Giêsu – một con người khác lạ

jesusĐức Giêsu luôn là một đối tượng gây nhiều tranh cãi, không chỉ vào thời của Ngài, nhưng còn mãi về sau. Ngài quả thực đã thực thi những điều vô cùng khác biệt khiến người ta không ngừng đặt câu hỏi về Ngài. Thời gian hoạt động công khai của Ngài hết sức ngắn ngủi, nhưng tầm ảnh hưởng của Ngài đối với mọi con người lại rất lớn lao. Biết bao nhiêu tiếng đồn về thân phận của Ngài được lan truyền trong nội bộ dân chúng và cả trong các tầng lớp giáo chức của bộ máy lãnh đạo. Người dân thì cho rằng Ngài là một trong những vị ngôn sứ vĩ đại ngày xưa trỗi dậy và họ mong chờ nơi Ngài một cuộc cách mạng lật đổ để đem đến cho họ một cuộc sống mới, tự do hơn. Các luật sĩ và kinh sư cũng không ít ngỡ ngàng trước kiến thức cao thâm và lối hùng biện đầy thuyết phục của Ngài. Họ đã nhiều lần thử thách tài trí của Giêsu, nhưng lần nào cũng thất bại. Vua Hêrôđê cũng tò mò không ít về con người kỳ lạ này và luôn tìm cách để gặp gỡ. Dường như Đức Giêsu cũng biết là người ta đang bàn tán rất nhiều về căn tính của mình, nên chính Ngài cũng đã hỏi các môn đệ để xem các ông có hiểu về Ngài nhiều hơn và đúng hơn những con người khác không. Dù Phêrô đã được mặc khải cho biết về căn tính thiên sai của Đức Giêsu, nhưng bản thân ông cũng không thể hiểu rõ điều đó có nghĩa là gì.

 Giêsu là một người tốt hay một người xấu? Nếu là một người xấu, làm sao Ngài có thể cảm hóa được người ta. Làm sao chỉ cần 1 buổi nói chuyện ngắn tại bờ giếng vào buổi trưa nóng bức, Ngài đã khiến cho người phụ nữ và cả dân làng phải trầm trồ ngợi khen? Làm sao Ngài có thể khiến một Giakêu kiêu hãnh thay đổi lối sống và sẵn sàng mở rộng bàn tay để giúp đỡ ngườ khác chỉ trong thoáng chốc? Làm sao Ngài có thể rơi nước mắt khi nghe tin bạn mình qua đời hay khi thấy cảnh thành Giêsusalem cứng lòng chẳng chịu tin? Làm sao Ngài có thể vui đùa vô tư với đám trẻ con? Làm sao Ngài có thể chạnh lòng khi thấy đám đông lang thang vất vưởng đi theo mình? Làm sao Ngài có thể đưa bàn tay ra đụng vào những con người bị cả xã hội hất hủi? Làm sao Ngài có thể hiểu được nỗi lòng của một góa phụ có đứa con trai duy nhất vừa qua đời?

 Nếu Ngài là một người xấu, làm sao Ngài có thể đưa ra được những bài học khôn ngoan thâm thúy và những lối hành xử thấu tình đạt lý làm lay động lòng người. Khi bị cài vào thế có phải nộp thuế cho Xêda hay không, Ngài đã trả lời theo cách mà không ai có thể bắt bẻ. Khi bị đặt vào tình cảnh có xử án tử người phụ nữ ngoại tình hay không, cách giải quyết của Ngài chẳng những đánh vào lương tri của kẻ ác mà còn mở ra cho nạn nhân kia một con đường mới để làm lại cuộc đời. Làm sao một người xấu có thể nhạy cảm nhận ra tấm lòng to lớn của một bà góa dâng cúng hai đồng bạc nhỏ xíu cho Đền Thờ? Làm sao một kẻ xấu có thể khuyên người khác là hãy đi làm hòa với người anh em trước khi đến dâng của lễ trước bàn thờ? Làm sao một kẻ xấu có thể dạy người khác hãy yêu thương hết mọi người, kể cả những kẻ thù của mình? Làm sao một người xấu lại có thể cúi xuống làm công việc của một tên nô lệ, rửa chân cho những môn đệ mình?

 Trước lối hành xử “khác người” của Giêsu, nhiều người đã đem lòng cảm kích, nhưng cũng có nhiều người căm phẫn Ngài ra mặt. Thế nhưng, ngoại trừ việc họ cho phê bình Ngài ăn uống và giao thiệp với tội nhân, họ cũng không có lời nào trách Ngài là có lối sống bê tha, chỉ biết nói mà không biết làm, tham lam hay kiêu kỳ, hống hách. Lại nữa, họ không thể không thừa nhận hằng hà sa số những phép lạ mà Đức Giêsu đã làm trong dân chúng. Từ việc chữa lành bệnh nhân, đến chuyện hóa bánh ra nhiều, rồi hô phong hoán vũ… Những sự việc này diễn ra được nhiều người chứng kiến, đến độ có lời tuyên bố thẳng thắn rằng: một người không đến từ Thiên Chúa, thì không thể làm được những điều này.

 Thế nhưng, nếu Giêsu đến từ Thiên Chúa, thì tại sao ông ấy lại lỗi luật ngày Sabat theo quy định của giới giáo chức? Tại sao ông ấy cứ chữa lành bệnh nhân vào ngày trọng đại này? Tại sao ông ta cứ thản nhiên đụng chạm đến những người ô uế? Tại sao ông lại không thực hiện các nghi thức thanh tẩy trước khi ăn? Tại sao ông ấy lại dung túng cho các môn đệ mình bứt lúa ăn trong ngày cấm kỵ? Tại sao ông ta lại đón tiếp, cười đùa, vui chơi với bọn trộm cướp, đĩ điếm, thu thuế, vốn là những con người tội lỗi? Nếu ông ta từ Thiên Chúa mà đến, hẳn ông ta phải biết rằng việc tuân giữ lề luật mà Thiên Chúa ban qua ông Môsê và được các tiền nhân giải thích và truyền lại là điều cần phải được thực thi hơn hết chứ?

 Rõ ràng, khi Đức Giêsu đến, Ngài đã mang theo một luồng gió mới trong tư tưởng, lối nhìn và cung cách hành xử, khiến nhiều người cứ ngỡ rằng Ngài là một con người thích phá đổ. Nhưng nhiều người khác lại nhìn nhận rằng, luồng gió mới mà Ngài đem tới mang nhiều chiều kích tích cực, giúp cho cuộc sống của con người được mở sang trang, êm ấp hơn, hạnh phúc hơn. Những ai gặp được Giêsu đều có cảm giác như bị Giêsu khuấy động mình, không để cho mình yên, khiến mình phải thay đổi cái gì đấy để thăng tiến hơn, triển nở hơn. Giêsu hệt như một người làm nên những cuộc cách mạng, nhưng không phải là cuộc cách mạng của bạo tàn, của chết chóc, mà là cuộc cách mạng giúp làm đổi mới tận cõi lòng, giúp mang đến niềm vui, niềm hoan lạc chẳng khi nào tan biến. Đến đây, ta có thể hiểu được phần nào lời tiên báo của cụ già Simeon vào ngày Đức Giêsu chịu phép cắt bì: “Đứa bé này sẽ làm duyên cớ cho nhiều người đứng lên hay ngã xuống” (x. Lc 2,34) Đặt vấn đề về Giêsu là đặt vấn đề về chính con người mình.

 Trong mắt chúng ta, Giêsu là một vị ngôn sứ vĩ đại của Thiên Chúa, hay chỉ là một người đàn ông bình thường như bao người khác, sống cách chúng ta 2000 năm trước đây? Giêsu là ai trong thâm tâm và suy nghĩ của chúng ta? Kỳ thực, quan niệm Giêsu là ai sẽ quyết định cho lối sống và cung cách hành xử của cúng ta. Nếu ta cho rằng Ngài chỉ là một con người bình thường, ta sẽ thấy việc đến nhà thờ đọc kinh, dự lễ chẳng có ý nghĩa gì cả. Nếu ta nghĩ rằng Ngài là một vị lãnh tụ đi làm cách mạng như bao anh hùng khác trong lịch sử, thì hóa ra, Ngài chỉ là một con người bất tài, ngu muội, để rồi phải nhận lấy sự thất bại ê chề, là cái chết thảm thương trên thập giá. Còn nếu ta chân nhận Ngài là vị ngôn sứ đến từ Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, đã vì yêu thương ta mà đến thế gian, ban cho ta lời hằng sống và chịu chết vì ta, tức khắc ta sẽ thấy xung quanh mình là niềm vui và niềm hạnh phúc vì biết mình luôn được bao bọc chở che, được yêu thương bởi một Đấng quyền năng khôn lường.

 Chúng ta hãy xin Chúa mở mắt chúng ta, để ta có thể nhìn thấy Giêsu rõ hơn, biết Giêsu là ai. Nhờ đó, ta có thể yêu mến Người hơn và can đảm bước theo Người hơn, trên hành trình hiến tế.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Kết nối với Gen Z: 4 chiến lược cho Giáo hội Công giáo

Chúng ta đều đang đặt ra cùng một câu hỏi: làm thế nào để kết …

4 vị thánh giúp bạn đối phó với nỗi lo âu

Ngoài việc các thánh là những người bạn của chúng ta trên thiên đàng, các …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *