Vasco de Gama, người mở đường sang Viễn Đông

VASCO DE GAMA NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG BIỂN SANG VIỄN ĐÔNG

(Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu)

 

Trong khi Tây Ban Nha bảo trợ cho Kha Luân Bố tìm đường sang Ấn Độ qua đường Đại Tây Dương (không ngờ phát hiện ra Tân Thế giới), thì Bồ Đào Nha cũng kiên trì tìm đường sang Ấn Độ nhưng vòng quanh Phi châu qua mũi Hảo Vọng.

Trong thời cổ đại, giao thương giữa Âu châu và Á Đông có hai đường : thứ nhất là đường bộ tơ lụa, từ  cận Đông qua A Phú Hãn – Ấn Độ – Tây Tạng – Mông Cổ rồi Trung Quốc . Thứ hai là đường biển, từ Viễn Đông qua Trung Quốc – Đại Việt Chăm Pa – Kampuchia – Nam Dương vào Ấn Độ Dương rồi tới Cận Đông. Cuối thê kỷ XIII, Marco Polo ( 1254 – 1324) người xứ Venise sang Trung Quốc phục vụ nhà Nguyên suốt 16 năm trường, khi đi qua đường bộ tơ lụa, khi về qua BiểnĐông xuống Nam Dương rồi vào Ấn Độ Dương. Đương thời, người Ả Rập coi như làm chủ đường biển ấy. Họ sang Viễn Đông để truyền bá đạo Hồi và buôn bán. Cho nên Pakistan rồi một phần Ấn Độ – Mã Lai – Inđônêxia – nam Thái Lan – nam Phi Luật Tân trở thành Hồi giáo khá sớm. Họ mang sang bán len dạ, diêm sinh làm thuốc súng và mua về tơ lụa, sành sứ, nhũ hương.

Theo bản đồ Ptolêmê, người Tây Âu cho Ấn Độ Dương cũng giống Địa Trung Hải không có đường thông đi các nơi. Nay Marco Polo từ Trung Quốc về mới biết Ấn Độ Dương là một biển lớn mở rộng tứ phương, song vẫn chưa biết có đường sang Tây Âu vòng dưới mũi Hảo Vọng. Bồ Đào Nha sẽ Phát hiện đường này. Người có công đầu trong sứ mạng mở đường là ông Hoàng con vua Jean I mệnh danh Henri Hàng Hải (Henri le Navigateur 1394 – 1460) .

1 . Những người đi trước Vasco de Gama

Henri Hàng Hải để suốt đời phát kiến bờ biển tây Phi châu từ eo Gibraltar qua Madère (1420), Acores ( 1427), Reo de Oro (1441), Cap Vert (1445), tới cửa sông Sénégal (1460). Năm ấy, Henri Hàng Hải qua đời. Vua Bồ Đào Nha Jean II trực tiếp thừa kế sự nghiệp thám hiểm Phi châu.

Năm 1483 , Diogo Cao phát hiện cửa sông Congo và tại đây ông dựng tấm bia đá khắc quốc huy Bồ Đào Nha với hình Thập giá, để xác lập chủ quyên của mấu quốc gọi là padrão! Năm 1485, chủ quyền Bồ Đào Nha được xác định như thế cho đến vĩ tuyến Nam 120 thuộc Namibia nay.

Năm 1487, Jean II cho hai phái bộ đi thám hiểm: một theo đường bộ qua Cận đông và một theo đường biển vòng Phi châu. Bartolomeu Dias phụ trách đường biển. Ra khơi từ Acores, chẳng mấy chốc, hải thuyền bị sóng to gió lớn cuốn trôi suốt 13 ngày đêm, may nhờ mũi thuyền luôn hướng về hướng Đông. Khi bão tô êm dịu thì khí hậu bỗng mát lạnh và sóng biển nhấp nhô rất cao, báo hiệu hải thuyên đã trôi qua một đại dương mới . Không ngờ đoàn thám hiểm đã vượt qua mũi cực Nam Phi châu. Dias liền hướng mũi thuyên lên phía Bắc. Đúng ngày 3-2-l488, Dias cập bến nơi cách 370km thành phố Cap ngày nay và cũng trồng bia đá chủ quyền padrão. Dias cho thuyền men theo bờ Đông Phi 500km, nhưng thuyền viên làm reo đòi trở về vi thấy hành trình quá phiêu lưu không biết đi tới đâu. Dias đành quay về, rất khó khăn khi qua mũi Nam Phi, nên đặt tên là Mũi Bão táp ( Cap des Tempêtes), tới tháng 12 – 1488 mới về đến Bồ Đào Nha. Jean II thấy Mũi Bão táp đã vượt qua, bèn cho đổi tên là Mũi Hảo vọng (Cap de Bonne Espérance). Cách mười năm sau mới có người tiếp nối đường thám hiểm của Dias.

2. Thân thế Vasco de  Gama và việc chuẩn bị ra khơi

Vasco de Gama sinh năm 1469 tại Alentejo, Bồ Đào Nha, mất năm 1524  tại Cochin Ấn Độ. Sau cuộc thám hiểm dở dang của Dias, vua Jean II phái Gama cầm đầu đoàn thám hiểm đi vòng đường Phi châu sang ấn Độ. Những Gama phải để 10 năm chuẩn bị kỹ lưỡng mới thực hiện được kế hoạch[1] .

Gama nối nghiệp cha theo nghề hàng hải truyền thống phục vụ vương triều từ lâu đời, nên rất có kinh nghiệm. Gama đã nhiều năm chuẩn bị cuộc hành trình thật chu đáo, không như Christophe Colomb – vừa mạo hiểm vừa liều lĩnh. Gama không để cho bất cứ sự việc gì xảy ra theo may rủi. Ông là nhà hàng hải biệt tài và nhà ngoại giao khôn khéo biết ứng xử tế nhị với người Ả Rập đang làm chủ trên phần lớn cuộc hải trình[2].

Đoàn thám hiểm Gama gồm 170 người, đa số là thủy thủ có kinh nghiệm, nhiều người đã theo Dias. Trong đoàn còn có 3 linh mục, một thủy thủ thạo tiếng Ả Rập, một thổ dân Congo làm thông ngôn và độ 10 tên tử tù đề phòng khi phải trao đổi con tin hay thương thảo nguy hiểm bất ngờ. Ba tàu thủy được tạo tác đặc biệt cho chuyến du hành, đây không phải những tàu đi nhanh và chuyên chở nhẹ (caravelle) mà là những tàu buồm rất lớn (nef) để có thể đương đầu với sóng to gió lớn tại mũi cực Nam Phi. Ba tàu cũng có những bộ phận thay thế thích dụng chung, mỗi khi có bộ phận hư hỏng. Một tàu chuyên chở hàng hóa đi theo, mang đủ lương thực cho ba năm, một sô quà biếu và tặng phẩm, một sô mẫu hàng gia vị  để thương lượng buôn bán, lại có cả những bia đá khắc quốc huy Bồ Đào pha với hình Thập giá dùng để căm vào những vùng đất mới phát hiện đặng giành chủ quyền chiếm giữ!

Gama mang theo những bản đồ tương đối rõ ràng chứa đựng thông tin mới khám phá và những dụng cụ đo độ trăng sao soi bóng cùng la bàn kim chỉ nam để tính phương hướng. Ông cũng mang theo các bản ghi chép đường bộ đi Ấn Độ, đặc biệt là bản báo cáo hành trình của Pero de  Covilhao – người đã sang Ấn Độ qua đường bộ hồi năm 1487    .

3. Cuộc hải trình rất dài của Vasco de  Gama

Gama quyết đoán lộ trình ngay khi khởi hành : để tránh tình trạng thiếu gió và dòng nước ngược của vịnh Guinée, bắt đầu đi tới quân đảo Cap-vert, Gama cho tàu ra xa ngoài khơi đi một vòng rất dài xuống phía nam, xưa nay chưa ai dám thực hiện. Trước đó Christophe Colomb vượt qua Đại Tây Dương mãi 36 ngày, nay Gama phải để 93 ngày mới tới vĩ tuyên ngang mũi Hảo Vọng. Từ đây có nhiều gió giúp cho Gama chuyển hướng sang đông .

Giai đoạn khó khăn nhất là cho tàu đi ngược theo bờ đông Phi châu. Vì chưa nắm được vị trí các vịnh và cửa sông lớn nên tàu thường bị gió và dòng nước biển cuốn về phía nam. Tuy nhiên, Gama đã cho đoàn thám hiểm ngừng lại ở Mozambique, Zangibar và Mogadisco. Gama đã trở tài gan dạ trên đường biển, lúc này phải trổ tài thương lượng ngoại giao với các vị quân vương địa phương và thương gia Ả Rập . Thuyền buôn Ả Rập làm chủ thương nghiệp khắp vùng Ấn Độ Dương. Họ đem vải vóc, gia vị từ Ả Rập và Ấn Độ tới dây đổi lấy vàng hoặc nộ lệ. Nay có người Kitô giáo tới, làm cho họ có nguy cơ mất độc quyên.

Lợi dụng gió mùa vào hạ, Gama giương buồm cho tàu chạy theo hướng đông bắc và cập bến Ấn Độ nơi gần thành Calicut ngày 20-5-1498, sau trên 10 tháng hành trình ngoài biển cả[3].

4. Hậu quả to lớn của đường biển từ Tây Âu sang Ấn Độ

Cuộc hải trình của Gama đã làm thay đổi chiều hướng lịch sử. Tổng kết thấy mất hai hải thuyền và một trăm mạng người – đa sô số chết vì bệnh thiếu vitamine C làm xuất huyết và rụng răng (scorbut), nhưng đem lại cho Bồ Đào Nha những lợi ích khôn lường, đã gián tiếp làm suy yếu việc giao thương trên biển Địa Trung Hải của Venise (không còn độc quyền mua bán hàng gia vị nữa) .

Gama biết lợi dụng tối đa công cuộc thám hiểm của mình, không như bao nhà hàng hải phát kiến khác . Năm 1502, ông lại tới Calicut với một đội hải thuyền lớn nhằm biến đô thị này thành thuộc địa Bồ. Sau khi cướp hết hàng hóa và giết chết 380 thủy thủ của một chiếc tàu Ả Rập, Gama đem về Lisbonne, năm sau, trên 35.000 tạ hột tiêu, gừng, quế, hồi và đá quý. Ông để lại năm hải thuyên lớn cho người chú cai quản. Đó là đội hải thuyền lớn nhất của người Âu luôn có mặt trên biển cả Á châu, Gama đã khai trương một hành trình thương mại rất dài, từ Tây Âu sang Ấn Độ cách nhau 22. 000 hải lý, tức một vòng trái đất ở vành đai xích đạo, mà khỏi phải chuyển hàng lên bộ xuống thuyền (transbordement) và khỏi phải thuế má dọc đường.

Từ Calicut đến Malacca, cách nhau 40 ngày đi biển. Có lẽ đây là thị trường lớn tập trung nhiều gia vị, hồi và đồ sứ Trung Quốc, Bồ Đào Nha muốn mở rộng vùng ảnh hưởng và phạm vi giao thương tới đó ngay, nhưng vì thấy đường quá xa và chưa đủ đội hải thuyền lớn mạnh, nên tạm dừng lại và lấy Co chin – nằm trên bờ biển Ấn Độ làm thương điếm chính. Vasco de  Gama trở thành người Bồ thứ nhất làm phó vương Ấn Độ đóng tại đây cho tới năm 1507  thì thất sủng. Ông chết năm 1524  tại Cochin.

Năm 1507, tại Việt Nam chưa có dấu vết gì ghi lại rõ rệt có thương thuyền Bồ Đào Nha đến giao thương hay giảng đạo. Nhưng tin tức hải thuyên Gama đem quốc huy và Thập giá căm trên những vùng đất mời tới để đặt chủ quyên Bồ Đào Nha (padrão) làm cho vua chúa Viễn Đông e ngại. Tuy nhiên, Bồ Đào Nha chỉ chiếm giữ một số thương điếm và mở mang việc thương mại. Khắp vùng Viễn Đông đặc biệt là Việt Nam tưởng nhầm Bồ Đào Nha là cả Âu châu và gọi họ là người Hoa Lang, tôn giáo của họ tức Công giáo là đạo Hoa Lang. Ngôn ngữ trao đổi đương thời dù bất cứ với nước nào ở Âu châu – đều dùng tiếng Bồ Đào Nha. Thông ngôn Việt Nam dùng ngôn ngữ Bồ Đào Nha từ thế kỷ XVI tới khi Pháp xâm chiếm nước ta giữa thế kỷ XIX.

 

 


[1]Grand Larousse Encyclopédique . T. 5 , Paris, 1962, tr. 352 .

[2] M. Pastoureau, Sđd, tr. 50-51 .

[3] Như trên

– Hình Vasco de Gama trích sách La découverte de la Terre, Paris, 1 963, tr. 50.

– Hình bản đồ Lorenz Pries trích sách Thomas Suarez – Early Mapping ò Southeast Asia, Periplus Editione, Singapore, 1999, tr.96.

 

 

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 2: “Những nhân vật chính” của cuộc chiến

Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như mọi cơn cám dỗ …

Chúa có là Sự Sống, là Con Đường và là Sự Thật của đời bạn không ?

Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,1-12) Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *