Vấn đề cúng bái tổ tiên ở Việt Nam (3)

Linh mục Giuse Đỗ Quang Chính, S.J.

III. Toà thánh Roma can thiệp

Khi các thừa sai phương Tây vào Trung Hoa và Việt Nam, đều vô cùng bỡ ngỡ về các nghi lễ, phong tục ở đây quá khác lạ với những gì quen thuộc ở châu Âu, nhiều vị còn cho là mê tín dị đoan, cần phải được tẩy rửa thì mới hợp với đức tin. Cho nên nhiều báo cáo gửi về châu Âu, xin giải quyết. Vì ở xa, Toà thánh khó mà hiểu hết sự việc, nên đã ra lệnh nghiêm cấm, nhất là vào năm 1715 và 1742. Tuy nhiên, ngay từ cuối thế kỷ XVI cũng có những nhà truyền giáo ra sức nghiên cứu tìm hiểu sâu xa vấn đề. Chẳng hạn như cha Matteo Ricci [34] để hết tâm sức vào việc học chữ Hán, tập suy tư và sống như người Trung Hoa, không phải chỉ bề ngoài mà bằng cả tâm hồn, nghiên cứu ngôn ngữ, văn học, triết học và các phong tục, nghi lễ… cùa Trung Hoa; hơn nữa, Ricci còn viết sách giáo lý, thiên văn, toán học, triết học, từ điển bằng tiếng Hoa. Ricci đã cố gắng hội nhập, hay hơn nữa là hoà mình vào văn hoá, xã hội Trung Hoa trong suốt cuộc đời truyền giáo ở đây, mở đầu cho nhiều nhà truyền giáo khác theo.

Sau đầy chúng tôi bàn về việc Toà thánh Roma can thiệp bằng cách cấm các nghi lễ tôn kính tổ tiên, Khổng Tử và nhiều nghi lễ tương tự ở Trung Hoa [35], nhưng cũng hiểu là ở cả những nước chung quanh, nhiều ít ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, như Việt Nam chẳng hạn, mà thời xưa Giáo hội Việt ta quen gọi là cuộc tranh tụng “lễ phép nước Ngô”.

  1. Khởi đầu cuộc tranh tụng:

Năm 1633, bắt đầu châm ngòi cho cuộc tranh tụng kéo dài ít nhất hơn 100 năm (1633-1742) do hai cha Juan Bautista Moralez, OP, và Antonio de Santa Maria Caballero, OFM, từ Philippin vào nước Đại Minh. Hai cha đã chứng kiến ở Mai Dương (huyện lỵ huyện Phước Ninh trong tỉnh Phước Kiến), các cha DT cho phép giáo hữu Trung Hoa được kính lễ Đức Khổng và người qua đời như nghi thức người Hoa quen thi hành đối với tổ tiên và các triết gia của họ.

Hai cha nhận thấy giáo hữu Mai Dương làm như thế là hành vi mê tín dị đoan, nên các ngài lên tiếng phản đối. Do đó năm 1635, hai cha viết thư cho cha Phó Giám tỉnh DT Trung Hoa là Manuel Dias [36] hỏi cho ra lẽ, nhưng không nhận được câu trả lời. Hai cha càng phản đối mạnh hơn, làm cho nhà cầm quyền địa phương nổi giận với các cha Đa Minh và Phanxicô, vì chống lại phong tục văn hoá trong nước, gây nguy hại cho an ninh trật tự xã hội. Vì vậy cha Moralez và một cha Đa Minh khác là Francisco Diaz bị tống giam vào ngục, bị cùm, bị đánh đòn, sau cùng bị ra toà rồi bị trục xuất sang Áo Môn.

Tại Áo Môn, năm 1639 cha Moralez gửi văn thư cho cha Manuel Dias lúc đó là Giám sát hai tỉnh DT Trung Hoa, Nhật Bản, một danh sách, yêu cầu cha Dias giải thích tại sao các cha DT đã chấp thuận như vậy; sau đây là một số câu hỏi:

  1. Lý lẽ gì mà các cha DT cho phép giáo hữu được đóng góp vào đồ cúng tà thần?
  2. Tại sao cho phép các quan là người giáo hữu, cứ hai lần mỗi tháng vào đền tà thần Chin-Hoan bái gối thờ lạy, đầu chạm tới đất mà dâng hương nhang?
  3. Tại sao cho phép các quan và các văn nhân là người giáo hữu đến Văn miếu dâng của lễ và làm nhiều nghi lễ khác tôn kính Khổng Tử?
  4. Tại sao cho phép giáo hữu được ăn của cúng, mà theo cảm nghĩ chung của người ngoại đạo, là ăn như thế để kính tà thần và nhà hiền triết Khổng Tử, thì sẽ được giàu có?
  5. Dựa trên nền tảng nào, các cha DT dám cho phép giáo hữu được tôn kính tổ tiên trong nhà cũng như tại phần mộ và cùng với người ngoại đạo dâng đồ cúng là thịt, cá, nến sáng và hương nhang; các cha chỉ đòi buộc những giáo hữu ấy giữ 3 điều: – không được dâng, đốt vàng mã; – không được tin là hồn người chết hiện diện trong khi cử hành các nghi lễ đó; – không được cầu khấn gì với người chết?
  6. Dựa trên nền tảng nào các cha cho phép giáo hữu tham dự lễ an táng người ngoại đạo đầy dẫy những mê tín dị đoan, sặc mùi tà thần?
  7. Tại sao cho phép giáo hữu được đốt nhang nến và bái lạy trước bài vị những người ngoại đạo?
  8. Tại sao các cha DT trả lời mập mờ khi người ta đặt câu hỏi là Khổng Tử có bị án phạt đời đời không?
  9. Tại sao các cha DT lại có thể nói rằng, phải chấp nhận những sự việc như thế như là chấp nhận sự xấu nhỏ hơn, và vẫn ban phép xá giải cho những ai đã làm những việc ấy?

2. Những quvết đinh đầu tiên của Toà thánh

Vì thấy cha Giám sát DT không trả lời những câu hỏi trên đây, nên cha Clementê Gan, Giám tỉnh Dòng Đa Minh viết thư cho cha Giám sát DT yêu cầu cha phải làm sáng tỏ những điểm thắc mắc trên, sau khi đã bàn hỏi với những người thông thạo vấn đề được chọn ra từ các Dòng tu. Vẫn im lặng! Vì vậy, bó buộc các cha phải đưa vấn đề gai góc này trình bày cùng Toà thánh. Hai cha được cử đi, đó là cha Dòng Đa Minh Juan Bautista Moralez và cha Dòng Phanxicô Antonio de Santa Maria Caballero được các Bề trên phái về Roma. Tại đây hai cha tâu trình với Toà thánh 17 vấn đề.

Thế là năm 1645 ĐTC Innocentê X ra sắc lệnh cấm người tín hữu thi hành các nghi lễ cúng bái tổ tiên và đức Khổng Tử. Sắc lệnh được công bố tại Goa, Manila và Áo Môn. Cha Moralez trở lại Áo Môn, Trung Hoa, đích thân thông báo cho cha Giám sát DT Dias, nhưng Dias trả lời rằng DT sẽ trình bày lại với ĐTC rõ ràng hơn.

Năm 1648, cha Francisco Capillas, O.P. chịu tử đạo vì chống lại việc kính thờ tổ tiên và Đức Khổng Tử.

Tám năm sau, ngày 23-3-1656, Cha Martino Martini, S.J., sau khi trình bày nghi lễ kính bái tổ tiên với Thánh Bộ Thánh vụ, ĐTC Alexander VII lại cho phép. Bởi vì, cứ theo trình bày của Martini, người Trung Hoa hoàn toàn chẳng dâng cúng gì cho Đức Khổng (nihil omnino offerendo), mà chỉ tỏ bày cách tôn kính như thói thường các môn đệ tôn kính thầy mình; đàng khác những nghi thức ấy hoàn toàn có tính cách dân sự, không nhuốm màu sắc tôn giáo. Các giáo sĩ DT hiểu biết được như vậy là nhờ những cuộc tiếp xúc với mọi giới, đặc biệt giới trí thức Trung Hoa thời đó, chứ không phải chỉ nhìn vào những hình thức bề ngoài trong việc cúng bái của giới bình dân đôi khi pha trộn màu sắc mê tín.

Phái “Giăng-sen” (Jansenistes) ở Pháp được dịp công kích DT hơn nữa, cho rằng DT ở Đông Á tán thành những việc tôn thờ sặc mùi mê tín, dị đoan của dân ngoại. Pascal, nhà khoa học, cũng là nhà Triết học nổi tiếng của Pháp, càng mạnh mẽ lên án DT hơn, nên trong Lettres provinciales, thư thứ 5 đề ngày 20-3- 1658, ông công kích DT nhiều mặt, kể cả vấn đề nghi lễ cúng bái tổ tiên của Đông Á; Pascal cho rằng, các giáo sĩ DT ở Đàng Trong dám cho phép giáo hữu thờ tà thần Quan Âm và Đức Khổng Tử với điều kiện giấu ảnh Chúa Giêsu trong mình mà thầm thĩ kêu xin! Thế là các Giêsu hữu càng bị người ta cho là những kẻ đạo đức giả hình bằng từ ngữ “jésuitiques”, “Morale des Jésuites”!

Những người tán thành quyết định 1656 của ĐTC Alexander VII, xem ra giải thích rộng rãi hơn, coi quyết định năm 1645 trước đó của Đức Innocentê X không còn giá trị. Ngược lại, nhiều người vẫn theo quyết định của Toà thánh năm 1645, nhất là phái “Giăng-sen” và Đại học Sorbonne. Rõ ràng là lúc đó xuất hiện hai phái trong Giáo hội về vấn đề tôn kính tổ tiên.

Vậy, sắc lệnh năm 1656 có huỷ bỏ sắc lệnh 1645 không? Cha Juan de Polanco, O.P., một vị thừa sai tông toà (missionnaire apostolique), xin Thánh Bộ Thánh vụ giải quyết, thì ngày 20-11-1669 Thánh Bộ trả lời: cả hai sắc lệnh trên đây vẫn hoàn toàn có giá trị và phải được tuân giữ tuỳ theo các vấn đề, tuỳ theo các hoàn cảnh và tuỳ theo tất cả những gì chứa đựng trong các nghi vấn được nêu ra.

Từ đó xem ra hai phe phái, nhất là tại Đông Á có vẻ như cùng hoà hợp nhau hơn, vì nhóm nào cũng thấy sắc lệnh 1645 hay 1656 có giá trị. Hơn nữa, một sự kiện làm hai phái thừa sai ở Trung Hoa ngay từ 1665 đã xích lại gần nhau hơn, vì tất cả thừa sai các Dòng bị giam lỏng cùng một nhà tại Quảng Châu trong năm năm kể từ 1665, có dịp “rảnh rỗi” trao đổi về nền văn hoá Trung Hoa và Giáo hội phải thích nghi với văn hoá vùng này.

Nguyên đối với vấn đề kính lễ Đức Khổng và người quá cố, các vị đồng ý với nhau là, phải tuyệt đối tuân theo những câu trả lời của Bộ Thánh vụ, tức Bộ Tra vấn, đã được ĐTC Alexander VII chấp thuận năm 1656; vì những câu trả lời ây được dựa trên nền tảng khá chắc chắn này mà chẳng có gì hiểu trái ngược lại được. Đó là không được đóng cửa việc cứu độ đối với vô số người Hoa, khi không cho họ bước vào Kitô giáo, chỉ vì cấm họ thi hành những việc họ có thể làm hợp pháp và với thiện tâm, là những việc nếu họ không thi hành sẽ gây ra nhiều thiệt hại lớn lao.

3. Quyết định của Đc Maigrot[37]

Đc Charles Maigrot, một vị thừa sai Paris, được bổ nhiệm làm Gm tông toà Phước Kiến từ 1687, kế vị Đc Pallu, thể theo ý Toà thánh công bố quyết định “chết người” sau đây [38] (xin ghi lại tóm tắt):

“Theo các Hiến chương và sắc lệnh của Toà thánh, thì một trong những bổn phận của các Đại diện tông toà là phải lo liệu cho việc tôn thờ Thiên Chúa và sự tinh tuyền về các phong tục trong những vùng lớn lao do các ngài chịu trách nhiệm. Vì vậy, tôi truyền lệnh cho mọi thừa sai cách chung, cũng như từng vị thừa sai cách riêng, trong giáo phận tôi, phải tuân giữ tất cả những điều sau đây cho đến khi Toà thánh định liệu thể khác:

“Thứ nhất, bởi vì, nếu người ta viết hoặc nói sang tiếng Hoa các từ Tây phương chỉ cho Thiên Chúa, thì thấy kỳ cục; vậy chúng ta phải dùng từ Trung Hoa Thiên Chủ là từ đã được sử dụng lâu đời, có nghĩa là: Chủ của Trời. Nhưng phải loại bỏ hoàn toàn hai từ Thiên và Thượng Đế, dù cho rằng vẫn có một số người Hoa hiểu hai từ này chỉ cho Thiên Chúa mà người Kitô giáo thờ lạy.

“Thứ hai, trong bất cứ nhà thờ nào, cũng không được phép treo tấm hoành phi (bảng treo ngang trong nhà có khắc chữ sơn son thếp vàng) trên đó viết hai chữ Kính Thiên; nơi nào đã treo, thì hạn trong 2 tháng phải tháo gỡ. Chẳng những thế, mà bất kỳ tấm bảng nào hay những câu thơ nào trong các nhà thờ có chữ Thiên hay Thượng Đế dù có ý để chỉ cho Thiên Chúa, cũng phải gỡ bỏ, vì tôi thâm tín rằng những từ đó và đặc biệt từ Kính Thiên có ý nghĩa tà thần.

“Thứ ba, tôi tuyên bố rầng, trước đây người ta đã trình bày với ĐTC Alexander VII những điểm tranh cãi giữa các thừa sai, liên quan tới việc tôn kính tổ tiên và Đức Khổng không đúng với sự việc ở đây, cho nên không thể dựa vào đó mà bỏ qua những quyết định khác của Toà thánh.

“Thư bốn, tôi cấm các thừa sai không được vì lý do nào hoặc bằng cách nào, cho phép người tín hữu lãnh nhiệm vụ tế tự, hoặc các công việc khác của tế tự, cũng chẳng được hiện diện trong các cuộc tế tự long trọng người ta quen tổ chức hai lần một năm kính nhớ Đức Không và tôn kính người đã khuất, vì nó đầy dẫy mê tín.

“Thứ năm, tôi hết sức ca tụng những thừa sai đã nhiệt thành ra lệnh huỷ bỏ trong vùng truyền giáo của mình, những tấm bảng quen ghi các câu kính nhớ người qua đời.

“Thứ sáu, nhận thấy rằng, người ta đã công khai viết một số điều gây nguy hại cho những người chất phác, và mở đường cho mê tín dị đoan, ví dụ:

Nếu người ta hiểu đúng triết học Trung Hoa, thì triết học này chẳng có gì trái ngược với đức tin Kitô giáo;

Việc Đức Khổng kính lễ các thần, có tính cách chính trị hơn là tôn giáo;

Sách Kinh dịch là một toát yếu hay một tổng luận học thuyết trổi vượt về vật lý và luân lý;

“Vậy, tôi cấm tất cả những cách trình bày như thế hoặc giống như thế trong giáo phận này, vì sai lạc, càn dỡ và gây gương xấu.

“Thứ bảy, yêu cầu các thừa sai lưu ý để các thầy giáo là người giáo hữu đừng đọc hoặc giải thích các sách Trung Hoa trong trường học nghiêng về mê tín hay vô thần, mà phải giải thích cách nào cho thấy một Thiên Chúa cao cả dựng lên trời đất muôn vật”.

4. Đại học Sorbonne lêu án nghi lễ Trung Hoa

Ngày 18-10-1700, Phân khoa Thần học Sorbonne cũng lên án việc tôn kính tổ tiên vả Đức Khổng, đặc biệt lên án những quan điểm sau đây:

–   Dân tộc Trung Hoa đã bảo tồn ưên 2000 năm nay, trước khi Chúa Giêsu ra đời, về nhận thức một Thiên Chúa chân thật và đã tôn kính Người đến mức có thể làm gương mẫu cho nhiều dân tộc.

–   Dân tộc Trung Hoa đã tế lễ Đấng Tạo hoá trong ngôi Đền cổ kính nhất của thế giới [có lẽ muốn nói về tế Đàn Nam giao].

–   Dân tộc Trung Hoa đã sống một nền luân lý cũng tinh tuyền như Tôn giáo.

5. Sứ thần de Tournon đi Trung Hoa

Trước hết nên biết rằng, ngày 20-11-1704, ĐTC Clementê XI [39] ra sắc lệnh chấp thuận những điểm sau đây do Bộ Thánh vụ công bố:

–   Cấm dùng từ ngữ Thiên, Thượng Đế để chỉ cho Thiên Chúa;

–   Cấm trưng bày trong nhà thờ tấm hoành phi có hai chữ Kính Thiên;

– Cấm làm chủ tế hoặc tham dự lễ tế Đức Khổng hoặc người quá cố, vì đó là nghi lễ đầy dị đoan;

–  Cấm tế Đức Khổng trong ngày một và rằm mỗi tháng;

–  Cấm đặt bài vị trong nhà.

Tuy nhiên, sắc lệnh trên đây chỉ được Sứ thần Carlo Tommaso Maillard de Tournon công bố tại Nam Kinh ngày 25-1-1707, theo đó ai không tuân lệnh, tức khắc bị vạ tuyệt thông. Đức cha de Tournon được ĐTC Clementê XI cử đi Trung Hoa để giải quyết vấn đề nghi lễ Trung Hoa, với những chức tước: Thượng phụ Giáo chủ Antiocô, Tổng Uỷ viên và Khâm sai Toà thánh ở Đông Ấn, Trung Hoa và những vương quốc kế cận với quyền hành Đặc sứ Toà thánh (Patriarche d’Antioche, Commissaire et Visiteur apostolique général dans les Indes orientales, dans la Chine et autres royaumes adjacents, avec les pouvoirs de légat à latere)[40]. Sứ thần de Tournon rời châu Âu cuối năm 1704, tới Bắc Kinh 4-12-1705. Sau khi de Tounon công bố sắc lệnh của ĐTC Clementê XI tại Nam Kinh (lúc đó vừa được công bố làm Hồng y), thì những thừa sai nào tuân theo sắc lệnh của ĐTC, bị vua Khang Hy trục xuất khỏi Trung Hoa, trong số này có Đc Maigrot. Còn các thừa sai dòng Tên, Đc Francis, OFM, Gm Bắc Kinh và Đc Alvare de Benavente, dòng Augutinh, Gm Quảng Tây, cố gắng giải thích cho giáo hữu và nhà cầm quyền, hầu tránh gây thiệt hại cho công cuộc truyền giáo bao nhiêu có thể. Vua Khang Hy cũng ra lệnh trục xuất Sứ thần de Tournon vì đã dám đi ngược với phong tục Trung Hoa, giao cho người Bồ Đào Nha ở Áo Môn canh giữ. Sứ thần qua đời ngày 8-6- 1710 trong lúc còn bị quản thúc tại Áo Môn.

 6. Hiến chế Ex ilia die năm 1715

Roma càng cương quyết giữ vững lập trường cấm việc tôn kính tổ tiên theo nghi lễ Trung Hoa. Vì thế ngày 19-3-1715, Đức Clementê XI công bố Hiến chế Ex ilia die, mục đích là xác minh hơn sắc lệnh năm 1704 và buộc mọi người phải vâng phục hoàn toàn, còn các thừa sai thì phải long trọng tuyên thệ tuân giữ. Sau đây xin tóm lược những điểm chính của Hiến chế:

  1. ĐTC tỏ ra lo âu về tên gọi trong tiếng Hoa để chỉ cho Thiên Chúa và những nghi lễ của nước đó, mà có người cho là mê tín, có người cho là được phép thực hiện vì chỉ có tính cách dân sự. Vậy cần phải chấm dứt các cuộc tranh luận.
  2. Ngay từ thời các ĐTC trước đây, như Đức Innocentê XII (GH 1691-1700), vị tiền nhiệm đã giải quyết, rồi ngày 20- 11- 1704, Ta đã ra sắc lệnh cấm và nay cấm rõ hơn:

–   Dùng từ Kính Thiên trên các bức hoành phi treo ở nhà thờ hoặc nhà tư;

–   Cấm tế Đức Khổng và tổ tiên trong các dịp: thứ nhất, một năm hai lần mặt trời ở chính đường hoàng đạo; thứ hai, khi các quan lớn nhỏ thi đậu, vào văn miếu cúng tế bái tạ Đức Khổng; thứ ba, đơm cúng ông bà trong nhà tổ (từ đường); thứ bốn, đơm cúng ông bà trước bài vị (thần chủ), trong nhà riêng, nơi mồ mả, trước khi mai táng; thứ năm, giữ thần chủ trong nhà.

  1. Ngày 25-9-1710, ĐTC Clementê XI đã ra sắc công nhận việc Sứ thần de Tournon công bố ngày 25-1-1707 sắc lệnh 1704 tại Nam Kinh.
  2. Buộc mọi thừa sai ở Trung Hoa hoặc ở các nước lân cận, phải thề theo mẫu ở cuối Hiến chế này. Ai chẳng tuyên thệ, thì “sẽ bị vạ tuyệt thông dành cho Toà thánh”. Ai chưa thề, thì không được cử hành các bí tích dù ở trong giáo phận, dù trong”nhà Dòng riêng mình”.
  3. Không ai được nói, làm điều gì trái ngước với Hiến chế nàv, như xin Toà thánh xét lại, hay xin Toà thánh ban rộng ơn… Tóm lại, không ai được bàn cãi gì nữa; chỉ có việc tuyệt đối tuân phục theo Hiến chế.
  4. Sau đây là “bản mẫu lời thề”:

“Tôi là N. thầy cả giảng đạo, do Toà thánh hay do đấng bề trên tôi bởi phép Toà thánh, sai tôi đi, hay đã định cho tôi làm các phép cho bổn đạo trong nước N. hay là xứ N., thì tôi sẽ vâng phép Toà thánh truyền dạy về các lễ phép dối trá nước Trung Hoa trong Hiến chế của ĐTC Clementê XI, đã lệnh phải tuyên thệ theo mẫu lời thề này. Tôi đă đọc trọn Hiến chế ấy cách kỹ càng, tôi xin vâng giữ trọn vẹn, cách chính xác, tuyệt đối và bất khả xâm phạm đúng như Hiến chế dạy, mà chẳng dám thoái thác cách nào. Nếu tôi không giữ như vậy, thì hễ lần nào tôi lỗi phạm, tôi cam đoan chịu phạt vạ như Hiến chế qui định. Vậy tôi xin đặt tay trên sách Phúc âm này mà hứa (promitto), khấn (voveo) và thề (juro). Xin Thiên Chúa cùng sách Phúc âm của Chúa phù hộ cho tôi”.

Tôi là N., chính tay tôi ký.

  1. Truyền dạy phải công bố Hiến chế này.
  2. Ban hành tại đền thờ Đức Bà cả ở Roma, đã đóng dấu ấn ngư Ông (sub annulo Piscatoris) ngày 19 tháng 3 năm 1715 là năm thứ 15 từ khi Ta trị vì Giáo hội.

Tại Đàng Trong, cha G.B. Sanna, SJ., giải thích Hiến chế trên cách rộng rãi, gần như là phản ứng lại, nên ngày 21-2-1717 đã công bố những điều giáo hữu được làm liên quan tới vấn đề người qua đời, như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Còn Đc Perez-Gm Đại diện tông toà Đàng Trong, cũng chần chừ công bố Hiến chế 1715 sau khi nhận được Hiến chế vào cuối tháng 11-1716. Đc Perez là người lai Âu Á, không phải lai Pháp, cũng chẳng phải là thành viên của Hội thừa sai Paris, mặc dù được chính Đc Lambert và mấy cha thừa sai Paris khác trực tiếp huấn luyện trong Chủng viện thánh Giuse tại Ajuthia. Lúc đầu Đc Perez rất ngạc nhiên, không tin Hiến chế Ex ilia die là đích thực của ĐTC Clementê XI. Sau khi biết rõ, Đc vẫn ngại công bố; nhưng do sự thúc ép của ba cha thừa sai Paris là Heutte, Godefroy[41] và Sennemand [42] Đc đã chấp thuận cho cha Godefroy dịch ra tiếng Việt để công bố ở các nhà thờ Đàng Trong.

Ngày 10-7-1717, Đc Perez ra thư luân lưu buộc giáo hữu tuân theo lệnh Toà thánh, nhưng Đc không dám đóng mộc vào thư vì sợ chính quyền ĐT cho là đi ngược với phong tục VN. Dưới đây, chúng tôi xin theo bản Latinh mà chúng tôi đã dịch ra trước đây trong cuốn sách lưu hành nội bộ Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773[43] vì không có bản văn gốc chữ Việt:

“Ta là Cha Cả Phanxicô, vít vồ Bugi [giám mục hiệu toà Bugie], thay mặt Đức Giáo tông ở Đàng Trong, Chiêm Thành và Cao Mên, xin Đức Chúa Trời ban cho anh chị em bổn đạo được ơn giữ đạo thánh và phần phúc đơi đời.

“Trên thế gian này hiện có nhiều sự tối tăm, song ơn Đức Phiritô Sangtô hằng soi chiếu cho chúng ta; vậy kẻ nào đi theo ánh sáng trên đây, không thể lầm lạc được. Trong nước này có nhiều điều gây ra khó khăn, rắc rối, song Đức Giáo tông đã xét định mọi việc. Vậy chúng ta phải vâng lệnh Đức Giáo tông và phải giải định (definire) mọi sự theo lệnh của Người.

“Vì thế trong những ngày đầu năm mới và các ngày mà bổn đạo quen làm cỗ, thì không được đặt mâm cỗ trên giường thờ tổ tiên;

“Không được tế. Không được phủ phục sát đất trước giường thờ này;

“Không được làm bồi tế trong các cuộc cúng tế trên;

“Không được mang cờ gia triau [gia triệu].

“Chúng ta phải tử bỏ mọi thứ mê tín dị đoan; chẳng những chúng ta không được làm những việc ấy, mà hơn nữa, còn phải xa tránh những công việc ma quỉ xấu xa, tức là việc thờ tà thần: như là thề thốt bua ba [vua chúa phạt vạ] là việc làm nhân danh quỉ thần; vậy, hoàn toàn không được phép làm việc đó.

“Anh chị em thân mến,

“Xin anh chị em hãy tuân giữ cặn kẽ các lời trên đây, để anh chị em khỏi đi vào đường lầm lạc, là điều bất lợi cho anh chị em. Tất cả chúng ta dù là thầy cả, hay là bổn đạo, đều phải một lòng một ý vâng phép Đức Giáo tông; như vậy chúng ta sẽ là những người con ngoan ngoãn của thánh Ighêrêgia; ai không tuân phép, không phải là con của thánh Ighêrêgia và mất phần phúc đã hứa ban trên ười.

“Xin Đức Chúa Trời gìn giữ anh chị em khỏi mọi vết nhơ và che chở anh chị em đời đời.

” Làm ngày 29 tháng 5 [Đinh Dậu], tức 10-7-1717″.

Chúng ta thấy, ngày 30-10-1717, Đc Phó ĐT là Marin Labbé, 5 vị thừa sai Paris ở ĐT là Sennemand, Heutte, Flory, Godefroy, Gouge và linh mục Mauro Trần Thế Lộc người ĐT, cũng tuyên thệ theo bản mẫu Hiến chế, nhưng không thấy ghi tên Đc Perez, cha Sanna, S.J. hay cha Phanxicô nào. Tại kinh đô Huế, cha Lorensô (Huỳnh Lâu?) họp chừng 300 giáo hữu trong nhà thờ để thuyết phục họ phải vâng phục tuân theo Hiến chế[44]. Cha Heutte thì cho rằng, thư luân lưu của Đc Perez còn “yếu”, chưa nói mạnh mẽ hơn như đáng phải nói

7. Tám điều được phép làm

Hiến chế Ex ilia die vẫn không dập tắt được các cuộc tranh luận về lễ phép nước Ngô, dù Hiến chế bó buộc các thừa sai phải tuyên thệ vâng phục, thậm chí còn phạt vạ, nếu dám đi ngược lại với Hiến chế. Ở Đông Á đã vậy, mà ngay tại Roma vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Những thừa sai và giáo hữu ủng hộ văn hoá địa phương, càng bỡ ngỡ khi thấy Roma áp đặt một lối nhìn của phương Tây cho phương Đông có tính cách độc đoán như vậy, thì càng khó chịu hơn nữa, vì thấy cái nhìn như vậy là “cái nhìn thực dân văn hoá”, dù Roma không hề có ý đó, mà chỉ nghĩ là để bảo toàn tính tinh tuyền tôn giáo và phong hoá theo Kitô giáo.

Đứng trước “thảm kịch” đang diễn ra trong lòng Giáo hội, ĐTC Clementê XI lại phái Đc Carolo-Ambrogio Mezzabarba làm Khâm sai Toà thánh với chức Đặc Sứ thần (Legatus à latere), đồng thời phong cho ngài làm Thượng phụ Giáo chủ Alexandria. Sứ thần Mezzabarba lên tàu tại Lisbõa ngày 23-3- 1720, đặt chân lên Áo Môn ngày 20-9-1720, vào Quảng Châu ngày 11-10, lên Bắc Kinh triều yết Hoàng đế Khang Hy. Trở lại Áo Môn, Sứ thần công bố ngày 4-11-1721 Tám điều được phép làm (Octo permissiones) [45], miễn là phải coi những việc đó thuôc nghi lẽ dân sư. không có tính cách tôn giáo, và phải tránh mọi hình thức dị đoan:

  1. Được giữ Thần chủ trong nhà;
  2. Được làm các nghi lễ đối với người qua đời;
  3. Được kính lễ Đức Khổng và giữ mục vị (bài vị) của Ngài;
  4. Được dâng hương nến trong lễ an táng;
  5. Được lạy trước Thần chủ, trước quan tài hay trước thi hài người chết;
  6. Được cúng đồ ăn, hoa quả trước quan tài, khi ở đó có đặt Thần chủ;
  7. Được phép khấu đầu (bái đầu sát mặt đất) trước Thần chủ trong ngày đầu năm và các lễ tiết khác quanh năm;
  8. Được thắp nhang nến, cùng dâng cúng đồ ăn trước Thần chủ, mồ mả.

Khi cử hành các nghi lễ nói trong số 1,3,4,6, thì phải viết mấy chữ đặt bên cạnh, hầu giải thích việc mình làm chỉ có tính cách hiếu thảo, dân sự, không hề mang ý nghĩa tôn giáo.

Sứ thần Mezzabarba muốn đưa ra một lối nhìn cởi mở, tôn trọng các nền văn hoá, nhìn sự việc theo đúng ý nghĩa của nó, nên đã công bố những điều trên. Ngay khi vừa tới Áo Môn ngày 20-9-1720, Sứ thần đã giải vạ cho Đức Gm Áo Môn và cho cha José Monteiro, Giám tỉnh DT Phụ tỉnh Trung Hoa, vì cả hai đã bị vạ tuyệt thông do không tuân lệnh Hiến chế Ex ilia die.

Tám điều được phép làm vẫn chưa giải quyết xong vấn đề: được lòng phương Đông thì lại mất lòng phương Tây! Quả thật, chính Roma do bị nhiều phía thúc ép, không chấp thuận việc làm của Sứ thần. Vì thế, ngày 26-9-1735, ĐTC Clementê XII ra đoản sắc Apostolicae sollicitudinis hủv bỏ hai bức thư muc vu của Đc Francis, OFM, Đại diện tông toà Bắc Kinh (Đc qua đời vài ngày trước khi ĐTC ra đoản sắc. Nội dung của hai bức thư này là tuyên bô Tám điều được phép làm, để giáo hữu an tâm mà thực hành. Nhưng đoản sắc trên đây lên án Tám điều được phép làm là “hoàn toàn vô giá trị, bất thành sự và phải được huỷ bỏ” (penitus et omnino nulla, invalida et irrita) [46].

Ở Đàng Trong, Đc Elzéar-Franẹois des Achards de La Baume, Gm hiệu tòa Halicarnasse, sinh năm 1679 tại Avignon, được Toà thánh cử làm Kinh lý tông toà (Visiteur apostolique), thay mặt Toà thánh giải quyết các cuộc tranh chấp về vùng hoat đông của các nhóm thừa sai, đồng thời lênh cho giáo đoàn nàv phải tuân theo Hiến chế Ex ilia die và không đươc làm theo Tám điều đươc phép Đc Mezzabarba đã công bố.

Đc La Baume tới Áo Môn 15-7-1738, thì bị Thống đốc bán đảo này giam lỏng mấy ngày, vì chưa có phép vua Bồ Đào Nha để tới đây; may nhờ có cha Giám tỉnh DT can thiệp với Thống đốc, nên mới được tự do. Sau một tuần lễ phải dừng tại Áo Môn, lại gặp “tai nạn” bị quản thúc mấy ngày, Đc La Baume và phái đoàn vội vàng rút lui khỏi Áo Môn, vào Quảng Châu, thuê ghe thuyền của người Hoa chở đi Đàng Trong, mãi đến 30- 4 – 1739 mới có mặt tại Hội An, nhưng bị ngã bệnh, từ trần tại Phủ Cam trong khoảng từ 15g-16g ngày 2-4-1741, nhằm chính ngày lễ Phục sinh, khi chưa hoàn thành cuộc kinh lý[47].

8. Hiến chế Ex quo sinsulari năm 1742

Hơn 100 năm sau kể từ khi Toà thánh lần đầu tiên, năm 1645, chính thức cấm nghi lễ Trung Hoa, tình hình vẫn chưa ổn;

nên ngày 11-7-1742, ĐTC Bênêđitô XIV[48] phải công bố Hiến chế Ex quo singulari providentia [49].

Hiến chế gồm 30 số, nhắc lại tất cả những chỉ thị, sắc lệnh, Hiến chế của Toà thánh từ 1645 đến 1735 về vấn đề nghi lễ Trung Hoa và phi bác Tám điều được phép làm do Đc Mezzabarba công bố năm 1721, đồng thời công bố bản mẫu lời thề mới cho các thừa sai (giống như trong Hiến chế Ex ilia die), chỉ ghi thêm một điều là thề không áp dụng những gì Đc Mezzabarba đã cho phép làm năm 1721.

Hiến chế long trọng ghi lại là vấn đề đã được 7 ĐTC giải quyết từ 1645 đến 1742:

-1645: Innocentê X;

-1656: Alexander XII;

-1669: Clementê IX;

-trước 1700, Innocentê XII;

-1704, 1710, 1715: Clementê XI;

-1735: Clementê XII;

-1742: Bênêđitô XIV.

Sau Hiến chế Ex quo singulari, ngày 26-11-1744 ĐTC Bênêđitô XIV cử Đc Hilario Costa (Đức Thầy Hy), người Ý, Dòng Augutinh, Gm Đại diện tông toà Đông ký từ năm 1735, làm Khâm sai Toà thánh ở Đàng Trong. Đức Khâm sai vào ĐT từ 5-1747, công bố Hiến chế Ex quo sineulari và giải quvết những tranh chấp còn lai giữa các nhóm thừa sai Paris. DT. Phanxicô. Barnabê…

Dưới đây, chúng tôi xin ghi lại một bản lời thề ngày 16-8- 1750 tại Kẻ Vĩnh của cha Phan-chi-cô [tên là Thân?], người Đàng Ngoài, thuộc giáo phận Tây ký, thời Đc Néez. Nguyên bản bằng chữ Nôm của luật sư Giuse Nguyễn Đức Quý (qua đời 6-3-2004), được phiên dịch sang chữ Quốc ngữ như sau:

“Tôi là Phan-chi-cô Sa-xê-do-tê [linh mục, phiên âm từ Bồ Đào Nha sacerdote] Đàng Ngoài, các điều Toà thánh đã phán, quyết đoán về những thói lễ phép Đại Minh trong vu-la [bulla] Đức Thánh Pha-pha Kê-lê-men-tê thứ mười một đã ra về sự ấy và Người dạy phải thề, thì tôi đã đọc và biết tỏ tường, cùng dốc lòng giữ cứ như vậy cho kỹ, cho lọn, cho chắc, chẳng dám lấy chước móc nào cho khỏi vâng. Vả lại, có khi nào tôi phải coi sóc những bổn đạo nào về phần linh hồn cách nào mặc lòng, thì tôi sẽ làm hết sức cho kẻ ấy vâng cứ như vậy nữa. Sau nữa, tôi cũng sẽ làm hết sức mà can chẳng có khi nào dám chịu cho các bổn đạo ấy giữ và làm những thói lễ phép Đại Minh Đức Thầy A-tri-a-ca A-lê-xan-di-nô [Thượng phụ Giáo chủ Alexandria, tức là Đc Mezzabarba] đã tha phép cho bổn đạo giữ trong thư dụ Người đã viết ở thành Ma-cao, ngày mồng bổn tháng mười một nước người [dương lịch], năm từ Đức Chúa Giê-su ra đời là một nghìn bảy trăm hai mươi mốt, là những sự Đức Thánh Pha-pha Biên-tô thứ mười bốn [Bênêđitô XIV, phiên âm từ Bồ Đào Nha Bento] đã cấm rồi. Bằng tôi chẳng có vâng cứ như vậy, thì tôi xin chịu phạt, cùng tôi biết mình đã mắc phải các vạ đã đoán phạt trong hai vu-la ấy. Vậy tôi đá đến sách E-van-giê-li-ô, tôi đã hứa, khấn, cùng thề sẽ cứ như vậy. Tôi xin Đức Chúa Trời cùng thánh E-van-giê-li-ô này vâng hộ cho tôi như vậy.

“Tôi là Phan-chi-cô, chính tay tôi ký”.

Bên cạnh bản lời thề trên đây bằng chữ Nôm, Đc Néez, Gm giáo phận Tây Ký (Hà Nội) đã viết mấy lời bằng tiếng Latinh xác nhận lời thề này tại làng Kẻ Vĩnh ngày 16-8-1750.

Ở VN cũng như ở Trung Hoa, người Công giáo đều phải hoàn toàn vâng phục Hiến chế 1742, không ai được viện bất cứ lý do gì để tranh luận nữa. Qua 187 năm sau đó, tức 8-12-1939 T.Bộ Truyền giáo mới công bố Huấn thị Plane compertum est, sau khi đã trình bày với ĐTC Piô XII, cho phép Giáo hội ở Trung Hoa và tại các nước lân cận được phép cúng giỗ tổ tiên… theo phong tục dân sự địa phương. Riêng ở VN, sau khi được Toà thánh chấp thuận, ngày 14-6-1965 Hội đồng Giám mục VN công bố tại Đà Lạt một Thông cáo cho phép cúng gìỗ… mà chúng tôi xin ghi lại chi tiết hơn ngay phần sau:  Tháo gỡ nghi lễ tôn kính tổ tiên.

Chú thích:

[1] Hồng-Đức thiện chính thư, Nguyễn-Sĩ-Giác, Tiến sĩ, phiên dịch; Giáo sư Vũ-Văn-Mẩu, Luật khoa Thạc sĩ, đề tựa, Nam Hà Ấn quán, Sài Gòn. 1959. tr. 27-33.

[2] Như trên, tr. 60-61.

[3]       Quốc triều hình luật (Hình luật triều Lê), Lưỡng-Thần Cao-Nãi- Quang phiên âm và dịch nghĩa, Nguyễn-Sĩ-Giác, Tiến-sĩ, nhuận dắc, Vũ-Văn-Mẩu, Luật-khoa Thạc-sĩ , Khoa-trưởng Trường Luật, đề tựa, Sài Gòn, 1956, tr. 4-9.

[4] A. de RHODES, Hisíoire du royaume de Tunquin, Lyon, 1651, tr. 83.

[5]       Chánh phi của Trịnh Tráng là Nguyễn Thị Ngọc Tú (con của Nguyễn Hoàng) qua đời tháng 3 năm Tân Mùi (1631); còn Phùng Ngọc Đài là Vương phi của Trịnh Tráng và là mẹ của Trịnh Tạc. Trịnh Tráng tốt (chết) hồi 20 giờ 26-5-1657, phát tang 28-5-1657 (MARINI, Histoire nouvelle et curieuse, sđd., tr. 306-307).

[6]        Relation des Evesques ýrartẹois aux royaumes de Siam, de la Cochinchine, de Camboye, & du Tonkin, ets., divisé en quatre parties, Paris, 1674, tr. 256.

[7]      P. MARINI, Histoỉre nouvelle et curieuse, sđd., Paris, 1666, tr. 313- 327.

[8]        Vua Lê Thần Tông (1607-1662) lên ngôi vua lần thứ nhất (1619-1643) qua các niên hiệu: Vĩnh Tộ 1619-1628, Đức Long 1629- 1634, Dương Hoà 1635-1643; lần thứ hai (1649-1662) qua các niên hiệu: Khánh Đức 1649-1652, Thịnh Đức 1653-1657, Vĩnh Thọ 1658- 1661, Vạn Khánh 1662. Vậy, Lê Thần tông làm vua lần thứ nhất 25 năm, lần hai 13 năm, thọ 56 tuổi, sở dĩ vua Lê Thần tông cũng như một số vua khác hay thay đổi niên hiệu, vì những nguyên nhân, như đại hạn trong nước, sao chổi xuất hiện, nhà vua bị bệnh, bại trận…

[9]      Có lẽ là cha Onofre Borgès, người Thụy Sĩ, truyền giáo ở Đàng Ngoài từ 1642-1663.

[10]    Vào các dịp khác khi vào chầu chúa Trịnh, các linh mục Dòng Tên mặc áo thụng tím.

[11]    MARINI, Histoire nouvelle et curieuse, sđd., Paris, 1666, tr. 324.

207 Có lẽ là 1.000.000 đồng Écus của Tây phương thời đó ?

[13]    A. de RHODES, Histoire du royaume de Tunquin, sđd, tr. 80-92.

[14]     A. de RHODES, Divers voyages et missions, sđd., Paris, 1653, tr. 76-77.

[15]     Juan de LA PAZ (Frey), sinh tại Tây Ban Nha, gia nhập Dòng Đa Minh thế kỷ XVII, truyền giáo tại Philippin, có thời làm Viện trưởng Đại học thánh Tôma ở Manila (từ năm 1645, mang danh hiệu Đại học thực sự: Universidad de Santo Tomas).

[16]     về tập sách này, X: – A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine, l, sđd.., tr. 608; – A. LAUNAY, Histoire de la mission du Tonkin, sđd., ư. 365. về vấn đề này, còn hai cuốn nữa của La Paz: – Respueta à 274 questiones de los Missioneros de Tunquin, 1687; – Diversas cartas del estado de la ỉglesỉa de Tunquin donde era vícarisimo, 1718.

[17]    A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine.I, sđd., tr. 608- 609.

[18]      Giambattista SANNA (Giovanni-Battista Sana) 1668-1726, sinh 30-4-1668 tại Sardaigne, gia nhập DT 11-2-1682; đi truyền giáo tại Mexico, Ecuador; khấn lần cuối tại Quito (Ecuador) ngày 8-5-1701; đi Lisbõa 1713, đến Đàng Trong 1714, Quảng Châu 1722; trở lại Đàng Trong làm quan trong Thái Y viện chúa Nguyễn từ 1724; qua đời 16-2-1726 tại Hội An, an táng tại Sơn Phô (Đông Hội An); vào năm 1961 chính tôi, tác giả tập sách này, còn thấy ngôi mộ cha Sanna trong thổ cư của một gia đình ở đây và đã đứng chụp hình cạnh ngôi mộ cha Sanna; hiện nay chưa tìm lại được ngôi mộ này. Về Sanna: BAVH, 1919, ư. 516-517 và năm 1921, tr. 192.

[19]      A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine, I, sđd.. tr. 601-602.

[20]     Pierre HEUTTE, MEP, sinh quán tại miền Normandie, Pháp; đi truyền giáo từ 2-3-1704, làm việc ở Xiêm đến năm 1712, sau đó vào Đàng Trong; qua đời tại Huế 27-9-1719.

[21]    A. LAUNAY, Hìstoire de la mission de Cochinchine, I, sđd., tr. 304.

[22]       Eugène-Louis LOUVET (1838-1900), sinh tại Rouen (Seine- Inférieure) 17-5-1838; tới giáo phận Sài Gòn truyền giáo với danh nghĩa là thừa sai Paris (MEP) từ 29-1-1873; nhà giảng thuyết tại nhà thờ chính toà Sài Gòn; là sử gia xứ truyền giáo Đàng Trong; trước khi đến Sài Gòn, Louvet đã là giáo sư Tiểu chủng viện La Chapelle-Saint- Mesmin (Loiret) giáo phận Orléans; qua đời tại Sài Gòn 2-8-1900.

[23]    LOUVET, La Cochinchine religieuse, T.I, Paris, 1885, tr. 459.

[24]      A. LAUNAY, Hỉstoire de la mission de Cochinchine, III, Paris, 1925, ư. 320-336.

[25]    Barthélemy-Bernard BOISSERAND, sinh quán Chalon-sur-Saône, ngày 6-11-1787 đi truyền giáo ở Đàng Trong; qua đời ngày 13-11- 1797 tại Tân Triều hay ngoại ô Sài Gòn.

[26]     A, LAUNAY, Histoire de la mission de Cochỉnchine, III, tr. 322- 323.

[27]    A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine, III, tr. 320.

[28]    Như trên, tr. 321.

[29]      Jean LABARTETTE, MEP (1744-1823) sinh ngày 31-1-1744 tại Ainhoa, Pháp; đi truyền giáo ở Đàng Trong từ 29-11-1773; Gm phó ĐT từ 1784, thụ phong Gm tháng 9-1793 do Gm Tây Đàng Ngoài tại biên thuỳ giữa ĐT và ĐN; qua đời tại cổ Vưu, Quảng Trị ngày 6-8- 1823.

[30]    A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine, III, tr. 328.

[31]     A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine, III, tr. 332- 333.

[32]     A. LAUNAY, Hístoire de la mission de Cochinchine, III, tr. 333- 336.

[33]     A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine, HI, ư. 339- 340.

[34]    Matteo RICCI (1552-1610) (Trung Hoa phiên âm là Li Ma-teou, Si-Tai, tiếng Việt ta gọi là Lợi Mã Đậu, tiếng Bồ Đào Nha gọi là Richo), sinh 6-10-1552 tại Macerata,Ý; gia nhập nhà Tập DT Anrê Quirinal tại Roma ngày 16-8-1571, khi đó Ricci ký tên là Matteo Riccio; lên tàu thánh Luis ngày 24-3-1578 đi phương Đông truyền giáo khi chưa là linh mục, tới Goa 13-9-1578 , thụ phong Linh mục tại Cochim 25-7- 1580, tới Ấo Môn 7-8-1582, tháng 8-1583 vào thủ phủ Quảng Châu, 10-9-1583 đến Shiuhing tức Tchao-k’ing, 1589 đến Shiuchow, giữa năm 1595 có mặt tại Nam Kinh, 19-5-1600 lên Bắc Kinh (tới đây 24-1- 1601), bề trên DT miền truyền giáo Trung Hoa từ 1597, ờ Bắc Kinh cho đến khi qua đời là ngày 11-5-1610.

[35]    Có thể đọc một số tác phẩm sau đây: – George H. DUNNE, S.J., Chinois avec les chinois, le père Ricci et ses compagnons jesuites dans la Chine du IT siècle, Paris, 1964, – Edouard DUPERRAY, Ambassadeurs de Dieu à la Chine, Paris, 1956. – ETIEMBLE, Les jesuites en Chine, la querelle des rites (I552-Ỉ773), Paris, 1966. – Simon DELACROIX, Histoire universelle des missions catholìques, T. Ị, II, III, IV, Paris, 1956-1959.

[36]      Manuel DIAS (1574-1659), sinh năm 1574 tại Castelo-Branco, Guarda, Bồ Đào Nha; gia nhập DT 2-2-1593; 11-4-1601, lên tàu Santiago đi truyền giáo ở Goa, rồi ở Áo Môn 6 năm liền; 1611, đến Chiuchow; 1613, đến Bắc Kinh coi Thiên văn ở đó; 1623-1635, làm Phó Giám tỉnh DT Trung Hoa; 1639, Giám sát DT Trung Hoa và Nhật Bản; qua đời tại Hàng Châu 4-3-1659; có công dịch sang tiếng Hán các bài Phúc âm Chúa nhật và lễ trọng.

[37]   Charles MAIGROT, MEP (1652-1730), Gm tông toà tại Phước Kiến từ năm 1687, kế vị Đc F. Pallu (qua đời 29-10-1684), đã bị Hoàng đế Khang Hy trục xuất khỏi Trung Hoa sau khi Sứ thần de Tournon công bố ngày 25-1-1707 trên đất Trung Hoa việc Toà thánh cấm các nghi lễ cúng bái tổ tiên. Sau này Maigrot được bố trí cho làm việc trong Giáo triều Roma, rồi qua đời tại đây, 28-12-1730.

[38]    ÉTIEMBLE, Les Jesuites en Chine, La querelle des rites (1552- 1773), Paris, 1966, tr. 103-106.

[39]    CLEMENTÊ XI, người Ý tên là Giovanni Francesco Albani, đắc cử GH 23-11-1700, khai mạc chức vụ 8-12-1700, qua đời 19-3-1721.

[40] A. LAUNAY, Histoire de la mission du Tonkin I, sđd., tr. 433.

[41] Francois GODEFROY ( +1718) sinh quấn ở miền Normandie, Pháp, đi truyền giáo từ 1701; ở Xiêm đến 1712 thí sang Đàng Trong; qua đời tại Bau Nghe, Quảng Ngãi, 16-5-1718.

[42] Pierre de SENNEMAND (Paul de Sennemand) (1646-1730), sinh khoảng năm 1646 tromg giáo phận Limoges, Pháp; sau 10 năm truyền giáo ở Canada, đi làm việc ở Đông Á từ 18-1-1693; qua đời tại Phủ Cam, Huế, 26-1-1730.

[43] Đỗ QUANG CHÍNH, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, sđd., tr. 550- 551.

[44] A. LAUNAY, Histoire de la mission du Tonkin I, sđd., tr. 605-607.

[45]      Constitutio Benedicti xrv “Ex quo singularí” super ritibus slnicis (die 11 Julii 1742. Imp. De T’ou-sè-wè, Shanghai, không đề năm in, tr. 19. – Sách sắc, Kẻ Sở, 1913, tr. 116-117. – ÉTIEMBLE, Les Jesuites en Chine, sđd., ư. 137-138.

[46]    X.: ‘ Constitutio ” Ex quo singulari”; – Compendium Theologiat moralis, T. ///, Ninh Phú, 1893, Phụ lục, tr. XXI.

[47] Đỗ QUANG CHÍNH, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, 1615-1773, sđd., tr. 554-555.

[48] BÊNÊĐITÔ XIV (Prospero Lambertini) sinh 1675, đắc cử Giáo Hoàng 17-8-1740, khai mạc chức vụ 22-8-1740, qua đời 3-5-1758.

[49]     Constitutio Benedicti XIV “Ex quo singulari” super Ritibus Sinicis (11 Julii 1742), Imp. De T’ou-sè-wè, Shanghai, không đề năm in, 28 tr., gồm 30 số. – Xem bản dịch sang chữ Quốc ngữ năm 1841, do Đc Retord (Liêu). Bản dịch này được in trong Compendium Theologiae moralis, Ed. Secunda, T. III, Ninh Phú, 1893, tr. Phụ lục, I-XXVII.

Kiểm tra tương tự

Thánh Phanxicô Assisi – Tình Nhân của Bí tích Thánh Thể

Thánh Phanxicô Assisi là một trong những vị thánh được yêu mến nhất, ngài có …

Người Công giáo và sự tự vấn: Chìa khóa để vượt qua sự khác biệt

Vào ngày Giáng sinh năm 1914, tại tiền tuyến của chiến hào giữa lực lượng …

Một bình luận

  1. vay thi an do cung thi sao a

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *