Lm. Hoàng Sỹ Quý SJ.
Vấn đề đặt ra
Từ lâu đã có xã hội học (về) các tôn giáo, nhưng một tâm lý học (về) đời sống thiêng liêng thì chưa. Bởi lẽ tôn giáo mặt ngoài cũng là một hiện tượng xã hội, một hiện tượng “tự nhiên”, nên không thể không thành đối tượng nghiên cứu của khoa học, theo đúng quan niệm xưa nay về khoa học. Còn thiêng liêng hay “tinh thần”, thì đã bị những học giả khai sáng cho nền khoa học cổ điển như Descartes và Leibniz gạt ngay ra ngoài phạm vi khoa học rồi. Thế nhưng, nếu siêu nhiên tác động vào tự nhiên, nghĩa là vào vật chất và tâm trí -như trường hợp cô Robin Marthe không ăn uống suốt sáu chục năm ròng mà vẫn sống, như Thérèse de Jésus trong xuất thần có những kinh nghiệm (tuệ trí) mà tâm trí không thể tự đạt tới-, thì ắt phải có ấn tượng nào đó do siêu nhiên để lại trong tự nhiên (thân xác hay tâm hệ), mà đây là hiện tượng (của) tự nhiên, nên nó vẫn có thể thành đối tượng tìm hiểu của khoa học chứ. Trừ phi khoa học đi ngược lại tinh thần “khách quan” của khoa học bằng cách võ đoán trước là không thể có siêu nhiên hay thiêng liêng!
Thật ra, từ khi ra đời đến nay, khoa học chưa bao giờ là khoa học thuần túy cả, vì dưới cái bề mặt khoa học ấy luôn tiềm ẩn một triết lý, khi mà những nhà khai sáng khoa học cũng là triết gia luôn : họ đã triết lý về khoa học và xây dựng khoa học trên nền tảng triết lý của họ.
Triết lý khoa học, hay triết lý của thứ khoa học hôm nay
Với Roger Bacon, đối tượng nghiên cứu của khoa học là Tự nhiên (Nature), mà tự nhiên thì luôn gồm những cái vừa có chất thức (materia), vừa có mô thức hay hình thức (forma). Và như thế, đây là thế giới vật chất rồi. Vả lại, theo ông tu sỹ dòng Phan sinh này (tức R. Bacon), thì khoa học chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm có phương pháp, được hỗ trợ bởi máy móc và toán học, nên cái được nhắm vẫn chỉ có thể là hiện tượng tự nhiên thôi.
Như vậy, ngay từ đầu, ống kính khoa học đã chĩa hoàn toàn về hướng vật chất. Và nếu Descartes hay Leibniz còn nhìn nhận có thế giới thiêng liêng, nhưng gạt nó ra ngoài phạm vi khoa học, thì sau này nhiều khoa học gia lại không nhìn nhận có tinh thần hay thiêng liêng gì nữa. Vâng, con người theo họ cũng chẳng qua là một động vật siêu đẳng, do tiến hóa mà thành. Và những gì trước đây được coi là tinh thần nơi nó, như tri thức (lý tính) chả hạn, tựu trung chỉ là sản phẩm của não.
Nếu duy vật kiểu xưa, trong khoa học tri thức (sciences cognitives) nhấn vào phần chất thể (materia, matter) hay máy móc ở bộ não, thì duy vật kiểu mới, dưới ảnh hưởng mãnh liệt của tin học (informatique) hôm nay, lại vuợt qua phần cứng, để chỉ quan tâm đến hình thức (form), và đây là phần mềm hay hệ chương trình, mà các nơ rôn chỉ là trạm (relais) và chỗ dựa để chương trình chạy trên. Vâng, với họ, bộ não chẳng qua là một siêu máy tính, một hệ thống của vô số các máy tính (10 tỷ nơ rôn) được nối mạch với nhau, mà trên đó lướt đi như êm cái “logiciel” là các chương trình cùng với lề lối vận hành của chúng[1]. Việc xa rời chất thể là bộ máy để chỉ thích thú với chức năng (fonction) và chương trình làm nên chủ nghĩa hình thức (formalism) mới hôm nay.
Hình thức ư? Hình thức hay mô thức xưa kia của Tây phương là eidos hay dạng thức của sự vật, nhất là idea hay ý tưởng mà vật chất mô phỏng để thành cái nọ cái kia, mà lý trí dựa vào để biết là cái (hay loại) này thay vì cái (hay loại) khác. Còn hình thức hôm nay, trong bầu khí sặc mùi tin học, là chức năng, là phần mềm cùng với các quy tắc vận hành của nó. Để rồi, cũng như những phép lạ tin học từ đó phát sinh, chúng ta phải coi cái kỳ diệu của tri giác và lý luận, của trực giác và phát minh chỉ như thành quả xử lý thông tin bởi những chương trình chạy trên chiếc siêu máy tính là hệ nơ rôn, dưới sự dẫn dắt bên trong của lôdích toán học. Vâng, đây chỉ là sự “trồi xuất” (émergence) từ những điều kiện có trước, đúng theo thuyết nhân quả khoa học. Tình trạng đến sau có thể vượt cao hơn tình trạng trước, nhưng vẫn có liên tục giữa hai tình trạng, bởi lẽ tất cả được quyết định rất “vật lý” từ trong tự nhiên xét về mặt hình thức rồi, chứ chẳng có tác động nào từ bên trên là tinh thần cả.
*
Thế nhưng thứ triết lý tiềm ẩn trong chủ nghĩa duy vật mới nói trên chẳng phải là cái gì thêm vô từ ngoài đó sao? Theo thứ chủ nghĩa duy tự nhiên hay duy vật này, thì tri thức và mọi hiện tượng tâm lý khác được giải thích hoàn toàn trên cơ sở “logiciel”, không cần đến một tác nhân (facteur) tinh thần nào hết.
Thế nhưng nếu ý tưởng hay tri thức chỉ là hình thức, là bề ngoài thôi, thì làm sao có nội dung hay ý nghĩa đây. Vâng, robot chỉ phản ứng với tín hiệu, chứ nó đâu có tư tưởng và hiểu được ý nghĩa của các lệnh, của ngôn từ. Và nếu mỗi người là một máy tính, ắt nó phải hành động theo lệnh, theo chương trình được cài, nghĩa là không còn tự do, thì sao nó lại phải ra trước tòa án để trả lời về hành động của nó? Ngoài ra, ý thức về chính mình vốn là một cảm nhận, tức chủ quan, thì khoa học vốn khách quan đâu có thể hiểu đúng hoàn toàn về nó… Thế nghĩa là các nơ rôn hay chương trình chạy trên chúng không thể giải thích được hết hoạt động tâm trí và tâm lý nơi con người. Nhất là khi còn có tác động từ ngoài do siêu nhiên nữa.
*
Vì thế, theo tôi, phải thiết lập một cơ sở triết lý mới cho khoa học, cho cả tâm lý học như là một khoa học. Một triết lý đúng khoa học, tức triết lý khoa học, phải gạt ra ngoài mọi định kiến, trong đó có duy vật chủ nghĩa. Và như thế, phải xây dựng khoa học trên đức Thành Khổng giáo, nghĩa là hướng trọn vẹn vào sự thật, vào mọi sự thật. Và đây cũng là tinh thần khách quan đúng khách quan mà khoa học muốn chủ trương. Tôi nói “muốn” chủ trương, chứ không phải chủ trương, vì thực ra, với sẵn định kiến duy vật, khoa học không còn thuần túy khách quan nữa.
Dĩ nhiên là chúng tôi đồng ý với R. Bacon rằng phương pháp chính của khoa học là kinh nghiệm có phương pháp. Nếu không thí nghiệm được, thì đành bằng lòng với quan sát, trong đó có nội quan trong tâm lý học. Nếu phương pháp là kinh nghiệm, thì đối tượng kinh nghiệm nơi con người bằng xương bằng thịt chỉ có thể là hiện tượng tự nhiên được hiểu lại là diễn ra nơi tự nhiên, dù nguyên nhân có thể là ngoại-tự nhiên (praeter-naturalis), chứ không nhất thiết chỉ có nguyên nhân thuần túy tự nhiên thôi. Bởi lẽ, như đã nói trên, dù tác động do siêu nhiên, nơi con người thụ tiếp tác động ấy, ấn tượng vẫn là một hiện tượng “tự nhiên” (ở cơ thể hay tâm hệ). Và do đó, qua tự nhiên, chúng ta vẫn gián tiếp tìm hiểu có phương pháp về siêu nhiên được, trừ phi làm như những nhà khoa học thiếu khách quan từ trước đến giờ : mỗi khi nghiên cứu các hiện tượng dị thường như nơi cha Piô, với sẵn định kiến không có siêu nhiên, họ ngoan cố chỉ giải thích bằng nguyên nhân tự nhiên thuần túy.
