Từ Khartoum đến Juba*

“Nếu được tự do lựa chọn, người Sudan sẽ tìm ra một hình thái hiến pháp có thể vượt qua những mâu thuẫn và đấu tranh, mà vẫn tôn trọng những nét riêng cụ thể của mỗi cộng đồng một cách thích đáng”.

“Vào lúc này khó mà không nghĩ đến mọi lời cầu nguyện và những khổ đau của những người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột triền miên trên vùng đất này, nhất là ở miền Nam. Rất nhiều người trong anh chị em đã từ miền Nam đến đây, bây giờ mất nhà cửa, phải sống tha hương vì chiến tranh. Nỗi khổ đau vô bờ của hàng triệu nạn nhân vô tội thúc giục tôi nói lên tình liên đới của tôi với những người yếu kém và không có khả năng tự vệ; họ đang kêu nài Chúa, xin Người trợ giúp, đoái ban công lý, cho người khác tôn trọng phẩm giá làm người của họ vốn được Chúa ban, tôn trọng quyền con người cơ bản của họ, xin được tự do để tin và thực hành đức tin mà không sợ bị phân biệt đối xử. Tôi thiết tha hy vọng rằng tiếng nói của tôi đến được với anh chị em ở miền Nam”.

“Những luồng gió của sự đổi thay đang thổi ở châu Phi đòi hỏi đổi mới cấu trúc của tổ chức kinh tế và chính trị, cấu trúc thực sự tôn trọng phẩm giá con người và quyền con người”.

Đó là ngày 10 tháng Hai năm 1993 ở Khartoum và Đức Gioan Phaolô II đã kết thúc một ngày căng thẳng khác thường tại đây. Với lòng dũng cảm phi thường cố hữu, ngài nói đến các đề tài gây xúc động về công lý và tự do trước sự hiện diện của chính quyền và được vô số người Công giáo Sudan chào đón cuồng nhiệt, phần lớn là những người từ miền Nam, chạy trốn khỏi một cuộc nội chiến khốc liệt không có kết thúc. Đã 18 năm, khoảng 2 triệu người đã chết và 4 triệu người rời bỏ quê hương, nhưng hiện nay đã có hy vọng rằng cuộc chiến đã thực sự chấm dứt và quốc gia mới Cộng hòa Nam Sudan –được tuyệt đại đa số người dân Sudan tán thành– có thể bắt đầu một chương mới trong hòa bình. Các đại diện của Đức giáo hoàng và của Tổng thư ký Liên hợp quốc, các giám mục của nhiều quốc gia và các nguyên thủ quốc gia đã cùng hiện diện tại Juba trong ngày Cộng hòa Nam Sudan tuyên bố độc lập.

Dù vẫn có những nguồn tài nguyên, nhưng khởi đầu Nam Sudan vẫn còn là một trong những nước nghèo nhất thế giới và sẽ phải đối mặt với những vấn đề rất khó khăn cho sự thống nhất nội bộ. Nhưng người dân Sudan vẫn hy vọng –và tất cả chúng ta cũng hy vọng– có thể xây dựng một tương lai tự do và hòa bình. Sức sống kỳ diệu và phi thường của người dân Sudan –bùng nổ đêm hôm đó ở Khartoum với Đức Gioan Phaolô II– vẫn chưa cạn, nhưng để phát triển mạnh, cần có sự liên đới về mặt quốc tế và về phía Giáo hội một cách mạnh mẽ và cụ thể. Chúng ta không thể để cho họ thất vọng.

Lm. Federico Lombardi, S.J.

 

 

–––––––––––––––––
*Juba là thủ đô của nước Cộng hòa Nam Sudan mới thành lập, được tách ra khỏi Sudan ngày 09-07-2011 vừa qua. Khartoum là thủ đô của Sudan.
Tháng Hai 1993, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến Khartoum trong chuyến tông du một tuần đến hai nước Benin, Uganda và Khartoum.
Đây là bài xã luận của cha Federico Lombardi, giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh, giám đốc Đài phát thanh Vatican và giám đốc Trung tâm truyền hình Vatican, đăng trên trang mạng của Đài.
Các trích dẫn lời của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II trong bài xã luận lấy ở các diễn văn tại Khartoum.
Huy Hoàng chuyển ngữ
Theo: WHĐ

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *