Từ ngạc nhiên đến chiêm ngắm theo tinh thần Laudato si’

 

Thông điệp Laudato sì của Đức giáo hoàng Phanxicô được ban hành trong một bối cảnh xã hội phức tạp về nhiều vấn đề, nhất là vấn đề “người nghèo và trái đất đang than khóc”. Tầm ảnh hưởng của các vấn đề được bàn tới và các giải pháp đưa ra trong thông điệp, sau hơn 5 năm ban hành đã, đang và sẽ đem lại nhiều niềm hy vọng qua “chương trình hành động Laudato sì” hướng tới “sự bền vững toàn diện” về việc bảo tồn trái đất, căn nhà chung của nhân loại.

Trong “tuần lễ Laudato sì”, được tổ chức từ ngày 16 đến 25 tháng 05 năm 2021, nhằm bế mạc Năm thánh Kỷ niệm 5 năm thông điệp Laudato sì được ban hành, từ sứ điệp qua một video công bố vào ngày 25 tháng 05, Đức giáo hoàng Phanxicô vui mừng công bố “chương trình hành động Laudato sì” với thời gian 7 năm. Ngài nói rằng: “Hôm nay, tôi vui mừng loan báo rằng năm Laudato sì dẫn tới một dự án hành động cụ thể, chương trình hành động Laudato sì, một hành trình dài bảy năm, trong đó các cộng đồng của chúng ta dấn thân bằng nhiều cách, để hoàn toàn trở thành bền vững, trong tinh thần sinh thái toàn diện. Vì thế, tôi mời gọi tất cả hãy cùng tiến bước trên con đường này, đặc biệt tôi hướng đến bảy thực tại này là: gia đình – các giáo xứ và giáo phận – trường học và đại học – các nhà thương – các công xưởng và nông trại – các tổ chức, các nhóm và phong trào – các dòng tu. Cùng nhau làm việc. Chỉ như thế chúng ta mới có thể kiến tạo tương lai như chúng ta muốn: một thế giới bao gồm hơn, huynh đệ, an bình và lâu bền hơn”.[1]

Hưởng ứng lời mời gọi này của Đức giáo hoàng Phanxicô, góp phần nhỏ bé và gợi lên ý thức cụ thể cho việc công bố “Tin mừng của công trình sáng tạo”, nhằm hướng tới một viễn tượng xây dựng sự hài hòa giữa thiên nhiên với con người trong môi trường mình đang được ủy thác. Bởi đó, khởi đi từ “lời cầu nguyện cho trái đất của chúng ta” được đặt sau những suy tư của thông điệp Laudato sì, chúng ta cảm thấy được mời gọi thực hiện hai hành động cụ thể mà hầu như tóm lược toàn bộ suy tư và giải pháp của Laudato sì đó là: “ngạc nhiên và chiêm ngắm”. Thật vậy, từ “ngạc nhiên” đến “chiêm ngắm” công trình tạo dựng tuyệt diệu của Thiên Chúa qua từng sự vật trong hoàn vũ như là một tiến trình hoán cải nội tâm sâu xa, để cùng với muôn loài thụ tạo vang lên lời ngợi khen Thiên Chúa: Laudato sì – Hãy chúc tụng Chúa!

 

1. Từ ngạc nhiên…

Lật mở trang đầu tiên của thông điệp Laudato sì, điều thú vị và gây ngạc nhiên cho chúng ta là hình ảnh thánh Phanxicô Assisi, con người hèn mọn nhất trong những người hèn mọn, lại một lần nữa được Đức Thánh Cha lấy làm nguồn hứng khởi cho sứ điệp Tin mừng của mình trong thời đại mới. Một vị thánh có thể nói là đã “cũ thời” và rất xa xăm với chúng ta, nhưng những di sản thiêng liêng của ngài có tầm nhìn vượt thời gian. Nếu khám phá con đường thần bí nơi ngài, chúng ta còn bắt gặp nhiều điều ngạc nhiên từ cuộc sống bình dị, nghèo khó, đơn sơ và hèn mọn nhưng chứa đựng một kho tàng thiên linh nhiệm mầu.

Hoán cải là con đường yêu thích của thánh Phanxicô Assisi. Trong mỗi nhịp sống của mình, ơn hoán cải đối với ngài như một ân sủng quý giá nhất. Hoán cải là một tiến trình lâu dài, và thời gian đó càng lâu chúng ta càng ngạc nhiên trước những việc kỳ diệu Thiên Chúa làm. Bởi đó, cái thuở ban đầu, sau những ngày bệnh nặng, dù còn hoang mang trước những nẻo đường rộng mở, ngài đã cảm nhận được điều này khi vươn mình nhảy nhót trên những cánh đồng mênh mông ngoại thành Assisi. Và từ đó, ngài ngạc nhiên với tất cả công trình tạo dựng, và nhất là ngài ngỡ ngàng với sự đổi thay trong tâm hồn mình. Có thể nói, đời hoán cải của ngài được bắt đầu từ việc kinh ngạc trước cảnh vật thiên nhiên, nơi mọi cỏ cây hoa lá muôn màu trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói rằng: “Sự hoà hợp mà thánh Phanxicô Assisi kinh nghiệm được với tất cả mọi loài thụ tạo được xem như sự chữa lành cho nỗi đoạn tuyệt ấy. Thánh Bônaventura cho rằng thông qua sự hoà giải hoàn vũ với mọi loài thụ tạo, thánh Phanxicô một cách nào đó đã trở lại tình trạng vô tội nguyên thuỷ”[2].

Đức giáo hoàng Phanxicô, con người nhảy bén và tinh tế, trước tình cảnh thế giới đang khủng hoảng về nhân phẩm con người và môi trường trái đất ngày càng bị phá hũy. Hai vấn đề lớn, người nghèo và trái đất, đang cấp thiết phải được bảo vệ và hồi sinh trong cái gọi là “hoán cải môi sinh” qua một nền linh đạo được cất dấu nơi con người hèn mọn xưa kia quá lâu. Để tái khám phá điều này, Đức giáo hoàng Phanxicô đã lấy lời đầu tiên trong “bài ca tạo vật” của thánh Phanxicô Assisi để khởi động cho một tầm nhìn và một chương trình hành động vì tương lai cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Thật ra, Laudato sì trong “bài ca tạo vật”, là lời ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa. Suốt cuộc đời hoán cải, vào những năm cuối đời, thánh Phanxicô Assisi mới viết bài ca này. Tuy nhiên, tinh thần ngợi khen chúc tụng này nơi ngài là cả một kinh nghiệm lâu dài trên suốt hành trình “ngạc nhiêm và chiêm ngắm” bởi muôn điều thiện hảo Thiên Chúa làm nơi vũ trụ bao la. Bởi đó, ngài ngợi khen vì Thiên Chúa tạo dựng muôn loài và con người trong vũ trụ này thật tuyệt đẹp. Trong “bài ca tạo vật”, thánh nhân đã lặp đi lặp lại lời chúc tụng Thiên Chúa là Cha chí ái khi chiêm ngắm mọi loài tinh tú muôn trùng cao cả:

“Lạy Chúa tôi, tôi ngợi khen Chúa,

Vì Chúa dựng Mẹ đất chúng tôi,

Mẹ bồng bế, mẹ dưỡng nuôi,

Mẹ sinh hoa đồng cỏ nội,

Và bốn mùa sinh trái đẹp tươi.”[3]

Thành thử, với sự ngạc nhiên trước công trình tạo dựng của Thiên Chúa, thánh Phanxicô Assisi đã không ngần ngại gọi các tạo vật và tinh tú là anh là chị: anh Mặt trời và chị Mặt trăng, anh Mây ngàn và chị Nước trong trắng đầy vơi, anh Lửa giữa đêm tối sáng soi, mẹ Đất sinh hoa đồng cỏ nội bốn mùa hoa trái đẹp tươi. Ngay cả cái chết, ngài cũng gọi là chị chết: “Lạy Chúa tôi, tôi ngợi khen Chúa, vì Chúa dựng chị Chết chúng tôi”.

Như vậy, có thể nói cuộc đời hoán cải của “người nghèo thành Assisi” gắn liền với sự ngạc nhiên và chiêm ngưỡng muôn loài tạo vật trong vũ trụ này. Ngài đã khám phá ra Thiên Chúa với muôn điều thiện hảo nơi các thụ tạo bé nhỏ trong trời đất. Qua các tạo vật, ngài ca ngợi, chúc tụng và nhìn nhận uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa. Bởi đó, ngài yêu quý thiên nhiên, thân thiện với mọi loài và với khả năng nhỏ bé của mình, ngài nỗ lực để bảo vệ công trình sáng tạo nơi trái đất này. Với tinh thần đó, ngài đã hoán cải chính mình và hoán cải biết bao người; bênh cạnh đó, ngài còn hoán cải những con vật hung dữ như chú chó thành Gubbiô hãm hại nhiều người[4]. Suốt cuộc đời, ngài luôn bận tâm về “bà chúa nghèo” và “mối tình với thiên nhiên” để làm vinh danh Thiên Chúa.

Từ cuộc đời hoán cải của thánh nhân, Đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta: “Khi gợi nhớ mẫu gương sáng ngời của thánh Phanxicô Assisi, chúng ta ý thức rằng mối tương quan lành mạnh với tạo thành là một chiều kích hoán cải cá nhân toàn diện, bao gồm cả việc nhận biết những sai lầm, tội lỗi, khuyết điểm và thất bại của chúng ta, phải đi tới sám hối chân thành và khao khát thay đổi.”[5] Như thế, ngạc nhiên trước muôn vạn hữu trong vũ trụ này là ơn gọi hoán cải con người toàn diện. Điều này giúp chúng ta chăm sóc cảnh vật, ngôi nhà, căn phòng, mọi vật và tôn trọng phẩm giá con người, nhất là người nghèo xung quanh chúng ta với tình liên giao chúc tụng Thiên Chúa cao vời và với lòng biến đổi sâu xa.

Sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp của vạn hữu biểu đạt một con người nội tâm và một đức tin vững vàng. Thật vậy, “ngỡ ngàng trước ngọn núi hùng vĩ, một người không thể tách lìa kinh nghiệm này khỏi Thiên Chúa, người đó quy hướng kinh nghiệm thán phục nội tâm về Thiên Chúa: Ngọn núi thật cao, thật hùng vĩ, bao la, uy nghi, tươi đẹp, sáng láng và toả hương, đó là món quà của Người Yêu dành cho tôi”[6]. Trong bài giáo huấn giờ đọc Kinh truyền tin ngày 02 tháng 02 năm 2021, Đức giáo hoàng Phanxicô đã cảnh báo sự thờ ơ sẽ làm cho đức tin và đời sống chúng ta xa rời nhau, ngài nói rằng: “Những người tin này được bao bọc trong sự ngạc nhiên, bởi vì họ để cho mình được bắt lấy và can dự vào các sự kiện xảy ra trước mắt họ. Khả năng ngạc nhiên về những điều xung quanh chúng ta thúc đẩy kinh nghiệm tôn giáo và làm cho cuộc gặp gỡ với Chúa đơm hoa kết trái. Trái lại, không có khả năng ngạc nhiên khiến chúng ta thờ ơ và xẻ rộng khoảng cách giữa hành trình đức tin và cuộc sống hàng ngày.[7]

Chính vì thế, sự nhảy bén và ngạc nhiên trước mọi loài thu tạo là một khả năng đem lại bình an nội tâm cho con người. Sự tìm kiếm bình an và niềm vui không thể tồn tại trong một tâm hồn dửng dưng và vô cảm trước vẻ đẹp của vũ trụ. Lòng khắc khoải tìm kiếm bình an và niềm vui ấy được phô diễn trong lối sống quân bình và mối tương quan với muôn tạo vật trong sự ngỡ ngàng. Vậy thì, “bình an nội tâm có liên hệ gần gũi với việc chăm sóc sinh thái và thiện ích chung, vì khi sống cách đúng đắn, sự bình an được phản chiếu trong một lối sống quân bình cùng với khả năng biết kinh ngạc giúp chúng ta hiểu sâu hơn về đời sống”[8].

Ơn bình an nội tâm với khả năng ngạc nhiên trước công trình tạo dựng của Thiên Chúa, giúp chúng ta đối diện với vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa trong chính Vương Quốc tuyệt hảo của Ngài. Sự sống vĩnh cửu Thiên Chúa muốn dành cho chúng ta và cho cả vũ trụ này trong sự biến đổi nơi Đức Giêsu: “Ta sẽ đổi mới mọi sự”(Kh 21, 15). Bởi vậy, “sự sống vĩnh cửu sẽ là một trải nghiệm chung về sự kinh ngạc, trong đó mỗi thụ tạo được biến đổi huy hoàng, sẽ có được vị trí đúng nhất và có điều gì đó để trao ban cho những người nghèo khó cuối cùng đã được giải thoát mãi mãi.[9]

2. …Đến chiêm ngắm

Nếu thánh Phanxicô Assisi, con người của sự ngạc nhiên trước muôn trùng vẻ đẹp của thiên nhiên, thì hẳn ngài cũng là con người chìm sâu trong sự chiêm ngắm công trình thụ tạo của Thiên Chúa. Kinh nghiệm ấy chẳng thể rời ngài trong mọi phút giây của cuộc đời hoán cải. Đối với ngài, hoán cải là chiêm ngắm chính khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc đời và mọi vật xung quanh; từ đó, để Thiên Chúa biến đổi mình. Vào những năm cuối đời, 14.09.1224, khi ở trên núi Lavecna, ngài đã chiêm ngắm vẻ đẹp muôn vật trên đỉnh núi ấy bằng một tâm hồn khát khao cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa. Những ngày chiêm ngưỡng tình yêu ấy đã đốt cháy tâm hồn của ngài, và ngài than thở với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Chúa, trước lúc qua khỏi đời này, con chỉ xin Chúa ban cho con hai ơn: một là, xin Chúa ban cho tâm hồn con cũng như thể xác con cảm thông hết nỗi đớn đau thê thảm Chúa đã chịu trong giờ phút tử nạn; hai là, xưa kia khi Chúa tử nạn, Chúa yêu loài người tội lỗi chúng con đến độ nào, thì xin cho lòng con cũng được yêu Chúa đến độ ấy”[10].

Tâm hồn đầy nghệ thuật chiêm ngưỡng ấy đã giúp ngài đạt được ước mong, chính Chúa đã ghi ấn năm dấu đinh trên thân thể ngài. Như thế, lòng khát khao ôm trọn cả tạo thành trong sự chiêm ngắm công trình cứu chuộc nơi Chúa Giêsu đã làm cho thánh nhân đạt tới như là mẫu gương biết đặt “thuộc lòng” đời mình nơi Đấng là: “Vì trong Người, muôn vật được tạo thành” (Cl 1,16). Do vậy, khuôn mẫu nghệ thuật để thánh Phanxicô Assisi chiêm ngắm muôn tạo vật chính là Đức Giêsu, Thiên Chúa đã “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14).

Đọc toàn thông điệp Laudato sì, chúng ta thấy Đức giáo hoàng Phanxicô diễn tả hành vi chiêm ngắm vẻ đẹp của muôn tạo vật được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Nếu tính riêng hạn từ “chiêm ngắm” thì được lặp lại 16 lần; còn những từ đồng nghĩa hay diễn tả cùng một nội dung ấy thì lên đến khoảng 50 lần. Như thế, việc bảo vệ môi trường và hồi sinh trái đất bị tàn phá được khởi đi từ tâm hồn biết chiêm ngắm vẻ đẹp công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Đó là thái độ nội tâm đầu tiên để đi đến các suy tư và giải pháp khác cho “chương trình hành động Laudato sì”. Như vậy, thái độ chiêm ngắm vẻ đẹp tạo thành được Đức Giáo Hoàng, trong buổi tiếp kiến chung tại sân Damaso vào sáng thứ Tư 16 tháng 9, gọi là “nghệ thuật chiêm ngắm công trình sáng tạo”. Theo tinh thần Laudato sì, nghệ thuật ấy khai mở cho chúng ta những chiều kích nào?

Chiêm ngắm vẻ đẹp của vũ trụ vạn hữu trong tính nội tại của nó, là lời mời gọi trở về với căn tính của mọi thực tại được Thiên Chúa yêu thương trao ban. Sự thật của một bông hoa không do chính lý trí chúng ta minh định, mà sự thật ấy nằm ngay trong chính nội tại của nó. Khám phá sự phong phú và vẻ đẹp của bông hoa nhờ việc chiêm ngắm của chúng ta qua sự hướng dẫn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Bởi đó, vũ trụ bao la là cuốn sách khổng lồ Thiên Chúa nắn nót viết từng trang quý giá, “những dòng chữ của cuốn sách ấy là vô số những vật được tạo thành hiện diện trong vũ trụ”. Chính vì vậy, “chiêm ngắm công trình sáng tạo giúp chúng ta khám phá trong mỗi sự vật một giáo huấn mà Thiên Chúa muốn trao cho chúng ta, vì “đối với người tin, chiêm ngắm công trình sáng tạo là lắng nghe một thông điệp, một tiếng nói trái ngược và thầm lặng”[11].

Khám phá tính nội tại của sự vật là chiêm ngắm món quà Thiên Chúa ban với lòng biết ơn sâu xa: “khi chúng ta chiêm ngắm vũ trụ vĩ đại và tươi đẹp, chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi”[12]. Nhờ vậy, thúc đậy chúng ta “phục hồi chiều kích chiêm ngắm, nghĩa là nhìn trái đất, thiên nhiên như một món quà chứ không phải là thứ để khai thác vì lợi ích của tôi”. Thành thử, chiêm ngắm là vượt qua sự hữu ích của một sự vật để khám phá ra giá trị nội tại của mỗi sự vật được Thiên Chúa ban cho chúng. Từ đó, chúng ta dễ dàng nhận ra dấu vết của Thiên Chúa trong mọi tạo vật mà chúng ta chiêm ngắm hằng ngày. Bởi rằng, trong mọi tạo vật đều mang một chiều kích biểu tượng có tính bí tích đưa chúng ta trở về với Đấng Tạo Hóa và hiệp thông với các loài thụ tạo. Với kinh nghiệm của mình, thánh Inhaxiô thành Loyola, mời gọi chúng ta thực hành việc chăm ngắm này: “Chiêm niệm để đạt tới tình yêu”, nghĩa là nhìn xem Thiên Chúa ngắm nhìn các thụ tạo của Người như thế nào và vui mừng với chúng; là khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong các thụ tạo của Người, với sự tự do và ân sủng, để yêu thương và chăm sóc chúng”[13].

Thu tạo chiêm ngắm thu tạo, nghĩa là con người chiêm ngắm muôn vật được Thiên Chúa sáng tạo và ủy thác cho con người chăm sóc, canh giữ (St 3, 15). Chiêm ngắm từ góc độ con người cũng là thụ tạo để “chúng ta hiểu hơn tầm quan trọng và ý nghĩa của mỗi thụ tạo nếu chúng ta chiêm ngắm nó trong toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa. Như sách Giáo Lý dạy: Thiên Chúa muốn sự phụ thuộc lẫn nhau của các thụ tạo. Mặt trời và mặt trăng, cây bách tùng và bông hoa nhỏ, đại bàng và chim sẻ: khung cảnh tráng lệ của sự đa dạng vô số và sự bất bình đẳng của chúng nói cho chúng ta biết rằng không có thụ tạo nào là tự đủ. Các thụ tạo tồn tại trong sự lệ thuộc vào nhau, để hoàn thiện lẫn nhau, phục vụ lẫn nhau”[14]

Con người chiêm ngắm các thụ tạo khác như là một cách chiêm ngắm chính mình. Bởi rằng, chiêm ngắm cái ở bên ngoài mình là chúng ta đang thực hiện hành trình nội tâm để chiêm ngắm chính mình. Tiếp trong lời giáo huấn tại sân Damaso vào sáng thứ Tư 16 tháng 9, Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhớ chúng ta:“Ai không biết chiêm ngắm thiên nhiên, và công trình sáng tạo thì không biết chiêm ngắm con người trong sự phong phú của chính họ… Đây là một quy luật phổ quát. Nếu bạn không biết chiêm ngắm thiên nhiên, bạn sẽ rất khó biết được cách chiêm ngắm con người, vẻ đẹp của con người, chiêm ngắm anh chị em.”[15] Chúng ta có thể nói rằng “cùng với việc mạc khải chính danh được chứa đựng trong Kinh Thánh, có một sự thần hiện trong ánh sáng chói lọi của mặt trời và sự buông xuống của màn đêm”. Chú ý đến biểu hiện này, chúng ta học cách nhìn thấy chính mình trong tương quan với tất cả mọi loài thụ tạo khác:“Tôi diễn tả chính mình khi diễn tả thế giới; trong nỗ lực đọc ra được sự thánh thiêng của thế giới, tôi khám phá chính bản thân mình”[16].

Khám phá Thiên Chúa trong mọi sự qua việc chiêm ngắm Thiên Chúa trong toàn thể vũ trụ với vẻ đẹp muôn loài. Thiên Chúa là sự thiện hảo tuyệt đối, và Ngài sáng tạo mọi sự từ hư vô cũng mang phẩm tính của Ngài tùy theo loại. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp (St 1, 31). Mọi loài thụ tạo đều biểu đạt sự huy hoàng của Thiên Chúa trong chính bản thân mình và biểu lộ trong tính khả tri của nó. Do đó, chiêm ngắm giúp chúng ta nhận ra mỗi sinh vật phản chiếu sự khôn ngoan và tình yêu vô cùng của Chúa. Thật vậy, “vũ trụ mở ra trong Thiên Chúa, Người sẽ đem nó đến thành toàn. Vì vậy, có ý nghĩa nhiệm mầu trong từng chiếc lá, trên vách núi, trong giọt sương, trên khuôn mặt của người nghèo. Lý tưởng không phải chỉ là vượt qua bên ngoài đi vào nội tâm để khám phá hành động của Thiên Chúa trong tâm hồn, nhưng còn là khám phá Thiên Chúa trong mọi sự. Thánh Bônaventura dạy rằng “Thái độ chiêm ngắm giúp chúng ta ngày càng đào sâu những cảm nghiệm về tác động của ân sủng Chúa trong tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta học biết gặp gỡ Chúa trong những thụ tạo bên ngoài chúng ta”.[17]

Đọc Tin mừng, chúng ta thấy những lời giáo huấn của Chúa Giêsu được cụ thể hóa nơi những kinh nghiệm với muôn loài tạo vật như: chim chóc, bông hoa ngoài đồng, hạt giống mục nát mới sinh bông hạt, lúa chín đầy đồng, cỏ lùng trong ruộng lúa, cây cải nhỏ bé nhưng khi lớn lên làm nơi ẩn nương của chim trời…và với nhiều dụ ngôn khác. Như thế, Chúa Giêsu là người rất gần gũi với thiên nhiên, thân thiện vời mọi loài và quý mến sự chăm sóc và gieo trồng. Đó là kinh nghiệm thực tế của Ngài ở làng quê nghèo Nazareth; và để có những kinh nghiệm như thế, hẳn là Ngài cũng học cách chiêm ngắm tất cả những gì diễn ra nơi các tạo vật ngang qua cuộc sống vất vả mỗi ngày. Đặc biệt hơn, Ngài hiểu được kế hoạch và công trình của Chúa Cha trên muôn loài thụ tạo và yêu quý tất cả những gì thuộc về Cha. Chính vì thế, “Chúa Giêsu mời gọi mọi người chú ý đến vẻ đẹp vốn có trong thế giới này vì chính Ngài không ngừng chạm đến thiên nhiên, chú ý đến nó cách trìu mến và thán phục. Khi đi ngang qua một vùng đất, Ngài thường dừng lại để chiêm ngắm vẻ đẹp được Cha gieo trồng và mời gọi các môn đệ tiếp nhận một thông điệp thánh thiêng trong mọi sự.”[18] Những bông hoa ngoài đồng và những cánh chim trời mà Ngài đã chiêm ngắm giờ đây được mặc lấy sự hiện diện đầy vẻ uy linh của Ngài.[19]

Một lần nữa, chúng ta trở lại với thánh Phanxicô Assisi, khi chiêm ngắm mọi loài thụ tạo, ngài trân trọng và nâng niu, ngài vui mừng và hớn hở, ngài nhảy nhót và ca múa, ngài chúc tụng và tạ ơn… Tâm hồn của ngài như hòa quyện với thiên nhiên và muôn tạo vật, để mời gọi tất cả mọi loài cùng với ngài chúc tụng, vì Thiên Chúa đã tạo dựng mọi loài trong vũ trụ với muôn vẻ đẹp rạng ngời và tốt lành. Sự phong phú trong chính mọi loài thụ tạo là sự phong phú của tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Thật vậy, Đức giáo hoàng Phanxicô đã đọc lại lời khuyên của thánh Bônaventura, một tu sĩ dòng Phan sinh lỗi lạc, thế này: “Vị Thánh dòng Phanxicô dạy chúng ta rằng mỗi loài thụ tạo có cấu trúc cụ thể theo khuôn mẫu Ba Ngôi, hiển nhiên đến nỗi con người có thể chiêm ngắm bất cứ lúc nào nếu cái nhìn của con người đừng quá nửa vời, tăm tối và mỏng manh. Theo đó, ngài thách đố chúng ta phải nỗ lực đọc thực tại bằng chìa khoá Ba Ngôi.”[20]

Thế nên, học cách chiêm ngắm tạo vật trong chiều kích Ba Ngôi là học cách khám phá tình yêu Thiên Chúa quan phòng mọi tạo vật Người đã tạo thành và hoàn tất trong ngày Cánh chung. Khởi đi từ công trình Sáng tạo đến công trình Cứu chuộc và hoàn tất trong ngày Quang lâm, Ba Ngôi là nguyên lý tình yêu duy nhất hành động nơi mọi loài tạo vật. Thật rằng: “Chúa Cha là nguồn mạch tối hậu của mọi sự, là nền tảng yêu thương và thông truyền của tất cả mọi sự đang hiện hữu. Chúa Con, phản chiếu hình ảnh Chúa Cha, nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành, đã hội nhập vào trái đất này khi Ngài được thành hình trong cung lòng Mẹ Maria. Thánh Thần, mối liên kết vô biên của tình yêu, đang hiện diện thiết thân trong trung tâm của vũ hoàn, Ngài khơi dậy và mở ra những nẻo đường mới. Vũ hoàn được tác tạo bởi Ba Ngôi hành động như một nguyên lý thánh thiêng duy nhất, mỗi ngôi vị thực hiện công việc chung này theo bản chất riêng biệt.[21]

Tiến trình từ “ngạc nhiên” đến “chiêm ngắm” vẻ đẹp của muôn tạo vật Chúa tác thành, không gì tuyệt vời hơn bằng tâm tình qua “lời cầu nguyện của người Kitô hữu trong sự hiệp nhất với thụ tạo”: “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, cộng đoàn tuyệt hảo của tình yêu vô biên, xin dạy chúng con biết chiêm ngắm Ngài, trong vẻ đẹp của vũ hoàn, và trong mọi sự đang loan báo về Ngài”.

3. Hãy chúc tụng Chúa!

Khi ý thức và thực hành tiến trình từ “ngạc nhiên” đến “chiêm ngắm” vẻ đẹp của vạn hữu tạo thành trong tâm hồn và những biểu hiện bên ngoài của chúng ta, thì một năng lực sẽ giúp chúng ta hành động cách năng động để “chăm sóc và tái phục hồi” những vết thương mà trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta đang riên siết. Đó là tinh thần “Laudato sì” – “Hãy chúc tụng Chúa”, một cách trọn vẹn và đầy ý nghĩa nhất.

Thật vậy, chăm sóc là quy tắc vàng của bản tính loài người chúng ta, và nó mang đến sức khỏe và hy vọng[22]. Nhận định này của Đức giáo hoàng Phanxicô thật là tuyệt vời, vì nó trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của chúng ta khi bảo vệ trái đất và muôn loài trong vũ trụ này. Tác động để gợi hứng cho quy tắc này đến từ việc chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp của tạo vật. Muốn thay đổi cách sống, hay nói khác đi, muốn hoán cải chính mình để sử dụng và bảo vệ thiên nhiên, chúng ta phải thực hành việc chiêm ngắm và nhảy bén cách sâu xa với mọi cảnh huống xung quanh mình. Đạt được điều này, chúng ta đang làm một “chương trình hành động Laudato sì” cho riêng mình và góp phần xây dựng hài hòa “cuộc sống con người dựa trên ba mối tương quan căn bản có liên hệ mật thiết với nhau: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân và tương quan với trái đất”[23].

Tâm hồn “ngạc nhiên và chiêm ngắm” sẽ đem lại cho chúng ta sự bình an, tĩnh lặng và nhẹ nhàng trước mọi tạo vật. Chúng ta không cảm thấy phải chiếm hữu, không có nhu cầu để tham lam, không cần toan tính để giành giật, không bám víu để lệ thuộc và tất cả hoàn toàn thong dong với muôn tạo vật. Lúc đó, lòng trí chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa nơi các tạo vật, trổi trang một nhu cầu và lòng khoa khát cùng muôn tạo vật tôn thờ Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của sự hiệp nhất tạo thành: “Khi chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa phản chiếu trong tất cả mọi sự đang hiện hữu, tâm hồn chúng ta được thôi thúc để chúc tụng Thiên Chúa vì tất cả mọi thụ tạo và hiệp nhất với chúng để thờ phượng Người”[24].

Laudato sì – Hãy chúc tụng Chúa! Lời ngợi khen đầy xác tín của chúng ta khi đứng trước công trình tạo dựng của Thiên Chúa, biết “ngạc nhiên và chiêm ngắm” những chiều kích “chân thiện mỹ” của Ngài ngang qua các tạo vật thiên hình vạn trạng trong vũ trụ. Thật vậy, lời ngợi khen “tôn vinh và tôn đức” dành Thiên Chúa muôn trùng cao cả ấy, giúp chúng ta làm một cuộc hoán cải lòng mình trước nỗi đau khổ của người nghèo và sự tổn thương của trái đất: Những người anh em nghèo nhất của chúng ta và đất mẹ than thở về những thiệt hại và bất công mà chúng ta đã gây ra, và yêu cầu chúng ta một cách sống khác. Họ yêu cầu chúng hoán cải, thay đổi con đường: chăm sóc cho cả trái đất, cho thiên nhiên”[25]. Học nơi thánh Phanxicô Assisi, trên nẻo đường hoán cải con người và phục hồi sự tổn thương của mẹ đất, chúng ta hãy “dâng trả tất cả mọi sự tốt lành về cho Thiên Chúa”, Đấng là uyên nguyên của mọi sự tạo thành và là nguyên lý của cuộc sáng tạo mới.

Phan Hiếu

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

[1] https://vietnamese.rvasia.org/đức-giáo-hoàng/đức-thánh-cha-thông-báo-chương-trình-bảy-năm-laudato-sì

[2] LS, số 66.

[3] Antôn và Một nhóm Anh em, Hạnh Thánh Phanxicô Assisi, NXB Tôn giáo, tr 343.

[4] Sđd, tr 198.

[5] LS, số 218.

[6] LS, số 234.

[7] https://www.vaticannews.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-02/kinh-truyen-tin-0202-di-chuyen-va-ngac-nhien.html

[8] LS, số 225.

[9] LS, số 243.

[10] Antôn và Một nhóm Anh em, Hạnh Thánh Phanxicô Assisi, NXB Tôn giáo, tr 332.

[11] LS, số 85.

[12] LS, số 238.

[13] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-laudato-si-thien-nhien-trai-dat.html

[14] LS, số 86.

[15] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-laudato-si-thien-nhien-trai-dat.html

[16] LS, số 85.

[17] LS, số 233.

[18] LS, số 97.

[19] LS, số 100.

[20] LS, số 239.

[21] LS, số 238.

[22] x. LS, số 70.

[23] LS, số 66.

[24] LS, số 87.

[25] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-laudato-si-thien-nhien-trai-dat.html

Kiểm tra tương tự

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Một bình luận

  1. Rất thích ! Khi chiêm ngắm thiên nhiên vạn vật mới thấy nguồn gốc quá vĩ đại của con người.
    Cám ơn tác giả Phan Hiếu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *