Câu hỏi: Giáo Hội có khuyến khích việc hiến tặng cơ phận cho những mục đích cấy ghép không?
Trả lời: Theo truyền thống, câu hỏi này liên quan tới chuyện có được phép hay không, hơn là việc có khuyến khích hay không: Giáo Hội có cấm việc hiến tặng cơ phận không? Câu trả lời từ thời Đức Giáo Hoàng Piô XII là “không” – Giáo Hội không cấm chuyện này (x. GLGHCG, số 2296)
Dĩ nhiên, có nhiều dạng cấy ghép. Trước hết, là việc cấy ghép giữa thực thể sống, chẳng hạn việc cấy ghép một cơ phận không-sống, là kiểu cấy ghép không dẫn đến cái chết của người hiến tặng. Một ví dụ rất phổ biến cho dạng này là việc cấy ghép một trái thận từ một người khỏe mạnh cho một người khác đang cần.
Cũng có những dạng cấy ghép tim, phổi, gan, hai trái thận của người chết cho người sống. Nếu phân tích theo truyền thống thì điều này có thể được biện minh trên nguyên tắc tình bác ái huynh đệ, khi tuân theo những điều kiện sau: (1) sự đồng thuận trước đó của cha mẹ hoặc người họ hàng gần nhất của người chết, và (2) những phần còn lại của người chết phải được đối xử với một sự tôn trọng phù hợp như là một đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Năm 1994, Bản Những hướng dẫn tôn giáo và đạo đức của NCCB (Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Quốc Gia) có nói rằng: “Các tổ chức chăm sóc sức khỏe Công Giáo phải khuyến khích và cung cấp những phương tiện để những ai muốn hiến tặng cơ phận và những gì trên thân thể mình có thể làm được điều này vì những mục đích hợp pháp về đạo đức, để các cơ phận và bộ phận ấy có được được cấy ghép hay nghiên cứu sau khi người đó chết” (số 63)
Hướng dẫn số 62 nói đến vấn đề quyến định cho cái chết, và hướng dẫn số 64 ghi rằng, để tránh bất cứ xung đột hiển nhiên về lợi ích, “vị bác sĩ quyết định cho cái chết không được là một thành viên trong nhóm cấy ghép.”
Trong chương 4 (“Cho Một Văn Hóa Mới Của Sự Sống Con Người”), Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II viết trong Thông Điệp Evangelium Vitae (EV) rằng:
Trên những khoảnh khắc phi thường như thế, luôn có những hành vi anh hùng trong cuộc sống thường ngày, được làm nên từ những cử chỉ sẻ chia, dù lớn hay nhỏ, giúp xây dựng một nền văn hóa sự sống chân thực. Một ví dụ đáng khen cụ thể cho những cử chỉ như thế là việc hiến tặng các cơ phận, được thực thi trong một cách thức được chấp nhận về mặt đạo đức, nhắn tới việc trao tặng một cơ hội cho sức khỏe hay thậm chí là sự sống cho các bệnh nhân, những người đôi khi còn hy vọng gì nữa (số 86)
Theo những gì tôi biết, đây là lần đầu tiên huấn giáo của một vị giáo hoàng chuyển từ một sự biện minh đơn giản trong lĩnh vực này sang cái được gọi là điều “đáng khen”. Cả hai đều đồng thuận và ủng hộ những lời trong hướng dẫn 63 của NCCB nói trên.
Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là việc đồng ý [hiến tặng] không chỉ là giả định nhưng đúng hơn, việc đồng ý phải được thông tri cách thực sự. Hơn nữa, cũng cần phải xác định điều này cho rõ ràng: “được thực hiện trong một cách thức được chấp nhận về mặt đạo đức”
Lý do cho sự cẩn trọng này được nói đến trước đó trong Thông Điệp nói trên: “Chúng ta không thể im lặng trước những hình thức ngấm ngầm nhưng không kém nguy hiểm và có thực của việc trợ tử. Những điều này có thể xảy ra như ví dụ điển hình khi, để làm cho các cơ phận sẵn sàng hơn cho cấy ghép hơn, người ta lấy chúng ra mà không tôn trọng những tiêu chuẩn khách quan và đầy đủ, mà đây lại là hành vi khiến người hiến tặng phải chết” (số 15)
(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 79)
Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