làm ơn cho kẻ làm hại mình (Lc.6.27-28). Nghĩa là phải coi hết thảy chúng nhân, bất kể lành ác, bạn thù, là anh chị em trong Chúa và hết lòng yêu thương họ.

Sau khi đã đối xử “bình đẳng” như thế rồi, tôi có thể quan tâm hơn đến những ai mà theo quan hệ tự nhiên, tôi có bổn phận chăm lo đến một cách đặc biệt. Thế rồi, dù yêu ai chăng nữa, hãy luôn nhớ phải yêu trong Chúa, vì Chúa, và yêu bằng Đức Ai Chúa Kytô, chứ không chỉ ngả theo khuynh hướng tự nhiên của tôi. Và đó chính là thập giá của yêu thương KTG vậy!

Tình yêu mà như thế thì gọi là tình yêu thiêng liêng, yêu theo Thần khí. Để hiểu yêu thiêng liêng hay theo Thần khí là thế nào, hãy nhìn nó từ đỉnh siêu cao, nơi Thiên Chúa.

Kiểm tra tương tự

Sự ra đi của Mẹ Maria: Niềm tin thời Giáo phụ và Trung cổ

Tháng Tám được đánh dấu bằng lễ trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, …

Sự thinh lặng của Thiên Chúa – Kỳ 3: Mặc khải về một bức tranh rộng lớn hơn

Sự thinh lặng của Thiên Chúa và mầu nhiệm Nhập Thể   Quan điểm nhập …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *