Yêu Thương

Lời trăn trối của Thầy Chí Thánh: “Anh em hãy yêu thương nhau…” đã trở nên phương châm sống cho biết bao tiền nhân trong giáo hội và đã biến họ trở nên những vị thánh lỗi lạc. Nếu ngay tại cuộc sống trần gian này, ta cũng biết thực hiện lời mời gọi ấy, thì quả là ta cũng đang rất gần với Thiên Chúa. Thế nhưng, làm sao để thực hiện được lời Ngài như ý Ngài muốn? Làm sao để mang tâm tình của một người con thảo, hết tình yêu mến Ngài? Kinh nghiệm của các thánh dạy ta chính là: thực hiện việc yêu mến tha nhân khởi đi từ mối tương quan với Thiên Chúa.

Chỉ trong tương quan với Thiên Chúa, ta mới biết yêu tha nhân thế nào cho đẹp lòng Ngài. Tình yêu của ta sẽ không bị lôi kéo bởi cái ta thích hay cái ta ghét; nhưng tình yêu đó được chan hòa với anh em vì họ là con Thiên Chúa như ta, được mang những giá trị cao quý như ta, và Thiên Chúa trân trọng họ như trân trọng ta. Khi ta biết đặt Thiên Chúa trong tương quan với tha nhân, ta mới có thể thực thi được giới răn yêu thương của Ngài; và giới răn đó đòi hỏi ở nơi ta một tình yêu không vụ lợi. Người Việt nam có câu: “Có qua có lại, mới toại lòng nhau”, và câu ấy đôi lúc cũng được dùng để đo lường tình cảm con người nữa. Thiên Chúa không thích ta thể hiện tình yêu theo cách đó, Ngài cũng không ưa một sự ràng buộc nào đó trong tình yêu. Tình yêu của Ngài là sự tự do, là không cần đáp trả, là không bị ràng buộc bởi một yếu tố nào. Ngài mời gọi ta cũng hãy yêu tha nhân như thế!

Chỉ trong tương quan với Thiên Chúa, ta mới nhận ra những giá trị đích thực để vun đắp tình yêu với tha nhân. Khôn ngoan của thế gian luôn dẫn đắt ta đến sự nô lệ của tình yêu: Yêu vì một điều gì đó có lợi, yêu vì sẽ nhận được một phần thưởng giá trị, yêu vì sẽ được đáp lại… Và cuối cùng, ta chưa bao giờ biết yêu thật sự như Chúa đã yêu. Hành trình thập giá là cái giá phải trả cho tình yêu đích thực, và những ai biết yêu thật sự đều phải trải qua hành trình thập giá ấy. Đó là: Ngay cả khi bị phản bội, vẫn yêu thương và tha thứ; cho dẫu đau đớn tột cùng, vẫn câm nín và chịu đựng; cho đến cái chết hèn hạ, vẫn không thay đổi tình yêu. Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, hành trình thập giá ấy bị xem là thật điên rồ; khó mà có sự tồn tại tình yêu trước kẻ đã phản bội ta hay chống lại ta, cũng chẳng tìm đâu ra sự thinh lặng trước những kẻ làm hại ta hay hạ nhục ta, và càng không thể tìm ra một người nào đó sẵn sàng hy sinh vì tình yêu cho ta. Vậy mà, đó lại là điều Thầy Chí Thánh mời gọi ta sống! Ngài không phải là Vị Thiên Chúa ở trên cao ban phát chỉ thị xuống cho dân Ngài, nhưng Ngài đã sống như ta và đã làm gương cho ta. Trong dòng lịch sử giáo hội, biết bao vị thánh đã mang lấy hình ảnh của Ngài khi thể hiện tình yêu và đã được trở nên đồng hình, đồng dạng với Ngài. Như thế, Ngài đã mời gọi ta một điều hoàn toàn có thể thực hiện được, và chắc chắn sẽ thực hiện được khi ta kết chặt mối tương quan với Ngài.

Khi biết kết chặt mối tương quan với Ngài, ta mới thấy những quà tặng cao quý Ngài gởi đến cho ta qua những đau khổ. Hình ảnh của kẻ phản bội ta chính là hình ảnh của ta trước Ngài, hình ảnh của kẻ làm hại ta lại là hình ảnh của ta trong những lần vấp ngã bởi tội, hình ảnh của Ngài luôn soi rọi trước mọi biến cố của cuộc đời ta để ta được nhận ra chính mình và biết đặt mình trước nhan Ngài. Khi ta biết yêu Ngài, ta sẽ biết mang lấy lòng bao dung và tha thứ của Ngài. Khi ta biết yêu Ngài, ta sẽ biết làm cho ánh sáng của Ngài che phủ cái tôi của ta, và được lan tỏa để tha nhân chỉ còn nhìn thấy dung mạo tuyệt vời của Ngài nơi ta. Như thế, linh hồn ta chẳng còn bị đè nặng bởi sự ngục tù của tâm trí, lời nói, hay hành động do sự xui khiến của ma quỷ; mà hoàn toàn tự do thể hiện tình yêu tha nhân trong tình yêu của Ngài.

Therese Trần Thị Kim Thoa    

Kiểm tra tương tự

Xuân phúc ân

    XUÂN Đứng trước thềm Xuân. Cảm nhận hạnh phúc trong tâm hồn, cảm …

Tiếng “ồn”

  Âm thanh là điều kỳ diệu mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *