Từ tình yêu đến hôn nhân

Hai chữ “tình yêu” và “hôn nhân” gợi lên trong tâm trí người ta hai luồng cảm xúc khác nhau. Xung quanh chữ “tình yêu”, ta sẽ vẽ thêm rất nhiều điều thơ mộng, tươi đẹp. Còn với “hôn nhân”, đó thường là gánh nặng, trách nhiệm, mất tự do… Dĩ nhiên là có mối liên hệ giữa hai điều này. Tình yêu mà không dẫn đến hôn nhân thì chỉ là một kiểu trẻ con, bay bổng. Còn hôn nhân mà không có nền tảng tình yêu sẽ khiến người ta mệt mỏi, chịu đựng. Lý tưởng mà nói, khi yêu nhau, người ta sẽ muốn gắn kết với nhau, muốn thuộc về nhau, và cùng nhau đi đến một cam kết trọn đời sống cùng nhau cho đến khi không còn. Nhưng cũng có những chuyện tình chỉ dừng lại ở cảm xúc, kỷ niệm, mãi mãi chẳng thể đi xa hơn. Từ tình yêu đến hôn nhân, đó là một khoảng cách vừa gần lại vừa xa, và không phải lúc nào cũng đi liền một mạch.

Có rất nhiều bạn trẻ vội vàng yêu rồi vội vàng tiến tới hôn nhân. Bởi khi yêu, họ chỉ thấy toàn màu hồng với biết bao cảm xúc dâng trào, đầy những mời gọi hấp dẫn. Tình yêu ban cho họ sức mạnh để vượt qua tất cả rào cản, nên họ nghĩ cách đơn giản là cứ yêu nhau thì mọi chuyện sẽ an bình thôi. Để rồi khi bước vào hôn nhân, cũng là lúc tuổi trẻ không còn, sống với nhau, họ mới nhận ra, mọi thứ không phải dễ dàng như mình tưởng. Người bạn đời chẳng như mình nghĩ, hình tượng một thời bị vỡ tan. Kế sinh nhai cũng đè nặng trên vai, khiến cuộc sống cứ quay cuồng, chẳng còn thời gian mà mơ mộng như trước. Trách nhiệm làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm chồng càng khiến cho từng ngày sống thêm mệt mỏi.

Có vài người quyết định cưới nhau để yên bề gia thất, rồi sau đó mới xây dựng tình yêu. Ai may mắn thì được như lòng sở nguyện. Ai xui xẻo thì đành cố gắng sống cho hết kiếp người. Người ta sống với nhau đâu phải chỉ một hai ngày, hay thậm chí một hai năm. Đến một lúc nào đó, mọi cái dường như chỉ còn là chữ “nghĩa”. Sống với nhau vì trách nhiệm, vì không đành lòng bỏ đi, chứ kiểu cảm xúc muốn gắn gó lâng lâng hạnh phúc như lúc mới lớn sẽ chẳng còn. Người nào đến lúc nhắm mắt xuôi tay mà vẫn còn cảm giác yêu thương mặn nồng như thế thì quả là phúc lộc dư đầy. Trải qua bao nhiêu kinh nghiệm đụng chạm, cơm không lành canh không ngọt, hụt hẫng, thất vọng, rất nhiều người thường sẽ có xu hướng cố gắng “sống vì con vì cháu, vì danh dự dòng họ”, hơn là vì một lý tưởng tình yêu bay bổng nào đó.

Vì thế, khi còn trẻ, người ta cứ thoả sức yêu thương, cứ tha hồ mơ mộng. Nhưng đừng vội đồng hoá nó với hôn nhân, cho đến khi cả hai thực sự trưởng thành và chín chắn để suy nghĩ về nó cùng những đòi hỏi của nó. Khi đồng ý đến với nhau, ta không chỉ thuộc về nhau mà thôi, nhưng còn là cả gia đình hai bên. Khi hiến thân cho nhau, đó không chỉ đơn thuần là thoả mãn dục vọng, nhưng còn là lời cam kết nên một qua ngôn ngữ của thân xác để làm nên kết tinh tình yêu là những đứa con. Có con rồi, trách nhiệm mưu sinh và giáo dục con cái nên người cũng đòi người ta phải lớn lên và hy sinh rất nhiều. Đã tiến vào hôn nhân, người ta không còn là “riêng mình” nữa, nhưng phải cùng xây dựng gia đình mới, lối sống mới “cùng với người khác”, mà người đó có tiếp tục yêu thương ta không, có thể làm ta bị hụt hẫng không, ta không hề biết. “Người khác” còn là những đứa con mà đến nay vẫn chưa hiện diện trên đời. Chúng có như lòng ta ước mong không, có ngoan ngoãn, khoẻ mạnh và làm ta hãnh diện không, ta cũng chẳng biết. Có thể nói, tiến vào hôn nhân là bước vào một cuộc phiêu lưu vô định, tính hên xui đôi khi lại rất cao, mà những thiệt hại của nó, người phụ nữ thường gánh nhiều hơn cả.

Bởi thế, những ai chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, không nên chỉ đơn sơ cho rằng hôn nhân cũng sẽ tươi và đẹp như khi còn yêu nhau lúc trẻ. Nếu tình yêu không đủ mạnh và sâu, đời sống chung chắc chắn sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề. Để có thể đi cùng nhau đến hết con đường tại thế, bên cạnh cái nồng nàn của tình yêu, người ta còn phải học đón nhận rất nhiều điều khác như sự nhẫn nại, kiên nhẫn, trách nhiệm…, không phải với người kia nhưng còn cả gia đình, dòng tộc người ấy. Thấy mình không đủ những điều này thì tốt nhất đừng vội vàng về chung một nhà với nhau. Có thể yêu bất cứ lúc nào, nhưng chỉ nên cưới nhau khi đã đủ trưởng thành, đủ chín chắn, hoặc ít ra là cũng thấy mình đủ biết thế nào là hôn nhân và đời sống gia đình.

Khi còn trẻ, ta yêu nhau bằng một tình yêu lãng mạn, màu hồng, với những lời thơ tiếng hát ngọt ngào cùng bao hứa hẹn êm ái. Nhưng khi bước vào hôn nhân, tình yêu ấy cần được thể hiện nơi cái cốt tuỷ bản chất của nó là sự đón nhận, lắng nghe, thông cảm, tha thứ… Những ảo mộng rồi sẽ qua đi, rồi sẽ đến lúc người ta sẽ thấy nó nhạt nhẽo và chẳng còn quan tâm đến nó. Bước vào hôn nhân, cũng cần tí lãng mạn, tí ngọt ngào, nhưng họ sẽ yêu nhau bằng chính con người thật của nhau, chứ không phải là những cái bên ngoài như trước. Hành trình từ tình yêu đến hôn nhân chính là hành trình để cho cái tinh tuý nhất của tình yêu được tỏ lộ. Đừng quá lý tưởng hoá hay đơn giản hoá hôn nhân. Nó là một thực thể nằm trong sự xoay vần của cuộc sống. Đừng sống nó bằng một tình yêu hời hợt và đòi hỏi, nhưng bằng những giá trị sâu sắc nhất của nó.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Thánh nữ Faustina: Vị Tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót

  “Chúc tụng Trái Tim Rất Nhân Lành Chúa Giêsu. Chúc tụng suối mạch hằng …

Tìm lại nền tảng hạnh phúc gia đình | Suy tư Tin Mừng CN 27 Thường niên – năm B

Chúa Nhật Tuần XXVII – Mùa Thường Niên TÌM LẠI NỀN TẢNG HẠNH PHÚC GIA …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *