Từ vựng Công Giáo: Linh Khí hay Thần Khí?

2

Kính thưa quý độc giả, chúng tôi vừa nhận được bài viết của linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ, chính xứ giáo xứ thánh Phanxicô Xaviê (nhà thờ Cha Tam) về ý nghĩa của hai thuật từ “thần khí” và “linh khí”. Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bài viết của cha Stêphanô.

——–

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

Thánh Kinh dùng “Spiritus”, “Spiritus Sanctus” để chỉ Ngôi Ba Thiên Chúa. Các bản Thánh Kinh Cựu Ước hoặc Tân Ước tiếng Việt đã có rất nhiều từ được dùng để dịch danh xưng này như: Thánh Thần, Thánh Linh (ĐHY. Trịnh Văn Căn, LM. Trần Đức Huân), Linh Khí (LM. An Sơn Vị), Thần Trí (UBGM về PV), Thần Khí (LM. Nguyễn Thế Thuấn, Nhóm CGKPV), Khí Thần (LM. Nguyễn Thế Thuấn, LM. Đỗ Quang Chính). Ngoài ra, trong nhiều tác phẩm, các tác giả còn dùng những danh xưng như: Thánh Khí (LM. Phan Du Sinh), Thần (LM. Trần Văn Hiến Minh), Thần Linh (LM. Trần Cao Tường)… để chỉ về “Spiritus” hay “Spiritus Sanctus”. Chưa kể rất nhiều từ khác như: tinh thần, tâm hồn, thiêng liêng, toàn linh, thần năng, quyền năng, đức năng… cũng được dùng để dịch chữ “spiritus” trong Thánh Kinh tuỳ theo văn mạch, thường là không trực tiếp chỉ về Ngôi Ba Thiên Chúa như một hữu thể có ngôi vị.

Trong phạm vi bài viết có hạn, chúng tôi không thể đề cập hết các từ nêu trên, chỉ thử tìm hiểu ý nghĩa của hai thuật từ được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là “thần khí” và “linh khí”.

1.Tìm hiểu thuật ngữ Spiritus Sanctus

 “Spiritus Sanctus”[1]tiếng Việt dịch là “Đức Chúa Thánh Thần”[2]. “Thần”[3] (danh từ) ở đây có thể hiểu vừa là “Đấng chủ tể vạn vật” vừa là “tinh thần”; và “Thánh”[4]  (tĩnh từ) nghĩa là “chúa tể” hay “tột bực tốt lành” bổ nghĩa cho từ “Thần”. Trong Tam Vị Học (De Deo trino), chúng ta có bộ ba thuật ngữ: Thánh Phụ, Thánh Tử và Thánh Thần.

 Như vậy, việc dùng từ “Đức Chúa Thánh Thần” để xưng hô hoặc nói về Ngôi Ba Thiên Chúa là thích hợp. Tuy nhiên, trong việc trình bày giáo lý và phiên dịch Thánh Kinh, không phải lúc nào “Spiritus Sanctus” cũng dịch là Đức Chúa Thánh Thần được, ví dụ: trong các câu Tv 50 (51),13 hay trong Is 63,10-11[5]. Cũng như chữ “spiritus” không phải luôn luôn có nghĩa tốt, như các câu trong: Tp 9,23; 1Sm 16,14-15; Tb 6,8, nhất là trong: Mt 8,16; Ep 2,2 [6]. Vì việc mặc khải về Đức Chúa Thánh Thần trong Thánh Kinh có tính tiệm tiến.

2. Về thuật từ linh khí

Trong Cựu Ước bản Hipri, từ “ruah” (Hl: pneuma, Lt: spiritus) được sử dụng 378 lần trong 348 câu, có thể chia ra 3 nhóm nghĩa quan trọng tương đương nhau về số lượng là: (1) Gió, khí chuyển động (2) Hơi thở, khí lực nơi con người, nguyên lý sự sống, cơ sở tri thức và cảm tính (3) Sinh lực của Thiên Chúa, nhờ đó Chúa hành động và làm cho các vật hành động, cả về thể chất cũng như tinh thần[7] . Trong một văn bản, thường không thể xác định nghĩa chính xác của từ ngữ “ruah”. Người ta có thể phân vân giữa “gió” và “hơi thở”, giữa “hơi thở” và “linh khí”, hoặc giữa “linh khí” thụ tạo và “Linh Khí” của Thiên Chúa (Chúa Thánh Thần). Để dịch từ “ruah” của tiếng Hipri, bản LXX chuyển “ruah” ra tiếng Hy Lạp đã dùng 24 từ ngữ khác nhau, và như thế không cho phép người ta hiểu cặn kẽ ý nghĩa của hạn từ đó trong các văn bản của Phúc Âm viết bằng tiếng Hipri (!)[8] . Trong nhiều trường hợp liên quan đến nghĩa thứ 2 và 3, các bản dịch tiếng Việt thường dịch khác nhau như đã nói trên.

Bản dịch Tân ước (1983) của cha An Sơn Vị sử dụng chữ “linh khí”.

2.1. Linh, có những chữ Hán sau đây: 靈 (灵) ,霛, 灳, 龗, 鈴 (铃),令, 伶, 玲, 聆, 零, 齡 (龄), 囹, 拎, 伶, 羚, 醽, 瓴, 彾, 鴒 (鸰), 舲, 泠, 翎, 蛉, 軡, 櫺, 酃, 霝, 笭, 棂, 詅, 軨, 苓. Liên quan đến linh khí, là chữ 靈, chữ này có các nghĩa như: (1) Mau lẹ, sắc sảo; (2) Có hiệu lực lạ thường; (3) Phần thiêng liêng của con người; (4) Xác người chết; (5) Mức khôn của loài vật. (6) Thần: Bách linh (bách thần), sơn linh (thần núi).

Theo từ điển Từ Hải (TQ)[9], “linh” có 10 nghĩa, tôi xin chỉ dịch 5 nghĩa có liên quan: (1) Thần. Sách Sở Từ, Cửu Ca, Tương Phu Nhân: “Linh đến như mây”. Tào Trực trong bài Lạc Thần Phú viết: “Vì vậy Lạc Linh cũng cảm thấy, bàng hoàng cũng như không”; (2) Thiện, tốt đẹp. Bài thơ Định Chi Phương Trung của Dung Phong, có câu: “Linh vũ ký linh”, Trịnh Huyền chú giải: “Linh nghĩa là thiện”; (3) Linh hồn. Ôn Đình Quân trong bài thơ Quá mộ Trần Lâm: “Từ khách hữu linh ưng thức ngã, bá tài vô chủ thuỷ lân quân”; (4) Thuộc về người chết. Như: linh vị, linh cữu, di linh; (5) Người Sở xưa gọi bà cốt ông đồng là linh, sách Sở Từ, Cửu Ca, Đông Hoàng Thái Nhất viết: “Đồng cốt múa lươn làm trang phục rực rỡ, Mùi thơm toả bay làm sảnh dường nực nông”.

Theo từ điển Từ Hải (ĐL)[10], “linh” có 14 nghĩa, tôi xin dịch 4 nghĩa: (1) Thần linh. Sở Từ, Cửu Ca, Vân Trung Quân có câu: “Linh hoàng hoàng hề ký gián, phiêu viễn cử hề vân trung”. Chú giải: Linh là thần mây. Thi Tử chú giải: “Thần trên trời là linh”; (2) Anh minh của thần gọi là linh. Thi Đại Nhã trong Linh Đài Truyện có câu: “Duy nhân vạn vật chi linh”. Truyện giải thích là thần, cũng giải thích là anh minh của thần; (3) Phúc. Theo giải thích của cuốn Quảng Nhã Thích Ngôn; (4) Dụng cụ liên hệ với thần, dùng ngọc để thờ phụng thần. Thuyết Văn, Sở Từ, Cửu Ca Đông Hoàng Thái Nhất có câu: “Đồng cốt múa lượn làm trang phục rực rỡ

2.2. Khí, có những chữ Hán sau đây 氣, (気), 炁, 汽, 器, 噐, 棄 (弃), 亟. Liên quan đến linh khí là chữ 氣, chữ này có các nghĩa như sau: (1) Hơi thở, sức vô hình cần thiết cho sự sống còn và sinh hóa muôn loài; (2) Tinh thần: Sĩ khí (tinh thần quân sĩ); (3) Cái gì không có hình chất mà cùng cảm ứng với nhau được gọi là khí: khí vận, khí tượng, khí vị. Theo Từ Hải (TQ), khí còn chỉ một loại vật chất rất nhỏ, là nguồn gốc tạo thành vạn vật, Vương Sung thời Đông Hán nói: “Thiên địa hợp khí, vạn vật tự sinh”. Trương Đới thời Bắc Tống cho rằng: Thái Hư không thể không có khí, khí không thể không tụ tập thành vạn vật. (Chánh Mông, Thái Hòa cho rằng “khí” là nguồn gốc vật chất của thế giới). Chu Hy thời Nam Tống lại đưa ra thuyết: Tiên lý hậu khí, ông cho rằng: “Khi chưa có trời đất, thì chỉ có lý, … có lý thì có khí, và sinh ra vạn vật” (Chu Tử Loại Ngữ). (4) Một trong ba thể của vật chất; (5) Không khí, khí trời: Khí áp (sức ép của không khi); (6) Thói, tính Quan khi (quan cách); (7) Tức giận: Khí hoại liễu (tức lộn ruột lên); (8) Một chập, một mạch: Hồ thuyết nhất khí (nói lăng nhăng một chập); (9) Mùi: Hương khí (mùi thơm); (10) Ngửi.

2.3. Linh khí (靈氣): Theo các từ điển có nghĩa như:

(1) Cái khí thiêng liêng (theo Đào Duy Anh);

(2) Năng lực nhiệm mầu, kỳ diệu, hơi thở thần linh (theo cha E. Gouin: influence mysterieuse, magique, souffle spirituel);

(3) Một loại khí tinh vi sắc bén cực nhỏ. Quản Tử, Nội Nghiệp: Linh khí tại tâm, đến cũng như đi, bé đến nỗi không có phần trong, lớn đến nỗi không có phần ngoài (theo “Từ Hải”, Trung Quốc).

3. Về thuật từ thần khí

Bản dịch Thánh Kinh của cha Nguyễn Thế Thuấn và của Nhóm CGKPV sử dụng từ “thần khí”.

Chữ “thần” và chữ “khí” chúng tôi đã đề cập ở trên, “thần khí” theo nhiều từ điển có nghĩa là: (1) Tinh thần, sinh khí; (2) Thần và khí (theo Đông y).

Đặc biệt có các tự điển sau đây ghi thêm ý nghĩa “ôn dịch” ngoài những nghĩa nêu trên: Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Paulus Của (1895), Từ Điển Việt Pháp của Génibrel (1898), Dictionnaire Vietnamien-Chinois-Franẫais của cha Eugène Gouin (1957), Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức (không ghi năm xb), Giúp Đọc Nôm & Hán Việt của cha Antôn Trần Văn Kiệm (2004).

Từ thần khí đã và đang được hầu hết các tác giả Công Giáo có uy tín trong và ngoài nước sử dụng khi nói về Đức Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, việc sử dụng từ này đã vấp phải những ý kiến phản đối vì cho rằng: (1) “Thần khí” có nghĩa là: ôn dịch, lệ khí hoặc hơi độc gây bệnh cả vùng. (2) Nhất là trong thực tế, có người vẫn còn đọc lời kinh “xin cứu chữa chúng con cho khỏi thần khí, mất mùa, giặc giã…[11].

Cũng có ý kiến biện hộ, giải thích rằng[12]: (1) “Dưới thời Tự Đức, phải đổi mọi âm thời ra âm khác để khỏi phạm huý, vì tên huý của vua là Nguyễn Phúc Thời; do đó thời khí (= ôn dịch) phải đọc là thần khí. Và để bảo đảm không ai bị lo ra mà đọc sai và phạm huý khi đọc bản văn viết về ôn dịch, thì các bản văn đó không viết chữ thìn 辰 (đọc là thời) nữa, mà viết chữ thần 神, từ đó mà ra từ thần khí (mất mùa, giặc giã…)”; (2) hiện nay không ai sử dụng từ thần khí theo nghĩa xấu này nữa.

Vua Tự Đức tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, ngoài ra còn có tên là Nguyễn Phúc Thì (阮福時). Bằng chứng là: Khi chép Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn đã sửa tên của tướng Trần Thì (vị tướng của Đông Ngô sang thay Sĩ Nhiếp năm 227) là Trần Thời, Ngô Thì Sĩ đổi thành Ngô Sĩ, Ngô Thì Nhậm đổi thành Ngô Nhậm[13].

Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (1896) của Paulus Của: Chữ thời 時 cũng là chữ thì 時, vì “mắc quốc huý, mà đọc trại”, và thời khí 時氣 cũng đồng nghĩa với thì khí, nghĩa là: vận khí theo mùa tiết; mùa tiết độc địa.

Ý kiến biện hộ trên đây có thể trình bày lại như sau:

(1)         Chữ 時 có thể đọc là thì, thời hay thìn

(2)         Chữ 辰 có thể đọc là thì, thời, thìn hay thần.

(3)         Chữ 神 đọc là thần.

Thì khí (時氣): vì kỵ huý, nên đọc là thời khí hay thìn khí. Nhưng để khỏi đọc nhầm là thì khí 時氣, nên viết trại đi là 辰氣 (từ này có thể đọc là thì khí, thời khí, thìn khí hay thần khí) và để chắc chắn không thể đọc là thì khí nữa, các bản văn thay chữ thần 辰 bằng chữ thần 神. Đó là lý do tại sao thì khí 時氣 lại hóa ra thần khí 神氣.

Lập luận này hợp lý. Thú thật, cá nhân tôi chưa từng đọc bài kinh có câu: “Xin cứu chữa chúng con cho khỏi thần khí, mất mùa, giặc giã…”, nhưng được biết có một lời kinh trong Kinh Chầu Thánh Thể (Sách Nửa giờ chầu Chúa, của Giáo phận Bùi Chu đang sử dụng) có câu: “Xin cho nước Việt Nam khỏi bão bùng, hoả tai, ôn dịch, tà khí, mất mùa, giặc giã…”. Không biết có phải kinh này đã được Đấng Bản Quyền sửa đổi lại từ bài kinh nói trước hay không? Dù sao, những từ “bão bùng, hoả tai, ôn dịch, tà khí” vẫn hợp thời hơn “thần khí” là từ có nghĩa “ôn dịch” nghĩa xưa rồi [theo Cha Kiệm, sđd.]. Quả thực ngày nay ít thấy ai sử dụng chữ “thần khí” theo nghĩa này nữa ngoài bài kinh nêu trên.

4. Nhận định

Như vậy, chúng ta nên trả lại nghĩa “ôn dịch, hơi độc gây bệnh cả vùng, dịch khí, mùa tiết độc địa, peste… “ cho từ thời khí (temps épidémique) như có thể thấy trong Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam (2000) của Gs. Nguyễn Lân: Thời khí = bệnh sinh ra do sự thay đổi thời tiết, ngày xưa người ta cho bệnh dịch tả là bệnh thời khí. Hoặc trong Đại Từ Điển tiếng Việt (1998) của Gs. Nguyễn Như Ý (chủ biên): Thời khí = điều kiện thời tiết trong một khoảng thời gian nhất định, thường gây những tác động không tốt đến con người.

Tuy nhiên, từ “thần khí” cũng có thể gợi liên tưởng đến một số ý nghĩa không tốt, vì từ này còn có những ý nghĩa khác như: (1) Vẻ mặt, nét mặt; (2) Khoái chí, thoả mãn; (3) Ra vẻ, cao ngạo, vênh vang (ta đây)[14]. (4) Tinh thần dồi dào; (5) Nghênh ngang, ra vẻ[15]. Nếu là 神器 (thần khí) lại có nghĩa là: (cái) ngai của vua, chính quyền[16], hay lưỡi gươm sắc bén. Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta khi chọn dùng một từ mới, nhất là những từ diễn tả khái niệm quan trọng trong đạo, cần hết sức cẩn thận xem xét từ này đã có ai sử dụng chưa và có ý nghĩa gì khác nữa.

Trong tiếng Anh, “Holy Ghost” là danh xưng chung để chỉ Đức Chúa Thánh Thần từ ban đầu cho đến đầu thế kỷ 20. Ý nghĩa nguyên thuỷ của chữ “ghost” cũng tương tự như chữ “spirit” (tinh thần) và “soul” (linh hồn), nhưng về sau, chữ “ghost” có thêm những nghĩa xấu như: “con ma”, “hồn ma”, “hồn của người chết”… (tĩnh từ “ghostlish” có nghĩa “thuộc về ma cà rồng”, “kỳ cục ghê tởm”). Cho nên, năm 1901, Thánh Kinh ấn bản ASV (The American Standard Version of the Bible, dựa theo ấn bản English Revised Version, 1885) đã sử dụng danh xưng “Holy Spirit”, thay cho từ “Holy Ghost”. Năm 1970, ấn bản NAB (The New American Bible) chính thức đầu tiên của Hội Thánh Công Giáo Hoa Kỳ cũng sử dụng từ này. Ngày nay, hầu như tất cả các bản dịch tiếng Anh hiện đại đều theo đó. Ở Anh, các giáo viên giảng dạy về tôn giáo luôn dạy phải tránh dùng “Holy Ghost” vì nó “gợi ý về một cái gì tầm thường và tâm tình sợ hãi đối với Ngôi Ba Thiên Chúa”. Tuy nhiên, trong vài sách kinh nguyện và trong các văn bản cũ, người ta vẫn còn gặp từ “Holy Ghost”.

Nhắc việc này để nhớ rằng ngôn ngữ – một phương tiện để truyền đạt ý tưởng – có sự thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh và thời gian. Một chữ ngày xưa có nghĩa không xấu mà nay lại có nghĩa xấu, thì người ta tránh không sử dụng nữa. Ngược lại một chữ ngày xưa có nghĩa xấu mà nay không có nghĩa đó nữa thì chúng ta có nên sử dụng hay không?

Về trường hợp “thần khí”, ngày nay miền Bắc vẫn có một số giáo dân đọc bài kinh có câu: “xin cứu chữa chúng con cho khỏi thần khí , mất mùa, giặc giã…”, nếu chúng ta dùng từ thần khí để dịch chữ spiritus, đối với họ là một xúc phạm. Tránh làm tổn thương tinh thần người khác, cũng là điều đòi hỏi của bác ái Kitô Giáo. Trong khi đó, anh em Tin Lành dùng từ Thánh Linh thay vì dùng từ Thánh Thần để chỉ Chúa Thánh Thần, thì từ linh khí thay cho từ thần khí cũng rất tự nhiên.

Kết

Uỷ ban Phụng tự của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong phiên họp ngày 11/08/2006 đã quyết định chính thức không sử dụng từ “thần khí” nữa. Đây cũng là một lựa chọn khó khăn, nhưng sáng suốt.

Chúng tôi nghĩ rằng từ linh khí có thể thay cho từ “thần khí” để tránh liên tưởng nhầm lẫn đến nghĩa xấu nói trên. Thuật từ linh khí không những đúng với chữ spiritus, mà còn có một ý nghĩa triết lý Đông Phương rất sâu xa

* Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả.



[1] Tiếng La Tinh do bởi từ Hipri là Ruah ha-qodesh: Ruah có nghĩa là: hơi thở, gió, tinh thần; ha-qodesh do tĩnh từ qodesh có nghĩa là: thánh, thánh thiêng, tách biệt. Bản LXX là pneuma to agion (Tv 50,13; Is 63:10-11; Lc 11,13;  Ep 1,13; 4,30 và1Th 4,8, …).

[2] Tiếng Việt thêm từ “Đức” để tỏ lòng kính trọng, tôn xưng và từ “Chúa” để diễn tả đức tin vào Ngài là Đấng Tối Cao.

[3] x. Bài Giảng Chúa Nhật số 09-2006, trang 105, nghĩa (1) và (7).

[4] x. Bài Giảng Chúa Nhật số 05-2006, trang 93, nghĩa (1.2) và (1.9).

[5] Tv 50 (51),13 trong bản Phổ thông: Ne proicias me a facie tua, et spiritum sanctum tuum ne auferas a me. Bản CGKPV: Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

Is 63,10-11: Bản Phổ thông: Ipsi autem ad iracundiam provocaverunt et afflixerunt spiritum sanctitatis eius; et conversus est eis in inimicum et ipse debellavit eos. Et recordatus est dierum antiquorum, Moysi et populi sui. Ubi est qui eduxit eos de mari cum pastore gregis sui? Ubi est qui posuit in medio eius spiritum sanctitatis suae? Bản CGKPV: Nhưng chính họ đã nổi loạn, đã làm phiền thần khí thánh của Người, nên đối với họ, Người trở nên kẻ thù, và đích thân giao chiến chống lại họ. Bấy giờ, dân Người nhớ lại thời quá khứ, thời ông Môsê. Đâu rồi Đấng đã đưa vị mục tử đàn chiên của Người lên từ biển? Đâu rồi Đấng đã đặt nơi ông thần khí thánh của Người?

[6] Mt 8,16: trong bản Phổ thông dịch là: Vespere autem facto, obtulerunt ei multos daemonia habentes; et eiciebat spiritus verbo et omnes male habentes curavit. Bản CGKPV: Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giê-su. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau.

Ep 2,2: trong bản Phổ thông dịch là: in qui bus aliquando ambulastis secundum saeculum mundi huius, secundum principem potestatis aeris, spiritus, qui nunc operatur in filios diffidentiae. Bản CGKPV: Xưa kia anh em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục.

[7] Yves Congar, Je crois en l’Esprit Saint, Tome I, Cerf, Paris, 1978.

[8] ĐTC Gioan Phaolô II, Huấn từ trong buổi triều yết chung, 03/01/1990, đoạn số 6.

[9] Từ điển Từ Hải (Trung Quốc) xuất bản tháng 01 năm 2002 do nhà xuất bản Thượng Hải, Trung Quốc.

[10] Từ điển Từ Hải (Đài Loan) xuất bản tháng 12 năm 1972 do nhà xuất bản Trung Hoa, Đài Loan.

[11] Xem bài viết “Lời hát nhà thờ” của Trà Lũ Trần Trung Lương (2005) và “Một vài đề nghị về mấy danh từ nhà đạo quen dùng” của LM. P. Đan Minh Trần Minh Công, ngày 02/07/2006.

[12] Xem bài viết “Vấn đề dùng từ ‘Thần khí của Thiên Chúa’“ của Nữ tu Nguyễn Thị Sang, CND, ngày 30/09/2005.

[13] Trong khi các sách sử cổ hơn như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Lê Văn Hưu) hoặc sau này như Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim, 1971) đều ghi là Trần Thì, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm (陳時=陳辰; 吳時士=吳士; 吳時任=吳任). Xem Khâm Định Việt Sử Thông Cương Mục (1856-1881), bản dịch của Viện Sử Học Hà Nội, 1960, chú thích 1 trang 34 và chú thích 3 trang 951.

[14] Từ điển Hán Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, 2002, trang 1267.

[15] Từ điển Hán Việt, Trung Quốc, 1994, trang 598; Giúp đọc Nôm và Hán Việt, LM. Antôn Trần Văn Kiệm, 2004, trang 493.

[16] Quốc Ngữ Hoạt Dụng Từ Điển, Đài Loan, 2004, trang 1468.

Kiểm tra tương tự

Xuân phúc ân

    XUÂN Đứng trước thềm Xuân. Cảm nhận hạnh phúc trong tâm hồn, cảm …

Tiếng “ồn”

  Âm thanh là điều kỳ diệu mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *