Từ nội tâm hóa đến cuộc biến đổi

Mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm trong việc đưa thức ăn từ bên ngoài vào bên trong để nhờ đó, chúng biến thành chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể, đời sống thể lý. Cũng vậy, trong đời sống tinh thần, chúng ta chắt lọc và chọn lựa những gì liên quan đến con người, sự kiện… và tìm ra một ý nghĩa thiết thân nào đó làm dưỡng chất cho đời sống tinh thần. Tiến trình từ bên ngoài vào trong nội tâm đó được chúng ta ý thức sẽ tạo nên một cuộc nội tâm hóa hầu biến đổi toàn diện con người. Có thể nói, không cuộc biến đổi ngoạn mục nào lại không khởi đi từ chính nội tâm của chúng ta mà phần lớn nó lại chịu tác động từ những gì đơn sơ và nhỏ bé trong đời thường, đến nỗi nhiều lần chúng ta đã phớt lờ hay phủ nhận sự hiện hữu của chúng: một tiếng chuông báo tử, một lời nói đến từ tha nhân, một câu lời Chúa, một cuốn sách… Chúng có thể làm thay đổi một tư duy, một sứ vụ, ngay cả một ơn gọi.

Một tiếng chuông báo tử trong cuộc đưa rước một ai đó đến nơi an nghỉ cuối cùng sẽ tan vào không gian vô định nhưng nó lại có thể là tiếng vang trong tâm hồn một người nhạy bén như John Donne, một thi sĩ Kitô giáo người Anh, thuộc thế kỷ XVII. Thật vậy, khi ông nghe tiếng chuông báo tử của một người trong làng, nó lại vang vọng bên trong như báo một cái chết của chính ông. Đây là một cuộc nội tâm hóa làm thay đổi một hệ tư tưởng của ông trước đây. Có hai biểu hiện của cuộc biến đổi mà chúng ta có thể quan sát thấy nơi ông: sống trọn vẹn giây phút hiện tại và đồng cảm với niềm đau nỗi khổ của mọi người. Tất cả được gói gém trong câu nói bất hủ nay trở thành một câu ngạn ngữ trong tiếng anh: “No man is an island”, không ai là một hòn đảo. Quả thật, khi ý thức sự giới hạn của bản thân, ông đã mở ra với huyền nhiệm của tha nhân vì ông ý thức rõ mình không phải là một hòn đảo cô độc. Để được thế, ông chỉ cần mở “đôi tai lòng” lắng nghe một tiếng chuông báo tử của tha nhân.

Cũng có một cuộc thay đổi khác sâu xa và thiết thực hơn, không phải một hệ tư tưởng nhưng là một sứ vụ, chúng khởi đi từ một lời nói đến từ tha nhân.

Đầu tháng 10 năm 1962, chiếc phi cơ hàng không Panam (Mỹ), chở mấy trăm Giám mục người Mỹ đi họp Công Đồng chung Vatican II. Trong hai cô tiếp viên hàng không phục vụ hành khách, có một cô kiều diễm tuyệt vời. Đức Cha Fulton Sheen, Tổng Giám Mục giáo phận New York đồng thời là một nhà văn và một nhà hùng biện nổi tiếng Nước Mỹ, đã lưu ý đến sắc đẹp của cô tiếp viên này.

Thế rồi, khi phi cơ hạ cánh, hai cô đứng bên cửa xuống cầu thang chào từ biệt. Đến lượt Đức Cha Fulton Sheen, người ta thấy ngài ghé vào tai cô tiếp viên xinh đẹp kia mà nói nhỏ một câu gì không ai nghe được.

Bốn tháng sau, cô chiêu đãi viên xinh đẹp ấy tìm đến gặp Đức Cha Fulton Sheen:

– Thưa Đức Cha, Đức Cha còn nhớ con là ai không ?”

– Tôi còn nhớ lắm, Đức Cha đáp, Cô là tiếp viên trên chiếc hàng không đưa chúng tôi đến Rôma.

– Nhưng Đức Cha còn nhớ Đức Cha đã nói gì với con không?

– Tôi đã nói: có khi nào cô đã tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho cô sắc đẹp tuyệt vời không ?

– Thưa Đức Cha, chính vì câu hỏi đó mà hôm nay con đến hầu chuyện Đức Cha. Đức Cha nghĩ con phải làm gì để tạ ơn Chúa?

Trước câu hỏi đột ngột, Đức Cha Fulton Sheen lúng túng không biết trả lời làm sao. Ngài trấn tĩnh, chấp tay lên ngực, rồi ngước mắt lên trời như thể xin ơn soi sáng. Trong chốc lát, ngài nói:

– Cha vừa mới được một tin từ Việt Nam: Đức Cha Jean Cassaigne, một người Pháp đang là Giám Mục giáo phận Sài Gòn, đã xin từ chức để đi phục vụ một trại phong cùi ở miền núi Di Linh – Lâm Đồng. Những người phong cùi ở đó khốn khổ lắm con ạ! Họ đang chờ cái chết đến với họ. Vậy theo ý cha, cách tạ ơn Chúa đẹp lòng Ngài hơn cả và có ý nghĩa hơn cả là con hãy hy sinh một thời gian, đem nụ cười xinh tươi, đem tiếng nói dịu dàng, đem duyên sắc mặn mà của con để an ủi họ.

Mặt cô tiếp viên tái dần đi. Cô đứng lặng yên trong chốc lát. Đột nhiên cô cúi đầu tạm biệt không nói một lời. Nhưng đầu năm 1963, đài phát thanh cũng như báo chí ở Sài Gòn loan tin: “Một nữ tiếp viên rất xinh đẹp của hãng hàng không Panam tình nguyện đến Di Linh – Lâm Đồng để sống với những người phong cùi trong sáu tháng”.

Một lời nói chói tai đã khiến cô tiếp viên tái mặt, không ngăn nổi cơn cảm xúc của mình nhưng đã trở thành chất liệu cho một sự thay đổi trong sứ vụ vì cô đã nội tâm hóa nó khi để cho lời ấy chất vấn chính mình, và đồng thời phó thác cho ân sủng biến đổi bản thân.

Nếu như cuộc thay đổi về sứ vụ được diễn tiến trong một thời gian nhất định thì cuộc biến đổi trong ơn gọi sẽ bền vững và triệt để hơn. Đó là ơn gọi của thánh Antôn, vị ẩn sĩ. Thật vậy, đã bao lần thánh nhân nghe lời mời gọi của Chúa : Hãy bán tất cả mọi sự và đến theo Ta. Lần này, nhờ sự tác động của ân sủng, thánh nhân thực hiện một cuộc nội tâm hóa, nghĩa là lời Chúa nói đó không phải cho ai khác mà là chính tôi. Thế là, ngài quyết định bán tất cả mọi sự và gởi người em gái cho các trinh nữ để thực hiện một cuộc tìm Chúa trong sa mạc. Quả thật, ơn gọi khởi đi từ một lời mời gọi đến từ Chúa và sự đáp trả của thiện nhân. Có thế, cuộc biến đổi này sẽ được đồng hóa với cuộc hoán cải thiêng liêng mà mọi kitô hữu được mời gọi thực hiện trong cuộc đời mình.

Cũng có thể, cuộc thay đổi nội tâm lại khởi đi từ việc tiếp xúc một cuốn sách nào đó. Chúng ta thường chịu cám dỗ khi tiếp cận những cuốn sách nhằm nâng cao đời sống tri thức. Điều này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi về mặt lý tính chưa được cảm hóa bằng con tim. Thật vậy, tri thức của con người có thể làm thỏa mãn những cái đầu siêu phàm xét về mặt lý luận và lý tưởng, chỉ khi nào độc giả tìm thấy bản thân trong từng trang sách. Nói cách khác, chúng ta biết nội tâm hóa những thông điệp  như một sự tương tác hữu hiệu giữa tác giả và độc giả, khi ấy sẽ tạo nên một trạng thái năng động, một cuộc biến đổi từ bên trong. Kinh nghiệm này đã được thánh Inhaxiô Loyola viết lại trong một tác phẩm của ngài. Đúng thế, khi nằm dưỡng thương trong một cuộc chiến, thánh nhân đã tiếp xúc với tác phẩm Hạnh các thánh ; từ đó, Inhaxiô đã tìm gặp mình trong gương của các thánh và thốt lên : Điều thánh Phanxicô và thánh Đaminh thực hiện được, sao tôi không thực hiện được ? Đây là khởi đầu cho cuộc hành trình biến đổi nội tâm mà sau này thánh nhân đã chia sẻ cho mọi người đặc biệt cho các môn sinh, Giêsu hữu trong dòng. Với tư cách Đấng sáng lập dòng, ngài đã để lại kinh nghiệm của một cuộc tiếp xúc với Chúa Giêsu trong từng biến cố lớn nhỏ của Người được ghi trong các sách Tin mừng. Như vậy, một cuốn sách với những dòng chữ vô hồn lại đem đến một ý nghĩa lớn lao cho cuộc đời của vị thánh nhân.

Tóm lại, vài ghi nhận những sự kiện kèm theo các chứng từ và chứng nhân khả dĩ giúp chúng ta xác tín về lợi ích của một cuộc nội tâm hóa sẽ hứa hẹn một cuộc biến đổi nào đó. Nếu như Thiên Chúa tạo dựng chúng ta từ hư vô thì Ngài sẽ dùng những tiếng chuông, tiếng nói hay một cuốn sách mà biến đổi và thánh hóa chúng ta, miễn là chúng ta ngoan ngoãn buông theo ân sủng và nhạy bén trước mọi sự xảy ra hằng ngày, vì mọi sự đều có lý để hiện hữu trong cuộc đời này và mọi sự đều nhằm phục vụ cho ơn cứu độ chung cuộc của chúng ta.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

Kiểm tra tương tự

Hẹn hò trực tuyến – Thật nản lòng!

Ngày nay, các bạn nữ Công giáo độc thân chẳng dễ dàng gì để tìm …

Tolle Lege: Lời mời gọi đọc sách

Có lẽ nhiều người khó chịu với trào lưu khuyến khích văn hóa đọc. “Với …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *