Tự dưng rơi

Thi thoảng mẹ tôi hay chảy nước mắt, tôi hỏi mẹ: “Mẹ có chuyện gì sao?”

Mẹ bảo: “Mắt mẹ già tự dưng nó thế”.

Hồi còn nhỏ, tôi vẫn ngây thơ tin đó là sự thật. Nước mắt con người ta, đôi khi rơi vì chẳng có lý do gì, nó thích thì nó rơi.
Vào một ngày trời rất mưa, tôi chào gia đình để đi nhập học đại học ở Thủ đô. Đó là lần đầu tiên xa nhà của tôi. Mẹ thương, nên khóc suốt buổi, mẹ khóc nên tôi cảm giác đi mà cứ nặng lòng. Cũng đến giờ ra xe đi, tôi chào cha. Tự dưng cha úp mặt vào tường mà khóc nức nở, khoảnh khắc đó có cái gì vỡ ra trong tôi và tôi khóc, nước mắt cứ chảy ra không ngừng được. Tôi và cha khắc tính nhau từ khi còn rất nhỏ, tôi không có nhiều ấn tượng đẹp về cha, mãi cho đến cái giây phút đó! Tự dưng tôi thấy thương cha, thương mẹ mà lại không biết phải làm thế nào! Những giọt nước mắt lúc ấy có lẽ đã nói thay cho tình cảm của tôi, bởi với tôi dù có đánh đập, khổ sở hay đau đớn kiểu gì thì tôi vẫn không rơi được một giọt nước mắt nào. Từ giây phút đó mãi đến sau này, nhiều lúc: tự dưng nước mắt tôi rơi.

Tuổi trẻ xa nhà, tôi chẳng bận tâm phải chờ ai và cũng chẳng có ai đợi cơm tôi nữa. Tôi rong ruổi trên những vùng đất mới, gặp gỡ và quen biết với nhiều người. Thế giới bên ngoài cho tôi nhiều trải nghiệm và lạ lẫm. Tôi sống trọn vẹn những năm tháng sinh viên cùng đam mê mà tôi theo đuổi. Nhớ không nhầm thì có khi nửa kỳ học tôi mới gọi về nhà một lần, và mỗi lần gọi về thì có khi phải chờ để nghe giọng mẹ, mẹ tôi tính hay rơi nước mắt…! Giờ nghĩ lại tôi thấy thương mẹ, thương gia đình nhiều hơn. Có lẽ trong đời, có nhiều cảm xúc tự dưng đến như vậy.

Khi đã tìm được bến đỗ của cuộc đời, sống chậm lại, lặng hơn trầm hơn con người ta dễ xúc động hơn với những điều nhỏ bé. Như trong lời tựa của Rừng Na-uy mà Haruki Murakami đã viết: “Ký ức khi đã trưởng thành thường cũng chỉ xúc động vì những điều giản dị”. Có lẽ điều đó đúng với tôi lúc này. Sài gòn- một chiều mưa.

Mọi thứ đến và đi trong đời đều có những cách thức và lý do riêng của nó, có nhiều điều chúng ta không biết hoặc chưa biết, có lẽ cần thêm trải nghiệm và khám phá để hiểu, để sống. Đặc biệt là bản thân mỗi người, cần có cái nhìn, cái hiểu đúng để chúng ta không lầm đường lạc lối, không phóng chiếu, thù oán hay gây đau khổ cho ta và cho người.

Như chúng ta biết thì mưa là một hiện tượng tự nhiên, xảy ra do sự ngưng tụ của hơi nước trên bầu trời, dưới dạng những đám mây, khi gặp điều kiện lạnh, tạo thành giọt nước, nặng hơn không khí, và rơi xuống mặt đất, tạo thành những cơn mưa. 

Mưa và nước mắt là những hiện tượng thuộc về tự nhiên, thể lý rất dễ nhận thấy, nhưng sâu xa của chúng đều là những tác động có thể lý giải được.

Có lẽ mẹ khóc nhiều bởi sự ngây thơ, thiếu thấu hiểu của tôi, cũng như sự vô tâm có phần thiếu trách nhiệm của cha. Xét cho cùng đó có lẽ cũng là hệ quả cho những dồn nén tình cảm của mẹ bấy lâu nay- trong cuộc sống, những giọt nước mắt đã xoa dịu mẹ thay cho tôi cũng như cả cha tôi. Nếu như niềm vui là một động lực, thì nỗi buồn, nước mắt của mẹ có một năng lượng khác, năng lượng của hòa giải và chữa lành. Nó giống như Tình yêu của mẹ dành cho tôi, yêu thương không chỉ là ngọt ngào, vỗ về mà còn có cả “roi vọt” nữa. Và tôi hiểu rằng, những khoảnh khắc tự dưng của mẹ đều có một lý do riêng nào đó, mà tôi chưa hiểu hết.

Khi nhìn về những biến cố đau thương trong đời, cư sĩ Lưu Đình Long viết trong cuốn “Như mây thong dong” rằng: “Em à, âu đó cũng là nhân duyên, hay như người ta thường nói là chính “tạo hóa sắp bày” để em phải đối mặt với điều đó. Nếu đó là “tạo hóa” thì “tạo hóa thật trớ trêu” phải không em? Còn nếu nói về nhân duyên thì đó là nghịch duyên trên bước đường em đi, biết là khó khăn và đau đớn để vượt qua đó, nhưng không sao, rồi cũng sẽ qua, vì vô thường- nỗi đau hay buồn tủi nào rồi cũng lắng xuống theo thời gian, bằng cách nào đó”.

Đó là một trong những cách tiếp cận và xoa dịu nỗi đau trên triết lý của triết học Phật giáo: “vô thường”. Luật vô thường do các nhà sáng lập tôn giáo nêu ra đều có liên quan đến luật Nhân quả, chúng không thể tách rời nhau được, bởi vì không có vật gì trong thế giới hiện tượng có thể tồn tại mà không do các nguyên nhân khác hợp lại thành.

Có lẽ đó là một trong những lý giải cho những hiện tượng tự dưng đến trong đời. Đối với một số người, một số chuyện thì như vậy là đủ, nhưng cuộc đời mà! Có nhiều người, nhiều chuyện không đơn giản như cách xoa dịu-áp chế, hay phóng chiếu như vậy được!

Người ta nói thời gian là liều thuốc tốt nhất để chữa lành mọi vết thương, nhưng riêng bản thân tôi lại không nghĩ như vậy. Có những vết thương trong đời, muốn mất đi, quên đi là chuyện không thể. Có nhiều chuyện, nhiều việc…xảy ra là đã xảy ra, nó đã xảy ra và không bao giờ mất đi. Vết thương là vết thương, đau khổ là đau khổ, bi kịch chính là bi kịch…Chúng ta có thể chết về thể lý sau đó được chôn đi, thân xác cũng từ đó mục rữa theo thời gian. Nhưng tâm lý, tình cảm, cảm xúc của chúng ta thì chúng ta không thể chôn sống nó được, hay nói cách khác “càng chôn nó càng sống” nó có cách thực hoạt động của riêng nó.

Trong vùng vô thức của mỗi người thì nó vẫn tồn tại, rất sống động và sẵn sàng “sống lại” bất cứ lúc nào có dịp. Theo như nhà phân tâm học Sigmund Freud thì Tâm trí vô thức là một kho chứa cảm xúc, suy nghĩ, sự thôi thúc và ký ức nằm ngoài nhận thức ý thức của chúng ta. Chúng còn là những ký ức bị dồn nén xuống, những sang chấn tâm lý, kinh nghiệm đau buồn nặng nề… được lắng động lại và bị đẩy vào vùng vô thức.

Khi rơi vào trạng thái vô thức, điều khó khăn có lẽ là việc nhận diện chính mình. Người ta loay hoay, đau khổ trong chính một vòng luẩn quẩn tự mình tạo ra, càng giãy dụa lại càng sa lầy.

Có lẽ có những người, những chuyện  chỉ là để lắng nghe mà thôi, bởi vì ngay cả bản thân tôi nhiều lúc cũng phải chiến đấu với chính mình thì làm gì để có thể giúp đỡ được ai! Một người bạn tâm sự với tôi rất nhiều về cuộc sống của bạn, bạn viết cho tôi: Hiện tại trái tim mình đang đau, rất đau. “Bạn đã từng đau đến tưởng chừng chết đi được chưa?” Chỉ cần nghĩ đến nổi đau ấy thôi là nước mắt lại lăn dài trên má. Mình cũng từng ngày, từng ngày làm dịu nổi đau bằng cách cầu nguyện…
Mình quyết định sẻ chia cùng bạn những đớn đau từ con tim rạn vỡ buốt giá mà không chờ đợi hồi âm. Mình sợ làm phiền người khác, vô tình hay cố ý; Mình cũng sợ ai đó chạm vào vết thương hoặc những điều rất riêng mà chỉ mổi mình cùng không gian cô tịch. Thế nhưng khi nhận đươc sự đồng hành, ủi an động viên từ Que Diêm mình khóc rất nhiều. Điều đó không nằm trong lập trình cuộc sống của mình…

Cuộc sống sẽ có lúc chính ta phải đối diện với những câu chuyện như vậy, họ càng buông bỏ thì lại càng bị buộc chặt vào, khi họ càng chiến đấu bao nhiêu thì lại càng tạo thêm cho vấn đề đó một nguồn năng lượng mới bấy nhiêu. Năng lượng sinh ra trong quá trình chiến đấu nó cũng nhiều như năng lượng vốn sẵn có của vấn đề đó. Thế mà ta lại không hiểu, sân si thêm nặng lòng.

Mỗi một người đều có một cơ chế tự vệ riêng, như Sigmund Freud đã đề cập thì chúng ta cần làm thăng hoa nó, chuyển đổi những thúc đẩy từ bên trong, những điều không chấp nhận được thành những thúc đẩy tích cực có thể chấp nhận được. Điều này cũng được thánh Inhaxio nói đến trong Linh thao, khi muốn từ bỏ một tật xấu thì ta phải tập một nhân đức tốt để bù vào.
Có lẽ một trong hành trình để nhận hiểu bản thân, hiểu cái bên trong của những giây phút bốc đồng, tự dưng đó là quá trình “đón nhận” các biến cố xảy đến với mình. Khi chúng ta càng chống trả thì chúng ta lại càng cho nó sức mạnh. Chúng ta cần dừng lại và chấp nhận, từ đó đi đến hiểu chúng. Chỉ cần hiểu thì tự khắc ta-nó cùng thay đổi.

Khi đời sống của chúng ta có sự nhận hiểu, nó sẽ đi đến một quá trình ý thức, điều gì bạn ý thức được thì bạn sẽ làm chủ được, điều gì bạn không ý thức được thì bạn bị nó làm chủ, nó cũng giống như những giây phút “vô thức- tự dưng” không hiểu chuyện gì đang xảy ra vậy. Và cuối cùng, là chúng ta sống đời sống của chúng ta, ta nhận định nó đúng thì nó đúng. Nếu chưa đúng, sau này nhận thức mới hơn tự dưng nó sẽ đúng. Chỉ mình ta biết, ta hiểu là được, ai khác: nói gì hành xử ra sao không còn quan trọng nữa.

Sigmund Freud đã cho chúng ta một nhận định: “Làm sao đạt tới sự nhận diện vô thức? Dĩ nhiên, chúng ta chỉ có thể biết nó như biết ý thức, một khi nó đã bị đổi chỗ hay được chuyển thể sang ý thức. Công việc phân tâm giúp chúng tôi mỗi ngày kinh nghiệm có thể làm được việc chuyển thể như thế”. Theo linh đạo mà tôi đang theo đuổi, tôi thấy trong hành trình sống của mỗi người có lẽ là quá trình nhận định, xét mình, hồi tâm, đọc lại ngày sống mỗi ngày…là một quá trình nhận diện từ vô thức đến ý thức. Và tôi tin với những thói quen và nếp sống như vậy sẽ khiến chúng ta nhạy bén, tinh tế, thức tỉnh hơn giữa nhiều biến cố của chính mình. Trong cuộc sống đầy vội vã này.

Tết đang về và mùa xuân đang đến, sẽ có rất nhiều giây phút tự dưng đến! Tôi, bạn và nhiều người nữa. Trong niềm tin đó, hãy cùng chúc nhau sống một cuộc đời thật tử tế và phẩm hạnh với tha nhân và với chính mình. Như Thánh Phao-lô tông đồ trong thư gửi các tín hữu Ga-lát đã viết: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Với ý hướng ngay lành và sự bình tâm, chúng ta cùng chúc cho nhau nên trọn trong Đức Ki-tô.

que diêm
[email protected]

Kiểm tra tương tự

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Khóa học: “Tìm hiểu tông huấn niềm vui tình yêu ”

Bạn thân mến! Ai trong chúng ta đều xuất thân từ một gia đình. Dù …

Một bình luận

  1. Nguyễn Đức Mỹ Hương

    Đọc bài Tự dưng rơi, nước mắt của tôi Tự dưng rơi. Cảm ơn Chúa Thánh Thần đã cho con đọc được bài này vào lúc này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *