“Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng” (Ngày 10 tháng 11 năm 2020 – Thứ ba, sau Chúa Nhật XXXII Thường Niên)

 

 

“Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng”

(Lc 17, 7-10)

 

7 “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi”,8 chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau! ?

9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?

10 Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

 

  1. Sức mạnh của lòng tin

Đệ giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của lòng tin, như có lần Người nói: “Lòng tin của con đã cứu con” (Lc 7, 50) và cầu xin lòng tin mỗi ngày, trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giê-su dùng những hình ảnh thật cụ thể để nói về sức mạnh thiêng liêng của lòng tin:

Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: « Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc ! » Nó cũng sẽ vâng lời anh em.

(c. 6)

Lòng tin có sức mạnh chuyển dời sự vật, không phải một cách ngoạn mục ở bên ngoài, nhưng những sự vật ngăn cản chúng ta đến với Chúa và đến với nhau. Không có niềm tin “bằng hạt cải” nơi Chúa, khiến cho chúng ta không dám tin tưởng nhau bất chấp tất cả, chúng ta không thể xây dựng mái ấp yêu thương được. Như các Tông Đồ, mỗi người chúng ta hãy ước ao tận đáy lòng:

Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con.

Tin Chúa yêu thương và bao dung “đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là vô hạn, từng người trong chúng ta, dù chúng ta là ai và ở trong tình trạng nào, để con tim của chúng ta được mở rộng để có thể yêu thương và bao dung lẫn nhau, như Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta cầu nguyện trong Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót:

Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa/
cũng là những người mang lấy sự yếu đuối/
để có thể cảm thông thực sự với những người mê muội lầm lạc.
Xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài/
đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa
mong chờ, yêu mến và thứ tha.

 

  1. “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng”

Để sống được với nhau và qua đó xây dựng đời sống chung, chúng ta cần tin nhau biết bao, và để có thể tin nhau, chúng ta cần tin vào Chúa biết bao. Vì thế, ngay sau đó như bài Tin Mừng kể lại, Đức Giê-su dùng hình ảnh người tôi tớ quên mình phục vụ chủ nhân của mình, chắc chắn với sự tín thác.

Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

(c. 10)

Nhưng con người thời nay, trong đó có chính chúng ta nữa, lại thích làm chủ hơn, làm đại gia hơn, thích bình đẳng hơn, thích quyền lợi hơn, thích sòng phẳng hơn. Vì thế, hình ảnh chủ tớ có thể không đánh động chúng ta ; và nhất là những gì Đức Giê-su nói về người tôi tớ trong bài Tin Mừng chắc chắn gây cho chúng ta khó khăn.

  • Đó là người làm việc vất vả cả ngày ở ngoài đồng, cày cấy hoặc chăn chiên.
  • Nhưng chiều về, lại không được nghỉ ngơi, nhưng còn phải làm bếp ; làm bếp xong, cũng không được nghỉ, nhưng còn phải làm phận vụ hầu bàn. Hầu bàn, dọn dẹp và rửa chén bát xong, sau cùng, người tôi tớ mới được ăn.
  • Và sau khi làm hết mọi việc, vẫn không nghe ai nói cám ơn ; nhưng còn phải tự nhủ lòng mình : “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (c. 10)

Chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn này, khi lắng nghe lời của Đức Giê-su không như chữ viết hay lề luật, nhưng như là tinh thần, là năng động, là hướng đi của con tim. Hơn nữa, Đức Giê-su cố ý nói thật tận căn, thật triệt để (chẳng hạn, phải móc mắt, chặt tay, cột cối đá vào cổ quăng xuống sông, quăng vào lửa không hề tắt…) để chúng ta không áp dụng theo chữ viết được và buộc phải hiểu theo thần khí. Lắng nghe lời Đức Giê-su như thế, chúng ta sẽ nhận ra rằng, hình ảnh chủ tớ mà Đức Giê-su mô tả trong bài Tin Mừng, mặc khải cho chúng ta sự thật về chính chúng ta và mở ra cho chúng ta cả một hướng đi của tự do, bình an và niềm vui khởi đi từ lòng tín thác và yêu mến.

 

  1. « Phận Nữ Tỳ hèn mọn »

Xét cả về bản chất lẫn thực tế, chúng ta không phải là chủ và cũng không thể làm chủ : sự sống và ơn gọi của chúng ta là được ban cho ; và không phải được ban cho một lần trong quá khứ, nhưng từng ngày ; và trong mọi sự, nhất là hoàn cảnh, thân phận, gia đình, ơn gọi, sứ vụ… chúng ta chẳng bao giờ làm chủ tuyệt đối được điều gì.

Kinh nghiệm cho thấy, khi chúng ta sống, làm việc và hành động như thể mình là chủ nhân, thì sẽ là tai họa, bởi vì chúng ta sẽ đánh mất tất cả, những gì mình có, những gì và những người mình được giao phó, và chính bản thân chúng ta. Và đó chính là một trong những vấn đề nghiêm trọng của loài người chúng ta hôm nay : chính khi con người tự coi mình là chủ sự sống, là chủ môi trường sống, là chủ thiên nhiên, là chủ cả một dân tộc, là chủ gia đình, là chủ cộng đoàn, là chủ cách sống, hướng đi… , con người đang phung phí và đánh mất nhân tính, như người con hoang đàng (x. Lc 15, 11-35).

Hơn nữa, khi chúng ta hành động như là chủ nhân, chúng ta sẽ không bao giờ được bình an : ganh đua, ghen tị, thành công thì kiêu ngạo, thất bại thì suy sụp ; và sẽ suy sụp hoàn toàn khi con người đến một lúc nào đó, và cái « lúc đó » có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, phải bớt, phải bỏ và phải buông tay mọi sự, cả sự sống của mình nữa.

*  *  *

Như vậy, chúng ta được mời gọi sống và làm việc như người phục vụ, như người tôi tớ, như người nữ tỳ khởi đi từ sự nhỏ bé, giới hạn, yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, khởi đi từ sự thật của chúng ta, và làm cho đời mình, ơn gọi mình trở thành lời tạ ơn và ca tụng Chúa, Đấng là Nguồn và Cùng Đích của mọi sự. Chính kinh nghiệm sâu đậm được tin tưởng, được yêu thương và được thương xót, sẽ giúp chúng ta sống tâm tình của người tôi tớ và người nữ tì, như Đức Maria, Mẹ của chúng ta.

Đó là cách tốt nhất để chúng ta trở thành môn đệ của Đức Giê-su ; và một khi chúng ta trở nên môn đệ của Đức Giê-su, Ngài sẽ làm cho chúng ta trở thành những người con đích thực của Thiên Chúa Cha, và trở thành anh chị em đích thực của nhau. Bởi vì chính Đức Ki-tô, Ngài là Thầy và là Chúa, nhưng đã đến sống ở giữa chúng ta, không như chủ nhân, nhưng như người tôi tớ phục vụ : rửa chân cho chúng ta, dọn bàn cho chúng ta, ban lời hằng sống cho chúng ta và ban chính sự sống của Ngài cho chúng ta làm của ăn để tái sinh chúng ta. Và Ngài phục vụ chúng ta như thế mỗi ngày trong Thánh Lễ.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 18-04-2024

     TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 18/04/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Bánh Hằng …

Manna: Chúa Cha lôi kéo (Thứ năm Tuần 3 Phục sinh)

  Lời Chúa: Ga 6, 44-51 Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *