Yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa

Kính thưa quý ông bà và anh chị em, các bài đọc trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay dường như nhắc nhớ mỗi người chúng ta về đời sống phụng thờ Thiên Chúa của mình. Lòng yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa là cách diễn tả rõ nét nhất lòng tin của mỗi người chúng ta.

..…

Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất”

Đoạn trích trong sách Đệ Nhị Luật mà chúng ta nghe trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chứa đựng kho tàng quan trọng bậc nhất, mà bất cứ người tin theo đạo Do-thái nào, cũng không bao giờ được quên: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.  (Đnl 6,4-5). Thật vậy, chân lý ‘Thiên Chúa duy nhất’ là nền tảng căn cốt nhất của đạo Do-thái. Lời nhắn nhủ này được gọi là Shema, là lời kinh mà tất cả những ai theo đạo Do-thái phải thuộc nằm lòng ngay từ thuở nhỏ. Họ thường lập lại lời kinh này nhiều lần trong ngày để nhắc nhớ bản thân về chân lý ‘Thiên Chúa duy nhất’, cũng như bổn phận phải yêu mến và phụng sự Thiên Chúa.

Để trả lời cho một người trong nhóm kinh sư về câu hỏi ‘điều răn nào quan trọng nhất’, Chúa Giê-su cũng đã dùng chính lời Kinh Thánh trên để trả lời. Thế nên, lời nhắc nhớ về ‘Thiên Chúa duy nhất’ không chỉ dành cho người theo đạo Do-thái, nhưng còn dành cho mỗi Ki-tô hữu chúng ta. Điều này làm cho chúng ta xác tín rằng, không phải ai khác, hay thần nào khác, nhưng chính Thiên Chúa duy nhất đã vì yêu thương mà đã tác sinh muôn vật muôn loài. Cũng chính Thiên Chúa đã tỏ lộ cho chúng ta biết về kế hoạch cứu độ, hầu mang lại niềm hy vọng cho chúng ta được tham dự vào đời sống vĩnh cửu. Cũng chính vì lòng yêu thương quảng đại của vị Thiên Chúa duy nhất ấy, mà chúng ta vẫn được sống, được hoạt động, được hạnh phúc trong cuộc sống này.

Lời nhắc nhớ chúng ta về ‘Thiên Chúa duy nhất’ đồng thời khơi dậy trong tâm hồn chúng ta tâm tình yêu mến Người: Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,5). Cần biết rằng, Thiên Chúa là Đấng toàn hảo tự tại, nên lòng yêu mến của chúng ta sẽ chẳng khiến cho Thiên Chúa thêm hoàn hảo thêm chút nào. Đúng hơn, chúng ta tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa trước hết vì những điều thiện hảo mà Thiên Chúa vẫn hằng ban cho chúng ta. Chúng ta diễn tả lòng yêu mến Thiên Chúa với hết cả tâm hồn vì tình yêu vô điều kiện mà Người đã tặng ban cho mỗi người trong chúng ta. Thiên Chúa mong ước chúng ta yêu mến Thiên Chúa không phải vì bản thân Người, nhưng vì chính mỗi người chúng ta. Đúng hơn, chúng ta sẽ chỉ được sống và hạnh phúc khi chúng ta ở với Thiên Chúa mà thôi, vì duy chỉ có Người là nguồn sống duy nhất cho muôn vật muôn loài.

Trong Linh Thao, Thánh Inhaxio Loyola đã cụ thể hóa lời nhắn nhủ này trong ‘Nguyên Lý Và Nền Tảng’:“Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình. Mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cùng đích Đấng Tạo Hóa đặt cho họ. Bởi thế người ta chỉ được sử dụng tạo vật theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh và phải gạt bỏ khi chúng làm cản trở….” (Linh Thao, số 23)

Nguyên lý và Nền Tảng trên đây giúp cho chúng ta thấy mục đích của đời sống con người là để “ngợi khen, tôn kính, và phụng sự Thiên Chúa”. Thế nên, việc sắp đặt trật tự trong đời sống chúng ta thật quan trọng biết bao: Thiên Chúa phải là trước hết và trên hết mọi loài thụ tạo. Khi chúng ta đảo lộn trật tự này, chẳng hạn khi đặt bản thân mình hay các thụ tạo khác lên hàng đầu, chúng ta đang đặt lòng tin của mình ở sai chỗ.

Trong cuộc sống hôm nay, có lẽ chúng ta ít đề cập đến các ngoại thần cho bằng những ‘vị thần’ do chính chúng ta tạo ra. Mỗi người trong chúng ta thử dành ra ít giây phút tĩnh lặng để xem Thiên Chúa đang có vị trí nào trong cuộc đời của mình. Thiên Chúa có phải là quan trọng nhất đối với tôi lúc này hay chăng? Nếu Thiên Chúa không còn ở vị trí số một trong tâm hồn tôi thì ‘vị thần’ nào đã được đặt vào vị trí ấy của Thiên Chúa?

Cần biết rằng, dù chúng ta đang chẳng ưu tiên vị trí quan trọng nhất cho Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, Thiên Chúa vẫn không ngừng yêu thương chúng ta cách vô điều kiện. Thiên Chúa vẫn mong ước chúng ta biết sắp đặt lại trật tự cuộc sống của mình, chẳng phải vì ích lợi gì cho Ngài, cho bằng vì phần rỗi của chính chúng ta. Đúng hơn, chỉ nơi Thiên Chúa duy nhất, chúng ta mới được hiện hữu và hạnh phúc viên mãn mà thôi.

           Yêu mến và phụng  thờ Thiên Chúa

Kính thưa quý ông bà và anh chị em, niềm tin của chúng ta nơi Thiên Chúa duy nhất có thể được diễn tả bằng nhiều cách thế khác nhau, nhưng sống động nhất vẫn là trong đời sống phụng vụ của Giáo Hội. Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri cho chúng ta biết về vai trò duy nhất của vị tư tế hằng hữu là Đức Kitô, trong đời sống phụng vụ của Giáo Hội. Vị thượng tế hằng hữu có vai trò chuyển cầu cho chúng ta tới Thiên Chúa, vì tự bản thân mỗi người chúng ta chẳng thể trực tiếp đến với Người (Hr 7,25). Vì vậy, Đức Giêsu Kitô vẫn hằng hiện diện cách sống động trong mọi cử hành phụng vụ của Giáo Hội, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Khi chúng ta nghe công bố Tin Mừng thì chúng ta thực sự đang lắng nghe Lời của Chúa Giêsu đang nói với chúng ta. Khi vị linh mục truyền phép thì bánh và rượu nhờ quyền năng của Chúa Thần, đã trở nên Mình và Máu thánh Đức Giêsu Kitô, trở nên thần lương nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Đức Giêsu cũng chính là người sai chúng ta ra đi loan báo Tin mừng khi buổi cử hành phụng vụ kết thúc.

Thế nên, việc tham dự vào đời sống phụng vụ của Giáo Hội, đòi hỏi chúng ta tham dự với lòng sốt sáng kính tin của mình. Qua đời sống phụng vụ, chúng ta đang diễn tả đức tin của mình nơi Thiên Chúa, cụ thể qua việc: xám hối lỗi lầm, ca tụng Thiên Chúa, tuyên xưng đức tin, lãnh nhận ơn lành… Thế nên, chúng ta không phải đến ‘xem thánh lễ’ cho xong bổn phận mà Giáo Hội đòi buộc. Đúng hơn, chúng ta được mời gọi để tham dự thánh lễ và cùng hiệp dâng của lễ là đời sống của mình, kết hiệp với của lễ duy nhất của Đức Giêsu xưa kia trên thập giá, mà dâng lên Thiên Chúa Cha (Hr 7,27).

Thực ra, khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta đồng thời cũng đã được lãnh nhận chức vụ tư tế phổ quát. Điều này có nghĩa, cuộc đời mỗi người chúng ta đã được thánh hiến để trở nên của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa. Thế nên, chẳng có của lễ nào đẹp lòng Thiên Chúa cho bằng của lễ sống động là đời sống của mỗi người. Qua vị tư tế hằng hữu là Đức Giêsu Kitô, chúng ta hãy mạnh dạn dâng lên Thiên Chúa mọi vui buồn của cuộc sống này. Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương chúng ta vô điều kiện chắc chắn sẽ nhậm lời nguyện xin, cũng như đón nhận của lễ mà chúng ta dâng tiến lên Người. Ngoài việc yêu mến phụng thờ Thiên Chúa duy nhất, Chúa Giêsu đưa ra một điều răn khác không thể tách rời, đó là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,31). Chẳng có của lễ nào đẹp lòng Thiên Chúa cho bằng việc chúng ta yêu mến và hiến dâng đời sống của mình cho Thiên Chúa và mở lòng đón nhận tha nhân.

Thế nên, cuộc đời của mỗi người chúng ta có thể được hiểu như một cử hành phụng vụ hay một thánh lễ kéo dài. Cuộc đời chúng ta vì vậy là một chuỗi những diễn tả lòng tin của chúng ta nơi Thiên Chúa duy nhất. Lòng tin ấy được diễn tả cách cụ thể bằng cả đời sống của mình, như của lễ toàn thiêu, được hiệp với lễ hy sinh của Đức Giêsu mà dâng lên Thiên Chúa. Amen!

Giuse Hoàng Thanh Phong, S.J.

Kiểm tra tương tự

Chuyên đề: “Nuôi dưỡng và thể hiện sự tự tin”

  Bạn thân mến! Sự tự tin là một trong những phẩm chất cần thiết …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *