Chiêm niệm Chúa sinh ra đời

Lạy Mẹ Maria yêu mến của con, trong thinh lặng con nhớ lại đoạn đường từ Nazareth đến Belem. Một đoạn đường rất dài….phải vuợt qua núi đồi, sa mạc Judea. Con đã đi qua bằng xe bus có máy lạnh vậy mà tối về đến khách sạn sau một ngày thăm viếng, con mệt đừ. Thế mà, Mẹ cùng với Thánh Giuse đã phải đi bộ với sự giúp đỡ của một con lừa.  Có lẽ Mẹ đã phải đi rất nhiều ngày mới đến được Bethlehem. Thời đó chắc chắn là đường xá không như bây giờ, đường gập ghềnh sỏi đá mà mẹ thì đang mang thai vào tháng cuối cùng.

Là một phụ nữ, con đã mang thai ba lần vì thế con hiểu được sự nặng nề, mệt mỏi thế nào ở giai đoạn này, nằm, ngồi, đi đứng đều rất khó khăn…vậy mà mẹ phải ngồi trên lưng lừa trên một đoạn đường dài như vậy! Khi đến nơi chắc là Mẹ mệt lắm và ước ao có được một nơi để ngả lưng và cũng đã đến lúc mẹ sắp sanh. Nhưng chẳng có một chỗ nào mở cửa đón mẹ và mẹ phải lủi thủi ra chuồng bò lừa và sinh con trong hoàn cảnh thiếu thốn cơ cực không ai bằng.

Trái tim con thắt lại khi nghĩ đến đây, thương mẹ quá chừng. Sau khi Chúa Hài Nhi ra đời mẹ phải dùng vải làm tã và đặt Chúa vào trong máng ăn của súc vật. Trái tim mẹ đau lắm nhỉ? Người mẹ nào cũng muốn con mình được đầy đủ, sung sướng…trái tim của người mẹ sẽ đau gấp trăm ngàn lần khi nhìn thấy con phải khổ sở và ước mong sao được nhận hết những khổ cực đó cho con mình. Không một lời than thở mẹ chịu đựng tất cả những vất vả, mệt mỏi, đớn đau trong im lặng. Khi nghe các mục đồng kể lại những gì họ đã chứng kiến và nghe thấy về Hài Nhi Giêsu và Ngài chính là Đấng Cứu Thế mà mọi người đang trông đợi… Mẹ cũng chỉ im lặng.

Khi ba Vua đến viếng Chúa và dâng những món qùa qúy giá cho Chúa, Mẹ lại âm thầm lặng yên. Mẹ Maria ơi, tất cả vui buồn, sướng khổ Chúa gửi đến cho Mẹ, Mẹ đều lặng thinh ghi nhớ tất cả trong lòng và suy đi nghĩ lại.  Mẹ lặng yên để có thể nghe được tiếng Chúa nói với Mẹ điều gì qua từng biến cố vui buồn. Mẹ đáp trả lời mời gọi của Chúa không chỉ một lần nhưng là trọn cả cuộc đời. Để làm được như vậy Mẹ đã đón nhận tất cả, giữ lại tất cả, và suy niệm những điều đó trong suốt cuộc sống, và lời đáp trả trọn vẹn nhất là trái tim đau đớn, tan nát khi đứng dưới chân Thập Giá nhìn con bị hành hạ, đánh đập cho đến chết.

Lời nào có thể diễn tả được những đau đớn Mẹ đã phải trải qua. Thế mà, con chẳng thấy Kinh Thánh kể Mẹ nói một lời nào. Âm thầm, chịu đựng, ghi nhớ tất cả trong lòng, suy đi nghĩ lại và bước theo chân Chúa cho đến giây phút cuối cùng, nên mẹ đã được gọi là người đồng công cứu chuộc. Mẹ ơi, còn con thì sao? Con có tất cả mọi sự đầy đủ, sinh con và nuôi con trong hoàn cảnh tốt nhất từ vật chất đến tinh thần. Thế mà con đã làm trọn ơn gọi là một người mẹ chưa? Khi mệt mỏi thì con dễ cáu giận, dậy dỗ con cái thì con thiếu kiên nhẫn, trong cuộc sống gia đình con vẫn so bì hơn thiệt và chưa hy sinh đủ… xin cho con bắt chước Mẹ, đáp lời mời gọi của Chúa để trở thành một người mẹ biết hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả để con mình được sinh ra và được lớn lên theo Thánh ý Chúa.

Xin cho con bắt chước Mẹ biết giữ lại tất cả trong lòng, để suy đi nghĩ lại và hiểu được Thánh ý Chúa qua tất cả vui buồn của đời mình. Tiếng xin vâng của Mẹ đã để Chúa cư ngụ trong cung lòng của Mẹ, giáng sinh trong cuộc đời Mẹ, sống và lớn lên với Mẹ và cuối cùng là chết đi vì tội lỗi nhân loại để tất cả chúng con đều được sống lại với Người.

Tiếng xin vâng của Mẹ đã mang cả nhân loại đến gần hơn với Thiên Chúa. Thiên Chúa làm Người để con cùng toàn thể nhân loại có cơ hội được bước vào thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi, thế giới của hạnh phúc vĩnh cửu. Xin cho con biết bắt chước Mẹ biết nói tiếng xin vâng với Chúa trong mọi hoàn cảnh để trong mùa Giáng Sinh này, để Chúa sẽ thật sự Giáng Sinh trong cuộc đời con.

Nguyễn Công Thùy Minh

Kiểm tra tương tự

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Khóa học: “Tìm hiểu tông huấn niềm vui tình yêu ”

Bạn thân mến! Ai trong chúng ta đều xuất thân từ một gia đình. Dù …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *