Vẫn còn đó …nghèo

 

Dưới cái nắng hanh hanh của một buổi chiều cuối tuần, anh em học viên chúng tôi đã đi thăm những người nghèo trong khu vực Linh Trung và nhiều vùng lân cận khác ở Thủ Đức. Trước khi khởi hành chuyến đi, lòng chúng tôi bồi hồi, háo hức bởi vì không biết hôm nay mình sẽ gặp những con đối tượng nào, hoàn cảnh ra sao và có thể giúp gì cho họ? Đứng trước tượng đài thánh Giuse của sân vườn học viện, anh em chúng tôi đã sốt sắng đọc mấy câu kinh để qua lời cầu bầu của thánh Cả, nguyện xin Chúa thánh hóa chuyến đi của chúng tôi được tốt đẹp.

Ra khỏi cổng học viện, mỗi anh em chúng tôi tản ra mỗi ngả đường khác nhau. Vừa đi đường, chúng tôi vừa quan sát quang cảnh, và nhịp sống của mọi người xung quanh. Thoáng một chút, chúng tôi đã đến khu vực “cầu gió bay” gần đường ray xe lửa. Đi dọc theo con hẻm nhỏ, chúng tôi bắt gặp được rất nhiều căn nhà nhỏ hẹp với bề bộn đồ đạc và đông đúc trẻ nhỏ, người lớn. Chạy xe khoảng vài trăm mét, chúng tôi dừng lại ở một gia đình và khởi sự bằng một vài câu hỏi chào thăm, chẳng hạn như: “chị ơi! Nếu chạy tiếp đường này có ra ngoài đường lộ lớn không ạ? Cô ơi, cho em hỏi gần đây có nhà có nhiều em nhỏ, cụ già có hoàn cảnh khó khăn không ạ? Chúng em muốn ghé thăm hỏi chút?” Lời chào thăm nhè nhàng và chân thành của chúng tôi đã được một số người đáp lời bằng sự ân cần, tử tế cùng với niềm vui và nụ cười trên khóe môi.

Dừng lại với họ một chút, chúng tôi bắt đầu trò chuyện hỏi thăm gia đình họ. Đa phần những gia đình chúng tôi thăm viếng đều có những hoàn cảnh hết sức éo le. Bởi vì tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, đã làm cuộc sống của các hộ gia đình này khó khăn hơn trước rất nhiều. Trước đây, họ làm công nhân, thế nhưng giờ đây một số bị thất nghiệp do công ty, xí nghiệp phá sản, hoặc hủy hợp đồng, giảm thiểu lương tháng với họ… Có người, trước đây là thợ hồ nhưng nay phải gác bay vì ít công trình thi công, hoặc do đau bệnh khiến họ phải mất việc. Có người trước đây họ bán hàng rong, bán vé số nhưng giờ đây vì tuổi già, sức yêu nên họ phải ở nhà… Gánh nặng chi tiêu, kinh tế đang đè nặng trên những người trụ cột của gia đình, thậm chí nhiều gia đình có người già, trẻ nhỏ bệnh tật, nhưng họ cũng chẳng thể đến bệnh viện khám chữa bệnh được, bởi đơn giản họ không có tiền.

Rảo bước qua các dãy phòng trọ trong các con hẻm nhỏ, chúng tôi thấy rất nhiều nhà xuống cấp, “nhà dột cột xiêu” đúng là có thật! những phòng trọ nhỏ bé, bề bộn với quần áo, giường chiếu, bếp núc, đồ dùng ở cạnh bên nhau… Trông họ thật tội nghiệp, và ai ai cũng còm cõi đói ăn. Nhìn thấy họ như vậy, tôi lại càng thương họ hơn. Tôi chợt nhớ đến câu nói của Chúa Giêsu: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Thế nhưng, tôi thầm thì với Chúa: “Chúa ơi! Người nghèo như thế này thì rất nhiều… mà chúng con chẳng có nhiều tiền của! Chút nhu yếu phẩm nhỏ này thì thấm vào đâu…!”

Những lời thôi thúc của Chúa vẫn vang vọng trong tôi, “chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16). Vâng! Một chút sẻ chia vật chất của chúng tôi với họ chỉ là một gói bột ngọt, một chai nước tương, hay bịch đường nho nhỏ… tuy chẳng thấm thía vào đâu nhưng tôi tin rằng chính Chúa Giêsu sẽ làm phép lạ như dụ ngôn Năm chiếc bánh và Hai con cá. Có lẽ Chúa cần tôi cộng tác vào công trình của Ngài. Khi nhận những món quà nhỏ bé từ tay chúng tôi, nhiều người cảm thấy vui sướng, và điều đó thể hiện rõ trên nét mặt với nụ cười tươi và ánh mắt long lanh chất chứa nhiều hy vọng, cùng với những nếp nhăn do tuổi tác, do sự khổ cực, vất vả lao động lâu dài…của họ.

Không chỉ dừng lại ở việc sẻ chia chút nhu yếu phẩm hay quà bánh vật chất, nhưng sâu xa hơn, chúng tôi cùng ngồi lại với các gia đình đó, để lắng nghe những tâm tư, thao thức, những nỗi niềm hy vọng về cuộc sống hiện tại của họ. Khi trò chuyện với nhiều người, tôi chợt nhận ra một điều là: tuy họ nghèo vật chất, nhưng họ giàu tình cảm và tình thương. Tôi cảm nhận thấy sự gần gũi và thân thương từ nơi họ. Chẳng hạn như chú Tư tầm tuổi ngũ tuần, ở khu phố 2, đường Vườn Lài phường An Phú Đông quận 12, chẳng ngần ngại kể về gia cảnh éo le và cuộc đời bôn ba của chú, và bà ngoại Tài hàng xóm cũng nặng lòng than thở về những người con đã khuất vì bệnh tật hiểm nghèo và những nhức mỏi của bệnh tai biến mỗi khi trái gió trở trời đang hành hạ bà… Cô Bảy khoảng gần sáu mươi tuổi, ở cuối hẻm đó cũng chia sẻ với chúng tôi về căn bệnh suy tim và chạy thận hàng tháng của cô…ngày càng nặng, vì chẳng có gia đình và người thân nên cô phải đi rửa chén thuê kiếm từng đồng đong gạo và chuẩn bị phải cầm cố miếng đất nhỏ, căn nhà bé này đi để chữa bệnh…

Càng nghe họ chia sẻ, chúng tôi càng thương họ nhiều hơn. Cũng một kiếp người, có người cả đời sống trong sung túc, giàu sang, an nhàn… nhưng cũng có người chịu cảnh lầm than, gian nan, khốn khó… Chúng tôi chăm chú lắng nghe từng lời chia sẻ của họ và bày tỏ sự đồng cảm qua những lời hỏi han, động viên và khích lệ. Chúng tôi muốn trao gửi niềm hy vọng vào cuộc sống và sự bình an của Chúa đến với từng người mà chúng tôi thăm viếng. Tựa như lời Chúa Giêsu dạy chúng tôi: “vào bất cứ nhà nào anh em hãy chúc bình an cho họ.” (Mt 10, 12). Cứ thế, mỗi lần ghé thăm họ, chúng tôi như muốn thắp lên một ngọn nến hy vọng nhỏ giữa màn đêm đen dày đặc của sự tuyệt vọng về cuộc sống này.

Khi trở về cộng đoàn, lòng chúng tôi mừng rỡ hân hoan, không phải sau những giờ học tập mệt mỏi căng thẳng được ra ngoài “đổi gió”, nhưng chúng tôi cảm nhận được niềm vui từ sự trao ban, và tình thân từ sự gặp gỡ chân thành. Không phải chúng tôi cho điều này điều kia cho bằng chúng tôi nhận được sự tin tưởng, sẻ chia và quý mến từ những người nghèo. Họ chẳng cần tự về, hay tự cao… Tất cả đều đến với nhau trong tình yêu hiệp thông và chia sẻ. Chúng tôi tin rằng một chút góp phần nho nhỏ của chúng tôi với tình yêu mến Chúa và tha nhân, thì chính Chúa Giêsu sẽ làm những phép lạ, những phép lạ lớn lao khiến mọi người ai ai sau đó đều cảm thấy “no nê” tình thương. Vâng! Tuy việc làm nhỏ bé nhưng với tất cả tình yêu sẽ làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống này.

Minh Đức S.J.

 

 

Kiểm tra tương tự

Linh mục tốt cần học suốt đời

Ca dao tục ngữ Việt Nam có vô số câu nói đề cao tinh thần …

Bảy kỹ năng sống tuyệt vời có được khi lớn lên trong một gia đình đông anh chị em

Có nhiều anh chị em là một ơn xét theo nhiều phương diện. Đây chỉ …