[Đặc nét Inhã] Thánh Inhã – Chiến sĩ của Chúa Kitô

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

Inhaxiô Loyola, tên lúc rửa tội là  Iñigo López de Oñaz y Loyola, sinh ngày 23/10/1491 tại AzpeitiaGipuzkoaCrown of Castile, là con út trong gia đình có 13 anh chị em. Năm 17 tuổi Iñigo theo binh nghiệp. Năm 30 tuổi (20/05/1521) trong trận chiến với người Pháp, Ngài bị trúng đạn vào chân phải, và rồi về Loyola dưỡng thương. Ngài được ơn trở lại dịp đó.

Sau khi vết thương lành, Ngài đi Giêrusalem hành hương. Trên đường Ngài đã ghé thăm tượng Đức Mẹ (đen) của đan viện Biển Đức trên núi Montserrat, cầu nguyện suốt đêm và dâng kiếm cho Mẹ ngày 25/03/1522. Sau đó, Ngài ở lại Manresa, một làng gần đó, cầu nguyện gần một năm. Đây là thời điểm Inhaxiô nói Thiên Chúa đã dạy Ngài như người thầy dạy học trò (Tự Thuật, 27), và đây chính là kinh nghiệm Linh Thao của Inhaxiô.

Thánh Inhaxiô Loyola được tuyên bố là thánh bổn mạng của các cuộc cấm phòng (ĐGH Piô XI, năm 1922) và của các binh sĩ. Vì Ngài đã là hiệp sĩ, đã sống đời binh nghiệp, nên có người cho rằng thánh Inhaxiô hành xử như môt người lính, chiến sĩ của Chúa Kitô.

Thái độ của Inhaxiô trong bài Tiếng Gọi Vua Hằng Sống

Với bài cầu nguyện “Tiếng gọi vua đời tạm giúp chiêm ngắm cuộc đời Vua hằng sống” trong Linh Thao, thánh Inhaxiô đề cập tới người hiệp sĩ sẽ bị coi thường nếu không đáp trả tiếng gọi của “Vua đời tạm” (LT 94), và như vậy, mọi kẻ có lương tri đều sẽ dâng trót cả con người mình để phục vụ “Vị vua hằng sống” dù khó nhọc gian lao vất vả (LT 96). Họ phải sẵn sàng thưa: “Lạy Chúa Hằng Sống của muôn loài, nhờ ơn và sự trợ giúp của Chúa, con xin tiến dâng chính mình con lên trước lòng nhân từ vô biên Chúa và trước mặt Mẹ vinh hiển Chúa cùng tất cả các thánh nam nữ của triều đình thiên quốc, ấy là con mong muốn và ước ao, và sau khi suy xét, con quyết tâm bắt chước Chúa chịu mọi xỉ nhục, mọi khinh chê và mọi nghèo khó thực sự cũng như trong lòng, miễn là điều ấy phụng sự và làm vinh danh Chúa hơn, nếu Chúa muốn chọn và nhận con vào đời sống và bậc ấy” (LT 98).

Vị Vua Hằng Sống, Đấng đã chết vì tôi, chết thế cho tôi, mời gọi tôi giúp Ngài, cộng tác với Ngài, để cứu độ con người hôm nay. Ngài cần tôi giúp Ngài. Trong tuần thứ nhất của Linh Thao, thao viên đã nhìn Đức Giêsu nằm trên thập giá và tự hỏi mình: tôi đã làm gì cho Chúa, tôi đang làm gì cho Chúa (LT 53). Vị vua đã yêu thương tôi, đã chịu cực khổ đã chết vì tôi và chết thế cho tôi, chính Ngài mời gọi tôi cộng tác với Ngài chinh phục lương dân, cứu độ con người, mà tôi đành từ chối sao? Vâng, tôi phải đáp trả lời mời gọi của Vua Hằng Sống. Một người có lương tri, phải quảng đại đáp trả lời mời gọi của Đấng đã yêu thương ìinh và chết cho mình.

Tôi phải làm gì? Tôi phải dâng cho Ngài tất cả con người tôi. Tôi phải sẵn sàng ăn, uống, mặc như Chúa; phải sẵn sàng chấp nhận xỉ nhục khinh chê, vất vả sớm hôm, lao nhọc với Vua Hằng Sống để chinh phục thế gian, để cộng tác với Ngài cứu độ con người. Đây là thái độ đáp trả của Inhaxiô đối với lời mời của Đức Giêsu, của Thiên Chúa.

Thái độ của thánh Phaolô đối với Đức Giêsu Kitô

Nơi Inhaxiô, chúng ta cũng thấy phần nào nét sống và chọn lựa của thánh Phaolô.

Cùng chết với Đức Kitô để cùng sống lại với Người. Thánh Phaolô nơi thư gởi Timothê viết: “11 Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. 12 Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người… 13 Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính minh” (2Tm 2: 11-13).

Với thánh Phaolô, biết Đức Giêsu, là mối lợi tuyệt vời. Một Phaolô nhiệt thành với Do Thái giáo đến độ hăng say bắt bớ các Kitô hữu tiên khởi, bị té ngựa trên đường đi Damas, đã trở thành con người khác. Mọi sự đều như rác rưởi trước cái lợi tuyệt vời là biết Đức Giêsu Kitô. Cả cuộc đời còn lại của Phaolô là loan báo Tin Mừng: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cor 9:16). “Thiên Chúa không sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi loan báo Tin Mừng” (1Cor 1:17). Sở dĩ vậy vì biết Đức Giêsu, người ta sẽ được bình an, tươi vui, triển nở, hạnh phúc. Biết Đức Giêsu, người ta sẽ được tất cả trong Thiên Chúa.

Đức Giêsu là mẫu mực, là lý tưởng sống của Inhaxiô và của thao viên

Khao khát nên giống Đức Giêsu, đồng hình đồng dạng với Ngài, chấp nhận chịu mọi xỉ nhục và khinh chê mà Inhaxiô nài xin, không phải là thái độ của một người bồng bột, nông cạn, nhưng là thái độ của một người tự do, suy xét chín chắn, chọn lựa bước theo và đáp trả lời mời gọi của Vua Hằng Sống, của Đức Giêsu, Chúa của Inhaxiô. Chúa Giêsu đã bị xỉ nhục khinh chê, thì vì yêu mến Đức Giêsu, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận xỉ nhục khinh chế như Ngài.

Thái độ của Inhaxiô và của những thao viên trong bài “Tiếng Gọi Vua Hằng Sống” mang nét dứt khoát bước theo Chúa Kitô, có thể là thái độ của hiệp sĩ hay người lính, nhưng chúng ta cũng có thể nhận ra đây là thái độ của người đã-chết-được-cứu-sống, của người cảm phục và yêu mến Đấng đã cứu mình, của người chọn Thiên Chúa trên hết.

Ý của Thiên Chúa là trên hết. Vì thế, xin cho mỗi người chúng ta nhận ra tiếng Chúa mời gọi cộng tác với Ngài cứu độ con người, và xin cho chúng ta quảng đại đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu, Vua Hằng Sống. Xin cho chúng ta ao ước nên giống Đức Giêsu, trong suy nghĩ, phán đoán, chọn lựa, và yêu thương như Ngài.

AMDG

AD MOJOREM DEI GLORIAM

CHO VINH DANH CHÚA HƠN

Kiểm tra tương tự

App Hành hương Dòng Tên có phiên bản tiếng Việt

App Hành hương Dòng Tên (Jesuit Pilgrimage), được phát hành từ cuối năm 2022 để …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *