3 vị thánh cộng tác với Dòng Tên – Những chứng nhân Đức Tin tại Bắc Mỹ

 

Trong sứ vụ truyền giáo tại Bắc Mỹ thế kỷ XVII, các nhà truyền giáo Dòng Tên đã không ngại hiểm nguy để mang Tin Mừng đến những vùng đất mới, đối mặt với muôn vàn thử thách từ khí hậu khắc nghiệt, ngôn ngữ xa lạ, đến sự kháng cự từ các bộ lạc địa phương. Trong hành trình đó, họ không đơn độc: bên cạnh các tu sĩ Dòng Tên, những cộng tác viên như René Goupil, Jean de Lalande và Noël Chabanel đã đóng vai trò không thể thiếu. Dù là giáo dân hay linh mục, họ đã hy sinh cả mạng sống để đồng hành, hỗ trợ, và chia sẻ sứ mạng cao cả này. Những chứng nhân đức tin ấy không chỉ làm sáng danh Thiên Chúa mà còn để lại bài học sâu sắc về tinh thần phục vụ và lòng can đảm cho các tín hữu mọi thời đại.


Trong số tám tu sĩ Dòng Tên đến Tân Pháp từ năm 1634 đến năm 1649 để truyền bá đức tin, ba vị tử đạo này ít được biết đến hơn, nhưng câu chuyện của họ cũng không kém phần hấp dẫn.

 

Họ phải đối mặt với khó khăn về một ngôn ngữ xa lạ và một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, mười hai tu sĩ Dòng Tên người Pháp đã vượt biển đến nơi mà ngày nay gọi là Canada đều sẵn sàng đối mặt với những khó khăn và thậm chí là những gian khổ lớn hơn.

 

Mỗi nhà truyền giáo họ đều cảm nhận được sự khắc nghiệt của môi trường mà họ sẽ phải đối mặt, nhưng họ vẫn sẵn sàng dấn thân. Cả mười hai người đều bị bách hại khi loan truyền Tin Mừng đến với người bản xứ.

 

Chúng tôi đã chia sẻ câu chuyện của năm vị thánh trong số họ. Sau đây là ba vị tử đạo cuối cùng của Bắc Mỹ – trong đó có hai giáo dân – những người mà câu chuyện của họ ít được nhiều người biết đến.

 

René Goupil, người bác sĩ giáo dân

 

Thánh René Goupil có hai ước mơ. Trước hết, ngài muốn được phụng sự Thiên Chúa bằng cách trở thành vị linh mục Dòng Tên. Thứ đến, ngài muốn chăm sóc người bệnh bằng cách học y khoa, muốn dâng hiến sự phục vụ của mình như những tu sĩ Dòng Tên khác ở Canada.

 

Tuy nhiên, vì sức khỏe không được tốt và tật khiếm thính đã ngăn cản ngài hoàn thành chương trình y khoa. Cũng thật bẽ bàng khi ngài phải chấp nhận sự từ chối của Dòng Tên. Dù vậy, những vấn đề sức khỏe này cũng không thể ngăn cản mong muốn của ngài được phục vụ như một nhà truyền giáo.

 

Những lời khấn không ràng buộc ngài, nhưng ngài đã có được những kỹ năng y khoa đáng kể. René Goupil đã làm việc tình nguyện với tư cách một giáo dân tại L’Hotel Dieu ở Canada, nơi ngài ở lại và làm việc như một nhân viên y tế trong hai năm.

 

Chuyên môn về phẫu thuật của ngài được đánh giá cao ở thành phố Quebec, nhưng những người Huron ở Hồ Huron cũng cần được chăm sóc y tế. Năm 1642, chính quyền giao cho ngài một nhiệm vụ mới: đi cùng Cha Isaac Jogues đến Huronia.

 

Tuy nhiên, nhóm lữ khách không bao giờ đến được đích. Họ bị một nhóm người Iroquois tấn công, tra tấn và đánh đập ngài Goupil đến chết. Ngài chỉ mới 35 tuổi khi qua đời, là người đầu tiên trong tám vị tử đạo tử vì đức tin.

 

Cha Jogues đã cho phép René Goupil được tuyên khấn trở thành tu sĩ Dòng Tên trước khi ông qua đời. Cha đã viết:

 

“Đối với ngài, vấn đề là nhìn thấy Thiên Chúa của chúng ta trong mỗi bệnh nhân. Và như vậy, ngài đã để lại hương thơm ngọt ngào của lòng tốt và các đức tính khác ở vùng đất đó, nơi mà ký ức về ngài vẫn còn được lưu giữ với lòng tôn kính.”

 

Thánh René là vị thánh bảo trợ của Hiệp hội Y tá gây mê Hoa Kỳ.

 

Jean de Lalande – tình nguyện viên khiêm tốn

 

Thánh Jean de Lalande không có một vị trí vinh quang nào ở Canada. Tất cả những gì ngài muốn chỉ là được phục vụ Chúa. Jean làm việc khiêm nhường tại giáo điểm ở Trois Rivière, đôi khi tình nguyện làm đầu bếp, thợ mộc và những công việc chân tay khác để đổi lấy chỗ nương thân.

 

Cha Jogues đã nhiều lần xin chính quyền cho phép dành thời gian với người Iroquois. Trước đó, họ đã tỏ ra thù địch với các tu sĩ Dòng Tên, nhưng sứ mạng hòa bình vào đầu năm 1646 dường như đã thành công. Khi cha Jogues được phép trở lại Iroquois vào tháng 9 năm 1646, với tư cách là một nhà truyền giáo. Người giáo dân Jean de Lalande và một vài người Huron đã đi cùng với ngài.

 

Chuyến thăm không được chào đón. Thật không may, kể từ lần viếng thăm cuối cùng của cha Jogues, bộ tộc này đã bị nhiễm bệnh và mùa màng thất bát. Người Iroquois đổ lỗi cho tu sĩ Dòng Tên, người mà họ cho rằng chắc là một pháp sư. Cha Jogues và Jean de Lalande đã bị giết ngay sau khi họ đến.

 

Mãi cho đến sáu tháng sau đó, chính quyền ở thành phố Quebec mới nghe tin về cái chết của họ.

 

Thật dễ hiểu khi người ta chú ý nhiều hơn đến cha Jogues đáng kính. Mặc dù không có nhiều người từng nghe biết Jean de la Lande, nhưng ngài cũng đáng được nhớ đến. Sự hy sinh của ngài đã được ghi nhận trong “Các mối tương quan Giêsu hữu”, một tài liệu được các nhà truyền giáo đã ghi lại về những nỗ lực của họ. Tài liệu viết rằng:

 

“Người ta không được quên người đàn ông trẻ người Pháp đã bị giết cùng với cha Jogues, anh Jean de Lalande, người mặc dù đã thấy trước mối nguy hiểm tương tự, đã can đảm tự mình đối mặt với nó, hy vọng không có phần thưởng nào ngoài thiên đàng.”

 

Antoine Daniel, dịch giả Kinh Lạy Cha cho người Huron

 

Antoine Daniel, người đã nghiên cứu triết học và luật, được thụ phong linh mục trong Dòng Tên ở tuổi 29. Khi đến thành phố Quebec, ngài nhanh chóng thành thạo tiếng Huron và bắt đầu dịch Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính và các lời cầu nguyện khác.

 

Tài năng đặc biệt của ngài là học tập và giảng dạy, lòng tốt và sự kiên nhẫn của ngài là một tài sản cho cộng đồng.

 

Đáng buồn thay, người Huron vẫn chưa sẵn sàng cho những gì ngài và những người bạn đồng hành của ngài muốn chia sẻ; ngôi trường dành cho nam sinh mà ông đã đầu tư rất nhiều đã không thành công.

 

Giáo điểm tại Saint Marie, với một nhà nguyện và cộng đoàn vững mạnh, đã phát triển mạnh mẽ, nhưng người Huron biết rằng họ có nguy cơ bị người Iroquois tấn công bất cứ lúc nào. Nhận thức được những nguy hiểm, họ đã dựng lên những hàng rào kiên cố để tăng cường sự bảo vệ.

 

Một ngày nọ, Cha Daniel đang cử hành Thánh lễ thì một nhóm chiến binh xông vào qua các chốt phòng thủ, đốt cháy các chỗ ở. Vẫn trong trang phục phụng vụ, vị linh mục tiếp tục phục vụ các tín hữu trong nhà nguyện. Cuối cùng ngài đã ra đối mặt với những kẻ tấn công, tạo cơ hội cho dân làng trốn thoát.

 

Cơ thể ngài đầy những mũi tên, và ngài bị bắn trúng ngực. Những kẻ tấn công sau đó ném xác ngài vào nhà nguyện và đốt cháy.

 

Thánh Antoine Daniel là người truyền giáo thứ hai tử nạn. Ngài đã tử vì đạo vào ngày 4 tháng 7 năm 1648.

 

Dâng mình cho Thánh Tâm Chúa

 

Các thánh René Goupil, Jean de la Lande và cha Antoine Daniel được Đức Giáo hoàng PXI phong thánh vào ngày 29 tháng 6 năm 1930, cùng với năm vị tử đạo khác. Trong bài phát biểu trên đài phát thanh vào tháng 11 năm 1946, Đức Giáo hoàng Piô XII đã nói về Thánh René Goupil và Jean de la Lande như sau:

 

“Họ là những người giáo dân, một người là bác sĩ, một người là thợ mộc; nhưng họ được truyền cảm hứng từ cùng một tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa dành cho các linh hồn; nhân cách của họ đã được hình thành theo cùng một khuôn mẫu của lòng dũng cảm vị tha, tham vọng của họ vươn lên đến cùng những lý tưởng cao cả về sự hy sinh và tận hiến cho sự nghiệp của Thánh Tâm Chúa Kitô. Họ không muốn lên thiên đàng một mình. Đức tin của họ quý giá đến nỗi không thể không muốn chia sẻ nó với người khác.”

 

Nguồn: Aleteia

Tác giả: Alice Alech

Chuyển ngữ: Hoàng Quân | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Từ nhỏ bé, yếu đuối đến tín thác: Hành trình ơn gọi của thầy Phó tế Giuse Vũ Thành Trung, S.J.

  Vào ngày 3/12/2024 tới đây, tại Nhà thờ Giáo xứ Hiển Linh, Thủ Đức, …

Vọng chờ ai, đợi ai? | Suy tư Tin Mừng CN I mùa Vọng năm C

  Chúa Nhật Tuần I – Mùa Vọng năm C   Các bạn thân mến! …