*
Trước hết, nếu nhìn nhận “tự nhiên” ở con người là cả tinh thần lẫn thể xác, thì tâm lý học phải tìm hiểu đồng thời công việc “chung” trong những hoạt động hai mặt của nó, xem vai trò của mỗi bên là gì. Kế đến, khi có tác động đặc biệt của siêu nhiên như trong huyền nghiệm, huyền thị, thì chúng ta có thể nghiên cứu về cả ấn tượng để lại trong tâm hệ (le psyché) lẫn khả năng uốn theo để được thăng hoa, cũng của tâm hệ ấy. Ở đây, tôi xin phép bỏ qua liên hệ giữa tinh thần và thể xác trong các hiện tượng tâm lý tự nhiên, mà chỉ bàn về liên hệ giữa tự nhiên và siêu nhiên thôi.
Liên hệ giữa tự nhiên và siêu nhiên trong một tâm lý học thiêng liêng
Trước hết, về siêu nhiên, có thể đề cập đến vấn dề cơ bản là ân sủng. Nếu tin có ân sủng, liệu có thể nói đến một tâm lý học (về) ân sủng hay không? Ân sủng vốn thuộc lãnh vực vô thường (gratuit) và vượt trên khả năng của tự nhiên, nhưng nếu ân sủng tác động, thì mảnh đất tiếp nhận và biến đổi theo há chẳng phải là tâm hệ (psyché) con người hay sao? Để rồi cảm nhận, cũng là thụ cảm (pathos) diễn ra há chẳng làm nên một biến cố tâm lý, đối tượng tìm hiểu của tâm lý học? Biến cố hay hiện tượng này sẽ hiện rõ là một thụ cảm từ tác động siêu nhiên khi nó là huyền nghiệm (mystic experience) : linh hồn khi ấy, như Tiên sa Avila cho biết, sẽ biết bằng một thứ biết khác lạ hoàn toàn, cùng lúc cảm thấy sướng vô cùng, mà cũng khổ không gì tả nổi.
Vâng, hễ ân sủng tác động, thì tâm phải cảm thụ, do đó hoạt động thôi. Vấn đề đặt ra là : Nếu ân sủng chỉ “chạm” tới, chỉ tiếp cận tâm ở bề mặt, y như bản kẽm offset tiếp cận bề mặt giấy in, thì khi ấy hiện tượng cũng chỉ là hiện tượng riêng của tâm lý (tự nhiên) do tác động chỉ “từ ngoài” của ân sủng? Bằng như nếu nói : ân sủng không chỉ tiếp cận, mà còn thâm nhập tự nhiên luôn, thì cũng xin nhớ cho, rằng có ba bảy đường thâm nhập đấy : (a) thâm nhập mà vẫn tách riêng, như muối tuy hòa trong nước, nhưng phân tử nước và phân tử muối vẫn đứng riêng trong hỗn hợp (mélange), (b) thâm nhập kiểu tổng hợp (synthèse), như ốcxy gặp hítrô thì cả hai tan đi để phân tử nước thành hình…
Vấn đề tương quan siêu nhiên-tự nhiên nói trên từng đã được đặt ra trước đây dưới góc nhìn khác : giữa ân sủng một bên, và bên kia là tự do của con người. Cuộc tranh cãi này đã diễn ra từ nhiều thế kỷ, mà chưa giải quyết được dứt khoát. Và để nối được hai đầu : tự do trong hành động và sức quyết định của ân sủng, người ta thường phải tạo ra một yếu tố thứ ba : Tiền tác động thể lý (praemotio physica) của phe Bạez hay Tri thức trung gian (scientia media) của phe Molina,v.v.
Theo phe trên, Thiên Chúa phải tác động thể lý trước, thì người ta mới có thể chuyển từ khả năng hành động (tiềm, potentia) sang hành động thực (hiển, actus). Tiền tác động thể lý này vừa phân cách khỏi TC, vừa phân cách khỏi khiếu năng và hành động của đương sự. Với tiền tác động thể lý vừa đủ (sufficiens) thì đương sự chỉ có khả năng để làm, nhưng không làm được; còn với tiền tác động thể lý hữu hiệu, thì đương sự nhất định làm được.
Theo phe sau, thì vì TC luôn biết trước, biết bằng tri thức trung gian (scientia media), rằng trong một hoàn cảnh A chẳng hạn, hành giả nhất định sẽ chọn lựa B, nên Ngài chỉ việc tạo ra hoàn cảnh A để hành giả nhất định làm công việc B ấy.
Ngoài ra, còn có phe cho rằng : tự nhiên chỉ làm mỗi công việc là vét rỗng (khỏi ham muốn và hành vi tội lỗi), để ân sủng đổ đầy sẽ làm riêng công việc siêu nhiên của mình. Nghĩa là siêu nhiên và tự nhiên làm việc hoàn toàn riêng rẽ : chỗ nào có siêu nhiên, chỗ ấy không có tự nhiên, và ngược lại cũng vậy.
Theo tôi, về vấn đề tương quan giữa siêu nhiên và tự nhiên này, tốt nhất hãy đi vào hiện tượng đã, xem sự tương tác hai bên diễn ra thế nào, rồi mới tìm cách phân tích và giải thích sau. Để có thể giải thích, cũng theo tôi, cần nhờ đến cả kiến thức huyền học lẫn tâm lý chiều sâu. Và dĩ nhiên là giải thích ấy phải sao cho phù hợp với mạc khải.
Những biểu hiện ân sủng ở đời sống thiêng liêng đỉnh cao
Sở dĩ tôi chọn “đỉnh cao”, là vì ở đó siêu nhiên hiển hiện rõ nhất, nghĩa là biến cố không giải thích được bằng những quy luật thuần tự nhiên nữa.
Đỉnh cao trước tiên, đó là những cuộc sống lành thánh siêu phàm, những hành động anh hùng không vì một lợi danh nào cả. Và đây là cậu bé Stanislas Kostka đã đổi áo quý tộc lấy áo nông dân, vừa ăn xin vừa đi bộ 600 cây số đến Đức để gặp thánh Phêrô Canisius, và cứ thế đi tiếp 1200 cây số đến Rôma gặp thánh Inhã xin vô Dòng Tên, để rồi ly trần ngay trong Nhà tập (có lẽ vì kiệt sức) lúc chưa tròn 18 tuổi. Đây cũng là tu sỹ Isaac Jogues bị bắt làm nô lệ và suýt bị giết, sau khi trốn thoát và về Pháp rồi, lại xin cho kỳ được trở lại nơi truyền giáo cũ bên Tân thế giới giữa dân da đỏ hung dữ Iroquois, để cuối cùng bị giết luôn. Và còn là Maximilianô Kolbê hiến thân chịu chết thay cho một tù nhân không quen biết trong trại tập trung Đức quốc xã…
Dĩ nhiên là bên ngoài KTG đôi khi cũng gặp những cử chỉ anh hùng như vậy, như trường hợp Lê Lai liều mình cứu chúa với câu tuyên bố bất hủ :”Thà làm quỷ nước Nam, chẳng thà làm vương đất Bắc!” Thế nhưng anh hùng thật thì rất hiếm, ức vạn người chưa chắc có một. Chứ phần đông đều có thể “giả anh hùng” khi, nhất thời vì hiếu thắng hay căm thù, người ta có thể “liều một phát”. Trái lại, những vị thánh đúng thánh như Maximilianô Konbê là những kẻ khiêm nhường: “không muốn tay trái biết việc tay phải làm”, và hiền từ: không thể ghét hận ai, nhưng sẵn sàng “làm ơn cho kẻ làm hại ta” và “cởi luôn áo trong cho ai muốn tước đoạt áo khoác”. Vâng, chính ân sủng đã biến cải tâm hồn những con người ích kỷ, đầy dục vọng, tham vọng trần thế như Augustin, Phan sinh Assisi, Phan sinh Xaviê thành những con người tuyệt vời như thế đấy.
Hiệu quả ân sủng sẽ càng rõ hơn nữa trong huyền nghiệm, nhất là ở trạng thái xuất thần khi mọi khiếu năng (facultas) đều bị treo, ngưng: trí hiểu, trí nhớ, trí tưởng tượng theo Tiên sa Avila, và theo tôi, phải thêm cảm tính nữa. Thực ra, đây không phải là treo ngưng, hay ngủ theo tiếng gọi của Tiên sa Giêsu, mà là tập trung, bị cuốn hút hoàn toàn bởi Thiên Chúa, khiến không còn biết chi hết. Thậm chí giác quan cũng thế, và đời sống thực vật cũng chậm hẳn lại, đương sự dường như chết đến nơi. Và tình trạng có thể kéo dài hăm bốn tiếng đồng hồ. Thế mà sức khoẻ tâm sinh lý lại không hề hấn chi, và hiệu quả thật lạ : một an định vô cùng sâu xa với một hoan lạc không thể diễn tả. Lại nếu có huyền thị (vision), thì đây là huyền thị tuệ trí, vượt trên khả năng hiểu biết của lý trí.
Thế nghĩa là tác động từ siêu nhiên quá mạnh, vượt xa trên khả năng tiếp thu của tự nhiên, nhưng tự nhiên lại được nâng cấp để đủ khả năng nhận lấy, đồng thời biến đổi theo, như không còn là tự nhiên nữa; chứ nếu không, chịu tác động mạnh đến thế, tâm sẽ điên loạn và xác cũng tiêu luôn. Và đây cũng là trường hợp Mang năm dấu thánh của những người như Cha Piô : mang năm vết thương chí mạng của Chúa Giêsu, cùng với những đau đớn khủng khiếp của Chúa đi kèm, mà không phải chỉ mấy giờ, nhưng suốt mấy chục năm, cho đến chết.
Quả thật, siêu nhiên có thể “biến chất” tự nhiên để siêu nhiên hóa tự nhiên theo mình, như nên một với chính mình vậy, không còn chi phân cách. Nhất là trong Hôn nhân thiêng liêng. Trong xuất thần, hình như tự nhiên không còn làm việc nữa, mà siêu nhiên thế chỗ hoàn toàn. Chứ sang đến hôn nhân thiêng liêng, thì hành giả trở về với sinh hoạt bình thường, sống rất tự nhiên, mà đồng thời cũng rất siêu nhiên khi sống bằng “phần thượng của linh hồn”, như Tiên sa Avila cho biết, nghĩa là để siêu nhiên làm đầu tầu, lôi hết đoàn tầu tự nhiên đi theo, như thể tự nhiên đã biến mất trong siêu nhiên rồi vậy.
Từ đó, một cố gắng giải thích
Tự nhiên xem như biến thành siêu nhiên như thế khiến chúng ta nghĩ đến tình trạng Đức Giêsu Nadarét. Ngài là Thiên Chúa và con người một lượt, chứ không phải Thiên Chúa riêng, con người riêng, rồi hai bên liên minh, liên kết với nhau đâu. Nghĩa là Ngài sống siêu nhiên một cách tự nhiên thuần túy (purement) : sống bằng cuộc sống duy nhất dưới cả hai mặt siêu nhiên và tự nhiên của nó trong mọi sinh hoạt có ý thức của Ngài.
Nơi con người có ân sủng, sẽ diễn ra một cuộc sống ăn theo giống thế khi hồn được Thánh Thần cấy ghép vào Chúa Kytô (như ngành nho nơi gốc nho) để nên con Thiên Chúa. Ân sủng cũng là một thực tại hai mặt gần như vậy : (1) mặt chủ tạo hay vô tạo : Thiên Chúa tự thông ban chính mình cho hồn để thành của hồn, (2) mặt thụ tạo nó là chính hồn được thiên chúa hóa (2Phr.1.4) do sự gặp gỡ nói trên.
Có điều, chẳng thấy có chi thay đổi nơi một đứa bé sau khi chịu phép rửa, nghĩa là bắt đầu có ân sủng. Tôi không nói người lớn, vì một người lớn có thể đã tin Chúa và sống Tin mừng một cách sâu xa, do đó có ân sủng ngay cả trước khi chịu phép rửa rồi. Thậm chí dù không biết Chúa, nhưng luôn cố sống theo lương tri, thì nhờ đó cũng có thể nhận được ân sủng để có khả năng hy sinh lớn kiểu Lê Lai hay hơn nữa.
Nếu một đứa bé dù có ân sủng cũng không có biểu hiện gì của ân sủng cả, thì ắt ân sủng phải nằm trong vô thức[2], và Tín-vọng-ái thiên phú đi kèm cũng chỉ mới có đó trong khiếu năng (facultas) như một mầm mống hay khuynh hướng chìm thôi. Thường thì đương sự phải học hỏi tín lý và sống Tin mừng, thì rồi các đức thiên phú mới mọc lên thành cây, thành khuynh hướng, nghĩa là tỏ lộ dần trong đời sống.
Trong giai đoạn bắt đầu này, rất khó nhận ra đâu là phần của ân sủng, đâu là phần của tự nhiên, vì nhìn đâu cũng thấy nguyên nhân tự nhiên trong mọi cảm xúc thiêng liêng và hành vi đạo đức của ta. Vâng, nếu tôi cảm thấy cầu nguyện sốt sắng, thì đó là do nghe một bản thánh nhạc du dương hay một bài thuyết giáo sâu sắc,v.v. Và nếu tôi trở nên bác ái hơn, thì đó cũng là do công phu tập luyện lâu ngày. Quả thế, trong giai đoạn chiêm niệm thủ đắc (contemplation acquise) và đức hạnh thủ đắc, tự nhiên hiển lên rất rõ, như tác động của biệt phân giới tính khiến người đức hạnh dễ mến Đức Mẹ nếu là nam, và mến Chúa Giêsu hay thánh Giuse nếu là nữ. Trong khi ấy, siêu nhiên chỉ tiềm ẩn hay thấp thoáng đằng sau những tác nhân (facteur) tự nhiên thôi.
Phải chờ đến khi đắc thủ phát triển đến độ chót của nó, Thánh Thần mới đưa thiên phú vào cuộc trực tiếp, để siêu nhiên làm chủ hoàn toàn và lộ nguyên hình trong huyền nghiệm. Vâng, thế nào cũng ít nhiều có huyền nghiệm khi các đức thiên phú (tín-vọng-ái…) vào cuộc trực tiếp như thế. Hậu quả sẽ là những biến đổi kỳ diệu trong tâm hồn và cuộc sống. Trước đây, dù cố gắng đến đâu, anh vẫn còn tự ái và tư kỷ rất nhiều; nhưng nay thì với đức Ai thiên phú chiếm lĩnh hoàn toàn, anh chỉ còn biết sống vì Chúa và vì anh em, bất chấp hết. Với một số thánh, cám dỗ về khiết tịnh cũng mất luôn.
Xem như thế, nơi con người, phát triển thiêng liêng bắt đầu nặng về tự nhiên, để sau đó mới nghiêng dần về phía siêu nhiên. Bởi thế để khởi sự, người ta phải vất vả học tập giáo lý và làm lành lánh ác, dĩ nhiên là với sự trợ lực từ trong của Tín-vọng-ái còn trong mầm mống, xem như khá yếu ớt. Nhờ sự hợp tác đó mà siêu nhiên lớn mạnh lên dần dần. Sự kết hợp đôi bên này làm nên cái mà thần học gọi là Sống nghiệm huyền ẩn đức tin (mystique expérientielle de foi). Chính trong khuôn khổ nội ngoại của sống nghiệm huyền ẩn đức tin mà huyền nghiệm chính danh sẽ diễn ra khi Thánh Thần vào cuộc trực tiếp, do đó đối tượng huyền nghiệm có thể là một, nhưng sống và hiểu về huyền nghiệm lại khác nhau tùy theo giáo dục và văn hóa của hành giả.
Khi Thánh Thần vào cuộc trực tiếp như thế, thì con tầu cuộc sống sẽ hoàn toàn do Ngài lái, và con người chỉ còn cách buông theo tác động êm ái của Ngài thôi. Vâng, siêu nhiên đã làm chủ, đã cải hóa tự nhiên theo mình, để như không còn thấy bóng dáng tự nhiên đâu nữa.
Như thế, nếu nơi nhân tính Chúa Giêsu, siêu nhiên thành một với tự nhiên một cách hoàn hảo : tự nhiên thành siêu nhiên do bản tính Ngài (qua mầu nhiệm vị hiệp, unio hypostatica), thì nơi con người chúng ta, tự nhiên chỉ được siêu nhiên hóa từ từ, và siêu nhiên hóa do ân huệ thôi, nên với nhiều cấp độ khác nhau và không toàn vẹn được.
Có điều, cũng như ân sủng vừa là chính Thiên Chúa ở chỗ Ngài tự thông ban mình cho tôi, vừa là chính tôi được thần thánh hóa do sự gặp gỡ ấy, thì đời sống thiêng liêng cũng một mặt là do tác động của ân sủng, mặt kia là do cố gắng của tự nhiên đã được siêu nhiên hóa, nghĩa là được nâng lên và tăng cường bởi siêu nhiên, khiến tôi có thể cảm, nghiệm hay làm được cái mà tự sức tôi không thể, đồng thời hành vi của tôi mang một giá trị vượt trên tự nhiên, mà tự nhiên không thể đạt tới. Chính vì thế, hành vi siêu nhiên vừa hoàn toàn là của Chúa, vừa hoàn toàn là của tôi, dưới hai diện khác nhau.
Nói rõ hơn, nơi tôi, ân sủng vừa tác động vào tự nhiên vừa nâng tự nhiên lên, biến nó thành một với mình. Thế nhưng ân sủng vẫn có thể mất, mất ở mặt vô tạo (Thiên Chúa rời bỏ hồn) thì cũng mất ở mặt thụ tạo luôn, do đó siêu nhiên không thành một với tự nhiên một cách thuần túy như nơi con người Chúa Giêsu. Sự kết hợp siêu nhiên-tự nhiên còn diễn ra ở những mức độ khác nhau nữa, tùy theo tác động của ân Chúa và sự cộng tác của đương sự. Có điều bao lâu còn ảnh hưởng của ân sủng, thì đời sống nội tâm ít nhiều vẫn diễn ra dưới cả hai mặt siêu nhiên và tự nhiên, không phân cách. Nhờ đó phải nói đến một tâm lý thiêng liêng, không hẳn tự nhiên cũng không siêu nhiên thuần túy. Và đây phải là đối tượng tìm hiểu của một Tâm lý học thiêng liêng vậy.Vâng, phải có một tâm lý học thiêng liêng, khi mà tâm lý học thường, tức tự nhiên, chỉ có thể giải thích biến động tâm lý bằng những nguyên nhân tự nhiên, trong khi ở đây còn có tác động siêu nhiên, nên huyền kỳ, của ân sủng nữa.
Nếu tâm lý tự nhiên không thể không hoạt động trong quy luật, thì tâm lý thiêng liêng lại nằm dưới tác động “hứng đâu thổi đấy” của Thánh Thần Khí, nên hoạt động chỉ còn trong quy luật phần nào thôi. Do đó tâm lý học thiêng liêng không thể tiên liệu trước tất cả những gì sẽ xảy đến.
Tâm lý học thiêng liêng : đối tượng và phương pháp
Đúng là có một tâm lý thiêng liêng, nó không thể là đối tượng tìm hiểu của tâm lý học xưa nay vốn chỉ giải thích bằng những nguyên nhân tự nhiên. Vâng, ở thiêng liêng, không chỉ có ảnh hưởng của quy luật tự nhiên, mà còn tác động của siêu nhiên nữa. Do đó, cần đến một tâm lý học thiêng liêng nó nghiên cứu về những hiện tượng tâm lý không hoàn toàn tự nhiên, cũng không siêu nhiên thuần túy. Và nếu tâm lý gia chỉ giải thích bằng khoa học suông, cũng như người sùng đạo chỉ biết đến ân Chúa, thì cả hai đều xa lìa sự thật.
Quả thật, chúng ta phải đếm xỉa đến cả hai mặt tự nhiên và siêu nhiên của mỗi biến cố tâm lý thiêng liêng, nó đi từ Nặng về tự nhiên trong giai đoạn thủ đắc, đến Nặng về siêu nhiên trong giai đoạn thiên phú, thế nhưng cả hai yếu tố (tự nhiên và siêu nhiên) đều luôn có mặt. Vậy tâm lý gia phải nghiên cứu về tương tác giữa đôi bên, cố tìm ra quy luật và hướng tiến nói chung.
Không những đối tượng tâm lý học thiêng liêng là các biểu hiện tâm lý của ân sủng, mà còn là cách thức tâm hệ tiếp nhận và biến cải theo siêu nhiên như thế. Vâng, thánh Tôma nói đến một thứ Năng lực thuận nhận (potentia oboedientialis) của hồn để nó có thể đón nhận chính Thiên Chúa tự thông ban cho nó và để được thần thánh hóa bởi sự tiếp xúc ấy. Đó là mặt tĩnh của năng lực thuận nhận. Nó cần được bổ túc bằng mặt động, hay sự biến đổi, được nâng cao về giá trị và khả năng, cũng như năng động (dynamisme) khác lạ của hồn để sống và hành động theo siêu nhiên, hành động một cách rất siêu nhiên, có lúc như không còn gì là tự nhiên nữa.
*
Ai chẳng biết Thánh Thần “hứng đâu thổi đấy”, nên không thể đặt hành động của Ngài trong khuôn thước của những quy luật khe khắt được. Có điều tìm hiểu về tiến trình nên thánh của những tâm hồn đặc biệt, người ta vẫn phát hiện một cách thức làm việc nào đó của Thiên Chúa, nhờ thế vạch ra được những khuôn thước cho việc sống đạo ở mỗi giai đoạn và hoàn cảnh. Nghĩa là vẫn có những quy luật của đời sống thiêng liêng, nhưng với đường nét 1ờ mờ thôi, không rõ ràng và dứt khoát như quy luật lý, hóa.
Vâng, chỉ có thể so sánh với quy luật xã hội học. Tuy đời sống xã hội biến đổi khó lường, nhưng người ta lại không thể mở một hãng bảo hiểm mà không tính trước được xác suất (probability) các tai nạn, xác suất chỉ có được với những con số lớn. Nghĩa là quy luật thì vẫn có, nhưng rủi ro thì vẫn còn trong từng trường hợp cụ thể.
Cách làm việc của Thánh Thần cũng thế. Ngài có đường lối làm việc của Ngài, nhưng Ngài không luôn luôn làm theo đường lối ấy. Thí dụ : Ngài thường đến với linh hồn qua phép rửa, nhưng đôi khi dù chưa chịu phép rửa, có người vẫn xuất thần mà chúc tụng Thiên Chúa bằng tiếng lạ được (Tđcv.10.44tt.).
Bởi thế, vừa phải nghiên cứu rất nhiều trường hợp để có thể phác họa nên những quy luật tổng quát, vừa không nên nghĩ rằng nhất định Thần Khí Chúa phải làm như thế, như thế trong một trường hợp cụ thể nào đó. Về chiêm niệm, thánh Tiênsa Avila và thánh Gioan Thánh giá đã phác họa được một tiến trình, từ An tĩnh qua Hoàn hiệp và Xuất thần đến Hôn nhân thiêng liêng, xuyên qua Đêm tối giác cảm và Đêm tối tinh thần. Nhưng cần tìm đến kinh nghiệm của nhiều thánh nhân nữa để có được một cái nhìn tổng quát hơn, do đó cũng xác đáng hơn. Còn về hành động, thì một mặt phải tìm đến kinh nghiệm của các thánh hoạt động, mặt khác lấy kinh nghiệm của đời sống chiêm niệm mà suy diễn ra.[3]
Nếu trong giai đoạn thủ đắc, phải tập trung vào những quy luật của tâm lý tự nhiên, dù vẫn lưu ý đến tác động mờ ẩn của ân sủng, thì trong giai đoạn thiên phú khi xem như chỉ còn hoạt động của Thánh Thần thôi, cũng đừng quên rằng Thánh Thần không thể hoạt động mà không trong khuôn văn hóa và giáo dục của mỗi tâm hồn. Chính vì thế, mà đối tượng kinh nghiệm huyền bí của một Phật tử lành thánh có thể là chính Thiên Chúa của chúng ta[4], nhưng người này lại nhìn ra như một bồ tát nào đó chẳng hạn. Còn bằng chứng rõ ràng, đó là kinh Magnificat của Đức Maria. Lời lẽ của kinh đầy hương vị Cựu ước, nhưng tâm hồn cô thôn nữ Nadaret lại đã rất Tân ước rồi khi cô “không biết đến đàn ông” (Luc.1.34), mà đây là “làm hoạn nhân (tự nguyện) vì Nước Trời)” (Mt.19.12); hay khi, đầy tinh thần vị tha Phúc âm, cô dám một thân vượt đường trường cả trăm dặm đến phục vụ Elidabet, hay ân cần tìm hết cách gỡ rối cho đám cưới Cana thiếu rượu…
[1] Xx. Jean-Michel Maldamé, Faut-il avoir peur des sciences cognitives?, trong Etudes Janvier 2002, tr. 52tt.
[2] Khám phá Vô thức của Freud và Jung giúp chúng ta hiểu hơn về hoạt động của ân sủng vốn khởi nguồn từ vô thức.
[3] Xx. Hoành sơn, Thần học thiêng liêng II, ch.30.
[4] Nếu sống tốt theo lương tri, dù Phật tử cũng được cứu độ, và cứu độ do Chúa Kytô, do đó gặp gỡ Ngài (một cách khiếm khuyết) trong vô thức của mình.