Từ thần tượng đến Đức Giêsu

Có thể nói, đây không phải là một cuộc tận diệt cái tôi nhưng là một tiến trình chuyển hóa từ bản thân đến Đức Kitô. Điều này đòi hỏi sự quyết định mang tính triệt để và tuyệt đối của mỗi cá nhân muốn chọn Đức Kitô làm ý nghĩa cuộc sống đời mình.

1.THẦN TƯỢNG

Hầu như ai cũng trải qua giai đoạn này một cách nào đó. Thần tượng, ở đây, được hiểu là một chuẩn mực về cái đẹp nhất thời. Mà cái đẹp tùy thuộc phần lớn vào thẩm mỹ của mỗi người trong mỗi giai đoạn chuyển biến của xã hội. Thế nên, thần tượng không bền vững. Có những cái đẹp hình thức trên quần áo, diện mạo của một diễn viên có thể trở thành thần tượng của một số fan hâm mộ trong một giai đoạn nào đó (sau đó, nó sẽ bị lỗi thời). Có những cái đẹp đến từ thái độ nội tâm của một tâm hồn cao thượng có thể trở thành một khuôn mẫu trong cách ứng xử nhân bản nào đó. Tùy xu hướng tính cách mỗi người và những đam mê khác nhau mà người ta có thể xây dựng một thần tượng thích hợp.

Chúng ta cần khẳng định rằng việc theo đuổi một thần tượng không có gì là xấu cả ! Trái lại, nó còn biểu hiện một năng lực vốn có mà chủ thể muốn hướng về đối tượng là chân, thiện và mỹ. Việc sụp đổ hay chuyển hướng thần tượng, phần lớn không tùy thuộc vào đối tượng nhưng do chính chủ thể thay đổi cách nhìn và đánh giá thực tại. Nghĩa là những gì tôi coi là chân, thiện và mỹ cũng mang một giới hạn nào đó. Một khi sự hiểu biết và óc phân định của chủ thể có phần tiến triển thì thần tượng xưa kia có thể trở thành một hiện tượng xã hội một thời vắng bóng. Ở đây, chúng ta cần ghi nhận khát vọng tự nhiên của con người là hướng về Chân, Thiện và Mỹ. Đó là hạt giống Thiên Chúa đã đặt để trong con người khi mời gọi: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”. Nhưng đôi khi con người cần phải trả giá bằng máu hoặc cả mạng sống (tự tử vì thần tượng không còn nữa) để đi từ thần tượng này đến thần tượng khác, sau cùng, có thể bước vào quỹ đạo của đời sống tâm linh; chọn Chúa làm lẽ sống. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của con người sẽ là một năng động giúp mỗi cá nhân tự do chọn lựa những giá trị cao hơn nhằm “nâng cấp” đời sống hiện tại. Thật vậy, cuộc sống là một chuỗi những chọn lựa mà một người muốn dấn thân thực sự buộc phải tự quyết. Chính khi bạn chọn những giá trị tích cực, đúng đắn và phù hợp với con người mình, bạn sẽ nhận được những thành quả tốt đẹp phù hợp với công khó của mình.

Bên cạnh đó, việc theo đuổi thần tượng cũng kèm theo một giới hạn mà chúng ta cần lưu ý. Đôi khi sự bắt chước theo thần tượng một cách máy móc thiếu sáng tạo, nó sẽ dẫn đến việc đánh mất đi tính cá vị của mỗi người. Điều này có thể làm cản trở việc hình thành nhân cách đích thực.

Tóm lại, việc hâm mộ thần tượng có thể được coi là một nét đẹp của văn hóa nhưng một khi tôn sùng thần tượng, nó lại trở nên một thảm họa. Nghĩa là cản trở con người triển nở trong việc hình thành tính cách độc đáo của một nhân vị. Đồng thời, nó giới hạn khát vọng của con người đạt đến Thực Tại Siêu Việt. Để tránh khỏi những chướng ngại vật này, chúng ta cần chọn cho mình một thần tượng là chính Đức Giêsu, Đấng khả dĩ giải thoát và trợ giúp con người đạt đến đích là Chúa Cha.

Truyện kể rằng: thánh Giêrônimô vốn rất thích ngành văn chương, ngài thích thú đọc những tác phẩm văn chương nổi tiếng thời đó, đặc biệt là những cuốn tiểu thuyết của Cicéron. Một ngày kia, thánh nhân nằm mơ rằng mình chết và đứng trước ngai Thiên Chúa. Ngài hỏi: “Người là ai ?” Thánh nhân trả lời: “Con là môn đệ Đức Kitô”. Thiên Chúa đáp: “Người không phải là môn đệ của Đức Kitô, người là môn đệ của Cicéron”. Tỉnh giấc, ông nhận ra bài học Chúa dạy qua giấc mơ. Từ đó, ông đã bỏ lại những tác phẩm đời và quyết tâm theo Đạo Thật, lấy Kinh Thánh làm kim chỉ nam cho đời sống thiêng liêng.

2.TÔI

Sau khi đã nếm mùi thất bại do việc tôn sùng thần tượng gây ra, con người bắt đầu quay về với lòng mình (qui ngã). Thất bại chứ không phải là thất vọng; đây là cơ hội giúp con người hành động cách thông minh hơn. Từ đây, con người tìm sự an toàn ngay trong chính cung lòng mình. Việc các thần tượng bị sụp đổ đã là một bước ngoạn mục lớn trong hành trình khẳng định bản thân. Nhưng cuộc chinh phục vẫn còn trước mặt vì đích đến của con người là Đức Kitô.

Có thể nói, đây là khởi đầu của những diễn biến phức tạp trong nội tâm.[1] Điều này đòi buộc mỗi người phải tự nhận diện và đánh giá hầu đưa ra một giải pháp tốt nhất cho riêng mình.

Một trong những lý do khiến con người qui về thần tượng là muốn được nên giống thần tượng trong một nét đặc trưng nào đó của nhân cách họ. Như thế, một khi thần tượng ấy sụp đổ, họ trở về lòng mình với đôi bàn tay trắng và con tim trống rỗng. Có thể nói, đây là cuộc khủng hoảng về căn tính mà một người trưởng thành phải đối diện. Khủng hoảng này được hiểu là sự dao động giữa những yếu tố ngoại lai (thần tượng) với những yếu tố nội tại (những gì làm nên căn tính của một người – tôi là tôi chứ không phải một ai khác). Khuynh hướng tự nhiên trong giai đoạn này là họ đi từ thái cực này đến cùng cực khác; họ khó tự chủ trong việc bộc lộ cảm xúc, và tránh giáp mặt với thực tế cuộc sống. Một trong những thay đổi nơi họ mà chúng ta dễ thấy nhất, là họ muốn thay đổi môi trường sống để xa tránh những người đã biết phần nào về quá khứ của họ. Hoặc họ lấy việc làm mà lắp đầy những thời gian trống hầu tránh đối diện với chính mình. Và họ nghĩ rằng với những hành động ấy có thể thay đổi thế giới, đổi mới những người sống chung quanh họ mà không nhận ra điều duy nhất cần làm lúc này là trở về với lòng mình để thay đổi chính nhận thức của mình về thực tại.

Ở đây, có một sự nhận thức thái quá về bản thân. Thật ra, yêu mình là một thái độ tích cực và chính đáng của chủ thể. Chăm sóc và đáp ứng những nhu cầu đúng đắn của bản thân là một việc cần thiết. Nhưng nếu vì thế mà chủ thể vượt qua phạm vi cho phép của bản thân, để rồi muốn điều khiển cả người khác như ý mình thì đây là một điều thái quá, cần phải điều chỉnh. Tôi có một không gian riêng đòi buộc người khác tôn trọng, trái lại, tôi cần phải tôn trọng giới hạn của tha nhân. Giới hạn này được tác giả Scott Peck gọi là vành đai bản ngã. Vượt quá vành đai này, con người dễ làm tổn thương đến lòng tự ái của nhau.

Vành đai này mang đặc tính cố định hay không ngừng giãn nở ? Chúng ta có thể trả lời ngay rằng: nó là một thực tại năng động. Nghĩa là nó được nới rộng nhờ nhận thức và ý thức của con người. Theo nhà tâm lý học này, mỗi lần bản ngã được khuếch trương là mỗi lần thực hiện một cuộc “hiệp nhất thần nhiệm”. Để giải thích rõ hơn, chúng ta buộc mượn hai phạm trù trong triết học được triết gia Gabriel Marcel giới thiệu: hiện hữu chiếm hữu.

Hiện hữu là phần cốt yếu và nền tảng giúp hình thành bản ngã. Trong khi đó, phần chiếm hữu đóng vai trò năng động trong con người. Trải qua một cuộc đồng hóa và đồng nhất, phạm trù chiếm hữu sẽ sáp nhập vào hiện hữu. Ví dụ, ta hãy xem một người nọ làm vườn để tiêu khiển. Đó là một thú giải trí vừa thú vị vừa tốn công tốn của. Anh ta thích làm vườn. Khu vườn của anh có một ý nghĩa rất lớn đối với anh. Anh quyến luyến khu vườn ấy. Anh thấy mình bị khu vườn thu hút, anh bỏ thời giờ và công sức của anh ra cho khu vườn, anh gắn bó với nó đến nỗi anh có thể dậy rất sớm vào buổi sáng để ra thăm vườn, anh có thể bỏ một chuyến đi xa vì không muốn bỏ bê nó. Dẫu thực tế là khu vườn đang tồn tại bên ngoài anh, một cách nào đó nó cũng đang tồn tại bên trong anh – qua sự quyến luyến của anh đối với nó. Nhận thức của anh về khu vườn và ý nghĩa của khu vườn ấy đối với anh đã trở thành một phần của anh, một phần của tính cách anh, một phần của lịch sử đời anh. Xuyên qua tình cảm quyến luyến đối với khu vườn, anh đã thực sự sát nhập khu vườn vào trong con người anh – và với sự sát nhập ấy, bản thân anh được phong phú hóa và các vành đai giới hạn của anh được mở rộng ra.[2]

Như thế, khu vườn vốn là vật chiếm hữu, nay có thể được chủ thể sáp nhập và đi vào hiện hữu của mình.

Chính lúc vành đai bản ngã luôn được nới rộng mà có người dễ dàng sống trong ảo tưởng về bản thân mình. Họ thổi phồng cái tôi của mình cách lộ liễu, đánh bóng bản ngã của mình cách lố lăng và vuốt ve bản thân mình cách sỗ sàng. Mặc dù, chúng ta nhìn nhận nhu cầu con người cần được quan tâm và tôn trọng là điều chính đáng, nhưng không vì thế, con người quá câu nệ vào lời khen tiếng chê của người khác mà đánh mất đi tính tự nhiên của “cái tôi thuần khiết”. Bởi đó, giá trị đích thực hệ tại việc chân nhận sự thật về bản thân.

Khám phá sự thật về bản thân không phải là chuyện một ngày nhưng có thể kéo dài cả đời. Thông thường, con người phải trải qua những va vấp, thử thách hay đau thương, nó đụng chạm tới “tầng sâu” của bản thân mới khả dĩ khám phá phần nào con người thật của mình. Chúng ta có thể cầu xin Chúa, Đấng hiện diện nơi sâu thẳm hơn chỗ sâu thẳm của tâm hồn ta chạm đến chúng ta, như kinh nghiệm của thánh Phaolô. Thánh nhân nói: “…thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2 Cr 12,7b). Kinh ngiệm thiêng liêng ấy giúp ngài xác tín hơn, sức mạnh của Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối, rằng vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh. Cái yếu chính là mức giới hạn bất toàn của vành đai bản ngã mà chúng ta phải khiêm tốn thừa nhận để có thể nhận được sự chữa lành đến từ Chúa. Thật vậy, một người mạnh đủ là người cảm nhận mình đã được chữa lành.

Những gì vừa trình bày mới chỉ dừng lại chiều kích bản thân, chúng ta cần phải tiến thêm bước nữa để đến gần Đức Giêsu.

3.ĐỨC GIÊSU

Cuộc chinh phục nhắm đến đích là Đức Kitô xem ra có phần sáng tỏ hơn. Nếu như quyết định chọn Chúa làm lẽ sống thì chúng ta buộc phải từ bỏ những thứ khác, kể cả việc phá đổ vành đai bản ngã mà ta cố xây dựng bao lâu. Nhưng phải phá đổ bằng cách nào ?

Chúng ta hủy diệt cái tôi chăng ? Chắc chắn là không. Vì cái tôi làm nên chính hiện hữu của bạn. Bạn hãy chọn một cách thế khác giúp bạn đạt đến Đức Kitô mà đồng thời không hủy hoại cái tôi của mình.

Quên mình

Động từ quên theo nghĩa thông thường thuộc phạm vi tâm trí: nhớ và quên. Hoặc như nhạc sĩ Anh Bằng trong nhạc phẩm Sầu lẻ bóng, đã viết: “Khi cố quên là khi lòng nhớ thêm”. Quên, ở đây, được gắn liền với ký ức dĩ vãng, mặc dù có liên quan đến ý thức, nhưng là ý thức dồn nén, hậu quả là: càng cố quên (dồn nén kỷ niệm xưa) thì lại càng nhớ thêm (kỷ niệm sống lại). Trong khi đó, quên mình thuộc bình diện ý thức tích cực, nghĩa là chủ thể hoàn toàn chủ động chọn cho mình một lối tiếp cận thực tại. Nói cách khác, đây là một tác động ý thức cao độ, một dạng siêu thức khiến chủ thể đi vào thực tại và đồng nhất với thực tại mà tác giả Scott Peck gọi là hiệp nhất thần nhiệm. Chúng ta có thể hình dụng tình trạng này với việc họa sĩ ngay ngất trước một vẻ đẹp “hút hồn”. Ông quên mình và không còn ý thức về sự hiện diện của mình trong không gian và thời gian nữa.

Chúng ta phân tích kỹ động từ quên vì tránh những lối hiểu sai về khái niệm tha hóa, đánh mất bản thân. Trái lại, quên mình là một hành động cao thượng nhằm thăng tiến bản thân. Như thế, chúng ta mới hiểu lời thánh Phanxicô đã nói: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Tại sao quên mình mà có thể gặp lại bản thân ?

Chính đời sống của thánh nhân sẽ soi sáng cho vấn đề này. Trong một lần đi ngựa khắp thành phố để giúp đỡ những người khốn khổ, thánh nhân gặp một người phong cùi, ngài ghê tởm và có ý định thoái lui. Nhưng lấy hết bình tĩnh, cộng với một ý thức lớn lao rằng nhân phẩm nơi người bất hạnh này đáng được tôn trọng và họ là hiện thân của Chúa, ngài đã ôm lấy người thanh niên và trao cho anh mọi thứ anh cần. Sự quên mình với ý thức đức tin mạnh mẽ, thánh nhân đã gặp lại bản thân yếu đuối của mình nhờ đó, bám chặt vào Chúa hơn. Bởi đó, người ta quên mình để gặp lại bản thân trong hình ảnh của Chúa. Chính lúc quên mình là lúc vành đai bản ngã được nới rộng đến mức mờ nhạt nhường chỗ cho sự hiện diện của tha nhân trong cuộc đời mình. Cái tôi không còn là điểm thu hút bản thân hành động nhưng là “cái Ta” bao la và phong phú. Cái Ta ấy được viết hoa vì nó gồm tóm cả tôi, bạn, muôn vật và cả Thiên Chúa nữa.

Đến đây, chúng ta có thể nhớ đến lời phát biểu của cha Damien, Cha của những người phong cùi, cha nói: “Trước kia khi thưa chuyện với anh em, tôi nói: thưa anh em thân mến. Bây giờ, tôi không còn thưa như vậy nữa mà là: thưa anh em thân mến của tôi”. Nghe những lời này chúng ta khó lĩnh hội hết ý tứ của điều ngài muốn nói gì. Nhưng nếu chúng ta biết rằng sau một thời gian dấn thân phục vụ cho những người xấu số, ngài đã nhiễm bệnh như họ. Cha đã thực sự trở thành một người trong họ, và họ thực sự là anh em của cha. 

Hiểu như thế, mỗi khoảnh khắc quên mình là một tác động hiệp nhất yêu thương. Thật vậy, chỉ trong yêu thương, con người mới khả dĩ gặp lại bản thân mình trong sự toàn vẹn của tạo thành.

Từ bỏ chính mình

Chúa Giêsu còn gắt gao và quyết liệt hơn khi đòi buộc người môn đệ phải từ bỏ chính mình. Trong Pháp ngữ để diễn tả từ này người ta dùng thuật ngữ Mortification, nó bao hàm một cái chết (mort). Bởi đó, trong các sách thiêng liêng, thuật ngữ này được dịch là chết cho chính mình.[3] Vì thế, chúng ta mới hiểu vì sao Chúa đã ví: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi…” (Ga 12,24). Nếu người ta chết cho chính mình chỉ vì một lý tưởng hay một ý thức hệ nào đó, ấy là một hình thức tha hóa; còn nếu bạn chết cho chính mình vì Tin Mừng thì bạn đáng được hưởng lời Chúa hứa: sự sống. Sự sống này không chỉ dừng lại ở thực tại đời sau (chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời) nhưng từ đời này chúng ta được sống và sống dồi dào. Thật vậy, phần thưởng Chúa ban là chính Ngài, sự sống thần linh của Ngài. Nghĩa là chúng ta được phục sinh với Ngài mỗi ngày nhờ được chữa lành qua Bí tích Giao hòa và được nuôi dưỡng nhờ Bí tích Thánh Thể.

Dựa vào những lời hứa của Chúa, chúng ta tin tưởng rằng việc từ bỏ của mình được Chúa chúc lành. Chúng ta nói: được Chúa chúc lành chứ không nói được Chúa vui nhận. Vì Chúa chẳng cần gì nơi ta, có chăng là những thiện chí và những nỗ lực muốn hướng về Chúa. Bởi đó, chúng ta từ bỏ không phải để từ bỏ mà từ bỏ để chọn Chúa làm gia nghiệp. Nhưng mức độ từ bỏ được thể hiện thế nào trong thực tế cuộc sống ?

Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Hư vô, hư vô, hư vô, anh không nên nghiêng về cái dễ dãi nhất mà là về điều khó nhất, không nghiêng về một cái gì cả nhưng không ham muốn gì hết, vì muốn đạt tới tất cả trong tất cả, thì phải từ bỏ tất cả trong tất cả”. Lời phát biểu này thật khủng khiếp vì nó đòi hỏi một sự từ bỏ tuyệt đối. Chúng ta hiểu rằng điều này chỉ có thể thực hiện trong một khoảnh khắc xuất thần nào đó.

Còn tự sức con người cộng tác với ơn Chúa, việc từ bỏ chỉ mang tính tương đối. Thật vậy, với bản tính tự nhiên, con người thường thích và chọn sự dễ dãi mà nói đến từ bỏ để sống cho Chúa thì buộc phải thường giục lòng tin. Thực tế cuộc sống cho thấy, chúng ta luôn hành động để nhắm đến ba tiêu chí: Danh, lợi thú. Chúng ta dễ nhận thấy điều này nơi những siêu sao nổi tiếng, họ tìm mọi cách phát huy sở trường của mình để được nhiều người biết đến. Thậm chí, ngay nay họ còn tìm những việc “khác người” hầu lôi kéo cộng đồng mạng, các fan hâm mộ. Ngay như các thánh cũng làm mọi cách để Danh Cha được cả sáng. Cũng là danh nhưng ở cấp độ khác nhau. Còn lợi cũng thế. Con người tìm mọi cách để mưu lợi cho bản thân, gia đình và xã hội. Và ở cấp độ cao hơn, nói như thánh Phaolô: “…những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu, Chúa của tôi… và được kết hợp với Người” (Pl 3,7-8). Bởi vậy, con người luôn hành động vì lợi ích cá nhân hay tập thể; vì vật chất hay thiêng liêng. Ngoài ra, con người còn hành động để nhắm đến chữ thú nữa ! Cái thú ở cấp độ thấp nhất là tìm khoái lạc thỏa mãn bản thân. Cao hơn, con người nhắm đến phục vụ và tìm vui thỏa vì người khác. Và trên hết, một người có đức tin luôn tìm kiếm và thực thi những gì đẹp lòng Chúa.

Như thế, khi xét đến ba khía cạnh này của cuộc sống và những cấp độ khác nhau, để thực hiện một cuộc bỏ mình, chúng ta phải vượt qua từng cấp bậc thấp hầu vươn cao hơn cho đến mức viên mãn trong Đức Kitô.

Trong lãnh vực tâm lý, cha Anthony de Mello nhìn nhận rằng khi từ bỏ điều gì thì con người thường bị gắn chặt vào đó, nói một cách mạnh mẽ hơn, họ ám ảnh nhiều về điều mình đã từ bỏ. Cha kể rằng kinh nghiệm của cha khi đồng hành thiêng liêng, lúc gặp một cô gái điếm ngay tức khắc, cha nghe cô nói về Thượng Đế. Cô ấy bảo mình chán cuộc sống hiện tại và chỉ tha thiết với Thượng Đế. Còn ngược lại, mỗi lần một thầy sải đến gặp cha thì ông ta chỉ nói toàn chuyện tình dục.[4] Giải thích sao về vấn đề này ? Có thể nói, đó là một sự từ bỏ dồn nén (vì ép buộc). Khi bạn không tìm ra một lời giải thích thỏa đáng cho việc từ bỏ của mình (động lực để từ bỏ), bạn sẽ rơi vào tình trạng dồn nén. Mà càng dồn nén, bạn lại càng tạo cho nó một sức mạnh, và một khi bạn dùng sức để chiến đấu trong sự từ bỏ này, vô tình bạn mặc nhiên khẳng định sức mạnh của nó. Trái lại, nếu bạn ý thức về tầm ảnh hưởng thực sự của nó trong đời sống bạn, bạn sẽ khiến nó mất đi sức mạnh chi phối cuộc sống bạn. Vì từ bỏ là một quyết định của chủ thể nhằm chọn một giá trị trổi vượt hơn. Còn nói như cha Anthony, nhìn thẳng vào bản chất về điều bạn đang muốn từ bỏ. Chẳng hạn, việc từ bỏ bản thân mình, bạn cần ý thức rằng toàn thể con người bạn và cả sự hiện hữu của bạn tùy thuộc vào Chúa. Điều này giúp bạn dễ dàng buông bỏ, từ bỏ những gì cản trở bước tiến của bạn đến gần Chúa.

Tóm lại, tiến trình từ thần tượng đến Đức Kitô, mỗi người phải trải qua những chọn lựa dứt khoát và triệt để, nếu không muốn nói là chọn lựa sống còn trong hành trình tâm linh, vì chúng ta không thể hiện hữu ở ngoài Thiên Chúa. Và nơi mọi khoảnh khắc lớn nhỏ trong đời, Đức Kitô phải trở thành điểm qui chiếu cho đời sống chúng ta.

Tưởng cũng cần nhắc lại, cám dỗ tinh vi và lớn nhất trong hành trình tâm linh là con người sống quên mình và từ bỏ như một cách để vuốt ve bản ngã, cái tôi hay sự tự ái của mình thay vì muốn qui phục tình yêu Đức Kitô. Họ coi đó như ván bài cuộc đời để mua tiếng khen của người khác rằng: tôi siêu thoát. Chung cục, họ rút lại tất cả những gì họ đã tự nguyện hiến dâng. Điều này đã bị Chúa cảnh báo trước: “…Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thưở ban đầu” (Kh 2,4). Bởi đó, Giáo Hội đã đề ra những cách thức thực hành cho mọi Kitô hữu cách riêng những người thánh hiến: Phát xuất lại từ Đức Kitô. Quả thật, tôi cần phát xuất lại từ Đức Kitô, vì Người là lẽ sống và ý nghĩa cuộc đời tôi. 

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

[1] Những mô tả được gợi ý ở đây, chỉ mang tính tham khảo.

[2] X. Https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/05/25/con-duong-chang-may-ai-di-3/#more-5871

[3] X.Jean-Francois Catalan, Kinh nghiệm thiêng liêng và tâm lý học, tr.158.

[4] X. Anthony de Mello, Thức tỉnh, tr.18.

Kiểm tra tương tự

TỘI và TÔI

  Lặng thầm cầu nguyện trên môi Sấp mình thờ lạy bồi hồi tâm can …

Chúa Giêsu trong vòng dư luận

Đức Giêsu trong vòng dư luận. Ảnh: Pinterest.com Suy niệm Tin Mừng tuần vừa qua …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *