Ước Mơ Hạnh Phúc

Từ khi con được vào học trường GIÊSU, câu lời Chúa luôn xuất hiện trong tâm trí con: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

 

Con biết Chúa yêu thương và nhắc nhở con cần phải cố gắng hơn trong việc tu luyện bản thân để trở nên người con ngoan của Chúa. Đây là ơn gọi “nên thánh”, một ơn gọi rất cao cả. Cũng là lời mời gọi của Giáo Hội, qua Công đồng Vatican II: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha, là “Đấng Trọn Lành”; Tuỳ theo con đường của mỗi người” (GH 11,3). Đây là cùng đích cuộc sống của người Kitô hữu.

 

Như vậy “Nên thánh” chính là sống mật thiết với Thiên Chúa, có nghĩa là con phải từ bỏ con người cũ, từ bỏ ý riêng, kiêu ngạo, lối sống ích kỷ và những thói hư tật xấu để mặc lấy con người mới trong Chúa KITÔ. Dứt khoát từ bỏ ma quỷ, những quyến rũ sai trái của thế gian, từ bỏ tội lỗi vốn làm con xa rời Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nhấn mạnh: “Điều chúng tôi cầu xin là anh em được nên hoàn thiện” (2Cr 13, 9).

 

Bài giảng trên núi và đặc biệt là Tám Mối Phúc Thật là kim chỉ nam mà Thầy Giêsu chỉ cho con đường trở nên thánh thiện. Những ai kiên trì bền vững sống các “Mối Phúc”, sẽ nhận được phần thưởng hạnh phúc không những chỉ đời này, mà sẽ dành được hạnh phúc Vĩnh Cửu mai sau.

 

“Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ” (Mt 5,3).

 

Mối phúc này được Thầy Giêsu sắp xếp hàng đầu của các mối phúc. Điều này có ý nghĩa gì vậy?

Từ biến cố Giáng Sinh cho đến biến cố Thập Giá. Chúa Giêsu hoàn toàn vâng phục vào thánh ý Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu Kitô “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).

 

Ngài từ bỏ những gì Ngài đã từng là, để khoác vào những gì không phải là Ngài, là chính thân phân yếu hèn của nhân loại chúng ta. Sự tự hủy của Chúa Giêsu đã lột tả hết ý nghĩa “Tâm hồn nghèo khó”. Tâm hồn Ngài hoàn toàn phó thác và vâng phục với thánh ý của Chúa Cha.

 

Mẹ Maria, đấng đầy “Ân Sủng” đã khiêm nhường nói lời “Xin vâng”: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới… Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” (Lc 1,46-56)

Mẹ Maria luôn xem mình là tôi tớ thấp hèn, là nữ tỳ của Chúa. Mẹ nhìn nhận sự trống rỗng của mình và dâng lên Thiên Chúa tất cả những gì Người đã làm cho Mẹ.

Thánh cả Giuse, người công chính, có một tâm hồn phó thác, không sở hữu một điều gì, chỉ chìm đắm trong sự thinh lặng cầu nguyện để lắng nghe và đón nhận thi hành thánh ý Chúa.

Nhìn qua gương các thánh Tông Đồ và các thánh Nam Nữ, mỗi vị thánh đều có những nét đẹp trên con đường thiêng liêng riêng của các Thánh. Tuy vậy, có một điểm chung, các Thánh có một “tâm hồn nghèo khó”, chết đi chính mình, phó thác trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa; yêu mến Chúa hết lòng, hết tâm hồn và hết trí khôn với đức khiêm nhường sâu thẳm.

 

Như vậy, “tâm hồn nghèo khó” là người Khiêm tốn nhận ra thân phận mỏng dòn yếu đuối. Một loài thụ tạo, được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng từ bụi đất, “tâm hồn nghèo khó” có nghĩa là trở về về phận người rất thật, là không sở hữu gì là của riêng, ngay cả sự thông minh, tài năng cũng không phải là của chính mình. Tất cả đều do Chúa ban cho. Người có tâm hồn nghèo khó nhờ vào Thần Khí mà có sự sống, và còn được mời gọi chia sẻ sự sống thần linh của Thiên Chúa. Như thế, sự sống hoàn toàn lệ thuộc vào Thần Khí của Thiên Chúa. Một khi thân xác trở về với cát bụi. Chỉ còn tâm hồn nghèo khó được sống viên mãn với Đấng yêu thương.

 

Trong suy tư nhìn lại bản thân. Cuộc đời của con là một huyền nhiệm. Chúa yêu thương con quá nhiều. Con chỉ biết nói lên lời “Tạ ơn! tạ ơn! và tạ ơn Chúa trong những dòng nước mắt hạnh phúc… Kiếp người khi sinh ra đã vương bụi trần, trong thân phận mỏng dòn yếu đuối. Nhưng, Chúa đã tạo dựng con giống hình ảnh của Ngài và được bao bọc bởi tình yêu tuyệt đối.

 

“Ngài thấy cho lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,

đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.

Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật,

dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan (Tv 51,7-8).

 

Con nhớ lại, lần đầu tiên được đôi mắt Thầy Chí Thánh chạm thật sâu đến trong tâm hồn con. Đêm hôm đó, một đêm thật hạnh phúc nhất trong cuộc đời của con. Dấu ấn tình yêu của Thầy khắc sâu trong tâm khảm bằng sự yêu thương và tha thứ. Con chỉ biết gục đầu quỳ gối ăn năn sám hối và khóc nức nở như đứa trẻ con. Khóc vì tội lỗi của con, với bao năm tháng bỏ nhà Cha đi hoang. Đã đắc tội với Thiên Chúa (x.2Sm 12,13). Khóc vì cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Chúa tuôn đổ trên con. Ngài bao dung và tha thứ cho đứa con ngỗ nghịch, hoang đàng. “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

 

Kể từ ngày đó, Ngài mặc cho con một chiếc áo mới. Con quyết tâm phải thay đổi chính mình. Hành trình cuộc đời luôn đầy những thử thách chông gai. Con phải chu toàn bổn phận của người chồng, người cha chăm lo gia đình. Bên cạnh đó còn phải cố gắng xây dựng đời sống thiêng liêng tốt hơn, để chính mình được hạnh phúc, và làm gương sáng trong môi trường con sống. Khó khăn nhất chính là cuộc chiến nội tâm giữa hai con người cũ mới luôn diễn ra trong tâm hồn khi đối diện với những thói hư tật xấu “tham, sân, Si”, và đặc biệt khi đối diện với “cái tôi” quá lớn.

 

Blaise Pascal đã viết: “Ôi cái tôi thật đáng ghét!” Với “Cái tôi”, giả hình, tự ái cao, ích kỷ, tự mãn; làm sao con có thể vượt thắng được tính kiêu ngạo và sự nóng giận? Thánh Phaolô tông đồ đã nhận thức rõ về điều này, thánh nhân đã khiêm tốn tự nhận “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,15.19).

Một cách duy nhất giúp con vượt thắng đó là bám chặt vào lòng thương xót của Chúa. Cầu xin Chúa Thánh Thần giúp con biết sống khiêm tốn hơn, lắng nghe nhiều hơn, chậm nói lại để kiềm chế cơn nóng giận.

 

Tạ ơn Chúa! Ngài dẫn con đi từng bước.

Mỗi ngày con cố gắng nhiều hơn trong đời sống cầu nguyện. Chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, và tham dự Thánh Lễ. Dâng tất cả yếu đuối, xin ơn Chúa tha thứ và ơn trợ giúp, cho con một ngày sống trong niềm vui của Thầy.

Đây chính là nguồn ân sủng giúp cho đời sống của con mỗi ngày có ý nghĩa hơn, sống vui tươi và chan hoà với tất cả mọi người hơn.

Tuy nhiên, lắm lúc con có những “cơn điên” nổi lên, không kiểm soát được cảm xúc nóng giận, cất cao giọng nói lời tiêu cực, làm mất hoà khí bình an…Con thành tâm xin lỗi Chúa và xin lỗi những người bạn con đã xúc phạm.

 

Sống trong tình yêu của Thầy, Ngài dạy cho con bài học thật sâu qua bí tích hoà giải.

Có một lần con đi xưng tội với hai tội con thường vấp phạm. Đó là nóng giận và xét đoán. Cha giải tội cho con làm việc đền tội lần một chuỗi mân côi. Bước về chỗ ngồi lòng còn không vui, bởi con cần lời linh hướng giúp con có một phương pháp để tránh bớt tội.Và trong tâm trí con lại nghĩ: việc đền tội một chuỗi sao lại nhiều như vậy…

Con ra về không bình an.

Chiều hôm sau tan sở, con ghé vào chầu Thánh Thể, thưa chuyện với Thầy về câu chuyện xưng tội của ngày hôm qua. Để mong có một câu trả lời từ Thầy. Con chào Chúa ra về trong sự trống rỗng.

Chiều ngày kế tiếp, sau giờ làm việc, con ghé đến Chapel chầu Chúa. Con lại dâng câu chuyện đó lên cho Thầy. Xin Ngài chỉ dẫn để con có thể bỏ bớt tính nóng giận, kiêu ngạo và giúp con vượt thắng được những yếu đuối.

Quỳ chiêm ngắm Thánh Thể, trong trầm lắng cầu nguyện, và sau đó  lần hạt gẫm năm sự vui.

Con cảm nhận hai chữ “Khiêm Nhường” đập mạnh vào tâm trí con. Con nhận ra điều mà Chúa muốn nói với con qua Mẹ Maria. Con cảm tạ ơn Chúa! Và Tiếp tục suy niệm cầu nguyện về nhân đức “Khiêm Nhường”của Đức Mẹ; con nhận ra, con không có Khiêm tốn. Đến với bí tích hoà giải cần có một sự khiêm nhường để xét mình. Không có tội nào là nhỏ, những ung nhọt nhỏ nếu không chữa trị, nó sẽ trở nên lớn, và đôi lúc trở thành ung thư. Một thứ kiêu ngạo đáng sợ trong đời sống thiêng liêng.

 

Lời Thánh Augustinô: “Niềm kiêu hãnh đã biến đổi thiên thần thành ma quỷ; chính sự khiêm nhường khiến con người trở thành những thiên thần”.

 

Kể từ đây, với niềm tin yêu con phó dâng cuộc đời cho Đức Mẹ. Nương tựa bên Mẹ, con càng yêu mến chuỗi Mân Côi. Buổi sáng bắt đầu ngày mới, con dâng lên Mẹ “Năm Sự Vui” đó là ý lực niềm vui an bình trong Chúa và Mẹ Maria, ước mong một ngày vui sống chan hoà với mọi người.

 

Lạy Chúa!

Thật, con nói thì dễ nhưng thực hành mỗi ngày là một thách đố, dễ dàng vấp phạm trong tư tưởng, lời nói cũng như hành động; nên con cần có ơn Chúa trợ giúp và liên lỉ cầu nguyện.

Điều con cảm nhận, những lúc con vấp ngã, kêu cầu đến Chúa, Ngài cho con trở về trong giây phút hồi tâm, giúp con thấy được sự mỏng dòn yếu đuối, với ơn trợ giúp của Chúa, tâm hồn con lại thấy bình an.

Xin Chúa cho con biết khiêm tốn lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần đang vang vọng sâu thẳm trong tâm hồn. Con cần khiêm tốn để nhận biết sự giới hạn, yếu đuối và tình trạng thiếu thốn của con. Con cần nhận ra không có gì là của riêng con, tâm hồn con cần trống rỗng để được Chúa đoái thương và trong mọi nhu cầu của cuộc sống con hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa.

Nhờ đó giúp con mỗi ngày thăng tiến trên con đường trọn lành như lời mời gọi của Chúa Giêsu: các con hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

 

Hồn tôi sẽ vui mừng trong CHÚA,

hoan hỷ vì Người cứu thoát tôi (Tv 35,9).

 

 

Thomas Lê văn Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Giáo xứ Ngọc Mạch: Hạ giải và khởi công xây dựng nhà thờ

“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv …

Linh mục tốt cần học suốt đời

Ca dao tục ngữ Việt Nam có vô số câu nói đề cao tinh thần …